Theo luật mới, các công ty truyền thông xã hội có trên 1 triệu người dùng mỗi ngày như Facebook và Twitter, sẽ cần phải có văn phòng đại diện tại Thổ Nhĩ Kỳ và có trách nhiệm tuân thủ yêu cầu xóa một số nội dung khỏi nền tảng của họ khi có khiếu nại.
Các công này không tuân thủ luật thì có thể bị cắt giảm băng thông tới 90%, nhằm chặn quyền truy cập và phải đối mặt với các hình phạt khác.
Các công ty truyền thông xã hội cũng phải lưu trữ thông tin của người dùng Thổ Nhĩ Kỳ trong nước.
Yaman Akdeniz, giáo sư tại Đại học Istanbul Bilgi cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành chính sách mạnh đối với các phương tiện truyền thông xã hội.
Theo Akdeniz, các công ty truyền thông xã hội sẽ cần phải tuân thủ mọi yêu cầu từ chính quyền bao gồm truy cập dữ liệu người dùng và xóa nội dung mà hiện tại họ không chấp nhận.
Trước đó, một số nước đã ban hành các quy định liên quan đến các công ty truyền thông xã hội như Indonesia sẽ áp thuế VAT đối với Amazon, Google, Spotify. Pháp thông qua luật buộc các nền tảng truyền thông xã hội xóa một số nội dung trong 1 giờ.
Đức cũng có một luật tương tự, đó là Đạo luật Thi hành mạng lưới, từ năm 2018. Luật yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xóa phát ngôn thù địch và tin giả trong vòng 24 giờ sau khi được báo cáo nếu không muốn bị phạt tối đa 60 triệu USD. Các công ty mạng xã hội cũng phải công bố báo cáo 6 tháng/lần, nêu chi tiết số lượng khiếu nại nội dung xấu độc nhận được. Năm 2019, Đức phạt Facebook hơn 2 triệu USD vì báo cáo sai số lượng nội dung bất hợp pháp trên nền tảng.