Truyền thông

Thành tựu báo chí  - truyền thông: Kế thừa quá khứ và mở ra tương lai

Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí - Bộ TT&TT 17/08/2023 06:35

Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước (QLNN) về báo chí.

Quá trình 20 năm qua, Cục dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT).

62 năm qua, từ năm 1945, thời điểm thành lập Bộ Thông tin Tuyên truyền, cho đến năm 2007, thời điểm thành lập Bộ TT&TT, đã có 16 lần cơ quan tiền thân của Cục báo chí bị nhập, tách, đổi tên Bộ; trong đó thời gian cơ quan QLNN về báo chí hoạt động ổn định, không bị tách, nhập, đổi tên, dài nhất là 12 năm.

Trên cơ sở đề xuất của Vụ Báo chí, Bộ VH-TT, ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị đã ký Quyết định số 22/2003/QDD-VHTT thành lập Cục Báo chí. Ngày 28/6 2004, Bộ trưởng Bộ VH-TT ban hành Quyết định số 44/2004/QĐ-BVHTT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Báo chí, gồm có 4 phòng: Phòng Quản lý báo chí in; Phòng Quản lý phát thanh, truyền hình, báo điện tử trên Internet; Phòng Pháp luật, chính sách và Phòng Hành chính - Tổng hợp.

Năm 2008, Bộ TT&TT thành lập Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), trên cơ sở chuyển chức năng, nhiệm vụ và tổ chức của Phòng Quản lý PTTH, báo điện tử trên Internet từ Cục Báo chí sang.

Kế thừa truyền thống, những cán bộ dày dạn kinh nghiệm của Cục Báo chí hiện đang là hạt nhân quan trọng ở các đơn vị bạn. Cũng trong giai đoạn này, Bộ TT&TT đã thành lập Cục Thông tin đối ngoại và Vụ Thông tin cơ sở (sau này là Cục Thông tin cơ sở) trên cơ sở chuyển chức năng, nhiệm vụ và tổ chức từ Cục Báo chí sang. Năm 2009, Cục Báo chí thành lập Trung tâm Bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ báo chí (sau này đổi tên thành Trung tâm hỗ trợ phát triển báo chí).

Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ VH-TT thời kỳ này. Quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ TT&TT.

Những đóng góp quan trọng

Công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí

Bước sang thời kỳ đổi mới toàn diện ở Việt Nam, hệ thống quan điểm của Đảng lãnh đạo về báo chí ngày càng được hoàn thiện theo phương châm “Phát triển gắn liền với quản lý báo chí”, “Phát triển phải đi đôi với quản lý báo chí”.

bao-chi-1.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Năm 2016, Luật Báo chí sửa đổi được Quốc hội thông qua, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử báo chí nước nhà. Luật Báo chí 2016 đã kế thừa Luật về chế độ báo chí số 100-SL/L.002 ngày 20/5/1957, Luật Báo chí 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999; tiếp thu các quy định trong quá khứ, bổ sung các quy định mới về cơ chế chính sách để phát triển báo chí, phát huy quyền tự do ngôn luận trên báo chí của người dân, đảm bảo mục tiêu phát triển và quản lý tốt; đã xác định rõ tính chất xã hội chủ nghĩa của chế độ báo chí với sự kế thừa liên tục của chế độ báo chí cách mạng, đồng thời phản ánh những thay đổi trong đời sống kinh tế xã hội của Việt Nam giai đoạn hiện nay, hướng tới xây dựng cương lĩnh cho báo chí cách mạng Việt Nam những năm tiếp theo.

Năm 2019, thực hiện chủ trương của Đảng, Cục Báo chí là đơn vị chủ trì đã tham mưu Bộ TT&TT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 362/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Quy hoạch báo chí đã thể chế hoá quan điểm phát triển của Đảng qua các thời kỳ về xây dựng mô hình cơ quan báo chí tinh gọn, hiệu quả, tập trung cho cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội; sắp xếp cơ quan báo chí gắn với đổi mới mô hình tổ chức, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, quản lý báo chí.

Sau nhiều năm xây dựng nhưng phải đến năm 2019 Quy hoạch mới được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Việc Quy hoạch Báo chí được ban hành đã tạo bước phát triển mới cho báo chí Việt Nam theo hướng tinh gọn, hiệu quả; thể hiện sự sáng tạo, đổi mới trong xây dựng chính sách, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, với quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo Bộ TT&TT, sự nỗ lực trong tham mưu của Cục Báo chí và các đơn vị chức năng.

Công tác xây dựng chính sách, pháp luật được đặc biệt quan tâm, tạo nền móng hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của báo chí qua các thời kỳ. Từ năm 1945 đến năm 2023, đã có 356 văn bản quy phạm pháp luật về báo chí hoặc liên quan lĩnh vực báo chí được ban hành, do cơ quan quản lý nhà nước về báo chí tham mưu xây dựng hoặc tham gia xây dựng (7 Sắc lệnh; 16 Luật; 4 Pháp lệnh; 3 Chiến lược; 48 Nghị định; 214 Quyết định; 64 Thông tư).

Đặc biệt, từ khi thành lập đến nay, Cục Báo chí đã chủ trì, tham gia xây dựng, ban hành 113 Văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác (5,7 văn bản/năm), gồm: 13 Luật, 23 Nghị định, 40 Quyết định, 34 Thông tư, 03 Chiến lược. Điển hình là các văn bản như: Luật Báo chí 2016, Nghị định quy định chi tiết về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Nghị định quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Nghị định quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với các cơ quan báo chí; Nghị định quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, xuất bản; Chiến lược Phát triển thông tin quốc gia đến 2025, tầm nhìn 2030; Chiến lược Chuyển đổi số báo chí; Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến 2025..vv…

Công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Cục Báo chí được giao chủ trì triển khai dự án Đào tạo lại báo chí Việt Nam. Giai đoạn 1, từ năm 1998 đến năm 2011 đã đào tạo được hơn 5.000 phóng viên, biên tập viên; Giai đoạn 2 là xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu của Việt Nam để đi đào tạo lại cho phóng viên báo chí Việt Nam; Giai đoạn 3 là hình thành Trung tâm Bồi dưỡng, kỹ năng, nghiệp vụ báo chí thuộc Cục báo chí.

bao-chi.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Internet)

Dự án được triển khai ở tất cả các loại hình báo chí, mọi đối tượng nhà báo. Với 250 khoá học, phóng viên báo chí được tiếp cận các kỹ năng viết báo hiện đại, về ảnh báo chí, làm báo điện tử, thiết kế, trình bày báo, xây dựng mô hình toà soạn hội tụ đa phương tiện, mô hình phát triển kinh tế báo chí. Giảng viên là các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Dự án đã thúc đẩy nhanh sự phát triển của báo chí Việt Nam; vai trò của báo chí được nâng cao hơn trong đời sống xã hội. Đặc biệt, dự án đã giúp Việt Nam có được một đội ngũ những nhà báo có năng lực và những giảng viên có trình độ chuyên môn cao.

Tiếp nối dự án trên, năm 2019, Bộ TT&TT giao Cục Báo chí cùng các đơn vị liên quan triển khai dự án “Phát triển báo chí Việt Nam giai đoạn 2020-2024”. Dự án đem lại giá trị thiết thực cho báo chí về tiếp cận công nghệ mới của báo chí, về kinh tế báo chí, chuyển đổi số và các kỹ năng, phương pháp làm báo mới. Đã có hàng trăm phóng viên, biên tập viên được tiếp cận với những kiến thức mới do Dự án đem lại.

Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số (CĐS) báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Ngày 8/5/2023, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã ký Quyết định số 781/QĐ-BTTTT ban hành Kế hoạch hành động triển khai Chiến lược CĐS báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mở ra hướng phát triển mới, tạo cơ hội cho báo chí bứt phá vươn lên, chiếm lĩnh không gian mới; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Công tác QLNN về nội dung thông tin tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước

Việc tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí giúp cho báo chí hoạt động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp. Những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí được chấn chỉnh mạnh tay, có hiệu quả.

Công tác quản lý báo chí được đổi mới theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ để đo lường, đánh giá xu hướng thông tin, quản lý và điều tiết thông tin báo chí.

Định hướng thông tin nhưng phải thổi vào đó nhiệt huyết để báo chí thực hiện tốt sứ mệnh báo chí cách mạng, phản ánh trung thực dòng chảy chính, nhân lên năng lượng tích cực; tăng cường tuyên truyền bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; chủ động, tích cực đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc.

Đổi mới công tác tổ chức thông tin cho báo chí; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ kinh tế báo chí để báo chí có thêm nguồn lực thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Cục Báo chí được lãnh đạo Bộ TT&TT giao chủ trì xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách (Chỉ thị số 07/CT-Ttg ngày 31/3/2023).Trước đây, truyền thông chính sách được coi là việc của báo chí, nhưng nay, với nhận thức mới, truyền thông chính sách là việc của các cấp chính quyền.

Vì thế, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, ngành, địa phương phải bố trí cán bộ phụ trách công tác truyền thông chính sách; phải bố trí nguồn lực về con người, tài chính cho hoạt động này và phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; xây dựng bộ máy vận hành, định hướng thông tin, xử lý khủng hoảng truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, lấy báo chí làm nòng cốt. Với quan điểm mới này, báo chí đã có sự hỗ trợ quan trọng hơn từ phía chính quyền trong công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị.

Và những trọng trách mới

Thành tựu từ quá khứ khích lệ lòng tự hào của các thế hệ tiếp nối của Cục Báo chí. Nhưng, thành tựu đó cũng là thách thức lớn đối với trách nhiệm và bổn phận của các thế hệ tiếp nối ở Cục Báo chí ngày nay.

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: “Báo chí phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của xã hội, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ngấm sâu vào từng người dân, lan toả năng lượng tích cực, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng, góp phần tạo ra sức mạnh tinh thần cho Việt Nam bứt phá vươn lên trở thành nước phát triển thu nhập cao”.

Thế hệ Cục Báo chí hôm nay quyết tâm vượt khó, đổi mới, sáng tạo, bứt phá vươn lên, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ giao phó. Phát huy giá trị cốt lõi của báo chí cách mạng, gắn báo chí với sứ mệnh lớn của đất nước để thổi bùng khát vọng Việt Nam hùng cường thịnh vượng; tinh gọn hệ thống báo chí; hỗ trợ, thúc đẩy nhanh CĐS báo chí; tháo gỡ bất cập, để phát triển kinh tế báo chí; dẫn dắt công cuộc CĐS báo chí; xây dựng mô hình cơ quan báo chí, phát triển kinh tế báo chí, đẩy mạnh truyền thông chính sách, tạo đồng thuận và niềm tin xã hội.

78 năm qua, các thế hệ làm công tác quản lý báo chí đã liên tục kế thừa quá khứ và mở ra tương lai để tạo thành một dòng chảy liên tục, như lời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã nói về giá trị văn hoá của Cục Báo chí.

Truyền thống, văn hoá của Cục Báo chí được bồi đắp, kết tinh từ xương máu và sự cống hiến của lớp lớp cha anh đi trước, để từ đó mỗi thế hệ đều để lại những dấu ấn quan trọng, đều giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, hỗ trợ nhau trong công tác và trong cuộc sống, đều có được sức mạnh, nghị lực, đi qua mọi thác ghềnh, khó khăn, hoàn thành sứ mệnh của “người gác cổng thông tin”, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp QLNN về báo chí.

Số liệu phát triển

Số lượng cơ quan báo chí:
⁃ Năm 1986: 241 CQBC (115 báo, 126 tạp chí)
⁃ Năm 1992: 350 CQBC (136 báo; 214 tạp chí)
⁃ Năm 1997: 490 (153 báo, 337 tạp chí)
⁃ Năm 2003: 496 CQBC (154 báo, 342 tạp chí, trong đó: 21 báo điện tử); 68 Đài PT-TH
⁃ Năm 2009: 710 CQBC (175 báo, 530 tạp chí)
⁃ Năm 2013: 838 (199 báo, 639 tạp chí);
⁃ Năm 2015: 857 (199 báo, 658 tạp chí, trong đó: 105 báo điện tử);
⁃ Năm 2019: 850 (185 báo, 642 tạp chí, trong đó: 23 báo chí điện tử độc lập)
⁃ Năm 2022: 797 (127 báo, 670 tạp chí);
Nguồn nhân lực báo chí in, báo chí điện tử:

⁃ 2003: 12,5 nghìn người; 3500 thẻ; Đại học 78%; trên Đại học: 3,5%
⁃ 2009: 14 nghìn người; 4600 thẻ; Đại học: 84%; trên Đại học: 4,9%
⁃ 2013: 15.500 người; 6100 thẻ; Đại học: 88%; trên Đại học: 5,2%
⁃ 2015: 18.700 người; 8200 thẻ; Đại học: 94%; trên Đại học: 5,5%
⁃ 2019:  25.500 người; 12.500 thẻ; Đại học: 97%; trên Đại học: 5%
⁃ 2022: 23.900 người; 12.300 thẻ; Đại học: 98%; trên Đại học: 4,9%
Tổng số bản báo in được phát hành

⁃ 1986: 243 triệu bản-> 4 bản/ người
⁃ 1996: 525 triệu bản-> 6,9 bản/người
⁃ 2013: 1 tỷ 100 triệu bản-> 12,1 bản/ người
⁃ 2019: 620 triệu bản-> 6,4 bản/ người
⁃ 2022: 250 triệu bản-> 2,5 bản/ người
Tổng lượng view báo chí điện tử hàng
năm:

⁃ 2001: 500 triệu view-> 6,3 view/người
⁃ 2003:  1 tỷ 200 triệu view->14,7 view/người
⁃ 2022:  24,5 tỷ view-> 245 view/người
Quy mô thị trường (tổng doanh thu):

⁃ 2003: 2100 tỷ
⁃ 2013: 4100 tỷ
⁃ 2022: 9500 tỷ
Thu từ quảng cáo:

⁃ 2003: 770 tỷ
⁃ 2013: 1700 tỷ
⁃ 2022: 4700 tỷ
Xử phạt vi phạm hành chính (từ 2012 đến 2023):

⁃ Tổng số trường hợp cơ quan báo chí bị xử lý: 499
⁃ Tổng số tiền phạt bằng tiền: 6,5 tỷ đồng

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tập đoàn VNPT tăng trưởng 7% năm 2024
    Năm 2024, mặc dù thị trường viễn thông - công nghệ thông tin gặp khá nhiều khó khăn, song với nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, Tập đoàn VNPT vẫn giữ vững thị phần với các dịch vụ trọng điểm, tối ưu chi phí, để doanh thu, lợi nhuận toàn Tập đoàn được duy trì và tăng trưởng so với cùng kỳ.
  • Hướng tới vinh danh các "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam” 2024
    Giải thưởng "Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam" là giải thưởng vinh danh những sản phẩm, giải pháp, nền tảng xuất sắc, tiêu biểu, thể hiện năng lực của doanh nghiệp Việt và người Việt trong việc làm chủ về công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm công nghệ số.
  • 5,5 tỷ người trên thế giới sử dụng Internet
    Theo báo cáo mang tên “Thực tế và Con số 2024” của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), năm 2024 đã có thêm 227 triệu người được tiếp cận Internet, nâng tổng số người sử dụng Internet lên 5,5 tỷ người, chiếm 68% dân số toàn cầu.
  • Bưu điện hợp tác với công ty hàng đầu Hàn Quốc về công nghệ, sàn giao dịch dữ liệu
    Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Công ty DataStreams Corp (DataStreams) hợp tác trong lĩnh vực công nghệ dữ liệu nhằm khai thác sức mạnh dữ liệu để nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng cường năng lực cạnh tranh và mang lại giá trị gia tăng cho khách hàng.
  • Chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật
    Các hoạt động bán hàng đa cấp ngày càng biến tướng ti vi dưới nhiều hình thức. Đây là lĩnh vực kinh doanh nhạy cảm, dễ bị biến tướng thành các hoạt động lừa đảo, huy động tài chính bất hợp pháp, gây hệ lụy xấu trên quy mô lớn cho xã hội.
Đừng bỏ lỡ
Thành tựu báo chí  - truyền thông: Kế thừa quá khứ và mở ra tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO