Đây là thông tin được ông Đỗ Công Anh, Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT đưa ra tại hội thảo tuyên truyền Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 11/10/2021 quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế ban hành ngày 12/10/2021 hướng dẫn tạm thời thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP do Bộ TT&TT tổ chức ngày 29/10.
Hiện nay, người dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi quét mã QR vì mã QR của mỗi người trong mỗi app chống dịch hiện khác nhau. Trong khi mỗi nơi người dân di chuyển đến vẫn sử dụng các app khác nhau nên không khớp mã QR, người dân sẽ phải tải nhiều app.
Theo ông Đỗ Công Anh,Cục trưởng Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT và Bộ Công an đã thống nhất việc triển khai mã QR trên các app chống dịch hiện nay. Ngay đầu tuần sau (1/11), việc thống nhất mã QR trên các app liên quan chống dịch sẽ được triển khai trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết, Bộ Y tế, Bộ Công an và Bộ TT&TT đang gấp rút triển khai để đảm bảo các dữ liệu trên các app này sẽ như nhau. Đặc biệt, hành khách đi đường hàng không từ nay sẽ không phải khai bản cam kết viết giấy mà sẽ quét mã QR trên app PC-COVID quốc gia.
Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cho biết, Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT được ban hành hết sức kịp thời, phù hợp với tình hình phòng, chống dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Việc ban hành Nghị Quyết và Quyết định sẽ giúp cho chính sách chống dịch quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, đặc biệt, giúp cho chính quyền địa phương, những người thực thi nhiệm vụ và người dân thay đổi nhận thức trong công tác phòng, chống dịch, từ đó, hình thành nên ý thức, trách nhiệm, thấy rõ vai trò quan trọng của từng thành phần tham gia vào công cuộc thích ứng lâu dài, linh hoạt, phòng ngừa và kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn cũng cho biết, sau gần 20 ngày thực hiện vẫn còn một số lúng túng ban đầu. Chính vì vậy, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là truyền thông chủ động đi trước, Bộ TT&TT và Bộ Y tế tổ chức hội thảo nhằm giúp báo chí nắm rõ vấn đề của Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT; để báo chí tuyên truyền Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT hiệu quả hơn, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện...
Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã giới thiệu về các nội dung cần lưu ý khi triển khai Nghị quyết 128/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Nghị quyết 128/NĐ-CP và Quyết định 4800/QĐ-BYT được ban hành nhằm bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; thống nhất thực hiện theo quy định, hướng dẫn của các bộ, ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong kiểm soát tình hình dịch bệnh; tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần trở lại tình trạng bình thường mới; không để tình trạng cục bộ, cát cứ trong ban hành và thực hiện các giải pháp trên mức cần thiết, bà Liên nhấn mạnh.
Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ
Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, tình hình dịch tại các địa phương hiện nay cơ bản được kiểm soát. Tính đến ngày 29/10, Việt Nam đã tiếp cận được trên 107 triệu liều vaccine phòng COVID-19, đã thực hiện tiêm hơn 78 triệu liều. Gần 40% người dân trên 18 tuổi đã tiêm đủ 2 liều. Việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 tại nước ta dựa trên cơ sở hướng chuyên môn của tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đơn vị sản xuất vaccine đối với từng loại vaccine khác nhau. Giai đoạn đầu, triển khai tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó ưu tiên đối tượng từ 50 tuổi trở lên vì đây là đối tượng có nhiều bệnh nền đi kèm, nếu mắc thì tình trạng bệnh sẽ nặng hơn các đối tượng khác.
Sau thời gian tổ chức tiêm, theo hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine khác nhau và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, đến nay cần phải mở rộng đối tượng tiêm để bao phủ độ tuổi tiêm vaccine phòng bệnh trên cả nước.
Trước mắt sẽ tiêm cho trẻ 16-17 tuổi và ưu tiên khu vực có nguy cơ cao. Hiện nay, Việt Nam có 2 loại vaccine đã cấp phép, có thể tiêm cho trẻ là Pfizer và Moderna. "Bộ Y tế đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch và danh sách trẻ trong đối tượng tiêm. Từ đó, Bộ có cơ sở tiếp cận số liệu và phân bổ vaccine một cách hợp lý cho địa phương, để tiêm cho trẻ em", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ.
Về việc xét nghiệm, theo Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế, các đối tượng cần phải xét nghiệm, đó là người có nguy cơ cao, người có triệu chứng, xét nghiệm ngẫu nhiên ở cơ sở sản xuất kinh doanh; không xét nghiệm tất cả người đi từ địa bàn này sang địa bàn khác, chỉ xét nghiệm người đi từ địa bàn có nguy cơ dịch cấp độ 3, 4 và khu cách ly./.