Thi đua phải gắn với thực hiện nhiệm vụ cụ thể

03/11/2015 21:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước TPHCM, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh các phong trào thi đua cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức; thi đua phải có mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ, với công việc hằng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại Đại hội. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Ngày 4/7, Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TPHCM tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ VI năm 2015.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cùng 1.064 đại biểu, trong đó có 666 gương điển hình tiên tiến đại diện cho các giới đồng bào, các tổ chức đoàn thể, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM tham dự.

Phát biểu với Đại hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những kết quả của các phong trào thi đua mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã đạt được trong những năm qua.

Theo Chủ tịch nước, những năm qua, Đảng bộ, và các tầng lớp nhân dân Thành phố luôn khắc sâu, làm theo lời dạy thi đua yêu nước của Bác Hồ.

Trong những năm kháng chiến gian khổ, Thành phố có nhiều phong trào như “Thi đua giết giặc lập công”, “Diệt ác trừ gian, diệt giặc, phá kiềm”, “Xây dựng địa đạo kháng chiến”…

Sau khi đất nước thống nhất, TPHCM lại là nơi khởi xướng và thực hiện các phong trào như “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phụng dưỡng mẹ Việt Nam Anh hùng”, “Xây dựng nhà tình nghĩa, “Chương trình xóa đói, giảm nghèo”..., được hưởng ứng và trở thành phong trào chung của cả nước.

Nhiều năm liên tục Thành phố là địa phương dẫn đầu phong trào thi đua của cả nước. Các phong trào thi đua đã tạo động lực và khí thế để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX đề ra.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể của TPHCM.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Để tiếp tục giữ vững vai trò đi đầu trong các phong trào thi đua của cả nước, Chủ tịch nước đề nghị Thành phố cần tiếp tục quán triệt sâu sắc tư tưởng về thi đua yêu nước của Bác Hồ, Chỉ thị “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng” của Bộ Chính trị, Luật Thi đua-khen thưởng, đồng thời tăng cường tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa của các phong trào thi đua, vận động sự tham gia tự giác, tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch nước nhấn mạnh các phong trào thi đua trong giai đoạn hiện nay cần chú trọng đổi mới nội dung, hình thức; thi đua phải có mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ, với công việc hằng ngày của mỗi cơ quan, đơn vị. Cách thức tổ chức thi đua phải sáng tạo, đa dạng, phù hợp với từng đối tượng, từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể, thuận lợi cho mọi người tham gia.

Đặc biệt, công tác thi đua phải thường xuyên, liên tục, có kiểm tra, đôn đốc, đồng thời quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến, tổng kết rút kinh nghiệm. Trên cơ sở kết quả, phải khen thưởng kịp thời, đúng người, đúng việc; phải hết sức quan tâm tới khen thưởng người lao động, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, doanh nhân, chiến sĩ các lực lượng vũ trang.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tin tưởng phong trào thi đua yêu nước của TPHCM trong thời gian tới nhất định sẽ đạt được nhiều thành quả to lớn, đóng góp tích cực vào phong trào thi đua chung của cả nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Cờ thi đua của Chính phủ cho các tập thể của TPHCM.
Ảnh: VGP/Mạnh Hùng

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, với sự nỗ lực của các tầng lớp nhân dân, 5 năm qua (2010-2015), kinh tế-xã hội của Thành phố luôn đạt kết quả tích cực. Công bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội được đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, TPHCM đã đề ra và thực hiện tốt nhiều phong trào thi đua mới, như phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Công chức Thuế thu được thuế - thu được lòng dân”, “Nụ cười VNPT - Nụ cười bưu điện”,“Dạy tốt, học tốt”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Trong các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình, tiêu biểu có sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân như: GS-TS Chu Phạm Ngọc Sơn, PGS-TS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Dung (Hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch), ông Đinh Văn Vui (Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Văn hóa Suối Tiên), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Kỹ nghệ súc sản VISSAN, Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn…

Theo ông Hứa Ngọc Thuận, trong thời gian tới, TPHCM sẽ không ngừng đổi mới, năng động, sáng tạo, có thêm nhiều phong trào thi đua yêu nước thiết thực, có tác động lan tỏa lớn, nhằm thúc đẩy sự phát triển của Thành phố nhanh và bền vững.

Với những thành tích xuất sắc, là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010-2015, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân TPHCM đã vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ. Ngoài ra, 26 tập thể của Thành phố cũng được nhận Cờ thi đua của Chính phủ.


Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thi đua phải gắn với thực hiện nhiệm vụ cụ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO