Tết còn, còn cơ hội cho sách Tết
Trong cuốn “Sách mùa xuân xem tết” do NXB Nhật Nam thư quán Dược Phòng xuất bản năm 1933, ở bài mở đầu với tiêu đề “Văn chương với mùa xuân” có viết về thú chơi tết của người Việt như sau: “Coi đó biết chơi xuân là thói quen của người mình, làm người không biết chơi xuân người ta cho là thiệt thòi nhiều lắm”.
Sách Tết như một thú chơi thanh tao ngày xuân
Nhưng chơi xuân, chơi Tết cũng có nhiều cách chơi tùy vào sở thích và điều kiện của từng gia đình. Trong lời tựa của cuốn “Sách chơi xuân năm Kỷ Tỵ” của Nam Ký thư quán xuất bản năm 1929, dưới tên bút danh V. H. S. D viết:
“Nhưng chơi, cũng có ba bảy đường! Người chơi cuộc rượu, người vui khúc đàn; kẻ cuộc cờ, người vó ký; kẻ vui sơn thủy, người dạo phồn hoa, kể một cuộc chơi không biết đâu mà nói! Song cũng tùy người, tùy cảnh mà tùy thú chơi!
Anh em ta đây vốn nghèo hứng thú chỉ giàu văn chương, dẫu không giầu xong cũng đủ để đua chơi, đua chơi cùng người trần thế! Mà thực chơi văn cũng là một cái thú thanh cao, thanh cao mà không phí không hại như các thú khác. Như vậy há chẳng phải nhân lúc vui chơi mà vui sao!
Nhân lúc chơi xuân, văn chương đôi chút, một mình chơi không thú, nên đem công hiển khách đông chu để cùng nhau nhân buổi lương thời mà cùng chơi cho có thú!”.
Và như thế thì theo như truyền thống của người dân Việt Nam, chơi Tết sẽ không thể thiếu văn thơ, đây là điều mà bất cứ người dân Việt Nam dù biết chữ hay không biết chữ cũng đều thừa nhận. Trong “Tập văn chơi xuân chơi tết” mang tựa đề “Vườn xuân” do Hương Sơn Đường phát hành năm 1939 đã viết về truyền thống chơi văn chương của chúng ta như sau:
“Mỗi năm là có một lần xuân. Ở Á đông ta vui xuân trong dịp Tết Nguyên đán này đã thành ra một cuộc thưởng ngoạn nghìn xưa để lại.
Thì nước nam ta cũng như các nước đồng châu, như Tầu, như Nhật, như Cao-ly, như Mãn-châu quốc v.v… Mỗi lần Tết đến là ai ai cũng sắm sửa chơi xuân.
[…] Song chơi xuân còn điểm thêm cái thú di dưỡng tính tình; vui xuân còn tăng thêm cái việc mở trí khôn ra, thêm nhiều kiến thức; ngày nay ở nước ta đã có số nhiều các bậc có ăn có học, lấy sách làm vui, lấy văn làm thú, những bực tân nhân vật ấy ưa nhất được có thứ sách riêng tả về xuân để cùng với người thân ái trong lúc thiên khí ôn hòa đem ra cùng nhau xem đọc; ngâm nga, mua lấy những phút giờ cao thượng.
Vì thế cho nên mỗi năm Tết đến có nhiều nhà ra sách chơi xuân. Vì thế mà văn sĩ tao-ông mới đua nhau nghĩ văn chơi Tết. Vì thế mà ở nước ta ngày nay, Tết đến nhà nào cũng lấy làm cần phải có một, vài, ba cuốn sách chơi xuân, chơi Tết, tựa hồ như tranh, pháo, cành hoa đào, củ thủy tiên”.
Sách chơi xuân cũng từ đó mà trở thành một thói quen văn hóa, một nét đẹp trong truyền thống chơi tết của người dân Việt Nam, chơi xuân không có sách Tết, thấy như thiêu thiếu điều gì.
Tết còn, sách Tết còn
Không phải đến tận bây giờ người Việt mới có thói quen mua sách chơi tết. Lần tìm trong các lưu trữ văn học Việt Nam để tìm lịch sử về sách tết, một trong những kho lưu trữ lớn đó có thể kể đến là BNF (Bibliothèque Nationale de France - Thư viện quốc gia Pháp), chúng ta có thể dễ dàng nhận ra giữa hàng nghìn cuốn sách có niên đại từ những thế kỷ trước những cuốn sách chơi Tết viết bằng tiếng quốc ngữ (ở BNF, hiện có trên 11 nghìn cuốn sách Đông Dương trong đó gần 750 cuốn sách bằng chữ quốc ngữ). Dù cho đến nay, chưa có một nghiên cứu khoa học nào khẳng định, BNF là kho lưu trữ lớn những ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ hồi đầu thế kỷ nhưng cũng không ai có thể phản đối nhận định này bởi cho đến ngày nay chưa có một bằng chứng cụ thể nào được đưa ra để chứng minh điều ngược lại. Cũng chính ở kho lưu trữ này chúng ta tìm thấy cuốn sách “Sách xem tết - năm Mậu Thân” do NXB Tân Dân thư quán phát hành năm 1928. Ở bài viết “Mừng xuân” in tại trang đầu dưới bút danh Tân Dân thư quán có viết:
“Chỉ biết rằng bài văn mừng xuân ở trong quyển “Sách xem Tết” này chẳng giống với bài văn năm nào cả, vì trong mấy nghìn năm nay duy đến xuân này mới có “Sách xem Tết” là lần thứ nhất”.
Với khẳng định này và còn nhiều khẳng định khác trong những năm tiếp theo khi các NXB, nhà in hay các hiệu sách khác lần lượt cho ra đời các ấn phẩm chơi xuân, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin để khẳng định, sách tết ở Việt Nam có lịch sử ra đời từ năm 1928.
Rất nhanh sách chơi Tết đã nhận được sự đón chào nồng nhiệt của độc giả. Rất nhiều NXB, nhà in, hiệu sách lần lượt cho ra đời những ấn phẩm chơi xuân. Có thể nói trong những năm 30 của thế kỷ trước, sách chơi xuân dù rất non trẻ nhưng đã có sự phát triển trở thành một nhu cầu không thể thiếu của cuộc chơi xuân. Trên ấn phẩm “Sách chơi xuân - năm Quý Dậu” do Nam Ký thư quán xuất bản vào năm 1933 tại trang 4 có viết:
“Cái phạm vi của “Sách chơi xuân” trong mấy năm trên, tuy không được rộng rãi cho lắm, nhưng cũng chưa là quá hẹp hòi để đến nỗi phụ lòng các bạn khách chơi xuân.
[…] Vì những lẽ đó, sách chơi xuân năm Quý Dậu này chúng tôi mới in thành khổ lớn, khác với mấy xuân trước. […] Còn một cớ nữa, khiến cho chúng tôi phải đem hết tâm thần trí lực sửa sang lại “Sách chơi xuân” năm nay và bổ khuyết những chỗ sơ suất trong mấy năm trước: là nhơn vì sách chơi xuân năm Nhâm Thân, tuy cũng đã ra đời như mọi năm trước, nhưng, cuộc đời lắm nỗi éo le!... còn nhiều bạn độc giả khách chơi xuân chưa được xem qua, hay là thấy mặt nó rõ ràng; có nhiều bạn than phiền, uất ức vì nỗi không được gặp mặt “Sách chơi xuân”.
Chỉ bấy nhiêu thôi đủ cho chúng ta thấy nhu cầu chơi sách xuân vào những ngày Tết cổ truyền ở nước ta vốn đã có lịch sử và trở thành niềm say mê của số đông dân chúng từ cả thế kỷ nay.
Thật may những năm trở lại đây khi nền kinh tế đã phát triển, người dân lại tìm về những thú vui chơi Tết tao nhã, tìm đọc những vần thơ hay, những áng văn thấm đẫm chất xuân. Và vì thế, sách Tết lại được hồi sinh. Ngay như năm nay, chỉ cần nhìn qua thị trường sách Việt Nam, chúng ta cũng có thể thấy hàng trăm đầu sách Tết của hàng chục NXB hay về nội dung và đẹp về mặt thẩm mỹ, và còn không biết bao nhiêu ấn phẩm báo chí ngày càng sang trọng về cách trình bày. Sách Tết bây giờ không chỉ mang tính văn chương mà còn bao gồm cả tính mỹ thuật đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của số đông độc giả. Và có lẽ cứ theo quy luật phát triển của xã hội thì sách Tết sẽ còn phát triển bởi những ấn phẩm này đáp ứng được thú vui chơi tết của số đông. Trong cuốn “Sách chơi xuân năm Đinh Sửu - Nắng xuân” của nhà in Qui Nhơn vào năm 1938, ngay trang đầu tiên ở lời tựa có viết:
“Mỗi lần xuân đến, là mỗi lần sống lại đời mới. Người ta vui vẻ gượng quên hết nỗi sầu muộn quanh năm, quên hết nỗi thù hằn hiềm khích.
Cho nên ngày xuân có ý nghĩa hòa bình như hơi xuân đầm ấm.
[…] Và, cứ mỗi lượt xuân về trong nắng ửng, tao ông, mặc khách lại nhả ra những vần thơ sáng lạn, những bài văn đài các, hồng hào như cô gái mơ xuân”.
Đó là lý do cho phép chúng ta có thể hoàn toàn tự tin rằng chừng nào Tết còn thì sách Tết còn.