“Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới” trên tem bưu chính

Nguyễn Thị Hương| 16/10/2018 10:26
Theo dõi ICTVietnam trên

Thành Nhà Hồ thuộc địa phận của tỉnh Thanh Hóa từng là kinh đô của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Đây là một trong những thành lũy bằng đá hiếm hoi còn sót lại tại Đông Nam Á.

Thành Nhà Hồ thuộc địa phận của tỉnh Thanh Hóa từng là kinh đô của nước Việt Nam từ năm 1398 đến 1407. Đây là một trong những thành lũy bằng đá hiếm hoi còn sót lại tại Đông Nam Á. UNESCO đã công nhận Thành Nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới vì những giá trị văn hóa, lịch sử cùng kỹ thuật xây dựng độc đáo của công trình này mang lại. Thành Nhà Hồ do Hồ Quý Ly, lúc bấy giờ là tể tướng dưới triều đại nhà Trần - cho xây dựng vào năm 1397, dưới thời vua Trần Thuận Tông. Sau khi thành xây xong, Hồ Quý Ly buộc vua Trần Thuận Tông dời đô từ Thăng Long (Hà Nội) về Thanh Hóa. Năm 1400, Hồ Quý Ly lên ngôi vua thay cho nhà Trần, Thành Nhà Hồ chính thức trở thành kinh đô, và Hồ Quý Ly lấy quốc hiệu là Đại Ngu, tức niềm hạnh phúc, an vui.

Bên trong thành ngoại là thành nội có mặt bằng hình chữ nhật chiều Bắc - Nam dài 870,5m, chiều Đông - Tây dài 883,5m. Mặt ngoài của thành nội ghép thẳng đứng bằng đá khối kích thước trung bình 2 m x 1 m x 0,70 m, mặt trong đắp đất. Bốn cổng thành theo chính hướng Nam - Bắc - Tây - Đông gọi là các cổng tiền - hậu - tả - hữu (Cổng Tiền hay còn gọi là Cổng Nam, Cổng Hậu còn gọi là Cổng Bắc, Cổng Đông Môn và Cổng Tây Giai). Các cổng đều xây kiểu vòm cuốn, đá xếp múi bưởi, trong đó to nhất là cửa chính Nam, gồm 3 cửa cuốn dài 33,8 m, cao 9,5 m, rộng 15,17 m. Các phiến đá xây đặc biệt lớn (dài tới 7 m, cao 1,5 m, nặng chừng 15 tấn).

Ảnh các mẫu tem 

Thành Nhà Hồ đáp ứng đầy đủ hai tiêu chí về văn hóa mà UNESCO đưa ra để xếp hạng Di sản cho công trình, đó là “Thể hiện các giá trị nhân văn quan trọng và sự ảnh hưởng của chúng qua một thời kỳ lịch sử quốc gia hay trong một khu vực của thế giới, những đóng góp này có tính phát triển trong kiến trúc, công nghệ, nghệ thuật điêu khắc, và cách quy hoạch thành phố” và “Trở thành ví dụ nổi bật về một loại hình công trình, một quần thể kiến trúc, kỹ thuật hoặc cảnh quan minh họa được giá trị của một (hoặc nhiều) giai đoạn trong lịch sử nhân loại”.

Công trình này được đánh giá cao về mặt kỹ thuật xây dựng các khối đá được cho là có một không hai ở Việt Nam nói riêng và toàn khu vực Đông Á, Đông Nam Á nói chúng vào khoảng thời gian từ cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV. Các nhà nghiên cứu đánh giá, kiến trúc của Thành Nhà Hồ được xây rất khoa học, với các phiến đá lớn được đục đẽo một cách vuông vức, xếp đan xen với nhau theo hình múi bưởi để tránh các rung chấn lớn như động đất. Đặc biệt là giữa các phiến đá này không hề có bất kỳ chất kết dính nào nhưng tòa thành vẫn đứng vững hơn 600 năm, vượt qua nhiều tác động của địa chấn và bom đạn tàn phá. Ngoài ra khối công trình đồ sộ, vững chắc này chỉ được xây dựng vẻn vẹn trong vòng 3 tháng đầu năm 1397.

Để nhằm quảng bá tuyên truyền về di sản, Bộ Thông tin và Truyền thông phát hành bộ tem “Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới” gồm 3 mẫu tem và 1 bloc. Khuôn khổ tem: 43 x 32 mm; Khuôn khổ Bloc: 90 x 60 mm. Bộ tem do họa sỹ Phạm Trung Hà, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam thiết kế..

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
“Thành Nhà Hồ - Di sản văn hóa thế giới” trên tem bưu chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO