Thanh Hóa đẩy mạnh CĐS cấp xã nhằm thu hẹp khoảng cách số

Ánh Dương| 13/06/2022 06:08
Theo dõi ICTVietnam trên

Nga An (Nga Sơn), Hà Sơn (Hà Trung) và Yên Thọ (Như Thanh) là 3 xã được lựa chọn thí điểm thực hiện chương trình chuyển đổi số (CĐS) cấp xã theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa. Sau hơn 1 năm triển khai, các mô hình thí điểm đều đã phát huy hiệu quả.

CĐS lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, mục tiêu và động lực

Xác định CĐS phải lấy người dân, doanh nghiệp (DN) làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, làm động lực của CĐS. Và CĐS chỉ thành công khi được người dân thực sự hiểu, hưởng ứng, tham gia vào quá trình thực hiện. Có như vậy, người dân mới có thể trở thành công dân số, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, phát triển kinh tế số, xã hội số và chính quyền số.

Để triển khai CĐS thành công trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, các xã thí điểm đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến thôn. Sau hơn 1 năm triển khai, tại cả 3 xã đã đạt được những kết quả tích cực.

Xây dựng hạ tầng số là nhiệm vụ hàng đầu trong CĐS. Theo đó, VNPT Thanh Hóa đã tập trung chỉnh trang, bó gọn các tuyến cáp quang, kéo căng các tuyến cáp trùng, bảo đảm an toàn, bảo đảm mỹ quan và nâng cao chất lượng hạ tầng phục vụ nhu cầu của người dân.

Sau một thời gian triển khai thí điểm CĐS, tỷ lệ các hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang tại các xã đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay, hạ tầng băng rộng cáp quang, di động được bổ sung đã phủ đến 100% hộ gia đình. VNPT cũng đã tối ưu vùng phủ sóng di động, nâng cao chất lượng phủ sóng tại các vùng sóng yếu, sóng lõm.

Thanh Hóa đẩy mạnh CĐS cấp xã nhằm thu hẹp khoảng cách số - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát an ninh trật tự với gần 100 camera cũng đã được lắp đặt tại các khu vực trọng điểm của 3 xã và kết nối về phòng trực của Công an xã, kịp thời phát hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật và tai nạn giao thông trên địa bàn.

VNPT Thanh Hóa cũng phổ cập dịch vụ Internet, truyền hình tại các nhà văn hóa thôn, xây dựng nhà văn hóa trở thành nơi người dân chia sẻ, hướng dẫn cho nhau những kiến thức cơ bản về sử dụng điện thoại thông minh, về thương mại điện tử, về các tiện ích trên môi trường số. Tính đến nay, 35/35 nhà văn hóa thôn đã được lắp đặt Internet, truyền hình.

Để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, DN, việc xây dựng chính quyền số cũng được triển khai tương đối đồng bộ. Đến nay, 100% cán bộ, công chức các xã thí điểm đã thực hiện làm việc và ký số trên môi trường điện tử; cung cấp công khai, minh bạch dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 với tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý đúng hạn đạt 100%.

Ứng dụng CĐS (App Thanhhoas), được xây dựng và triển khai trở thành kênh tương tác giữa chính quyền và người dân, đã có hơn 1.000 lượt tải tại 03 xã.

Thanh Hóa đẩy mạnh CĐS cấp xã nhằm thu hẹp khoảng cách số - Ảnh 2.

VNPT Thanh Hóa cũng phối hợp với chính quyền các xã để đào tạo cho hơn 100 lượt cán bộ xã, thôn về nhận thức, kiến thức CĐS, đồng thời hướng dẫn sử dụng các phần mềm, ứng dụng phục vụ cho công việc của cán bộ xã như Hệ thống quản lý văn bản, Hồ sơ công việc, Hệ thống Cổng dịch vụ công và Một cửa điện tử, Trang thông tin điện tử, hệ thống email,… 

Đối với lĩnh vực kinh tế số, VNPT đã phối hợp với chính quyền địa phương và các DN triển khai các nội dung hướng dẫn cho người dân, cho các hộ sản xuất đưa hàng hóa, sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (TMĐT); đồng thời hỗ trợ các DN xây dựng website TMĐT để quảng bá sản phẩm trên môi trường mạng, thúc đẩy việc tiêu thụ sản phẩm.

Đến nay, các DN, người dân cũng đã hiểu và biết cách giao dịch TMĐT; các DN, hộ sản xuất đã quảng bá, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ trên các sàn TMĐT; người dân cũng đã biết cách giao dịch mua, bán hàng qua mạng.

Điểm mấu chốt để xây dựng thành công nền kinh tế số là đẩy mạnh phát triển TMĐT và nền tảng thanh toán điện tử. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ sử dụng ví điện tử trong các giao dịch của người dân còn hạn chế; người dân chưa hình thành thói quen thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt. Nhiều cơ sở sản xuất, các hộ dân còn chưa sẵn sàng cho việc thay đổi các phương thức bán hàng. 

Từ thực tế đó, VNPT Thanh Hóa cũng hướng dẫn người dân cài đặt phần mềm để thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, hỗ trợ DN ứng dụng CNTT trong sản xuất.

Đối với nhóm nhiệm vụ về xây dựng xã hội số, trong khuôn khổ chương trình thí điểm, Sở TT&TT, VNPT Thanh Hóa và UBND các xã xác định tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như y tế và giáo dục.

Theo đó, đối với lĩnh vực y tế, trước đây các trạm y tế xã thường sử dụng rất nhiều phần mềm, hệ thống báo cáo khác nhau. Từ khi thực hiện thí điểm CĐS, VNPT đã tích hợp Phần mềm quản lý khám chữa bệnh VNPT HIS với Phần mềm quản lý y tế cơ sở để giảm thiểu các báo cáo của trạm y tế và liên thông hơn 40 loại báo cáo, sổ sách tới cấp huyện, cấp tỉnh, góp phần giảm tải công việc hành chính cho các trạm, từ đó giúp tăng thời gian cho các nhân viên y tế trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thanh Hóa đẩy mạnh CĐS cấp xã nhằm thu hẹp khoảng cách số - Ảnh 3.

CĐS y tế góp phần giảm tải công việc hành chính cho các trạm, từ đó giúp tăng thời gian cho các nhân viên y tế trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. (Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn)

Dữ liệu dân số được cập nhật vào hệ thống y tế cơ sở là tiền đề quan trọng để triển khai và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. VNPT đã chuẩn bị sẵn sàng những giải pháp hỗ trợ cho Trạm Y tế như: Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám chữa bệnh từ xa kết nối trạm y tế xã với bệnh viện tuyến trên, ứng dụng tư vấn sức khỏe hỗ trợ người dân kết nối với bác sĩ tư vấn. Tuy nhiên, việc triển khi ứng dụng trong thực tế đòi hỏi cần sự chỉ đạo, hướng dẫn của các đơn vị liên quan ngành Y tế.

Trong khi đó, ngành giáo dục các xã cũng đã triển khai ứng dụng CNTT trong dạy và học, trong tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý. Cụ thể, VNPT cũng đã phối hợp với các trường triển khai bổ sung các giải pháp trong hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 như: thẻ điểm danh thông minh, kiểm định chất lượng giáo dục, học trực tuyến VNPT E-learning, tích hợp thanh toán học phí qua VNPT Pay, ứng dụng vnEdu Connect giúp giảm các công tác liên quan đến sổ sách tại nhà trường, hỗ trợ cho các thầy cô trong công tác giảng dạy.

Một số điểm nghẽn và bài học kinh nghiệm

Bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận, quá trình triển khai CĐS tại 3 xã cũng đã cho thấy một số khó khăn nhất định.

Chia sẻ về các điểm nghẽn trong quá trình CĐS tại địa phương ông Nguyễn Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Thanh Hóa đã chỉ ra một số điểm nghẽn cần phải khắc phục.

Điểm nghẽn về nhận thức, nguồn lực và mô hình

Về nhận thức, ông Sơn cho biết từ lãnh đạo địa phương đến người dân đều có tâm lý ngại thay đổi, nguyên nhân một phần cũng là do cách tiếp cận và cách truyền thông về CĐS tại các địa phương chưa phù hợp.

Trên thực tế, triển khai CĐS ở những đơn vị càng gần dân, nếu dùng quá nhiều các thuật ngữ chuyên ngành sẽ làm cho người dân chưa có nhiều khái niệm về CĐS sẽ cảm thấy khó hiểu dẫn đến việc càng lúng túng và mất tự tin khi tiếp cận và tham gia vào CĐS, từ đó càng cản trở quá trình CĐS.

Bên cạnh đó, về nguồn lực (cả nhân lực, tài lực) để triển khai CĐS ở cấp xã, phường cũng gặp những khó khăn nhất định, khi nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng về CĐS tại cấp xã còn ít, thậm chí là không có, đồng thời nguồn ngân sách cho việc CĐS cũng còn hạn chế.

Ngoài ra, khi mới bắt đầu triển khai thực hiện chưa có mô hình CĐS cấp huyện, xã dẫn đến tình trạng các địa phương vẫn còn nhiều lúng túng vì không biết phải bắt đầu từ đâu.

Khó khăn trong triển khai thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt cũng là một nhiệm vụ quan trọng trong lộ trình thực hiện CĐS. 

Từ góc nhìn đánh giá thực tế của một nhà mạng cũng đang triển khai ví điện tử, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Thanh Hóa cho biết, những khó khăn trong quá trình triển khai đa phần đến từ thói quen của người dân. Người dân ở nông thôn thường có tâm lý không tin tưởng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Từ thực tế đó, ông Sơn nhấn mạnh các địa phương cần tập trung đẩy mạnh tuyên truyền để thúc đẩy, định hướng nhận thức của người dân về sự an toàn, xóa bỏ tâm lý e ngại khi sử dụng các dịch vụ tài chính số; Đồng thời, xem xét việc thay thế hình thức trả lương hưu, chế độ chính sách, các khoản trợ cấp an sinh bằng tiền mặt hiện nay sang hình thức trả qua ứng dụng số để hình thành thói quen cho người dùng.

Một số bài học kinh nghiệm

Từ thực tế VNPT tham gia quá trình triển khai thí điểm CĐS tại 3 xã, chia sẻ tại Hội thảo "Lãnh đạo địa phương - Hợp lực CĐS", nằm trong khuôn khổ Vietnam - Asia DX Summit 2022, ông Sơn đã đưa ra một số bài học kinh nghiệm cụ thể.

Thứ nhất, CĐS cấp xã cần tiếp cận từ những việc đơn giản nhất, dễ nhận thấy nhất đối với chính quyền, người dân và DN.

Thứ hai, tuyên truyền thay đổi nhận thức cho người dân để họ có thể tiếp cận CĐS theo hướng đơn giản, cụ thể, dễ hiểu nhất; đồng thời sử dụng những ngôn ngữ đời thường, tránh sử dụng các thuật ngữ chuyên ngành làm cho người dân càng khó tiếp cận.

Thứ ba, xác định điểm chạm "Nhà văn hóa thôn" hay bưu điện văn hóa xã để biến thành nơi sinh hoạt cộng đồng về CĐS, từ đó hình thành mô hình nhà văn hóa thông minh. Đây sẽ là những hạt nhân để triển khai CĐS tại cấp thôn.

Ông Sơn cho biết, trong quá trình triển khai thí điểm CĐS tại địa phương, VNPT cũng xác định nhân rộng mô hình nhà văn hóa thông minh/bưu điện văn hóa xã thông minh, biến những điểm này thành "điểm chạm" giữa tổ công nghệ số cộng đồng với người dân để có thể hướng dẫn triển khai những nội dung đơn giản nhất cho người dân chẳng hạn như cách thức cài đặt một app, cách thức sử dụng app, đưa các sản phẩm lên trang TMĐT như thế nào.

Thứ tư, lựa chọn các thành viên trẻ trong gia đình làm hạt nhân để hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng CĐS.

Thứ năm, gắn việc CĐS tại địa phương với hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng, xây dựng gia đình số. Có cơ chế khuyến khích cho Tổ công nghệ số cộng đồng để việc giao nhiệm vụ CĐS không mang tính hình thức./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa đẩy mạnh CĐS cấp xã nhằm thu hẹp khoảng cách số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO