Chuyển động ICT

Thiết bị VR có an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên không?

Tâm An 18:28 01/06/2023

Các thiết bị thực tế ảo (VR) ngày càng được ưa chuộng và sử dụng một cách rộng rãi cả trong giải trí và học tập. Tuy nhiên, bên cạnh những trải nghiệm thú vị mà nó mang lại, cũng có những lo ngại về mức độ an toàn của chúng đối với thị lực và sức khỏe của trẻ em.

Kính VR là sản phẩm không còn xa lạ đối với những người yêu thích trải nghiệm công nghệ độc đáo. Nó có khả năng mô phỏng toàn bộ không gian, đem đến cho người dùng những hình ảnh vô cùng sống động.

Với độ phổ biến ngày càng rộng, hàng trăm công ty đang tạo ra các sản phẩm game và ứng dụng VR hấp dẫn, các nhà làm phim cũng khai thác tiềm năng VR cho phim tài liệu và hoạt hình, trong khi đó Facebook và YouTube cũng cung cấp video 360 độ, thu hút sự yêu thích của đông đảo người dùng là thanh thiếu niên và trẻ em.

Điều này khiến các bậc cha mẹ ra những đặt câu hỏi về mức độ an toàn của chúng đối với thị lực và những băn khoăn về tác động đối với sức khỏe khi để trẻ em sử dụng thiết bị VR.

4.jpg

Thiết bị VR/AR hoạt động như thế nào?

Thiết bị VR, là sản phẩm sử dụng công nghệ VR, có khả năng mô phỏng toàn bộ không gian nhờ vào khả năng xử lý bằng máy tính, một cách chân thật và sống động. Hình ảnh và màu sắc như thật, mọi hành động của người sử dụng đều được tương tác đến góc nhìn trong VR, tạo cảm giác vô cùng chân thật, phá bỏ mọi giới hạn thông thường.

Để bắt đầu, thiết bị VR/AR tạo cho người dùng cảm giác hiện diện trong thế giới do máy tính tạo ra bằng cách hiển thị hình ảnh, thay đổi góc nhìn theo chuyển động của đầu.

Khi một đứa trẻ chơi trò chơi điện tử trên tivi và nhìn vào những đồ vật khác xung quanh phòng, mắt chúng sẽ thay đổi cách tập trung để nhìn những vật ở gần hoặc ở xa. Tuy nhiên, đeo thiết bị VR/AR có nghĩa là màn hình luôn ở cùng một khoảng cách, ngay cả khi các đối tượng trong thực tế ảo có vẻ gần hơn hoặc xa hơn so với thực tế.

Kính VR sử dụng cách sắp xếp quang học cụ thể để tạo môi trường 3D sống động. Vị trí của các thành phần khác nhau của thiết bị như ống kính, màn hình, điều chỉnh khoảng cách giữa các đồng tử, trường nhìn, công nghệ theo dõi mắt (nếu có) và công nghệ hiển thị ảnh hưởng đến trải nghiệm ảo của người đeo.

64(1).jpg

Tác động tiêu cực tiềm ẩn của thiết bị VR/AR

Một trong những lo ngại lớn nhất trong việc sử dụng thiết bị VR/AR là tác động của nó đối với mắt của trẻ. Các bậc phụ huynh từ lâu vẫn nói với trẻ rằng nhìn chằm chằm lâu vào màn hình sẽ khiến mắt hỏng, nhưng trên thực tế vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy việc tiếp xúc lâu với màn hình có thể gây hư hỏng mắt lâu dài.

Tuy nhiên, hiện tượng mỏi mắt có thể xảy ra vì đây là vấn đề phổ biến khi để mắt tập trung vào một đối tượng cụ thể trong thời gian dài, chẳng hạn như màn hình máy tính hoặc điện thoại thông minh. Hầu hết các thiết bị VR sử dụng hai màn hình để tạo hiệu ứng lập thể và mang lại cho người dùng cảm nhận về chiều sâu.

Dùng thiết bị VR hay bất cứ thiết bị kỹ thuật số nào trong thời gian dài đều gây mệt mỏi và khó chịu cho mắt. Đó là bởi vì bạn sẽ có khuynh hướng chớp mắt ít đi so với các hoạt động bằng mắt khác. Điều này gây ra cảm giác khô mắt và mỏi mắt.

Các nhà sản xuất đã đưa ra cảnh báo rằng việc sử dụng kính đeo VR trong thời gian dài có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung, theo dõi đối tượng và cảm nhận của một người. Điều này có thể tác động đáng kể đến trẻ em và hệ thống thị giác đang phát triển của chúng, mặc dù TS. Cheung, bác sĩ thị lực khoa nhi tại Đại học Duke cho rằng vẫn cần phải nghiên cứu thêm trước khi đưa ra nhận định chính xác. "Đó là một lĩnh vực công nghệ mới mà chúng tôi không có nhiều dữ liệu", ông nói.

Bạn đã bao giờ sử dụng thiết bị VR và thấy bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn hoặc mất phương hướng khi tháo nó ra chưa? Đó chính là một vấn đề tiềm ẩn khác với trẻ em khi sử dụng kính VR/AR.

Theo nhiều chuyên gia về thiết bị VR, thì kính VR có thể sẽ làm người sử dụng có cảm giác chóng mặt, buồn nôn hay còn gọi là “say chuyển động” (cybersickness) sau khi sử dụng tùy thuộc vào thể trạng của mỗi người.

Chẳng hạn như, có người cảm thấy khó chịu sau vài phút trải nghiệm trong khi nhiều người khác cảm thấy bình thường sau khi sử dụng tai nghe VR trong thời gian dài.

Chứng cybersickness có thể xảy ra sau khi tiếp xúc với kính VR, nguyên nhân là do sự không thống nhất giữa thông tin hình ảnh và cảm giác chuyển động hoặc vị trí của cơ thể. Nếu là người hay say tàu xe, say sóng hay say tàu thuyền thì nguy cơ mắc chứng say “thực tế ảo” này là khá cao.

anh-wareable.jpg
(Ảnh minh họa: WAREABLE)

Làm thế nào có thể ngăn chặn các tác động tiêu cực?

Một số nghiên cứu cũng đã được thực hiện để điều tra các tác động tiềm ẩn của thiết bị VR/AR đối với thị lực và sự gia tăng của cận thị. Chẳng hạn như, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng sau các thử nghiệm kéo dài 40 phút, không có bằng chứng đáng kể nào cho thấy công nghệ này tác động bất lợi đối với thị lực hai mắt hoặc sự phát triển cận thị trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, nghiên cứu này chỉ tập trung vào khoảng thời gian 40 phút sử dụng kính VR so với cùng khoảng thời gian đó ở môi trường ngoài trời. Trên thực tế, như chúng ta đã biết, một số người dùng có thể sẽ dành nhiều thời gian hơn khi sử dụng kính VR.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy màng mạch dày lên đáng kể, một lớp mỏng trong cấu trúc mắt, ở những người trẻ tuổi (18 - 45 tuổi) sau khi sử dụng thiết bị VR trong mỗi lần thử nghiệm, cho thấy nó có tác dụng bảo vệ chống lại sự gia tăng cận thị. Ngược lại, màng mạch mỏng đi, có liên quan đến sự tiến triển của cận thị.

Một trong những giải pháp lớn nhất để tránh tác dụng phụ của thiết bị VR/AR cho trẻ em là hạn chế tiếp xúc. Đặt giới hạn thời gian sử dụng thiết bị trên các thiết bị này là rất quan trọng, giống như với các loại trò chơi điện tử khác.

Đây cũng là một phần lý do tại sao thời gian sử dụng thiết bị điện tử lại là một chủ đề nóng trong việc nuôi dạy trẻ. TS. Cheung cũng cho biết: “Viện Hàn lâm Nhi khoa Mỹ khuyến nghị chỉ nên xem màn hình tối đa 2 giờ mỗi ngày”. Việc sử dụng thiết bị VR giống như thời gian sử dụng màn hình máy tính, điện thoại hay thiết bị điện tử và nó nên được giới hạn.

Mặc dù công nghệ VR đang có rất nhiều tiềm năng, nhưng các nhà sản xuất cần phối hợp với nhà khoa học để điều tra về tác dụng lâu dài của công nghệ này. Cho đến lúc đó, những người dùng, đặc biệt là các em nhỏ, thanh thiếu niên nên hạn chế sử dụng để tránh không bị ảnh hưởng./.

Theo Zdnet
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thiết bị VR có an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên không?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO