Truyền thông

Tạo sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng

Quỳnh Trang 19:45 18/09/2023

Những năm gần đây, du lịch cộng đồng có xu hướng phát triển mạnh mẽ. Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng tổ chức, dựa vào thiên nhiên và văn hoá địa phương với mục tiêu bảo vệ môi trường, đề cao quyền làm chủ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Du khách không chỉ được khám phá những danh lam thắng cảnh, núi non rừng biển mà còn có cơ hội được tìm hiểu, giao lưu văn hoá, trực tiếp trải nghiệm cuộc sống của người dân mỗi vùng miền.

Tạo sinh kế bền vững cho nhiều người dân

Việt Nam là đất nước có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và đây chính là một lợi thế vô giá cho phát triển ngành du lịch. Ngoài ra, một lợi thế khác của Việt Nam là sự đa dạng văn hóa của 54 dân tộc anh em. Mỗi dân tộc mang trong mình những giá trị văn hóa bản địa riêng biệt, từ trang phục truyền thống cho đến ngôn ngữ, phong tục tập quán, nghệ thuật, ẩm thực, sinh hoạt hàng ngày và đặc biệt là các lễ hội truyền thống - là một nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.

Du lịch cộng đồng đã xuất hiện và phát triển từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ XX, bắt nguồn từ người Thái ở Bản Lác thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Tại đây, du khách có thể trải nghiệm cuộc sống và văn hóa của người dân bản địa thông qua việc lưu trú tại nhà dân, tham gia vào các hoạt động hàng ngày như làm ruộng, chăn nuôi và tham quan các điểm du lịch trong khu vực… Nhiều vùng miền trên cả nước đã thành công trong việc phát triển du lịch cộng đồng bằng cách tận dụng sự khác biệt văn hóa và thiên nhiên sẵn có.

z4704767517134_6348bed426ef8c9c8da36f50db2cbf2b.jpg
Du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho người dân.

Sau gần 30 năm, du lịch cộng đồng đã và đang trở thành loại hình du lịch được ưa chuộng khi du khách ghé thăm các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái và Thái Nguyên... Các nguồn tài nguyên du lịch đang được khai thác một cách mạnh mẽ, mang lại giá trị và sức sống tiềm năng.

Mô hình này đã đóng góp vào sự phát triển của ngành du lịch quốc gia, có tác động lan tỏa tích cực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội tại nhiều địa phương. Đặc biệt, tạo sinh kế cho người dân từ việc cung cấp dịch vụ cho du khách, mang lại cơ hội kinh doanh, tạo công ăn việc làm; đồng thời gây dựng sự đoàn kết trong cộng đồng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.

Những trải nghiệm thú vị ở nhiều khu du lịch cộng đồng

Xóm Đá Bia, nằm dọc bờ sông Đà, cách trung tâm thành phố Hoà Bình khoảng 15km, là một xóm của người Mường Ao Tá. Cuộc sống nơi đây chủ yếu dựa vào nghề nông, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Mặc dù nằm trong một vùng có tài nguyên thiên nhiên phong phú, xóm Đá Bia vẫn duy trì nét văn hóa độc đáo và riêng biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch cộng đồng.

Chính vì vậy, Tổ chức Action on Poverty (AOP) tại Việt Nam đã lựa chọn đây là địa điểm để triển khai dự án "Du lịch cộng đồng" từ tháng 6 năm 2014, nhằm đẩy mạnh du lịch cộng đồng và giới thiệu nét đặc trưng văn hóa độc đáo tại địa phương tới du khách… Các gia đình tại Đá Bia đã nỗ lực cải tạo những ngôi nhà truyền thống thành mô hình Homestay, chào đón thật nhiều du khách trong và ngoài nước đến để trải nghiệm cuộc sống chân thực của người Mường.

Du khách sẽ được đánh thức bởi tiếng loa phát thanh vào mỗi buổi sáng sớm. Bữa sáng là một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời, du khách có cơ hội thưởng thức những món ăn đặc trưng của người Mường như sườn rang mắm tôm thơm ngon, nhộng ong rừng rang với nước măng chua, thịt trâu xào tiêu rừng hoặc nấu lá lồm, ốc vặn nấu lá lốt, canh cây chuối rừng, và chả lá bưởi. Hơn nữa, nhiều du khách cảm thấy thích thú khi được tham gia cùng người bản địa làm những món ăn truyền thống, giúp họ hiểu sâu hơn về ẩm thực độc đáo của nơi đây.

z4704769076317_18bcabb94d023fd59469ac6fa8e6add2.jpg
Du khách cùng người dân địa phương cùng làm món ăn truyền thống.

Ở Đá Bia, du khách được chứng kiến điều đặc biệt về hệ thống quầy hàng Tự Giác hoạt động. Hình thức mua sắm không có người bán đã tồn tại suốt hơn 60 năm và chưa bao giờ xảy ra việc mất tiền. Người dân mang các sản phẩm nông sản của địa phương ra bày bán kèm giá tiền, và bất kỳ ai muốn mua sẽ tự mình đặt tiền vào giỏ. Tạo nên sự tin tưởng và tính trách nhiệm trong cộng đồng.

Hay như ở Bản Liền, nằm cách trung tâm thị trấn Bắc Hà (Lào Cai) khoảng 30km, là nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày. Những năm gần đây, Bản Liền trở thành một vùng đất có tiềm năng lớn trong việc phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là du lịch Homestay với các trải nghiệm độc đáo.

Nhiều gia đình đã hoàn thiện thêm dịch vụ lưu trú như cải tạo cảnh quan, kết nối Internet, tham gia vào các khóa đào tạo nhằm cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho du khách. Khi đến với Bản Liền, du khách sẽ được trải nghiệm và khám phá sâu hơn về văn hóa và phong tục tập quán của người dân bản địa. Thông qua các hoạt động như hái chè trên rừng hay bắt cá dưới suối, khám phá rừng cọ, ruộng bậc thang, rừng nguyên sinh hùng vĩ, ngoài ra du khách còn có cơ hội tham gia vào cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của bà con dân tộc Tày.

z4704769711251_141019670425397ebab742be81ce922f.jpg
Những hoạt động khi du khách đến với Bản Liền.

Không chỉ được thưởng thức các món ăn đặc trưng của vùng miền, du khách còn được làm cơm lam, bánh chưng hay tham gia đan cọ - công việc thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, có vô số những hoạt động giải trí như chơi đánh cầu, múa hát cùng người dân, được tận hưởng khoảng thời gian vui tươi mà lại gần gũi. Tất cả những hoạt động này giúp du khách hiểu thêm về cuộc sống của người dân bản xứ. Đó là những kỷ niệm và trải nghiệm đáng nhớ trong mỗi du khách về một vùng đất hiếu khách.

Tiếp tục phát triển, thúc đẩy du lịch cộng đồng

Để thu hút sự quan tâm và đạt thêm nhiều thành tựu trong việc xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, quan trọng nhất là cộng đồng cần phải đoàn kết và cùng nhau hợp tác. Đồng thời, muốn giúp du lịch cộng đồng phát triển bền vững, phải hiểu rõ giá trị của cộng đồng. Cần tận dụng và phát triển từ những giá trị sẵn có rồi chọn lọc, khai thác và tạo ra sản phẩm, dịch vụ du lịch thú vị, độc đáo.

Ngoài ra, để mô hình du lịch cộng đồng có khả năng thu hút khách, phải kết hợp khai thác không chỉ các giá trị văn hóa, lịch sử tại địa phương mà còn cả giá trị cảnh quan thiên nhiên của khu vực đó. Từ đó, xác định mục tiêu nguồn khách chính và nguồn khách hướng tới.

Then chốt là phải giải quyết các mâu thuẫn bên trong cộng đồng, giúp đảm bảo sự phát triển bền vững, tạo một hướng đi thống nhất, hướng tới việc phát triển du lịch một cách có trật tự và hiệu quả.

Có thể khẳng định, phát triển du lịch cộng đồng đã có những thành công nhất định, không chỉ được coi là một trong những nguồn tài nguyên du lịch quý giá, mà còn khẳng định tiềm năng và lợi thế to lớn cho sự phát triển du lịch của cả quốc gia.

Bài liên quan
  • Thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế chia sẻ tại Việt Nam
    Những năm gần đây, mô hình kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam và tương lai sẽ còn có tốc độ bứt phá hơn nữa khi tỷ lệ người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh ngày càng tăng lên. Kinh tế Việt Nam đang chứng tỏ tiềm năng lớn để mở rộng mô hình kinh tế chia sẻ.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tạo sinh kế bền vững thông qua phát triển du lịch cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO