Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số

01/05/2022 09:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo Statista, thị trường thương mại điện tử (TMĐT) bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025.

Theo báo cáo của Tập đoàn Google và Temasek, tại Việt Nam, cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số và hết năm 2021 đã có 53 triệu người tiêu dùng số. Việt Nam cũng được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026 theo nghiên cứu của Facebook và Bain & Co.

Hiện trạng phát triển TMĐT Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới

Trong báo cáo nghiên cứu “SYNC Đông Nam Á” thực hiện bởi Facebook và Bain & Company đã gợi mở nhiều góc nhìn về công cuộc chuyển đổi số (CĐS) đang bùng nổ ở khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là tại Việt Nam, qua những điểm nhấn nổi bật về xu hướng hành vi người dùng tại các thị trường và triển vọng tiêu dùng sau đại dịch.

Báo cáo đã nhận định Việt Nam được dự đoán có tốc độ tăng trưởng bứt phá trong khu vực với ước tính cứ 7 trong số 10 người tiêu dùng đều được tiếp cận kỹ thuật số và Việt Nam hiện có 53 triệu người tiêu dùng số vào cuối năm 2021. Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa TMĐT ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với năm 2021. Số danh mục hàng hóa mà người tiêu dùng Việt Nam mua sắm trực tuyến đã tăng 50%, số gian hàng online được mua cũng tăng 40%, kéo theo mức tăng 1,5 lần tổng chi tiêu bán lẻ trực tuyến trên cả nước so với năm 2020.

Đại dịch COVID-19 đã dẫn đến sự thay đổi lớn trong cách người tiêu dùng Việt Nam mua sắm với việc các kênh trực tuyến đóng vai trò ngày càng lớn trong từng chặng của hành trình mua sắm như: khám phá, đánh giá và mua hàng, thể hiện qua tỷ lệ sử dụng kênh trực tuyến tương ứng trong từng chặng lên tới 81%, 84% và 56%, cao hơn hẳn tỷ lệ sử dụng các kênh trực tiếp. Số nền tảng trực tuyến mà người tiêu dùng trực tuyến ở Việt Nam tăng nhanh với việc 49% người tiêu dùng đã chuyển đổi lựa chọn trang TMĐT trong vòng 3 tháng qua, dựa trên các cân nhắc về ưu đãi giá (45%), chất lượng sản phẩm (34%) và mức độ sẵn có của hàng hóa (33%). 

Đặc biệt, lần đầu tiên việc thanh toán sử dụng tiền mặt đã có sự sụt giảm đáng kể từ 60% trong 2020 xuống còn 42% năm 2021. Sức hút mạnh mẽ từ các hình thức hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phản ánh qua mức tăng sử dụng ví điện tử lên đến 82% và tăng chuyển khoản ngân hàng lên tới 18%. Tính an toàn, riêng tư và mức phí dịch vụ là 3 mối quan tâm chính của người tiêu dùng Việt Nam khi cân nhắc các loại hình thanh toán này. 

Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số - Ảnh 1.

Hình 1: Dự báo mức tăng trưởng giá trị hàng hóa thương mại điện tử các nước khu vực Đông Nam Á và Việt Nam (Nguồn: Báo cáo nghiên cứu “SYNC Đông Nam Á”, Facebook và Bain & Co)

Kết quả khảo sát năm 2021 cho thấy 5 hoạt động trên không gian trực tuyến được người tiêu dùng Việt dành nhiều thời gian nhất chính là mạng xã hội, nhắn tin, xem video, TMĐT và gửi email. Việc ăn uống và mua sắm online tại nhà sẽ tiếp tục được duy trì đều đặn, chiếm tương ứng 84% và 78% thời gian của người tiêu dùng. Mạng xã hội đã trở nên hòa nhập vào cuộc sống hàng ngày của hầu hết người Việt Nam cùng với tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet ngày càng tăng của Việt Nam. Nhờ có dân số trẻ, hiểu biết về kỹ thuật số và có tính kết nối cao, Việt Nam nằm trong TOP 15 các quốc gia có số lượng người dùng mạng xã hội cao nhất trên toàn thế giới (hạng 12/15). 

Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số - Ảnh 2.

Hình 2: Ứng dụng truyền thông xã hội hoạt động hàng đầu trong số người dùng Internet tại Việt Nam tính đến quý 4 năm 2021

Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cũng tích cực sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam như là nguồn thông tin, phương tiện truyền thông thương hiệu, nền tảng quảng cáo và thậm chí là thị trường của các thương hiệu và người tiêu dùng trên toàn cầu. Tại Việt Nam, các chiến lược dựa trên mạng xã hội như tiếp thị người ảnh hưởng và thương mại xã hội là điều cần thiết đối với nhiều DN để nắm bắt thị trường. Mặt khác, thương mại xã hội biến các nền tảng này thành các kênh bán và mua trực tiếp hỗ trợ tương tác trực tiếp giữa những người tham gia cho thấy tiềm năng của mạng xã hội như một điểm dừng chân trong tương lai của người Việt Nam. 

Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số - Ảnh 3.

Hình 3: Số lượng người dùng mạng xã hội ở một số quốc gia được chọn vào năm 2021 và 2026 (ĐVT: triệu người dùng)

Có thể thấy rõ một số lượng lớn người tiêu dùng Việt tiếp cận kỹ thuật số và thực hiện mua sắm online với nhiều chủng loại hàng hóa khác nhau. Khám phá sản phẩm và mua sắm online đã trở thành một hoạt động hết sức tự nhiên trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Vì vậy, CĐS cần được tăng tốc để đáp ứng nhu cầu thị trường cũng như giúp DN củng cố quan hệ với khách hàng. Ngày càng nhiều DN tại Việt Nam thiết lập hệ sinh thái số trên các nền tảng trực tuyến, bao gồm thương mại trên mạng xã hội, TMĐT, các sàn giao dịch và tích hợp dữ liệu.

Theo Statista, thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam được dự báo tăng 300%, từ 13 tỷ USD năm 2021 lên 39 tỷ USD vào năm 2025. Lý giải cho sự tăng trưởng này, báo cáo ghi nhận động lực đến từ xu hướng mua sắm hàng bách hóa trên sàn TMĐT, sự gia tăng về số lượng nhà bán hàng mới (đồng nghĩa với việc ngày càng nhiều nhà bán mong muốn phát triển kinh doanh trên kênh online), và sự hưởng ứng của người dân dành cho các hoạt động Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí). Đặc biệt, sự đầu tư mạnh vào các hệ thống logistics (hậu cần) nội bộ đã giúp các nền tảng TMĐT giải được bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng hóc búa trong năm qua. 

Năm 2021, người dân đã thay đổi nhiều thói quen và hành vi tiêu dùng khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian trên các nền tảng TMĐT hơn, và sẵn sàng đặt đơn hàng có số lượng và giá trị lớn hơn. Cụ thể, 58% người tiêu dùng Việt Nam cho rằng họ sẽ tiếp tục mua sắm hàng bách hóa trên nền tảng TMĐT bởi sự tiện lợi và thói quen này sẽ vẫn duy trì với 53% thừa nhận rằng mua hàng bách hóa trực tuyến đã trở thành một phần trong cuộc sống của họ. 

Bên cạnh đó, người tiêu dùng Việt Nam cũng sẵn sàng chi tiêu trực tuyến nhiều hơn. Báo cáo của Lazada cho thấy các nền tảng TMĐT thu hút nhiều nhà bán hàng hơn, đặc biệt từ ngành hàng tiêu dùng nhanh FMCG. Đồng thời, số lượng nhà bán hàng mới ở các khu vực phi thành thị cũng tăng đáng kể trong 11 tháng đầu năm 2021, có tới 40% nhà bán hàng mới trên nền tảng này đến từ các khu vực phi thành thị.

Hình thức Shoppertainment - chiến lược mua sắm kết hợp giải trí - với nhiều hoạt động đa dạng như livestream, đánh giá sản phẩm thực tế, chính là “chìa khóa” giúp thương hiệu và nhà bán hàng tháo gỡ được nút thắt này, từ đó thúc đẩy doanh thu. Trong báo cáo quý 4/2021 của Iprice thì TOP 12 các DN TMĐT Việt Nam có lượng truy cập trung bình là khoảng 25 triệu lượt/tháng (xem Bảng 1), trong đó dẫn đầu là Shopee (89 triệu lượt/ tháng), Lazada (20.6 triệu/tháng), TIKI (17,8 triệu/tháng), Sendo (5 triệu/tháng); riêng hệ sinh thái thegioididong đạt 89 triệu/tháng (bằng Shopee và gấp 4,5 lần Lazada, 5 lần TIKI, 18 lần Sendo). 

Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số - Ảnh 4.

Bảng 1: Bảng xếp hạng các doanh nghiệp TMĐT hàng đầu tại Việt Nam (Quý 4/2021) (Nguồn: https://iprice.vn/insights/mapofecommerce/)

Những điểm yếu cần khắc phục của TMĐT Việt Nam

Case study 1: Người mua khiếu nại với Sàn TMĐT với hàng hóa giả/nhái/hư hỏng/kém chất lượng; trả hàng/ hoàn tiền như thế nào?

Quy trình giải quyết tranh chấp/xử lý khiếu nại của shopee

Shopee là sàn TMĐT bán hàng có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam, người mua khi gặp phải các vấn đề với hàng hóa, dịch vụ mà phát sinh các tranh chấp và khiếu nại thì Shopee khuyến khích giải pháp thương lượng, hòa giải giữa các bên để đạt được sự đồng thuận về phương án giải quyết. Nếu hai bên không thể thương lượng với nhau và yêu cầu Shopee đứng ra giải quyết vụ việc. Quyết định của Shopee là quyết định cuối cùng. Tranh chấp hoặc khiếu nại sẽ được Shopee xử lý theo trình tự sau:

+ Bước 1: Để tạo khiếu nại yêu cầu Trả hàng/Hoàn tiền tới Shopee, người mua cần bấm khiếu nại ngay trong trang “Mua hàng”, mục “Đơn Mua”. Hệ thống sẽ ghi nhận khiếu nại này của Người Mua. Việc tạo khiếu nại Trả hàng/Hoàn tiền là để Shopee tạm giữ khoản tiền hàng cần thanh toán cho Người Bán lại cho đến khi giải quyết xong. Các tranh chấp không phải là khiếu nại Trả hàng/Hoàn tiền có thể được gửi đến cho Shopee qua https://help.shopee.vn/vn/s/ contactusform hoặc Tổng đài hỗ trợ: 19001221.

+ Bước 2: Bộ phận Chăm sóc khách hàng của Shopee sẽ tiếp nhận các yêu cầu của người khiếu nại/các bên tranh chấp. Shopee sẽ có biện pháp cụ thể hỗ trợ người khiếu nại/ các bên tranh chấp để giải quyết tùy theo tính chất và mức độ của vụ việc.

+ Bước 3: Khiếu nại Trả hàng/Hoàn tiền được xử lý theo Chính sách trả hàng và hoàn tiền của Shopee. Đối với các tranh chấp không phải là khiếu nại trả hàng/hoàn tiền, Shopee yêu cầu các bên tranh chấp cung cấp đầy đủ thông tin/tài liệu liên quan đến vụ việc, và đưa ra hướng giải quyết dựa trên các thông tin/tài liệu thu thập được trong vòng 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ các thông tin/ tài liệu có liên quan đến vụ việc.

+ Bước 4: Trong trường hợp nằm ngoài khả năng và thẩm quyền của Sàn giao dịch TMĐT, Shopee sẽ yêu cầu các bên tranh chấp đưa vụ việc ra giải quyết tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Shopee tôn trọng và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi của khách hàng (người tiêu dùng). Các nhà bán hàng trên sàn Giao dịch TMĐT Shopee cần cung cấp đầy đủ, chính xác, trung thực và chi tiết các thông tin/tài liệu liên quan đến sản phẩm. Mọi hành vi lừa đảo, gian lận trong kinh doanh đều bị lên án và phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật. (Nguồn: https://shopee.vn/docs/6983)

Nhìn quy trình bốn bước nói trên, có một số vấn đề cần đặt ra: Thứ nhất, các tranh chấp không phải là khiếu nại Trả hàng/Hoàn tiền có thể được gửi đến cho Shopee qua form hoặc Tổng đài hỗ trợ 19001221. Điều này đòi hỏi người khiếu nại phải thành thạo CNTT và/hoặc mất tiền gọi điện cho TĐHT của Shopee do đây là tổng đài có thu phí. 

Các trao đổi online do lượng đơn hàng nhiều, nhân viên ít nên thường được phản ứng chậm và chủ yếu là khuyến khích các bên tranh chấp tự trao đổi, chụp ảnh bằng chứng (hình sản phẩm, đoạn chat...) gửi lại nên có thể dẫn đến hiện tượng các bên tự thỏa thuận với nhau, tự hoàn tiền và trả hàng, mỗi bên chịu thiệt (phí vận chuyển lại), tự kết thúc việc giải quyết hoặc quá thời hạn giải quyết quy định. 

Thứ hai, việc hoàn tiền vào tài khoản người mua qua ví Shopee cũng đòi hỏi phải hiểu biết về CNTT và khi rút tiền về tài khoản ngân hàng người mua cũng bị thu phí 11.000 đồng/lần rút là khoản thu vô lý nếu bên mua không có lỗi.

Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số - Ảnh 5.

Dù là sàn TMĐT nhưng Shopee cũng không có tổng đài (TĐ) CSKH có đầu số miễn phí 1800xxxx. Đây là điểm yếu phổ biến của các DN Việt Nam nói chung và Sàn TMĐT nói riêng. Khảo sát thực tế cho thấy, trong TOP 15 sàn TMĐT có lượt truy cập lớn nhất Việt Nam (quý 4/2021), chỉ có hệ sinh thái TGDD (TGDD, ĐMX, BHX), FPTshop, CellphoneS, Nguyễn Kim có TĐ CSKH đầu số 1800xxxx miễn phí. 

Đáng lưu ý, các sàn TMĐT bán hàng nối tiếng như Shopee, Lazada, Tiki hay Sendo đều sử dụng đầu số có thu phí 1900xxxx trong khi đây là nơi có lượng giao dịch phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp nhất. Tương tự, kết quả khảo sát TOP 10 ngân hàng lớn nhất Việt Nam năm 2021 cho thấy, ngoại trừ Techcombank có TĐ CSKH (cá nhân, DN) có đầu số miễn phí 1800xxxx, tất cả các ngân hàng còn lại (đáng lưu ý có Big 4 Vietcombank, Agribank, BIDV và VietinBank) đều dùng đầu số có thu phí của khách hàng 1900xxxx.

Tương tự Bảng xếp hạng “Top 30 thương hiệu ngân hàng Việt Nam năm 2021” được Mibrand công bố năm 2021 cũng cho thấy ngoại trừ Techcombank có TĐ CSKH miễn phí và SCB (dùng cả 1900xxxx và 1800xxxx) thì các ngân hàng còn lại trong TOP 16 đều dùng đầu số 1900xxxx có thu phí của khách hàng trong khi đây là trách nhiệm của chính ngân hàng với khách hàng.

Case study 2: Thống nhất thu phí dịch vụ SMS Banking vì quyền lợi của khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Theo thống kê, một khách hàng, sẽ phải chịu những phí bắt buộc như sau: Phí mở tài khoản (50.000-100.000 đồng/lần tùy các ngân hàng); Phí giao dịch chuyển khoản (kèm theo là phí SMS internet banking); Phí duy trì tài khoản (tùy từng ngân hàng quy định). Ngoài ra là các phí giá trị gia tăng do các khách hàng lựa chọn dùng hay không như: tin nhắn báo biến động số dư; tài khoản số đẹp... 

Với các loại phí dịch vụ, nhìn chung các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân lại thu cao hơn các ngân hàng Nhà nước (xem Hình 4). Theo Vụ Thanh toán - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến hết 2019 hiện có tổng cộng 45 triệu tài khoản cá nhân tại Việt Nam (đã loại bỏ số trùng), tương đương khoảng một nửa dân số Việt Nam. Như vậy, tính riêng các loại phí dịch vụ ngân hàng cho thấy khách hàng phải chi ra hàng vài chục ngàn tỷ mỗi năm cho các loại phí dịch vụ dành cho ngân hàng. 

Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số - Ảnh 6.

Hình 4: Thống kê các loại phí khách hàng phải trả khi sử dụng các dịch vụ ngân hàng

Đầu tháng 2/2022, hàng loạt khách hàng có tài khoản thanh toán tại Vietcombank và một số ngân hàng khác đã phản ánh về việc bị ngân hàng trừ phí dịch vụ SMS Banking tháng 1/2022 với số tiền cao hơn nhiều so với các tháng trước, từ 27.500 - 77.000 đồng (thay vì 11.000 đồng). Trước thực trạng này, đại diện các ngân hàng cho biết hiện đa số khách hàng đều dùng app nên ngân hàng khuyến khích khách hàng sử dụng thông báo qua các app của ngân hàng thay vì nhận tin nhắn qua SMS. Nguyên nhân là do phí nhà mạng dành cho khách hàng DN cao hơn nhiều so với khách hàng cá nhân.

Theo thống kê từ các ngân hàng, 70% lượng tin nhắn là thông báo biến động số dư, số còn lại là tin nhắn mã OTP. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã thay đổi cách thu phí SMS khiến người dùng phải bỏ ra số tiền gấp 2, 3 thậm chí 7 lần mức thu trước đây. Điều này gây bức xúc cho khách hàng, đòi hỏi ngân hàng và nhà mạng phải tìm ra hướng thu phí phù hợp hơn. Theo đó, các DN viễn thông và các NHTM thống nhất phương án 11.000 đồng đã bao gồm thuế VAT, không giới hạn số tin nhắn. Mức phí này sẽ giúp người dân đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt khi không bị giới hạn và không phải trả thêm chi phí.

Case study 3: Nhà sản xuất thiết bị đầu cuối viễn thông làm gì để bảo vệ khách hàng trước các sản phẩm giả mạo? 

Có nhu cầu tìm mua sản phẩm Smartphone của Samsung, nhiều khách hàng phản ánh cho biết khi truy cập vào một số trang website là các báo điện tử có lượng truy lớn nhất Việt Nam (VnExpress.net, dantri.com.vn...) họ hay bắt gặp quảng cáo (popup) của sản phẩm điện thoại Samsung A72 của người bán hàng là micro68.com với giá chỉ 2 triệu đồng, trong khi sản phẩm này bán trên trang website của samsung.com/vn hay các nhà bán lẻ có uy tín (TGDD, FPT, CellphoneS...) giao động từ 10-11 triệu đồng. 

Liên hệ lên TĐ CSKH của SSVN: Hỗ trợ sản phẩm và dịch vụ Samsung 1800 588 889 (tất cả sản phẩm) 1800 588 855 (thiết bị di động) thì được giải thích là SSVN chỉ chịu trách nhiệm với các sản phẩm của SSVN bán trên trang website chính hãng và các nhà bán lẻ chính thống, chứ không thể kiểm soát được các nhà bán lẻ trên mạng như trường hợp của micro68.com (trang website này hiện không truy cập được vào ngày 5/4/2022).

Tương tự, nhiều trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook mạo danh các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam để quảng cáo bán các loại điện thoại “xịn” với “khuyến mãi vàng” có giá bán chưa bằng 30 - 40% giá hàng thật. Do chủ quan, thấy các nhãn thương mại lớn, quen thuộc và giá rẻ nên nhiều người không đề phòng, đặt mua rồi đành ngậm bồ hòn làm ngọt bởi mua phải hàng giả, hàng nhái, trong khi đó người bán thì đã cao chạy xa bay... 

Thậm chí khách hàng còn nhận được cuộc gọi của một số điện thoại cá nhân nhận là nhân viên của nhãn hàng xác nhận lại thông tin, chốt đơn hàng; đồng thời có những lời chỉ dẫn dặn dò vô cùng chi tiết, trong đó nhân viên khẳng định đây là máy chính hãng có thể bảo hành toàn quốc, khi nhận hàng xem kỹ hộp máy có còn nguyên seal, nguyên tem, không có dấu hiệu bóc gỡ mới nhận hàng, trả tiền; tiếp đó khi mở hộp thì cần quay lại clip để có cơ sở trả hay đổi hàng với các chính sách ghi rõ trong giấy bảo hành.

Theo Nghị định 85/2021/NĐ-CP thì “Trường hợp thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT thực hiện dịch vụ cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ của người bán tới người tiêu dùng trên website TMĐT thì thương nhân, tổ chức đó là bên thứ ba trong việc cung cấp thông tin theo pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.

Cạnh tranh không lành mạnh 

Hành vi cạnh tranh không lành mạnh hay bán phá giá, rèm pha đối thủ, lợi dụng các kênh quảng cáo và marketing online để cung cấp các thông tin sai lệch về sản phẩm, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, giá cả... của các DN, nhất là các DN vừa và nhỏ được coi là những hành vi phổ biến nhất làm xấu xí bức tranh thị trường TMĐT Việt Nam thời gian qua. Làm khách hàng mất thời gian liên hệ, quảng cáo không đúng sự thật, dèm pha đối thủ hay các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác khiến cho các DN này sớm rơi vào lối mòn của việc kinh doanh kiểu truyền thống và sớm bị các DN TMĐT làm ăn bài bản, quy mô lớn, nhiều tiềm lực, đầu tư tốt công tác marketing, chăm sóc khách hàng vượt qua.

Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số - Ảnh 7.

Website TMĐT không tuân thủ quy định của pháp luật

Từ khi Nghị định 52/2013/NĐ-CP của Chính phủ về TMĐT có hiệu lực thi hành đến nay, thực tiễn ghi nhận có hơn 29.000 website TMĐT bán hàng đã thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động của mình. Mặc dù vậy, theo Sách trắng TMĐT 2019, có đến 49% các website này ở mức độ rất cơ bản, không có tương tác, không có đặt hàng trực tuyến, không cập nhật nội dung thường xuyên và chỉ đơn thuần giới thiệu doanh nghiệp, sản phẩm/dịch vụ đang cung cấp.

Năm 2021, Cục TMĐT&KTS đã yêu cầu các sàn, các website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ 7.561 gian hàng với 18.725 sản phẩm vi phạm trên các sàn và website TMĐT lớn; yêu cầu các sàn TMĐT, các website TMĐT bán hàng rà soát và gỡ bỏ 13.796 sản phẩm, thiết bị hỗ trợ điều trị COVID có dấu hiệu vi phạm trên 4.216 gian hàng ...

Hoàn thiện môi trường pháp lý thúc đẩy TMĐT Việt Nam trong nền kinh tế số 

Hiện Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Kế hoạch này nhấn mạnh quan điểm coi (i) TMĐT là một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu; (ii) Gắn kết chặt chẽ với các chiến lược, chính sách về chủ động tham gia CMCN 4.0, định hướng phát triển kinh tế số và CĐS quốc gia; (iii) DN là lực lượng nòng cốt triển khai ứng dụng TMĐT trong khi nhà nước đóng vai trò quản lý, thiết lập hạ tầng và tạo môi trường cho TMĐT phát triển; (iv) Việc hỗ trợ, tạo động lực phát triển cho TMĐT được thực hiện theo mô hình: lựa chọn và hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm một số lĩnh vực/địa phương phát triển TMĐT để đóng vai trò đầu tàu, dẫn dắt, tạo sự lan tỏa trong xã hội. 

Mục tiêu tổng quát là: Hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi TMĐT trong DN và cộng đồng; Thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. 

Hiện hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng thông tin trên mạng trong thời gian gần đây là vấn đề nóng, đặc biệt trong bối cảnh COVID-19, khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng như hành vi người tiêu dùng ngày càng phụ thuộc vào thông tin, dữ liệu trên mạng. Do vậy, việc xây dựng hoặc sửa đổi các văn bản luật về thông tin điện tử, giao dịch điện tử, về công nghệ số, CĐS... là cần thiết, nhưng cần thận trọng để tránh chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện có, đặc biệt là pháp luật chuyên ngành. Những luật mới xây dựng cần tập trung tạo dựng khung pháp lý chung cho dòng chảy thông tin và giao dịch điện tử, chứ không đi sâu vào điều chỉnh các quan hệ xã hội, giao dịch và dịch vụ trong lĩnh vực chuyên ngành. 

Kiến nghị sớm ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng và cung cấp thông tin cho người tiêu dùng cần hoàn thiện là các quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch có yếu tố đặc thù, có tính mới trong điều kiện chuyển đổi số nền kinh tế. Trong hoạt động phối hợp thực thi pháp luật về TMĐT, kiến nghị xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hình thành lực lượng phản ứng nhanh để kịp thời xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh trong TMĐT; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm liên quan đến TMĐT, xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu dùng chung về TMĐT giữa các lực lượng thực thi pháp luật; tăng cường năng lực thống kê về TMĐT ở cấp quốc gia, ngành hàng và địa phương.

Tài liệu tham khảo:

1. Website: Bộ Công Thương www.moit.gov.vn; Hiệp hội TMĐT Việt Nam www.vecom.vn; Cục TMĐT&KTS www.idea.gov.vn;

2. Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021. https://idea.gov. vn/?page=document

3. Báo cáo chỉ số phát triển TMĐT Việt Nam năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021. https://vecom. vn/tai-lieu-trong-nuoc

4. Báo cáo Làn sóng thứ 2 của thương mại điện tử Việt Nam. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM https://vecom.vn/bao-cao-lan-song-thu-2-cua-thuong-mai-dien-tu-viet-nam

5. Báo cáo Logistics Việt Nam 2021. Hiệp hội TMĐT Việt Nam VECOM https:// vecom.vn/bao-cao-logistics-viet-nam-2021

6. Báo cáo Việt Nam - TMĐT tăng tốc sau đại dịch COVID-19. Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam VECOM https://vecom.vn/viet-nam-thuong-mai-dien-tu-tang-toc-sau- dai-dich-covid-19-

7. Lazada Việt Nam, Báo cáo "TMĐT năm 2021: Thích ứng và nhanh chóng vượt trở ngại từ COVID-19" .

8. Nhĩ Anh, "Việt Nam sẽ có 53 triệu người tiêu dùng số, giá trị thương mại điện tử đạt 56 tỷ USD trong5nămtới". TBKTVNđiệntửvneconomy.vn

9. Facebook và Bain & Company, Báo cáo nghiên cứu "Southeast Asia, the home for digital transformation: A SYNC SouthEast Asia Report". Chi tiết https://www.facebook.com/business/m/sync-southeast-asia

10. Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

11. Các bài viết, số liệu về TMĐT đăng tải trên các báo và tạp chí có liên quan.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 4 tháng 4/2022)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo ra sức bật cho TMĐT trong nền kinh tế số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO