Thách thức bảo vệ bản quyền nội dung số trên YouTube của DN Việt

Anh Minh| 13/09/2022 18:25
Theo dõi ICTVietnam trên

Trên con đường chinh phục thị trường toàn cầu, không ít doanh nghiệp (DN) sản xuất nội dung số của Việt Nam gặp trở ngại khi bảo vệ bản quyền và bị cạnh tranh không lành mạnh trên nền tảng YouTube.

Số lượng DN nội dung số Việt tăng mạnh

Theo Sách trắng “Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam 2021”, số lượng doanh nghiệp nội dung số tăng mạnh những năm qua, từ 2.700 vào năm 2016 lên gần 4.200 vào năm 2020. Doanh thu ngành công nghiệp nội dung số cũng tăng từ 739 triệu USD năm 2016 lên 888 triệu USD năm 2020. 

Đặc biệt là sản phẩm nội dung số được xuất khẩu ra nước ngoài tăng trưởng đáng kể, kim ngạch xuất khẩu nội dung số tăng từ 661 triệu USD năm 2016 lên 771 triệu USD năm 2018; sau đó giảm nhẹ xuống 705 triệu USD năm 2019; rồi tiếp tục tăng lên 710 triệu USD năm 2020.

Có thể nói, ngành nội dung số Việt Nam đang rộng đường để xuất khẩu các sản phẩm ra thị trường quốc tế, nhờ sự nhanh nhạy nắm bắt xu thế cũng như khả năng sáng tạo của các DN Việt. Đặc biệt trong ngành giải trí trực tuyến, một số DN nội dung số Việt Nam đã có những sản phẩm nằm trong top đầu khi cung cấp ra thị trường nước ngoài như: game Flappy Bird hay Axie Infinity, Bemil. Trong lĩnh vực phim hoạt hình có Wolfoo được dịch ra 17 thứ tiếng phát hành trên nhiều nền tảng số và đạt hơn 30 tỷ view kể từ khi ra mắt vào năm 2018 tới nay.

Khó khăn của DN Việt khi bảo vệ bản quyền nội dung số trên YouTube

Tuy nhiên, khi kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, DN Việt phải đối mặt với nhiều thách thức, từ việc bị vi phạm bản quyền nội dung đến những khó khăn khi báo cáo sự cố lên YouTube. Cụ thể, YouTube sử dụng công cụ Content ID để ngăn chặn các video vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, Content ID lại gây khá nhiều tranh cãi khi bị nhiều DN lợi dụng nhằm cạnh tranh không lành mạnh với đối thủ.

Content ID là một hệ thống tự động có thể mở rộng của YouTube. Hệ thống này cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện ra những video trên YouTube có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ. Google triển khai hệ thống này từ năm 2007 và được xem là công cụ của Youtube để bảo vệ những nhà sáng tạo nội dung. 

Tuy vậy, do là hệ thống tự động, Content ID của YouTube thường để xảy ra nhầm lẫn trong quá trình ghi nhận bản quyền dẫn đến hoạt động không chính xác, đánh nhầm bản quyền. Việc đăng ký Content ID khá lỏng lẻo và có thể bị qua mặt bởi một vài thủ thuật đơn giản. Vì vậy, nhiều cá nhân và đơn vị đã lợi dụng Content ID để đánh dấu bản quyền nội dung đối thủ. 

Ông Bùi Minh Tuấn, một YouTuber có kinh nghiệm cho hay: “Vì YouTube luôn đặt vai trò của người sáng tạo nội dung lên hàng đầu, bảo vệ họ gần như tuyệt đối nên có thể dẫn đến tình trạng “chém nhầm hơn bỏ sót”. Trong trường hợp nhận được đơn khiếu nại, ngay lập tức YouTube có phản ứng gỡ video sau đó mới yêu cầu các bên gửi giấy tờ chứng minh để hậu kiểm. Bởi vậy, không thể tránh khỏi những vụ “oan sai” mà nhà sản xuất nội dung phải gánh chịu thiệt hại nghiêm trọng”.

Những thiệt hại kinh tế của DN Việt Sconnect với bộ sản phẩm hoạt hình Wolfoo

Gần đây nhất, những tranh chấp kiện tụng giữa công ty Anh Entertainment One UK Limited (gọi tắt là EO - có trụ sở tại London, Anh) và Công ty Sconnect Việt Nam (Sconnect) là một ví dụ. Vụ việc liên quan đến bộ nhân vật và tập phim hoạt hình về gia đình chú heo Peppa Pig và sản phẩm Wolfoo của Sconnect. 

Tháng 2/2022, EO đã nộp đơn khởi kiện Sconnect tại Anh, cáo buộc phim hoạt hình Wolfoo vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của phim hoạt hình Peppa Pig. Đơn kiện vẫn chưa được tòa án Anh thụ lý. Trước đó, ngày 11/01/2022, EO cũng đã nộp đơn khởi kiện Sconnect ra Tòa án Mátxcơva. Tuy nhiên, dựa trên kết quả thẩm định của các chuyên gia văn học, nghệ thuật Nga rằng “bộ nhân vật Wolfoo không phải là làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig”, ngày 7/7/2022, tòa án Mátxcơva đã ra phán quyết “buộc EO không còn quyền khiếu nại, khiếu kiện về nội dung bộ nhân vật Wolfoo là làm lại bộ nhân vật Peppa Pig”. 

Điều đáng nói, trong quá trình diễn ra vụ việc, EO đã lợi dụng công cụ đánh bản quyền Content ID khiến YouTube gỡ bỏ, khóa các video phim hoạt hình Wolfoo của Sconnect, gây thiệt hại lớn cho DN.

Thách thức bảo vệ bản quyền nội dung số của DN Việt trên YouTube - Ảnh 1.

Hậu trường sản xuất Wolfoo Parody tại studio của Sconnect

Theo thông tin Sconnect cung cấp, EO đã có hành vi lạm dụng tính năng đánh dấu vi phạm bản quyền và chính sách tắt kiếm tiền trên Youtube, EO thường xuyên đánh dấu các video hoạt hình Wolfoo của Sconnect là vi phạm bản quyền, khiến cho cơ chế nhận diện tự động của Youtube hiểu lầm rằng Sconnect có vi phạm và ẩn các video cũng như tắt tính năng kiếm tiền của Sconnect trên các kênh Youtube. Cụ thể, từ ngày 12/11/2021 - 28/03/2022, EO đã báo cáo vi phạm bản quyền đối với 87 video về nhân vật Wolfoo trên nền tảng YouTube của Sconnect. Thực tế, EO đã lợi dụng cơ chế xác định vi phạm bản quyền tự động của hệ thống Youtube.

Sconnect bị tắt tính năng kiếm tiền đối với các video bị gắn bản quyền, vì vậy, công ty cho rằng thiệt hại khoảng hơn trăm triệu USD, tạm tính đến ngày 30/03/2022. Ngoài ra, Sconnect bị tắt tính năng tải (upload) các video lên các kênh kinh doanh, khiến cho Sconnect không thể đưa các sản phẩm video hoạt hình Wolfoo lên thị trường trên Youtube, gây thiệt hại ước tính cũng khoảng hơn trăm triệu USD.

Thực tế, YouTube có chính sách ngăn chặn hoặc nghiêm cấm các hành vi lạm dụng các công cụ của nền tảng. Tuy nhiên, dù Sconnect đã có email gửi đến YouTube xem xét hành vi lạm dụng của EO, cũng như cung cấp các tài liệu chứng cứ, phán quyết của Tòa án Nga song YouTube vẫn tiếp tục cho phép EO thực hiện các yêu cầu đánh bản quyền sai trái.

Về sự việc này, theo Luật sư Phạm Văn Anh, YouTube có trách nhiệm ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của EO. Khi Sconnect đã được Tòa án Nga công nhận là chủ sở hữu hợp pháp của bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo thì YouTube, các trang mạng xã hội phải có các biện pháp xử lý liên quan. Các cơ quan quản lý cần vào cuộc, lên tiếng với Google và YouTube để đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các sản phẩm dịch vụ của Việt Nam kinh doanh trên nền tảng YouTube./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức bảo vệ bản quyền nội dung số trên YouTube của DN Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO