Thách thức đến từ việc thuyết phục các DN lớn “chịu” đầu tư mạo hiểm

Thế Phương| 09/03/2022 16:11
Theo dõi ICTVietnam trên

Thay vì huy động nguồn vốn từ các công ty nước ngoài, ThinkZone Fund II đã chọn cách đi gặp và thuyết phục các tập đoàn trong nước.

Số tiền đầu tư cho mỗi startup lên đến 10 triệu USD cho các vòng sau

Những năm trở lại đây, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang sôi động hơn bao giờ hết, thu hút lượng vốn đầu tư khổng lồ vào khởi nghiệp công nghệ. Năm 2021, theo báo cáo của DealstreetAsia, Việt Nam ghi nhận tổng vốn đầu tư mạo hiểm lên tới 2,48 tỷ USD, gấp gần 24 lần so với số liệu năm 2016 (105 triệu USD). Con số này được kỳ vọng sẽ còn tiếp tục tăng cao trong những năm tới. 

Báo cáo năm 2021 của Bain&Company dự đoán Việt Nam sẽ là quốc gia có tốc độ phát triển nền kinh tế Internet nhanh nhất Đông Nam Á tính tới năm 2030, đạt tăng trưởng quy mô thị trường gấp 11 lần hiện tại. Tiềm năng này mở ra cơ hội lớn thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào startup Việt, với tổng cộng 108 quỹ trong năm 2020 (gấp 3 lần so với 2016).

Tuy nhiên, đa phần các quỹ đầu tư này đến từ nước ngoài hoặc từ vốn ngoại, nên nguồn lực hỗ trợ startup ở thị trường Việt Nam còn hạn chế. Các startup cần thủ tục pháp lý khá phức tạp như thành lập công ty tại Singapore, hay làm thủ tục xin cấp phép đầu tư để nhận được vốn ngay từ giai đoạn sớm. Không chỉ tài chính, startup còn cần hỗ trợ rất nhiều từ một hệ sinh thái như kiến thức, kinh nghiệm hay kênh phân phối, tiếp cận khách hàng, pháp lý... Đây vốn là thế mạnh mà các nhà đầu tư từ Việt Nam có thể mang lại.

Xuất phát từ thực tế đó, Quỹ ThinkZone II được thành lập bởi ThinkZone Ventures cùng nhiều tập đoàn, doanh nhân có tầm ảnh hưởng tại thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực khác nhau như tài chính, bán lẻ, sản xuất, y tế, nông nghiệp, F&B,... Theo ông Bùi Thành Đô, CEO của ThinkZone Ventures cho biết, ThinkZone Fund II là một trong những quỹ đầu tư khởi nghiệp lớn nhất Việt Nam, với quy mô lên tới 60 triệu USD, sẽ đầu tư vào các startup công nghệ trong giai đoạn từ ươm mầm (pre-seed) (với 200.000 USD/startup) tới Series A (lên tới 3 triệu USD/startup).

Điểm khác biệt lớn nhất của ThinkZone Fund II so với các quỹ đầu tư khác là nguồn hỗ trợ khổng lồ từ những tập đoàn, doanh nhân tầm cỡ từ nhiều lĩnh vực tại thị trường Việt Nam như IPA Investments, Phú Thái Holdings, Stavian Group, với các hệ sinh thái kinh doanh lớn trong các mảng tài chính, bán lẻ, sản xuất, F&B. Các startup nhận đầu tư từ ThinkZone Fund II sẽ có cơ hội lớn được hợp tác và hỗ trợ bởi các tập đoàn này.

Ngoài ra, các startup cũng sẽ được tiếp cận tới nhiều gói hỗ trợ đa dạng về bán hàng và tiếp thị (sales & marketing), tuyển dụng, công nghệ,… với tổng giá trị hơn 150.000 USD/startup. Đây đều là gói hỗ trợ đến từ các đối tác lớn trong hệ sinh thái khởi nghiệp như Amazon Web Services, Deloitte, Goldsun Media Group, FPT Play, Vietnambiz, MISA, HubSpot...

ThinkZone Fund II sẽ đầu tư vào các startup công nghệ từ đa dạng lĩnh vực như công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech), vận tải, thương mại điện tử, công nghệ y tế, chuyển đổi số (CĐS) doanh nghiệp (DN),… và không giới hạn với các lĩnh vực công nghệ mới như AI, big data, blockchain, Metaverse,…

Quy mô đầu tư của Quỹ cũng rất linh hoạt, từ giai đoạn pre-seed tới Series A, trong đó ThinkZone có thể đóng vai trò nhà đầu tư dẫn dắt (lead investor) hoặc nhà đầu tư theo dõi (follow investor) với các nhà đầu tư khác, tùy thuộc vào mỗi cơ hội đầu tư. 

"ThinkZone hoàn toàn có thể theo dõi (follow) các vòng đầu tư tiếp theo khi các portfolio (các công ty đã được đầu tư - PV) của ThinkZone gọi vốn, với số tiền có thể lên tới 10 triệu USD.

Thách thức đến từ việc thuyết phục các DN lớn “chịu” đầu tư mạo hiểm - Ảnh 1.

Ông Bùi Thành Đô:Thách thức trong việc thành lập quỹ Fund II là khi đa số các tập đoàn trong nước chưa từng đầu tư vào mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm,

Vì sao đa phần các quỹ nội chỉ đầu tư đến Serie A?

Một trong những khó khăn của hệ sinh thái startup Việt là "khoảng trống" đầu tư của các quỹ nội, khi chỉ có thể tiếp cận startup ở vòng Series A, thay vì các vòng B, C, D do những giới hạn về tài chính. Điều này dẫn đến việc thị trường đang được dẫn dắt bởi các quỹ đầu tư ngoại. 

Theo ông Đô, lý do của những hạn chế này chủ yếu liên quan đến yếu tố thị trường. Startup ở Việt Nam đa phần ở giai đoạn còn non trẻ, mới gần đây quy mô các thương vụ bắt đầu được tăng dần lên do mối quan tâm đầu tư từ nhiều quỹ vào Việt Nam. Chính vì vậy, lập quỹ chỉ tập trung vào thị trường Việt Nam sẽ khó có quy mô quá lớn được. 

"Đó là lý do các quỹ tập trung vào startup Việt Nam chỉ thường dừng lại đến Serie A. Chúng tôi có một số quỹ đối tác tập trung đầu tư ở Việt Nam cũng đã đầu tư startup ở Serie B, nhưng không nhiều", ông Đô chia sẻ thêm.

Để các quỹ nội có được quy mô đầu tư lớn, ông Đô cho rằng cần xây dựng chiến lược thử nghiệm đầu tư nhiều hơn ở giai đoạn đầu, để tạo ra danh mục đầu tư lớn. Từ đó có cơ hội đầu tư đồng hành ở các vòng đầu tư sau. Để làm việc đó, Quỹ cần có nhiều nguồn lực hỗ trợ cho startup có thể thử nghiệm mạnh mẽ về sản phẩm, thị trường, người dùng,... chứ không chỉ có tiền. Đó là lý do ThinkZone Fund II huy động nguồn lực hoàn toàn từ các tập đoàn ở Việt Nam, nơi có hệ sinh thái để hỗ trợ việc đó.

Cũng theo ông Đô, để có thể ra mắt "quỹ đầu tư có nguồn lực nội địa lớn nhất Việt Nam", ThinkZone Ventures đã phải quyết định thay đổi chiến lược, không đi huy động từ các tập đoàn nước ngoài (những tổ chức đã quen với việc đầu tư vào Quỹ đầu tư mạo hiểm) mà quay lại, đi gặp và thuyết phục các tập đoàn trong nước. Thách thức ở đây là đa số các tập đoàn trong nước chưa từng đầu tư vào mô hình quỹ đầu tư mạo hiểm, đa số các khoản trước đó là đầu tư vào các Quỹ chứng khoán, quỹ đầu tư tài sản,… hay các mô hình an toàn hơn.

"Chúng tôi đã phải chia sẻ với các bên về mô hình Quỹ mà ThinkZone đang theo đuổi. Điều may mắn, chúng tôi thuyết phục được và gặp được đúng những anh chị chủ tịch có am hiểu, có tâm huyết muốn hỗ trợ các bạn trẻ khởi nghiệp và rất mong muốn làm việc này đến cùng", ông Đô nhấn mạnh.

Ông Đô cho rằng, việc ThinkZone ra mắt "quỹ đầu tư có nguồn lực nội địa lớn nhất Việt Nam" không cạnh tranh mà là mảnh ghép để cùng với các quỹ ngoại đầu tư cho hệ sinh thái startup tại Việt Nam. Bởi vì, những lợi thế mà một quỹ nội địa như ThinkZone được lập ra, với hệ sinh thái và nguồn lực lớn, sẽ là "người bạn" mà các quỹ ngoại rất muốn đồng đầu tư trong các thương vụ.

Lý giải về điều này, ông Đô cho biết, các quỹ ngoại thường là quy mô về vốn và kinh nghiệm phát triển kinh doanh ở thị trường quốc tế, nhưng hạn chế của quỹ ngoại là nguồn lực tại thị trường nội địa. Đây lại là lợi thế của các quỹ đầu tư nội, được thành lập bởi các doanh nhân tại thị trường Việt Nam nên có sự hiểu biết sâu sắc về thị trường, cùng mạng lưới đối tác và nguồn lực lớn trong giới kinh doanh nên có thể hỗ trợ các startup phát triển tại thị trường nội địa một cách thiết thực nhất.

Ngoài ra, ngày càng nhiều thế hệ doanh nhân thành công đi trước quan tâm tới đầu tư vào cộng đồng startup trẻ Việt Nam, nên lượng vốn của các nhà đầu tư nội cho khởi nghiệp cũng ngày càng lớn, thậm chí không thua kém về quy mô đầu tư so với các quỹ ngoại gia nhập thị trường Việt Nam.

Không chỉ vậy, việc quỹ nội đầu tư bằng tiền Việt và thủ tục đầu tư diễn ra trong nước cho phép quy trình đầu tư và giải ngân cho startup diễn ra nhanh hơn nhiều. So với thủ tục thông thường hiện nay là các startup phải lập pháp nhân ở nước ngoài và thực hiện các thủ tục đầu tư ở nước ngoài, thường tốn nhiều thời gian, chi phí khiến startup không thể tập trung vào hoạt động kinh doanh chính.

Quỹ ThinkZone Fund I đã đầu tư vào 11 startup từ nhiều lĩnh vực như fintech, edtech, vận tải, thương mại điện tử,… Tất cả các startup này đều để lại rất nhiều ấn tượng với ThinkZone Ventures, đó cũng là lý do tại sao quỹ đã tâm huyết đầu tư và đi cùng các công ty này. Các startup của Fund I chứng minh cho ThinkZone thấy việc quỹ đầu tư đã tạo giá trị rõ ràng cho cộng đồng. Tiêu biểu như EMDDI đã tạo ra nền tảng để kết nối, chia sẻ người dùng giữa hơn 110 hãng taxi trên toàn quốc, vận hành hệ thống di chuyển hơn hơn 10 triệu lượt khách hàng tháng.

Hay GIMO đang tăng trưởng hơn 100 lần trong năm đầu, hiện tại có gần 100.000 người lao động tiếp cận và sử dụng tới nền tảng ứng lương linh hoạt và từ đó, giải quyết vấn nạn bẫy nợ cho đại đa số người lao động thu nhập thấp trong các khu công nghiệp.

Edupia, Babilala và eJOY đang mang lại các công cụ học tiếng Anh Trực tuyến cho hơn tổng cộng 6 triệu học sinh không chỉ ở Việt Nam mà toàn thế giới. FoodHub đưa các combo thực phẩm tươi sống tới từng hộ gia đình, trung bình gần 3 lần/tháng với tỷ lệ khách hàng trung thành rất cao./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thách thức đến từ việc thuyết phục các DN lớn “chịu” đầu tư mạo hiểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO