An toàn thông tin

Thông qua dự luật An toàn trực tuyến, Malaysia muốn ngăn chặn dụ dỗ, bóc lột trẻ em

Anh Minh 10/11/2024 08:42

Malaysia dự kiến sẽ trình Dự luật An toàn Trực tuyến (Online Safety Bill) lên Quốc hội vào tháng 12 tới.

Phụ huynh đóng vai trò chủ động hơn nhằm bảo vệ con cái khỏi tội phạm mạng

Theo bà Datuk Seri Azalina Othman Said, Bộ trưởng Văn phòng Thủ tướng phụ trách Luật pháp và Cải cách thể chế, cho rằng Dự luật sẽ đảm bảo các bậc phụ huynh đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ con cái họ khỏi tội phạm mạng.

12.png
Các bậc phụ huynh cần đóng vai trò chủ động hơn trong việc bảo vệ con cái họ khỏi tội phạm mạng. (Ảnh: Bernama)

Bà Datuk Seri Azalina Othman Said cho biết thêm rằng cha mẹ nên chịu trách nhiệm giám sát con cái của mình do các vụ lừa đảo trực tuyến và bóc lột người trẻ ngày càng gia tăng. Theo báo The Star của Malaysia, bà đã nói về vấn đề này sau khi đích thân tham gia giải cứu người Malaysia khỏi một vụ lừa đảo việc làm ở Campuchia, nơi có hai nạn nhân bị ép làm kẻ lừa đảo.

"Tôi đã tham gia vào vụ giải cứu sau khi viên chức của tôi thông báo về vụ việc vào ngày 18/10, tôi đã có cuộc họp với Đại sứ Campuchia tại Malaysia, ông Ouk Chandara, và trong vòng một tuần, tình hình đã được giải quyết”, bà Datuk Seri Azalina Othman Said nói.

Bà cho biết thêm rằng chính phủ, thông qua Dự luật An toàn trực tuyến, sẽ tăng cường các nỗ lực theo dõi và ngăn chặn việc khai thác môi trường trực tuyến để dụ dỗ trẻ em.

"Thông qua dự luật này, các nhà chức trách sẽ triển khai một hệ thống mới để phát hiện các hoạt động trực tuyến đáng ngờ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu đáng nghi nào, chúng tôi sẽ hành động nhanh chóng để theo dõi và thực hiện hành động cần thiết".

Theo bà Othman Said, giáo dục và nâng cao nhận thức trong việc giải quyết những vấn đề này là điều cần thiết, đồng thời nói thêm rằng mặc dù điện thoại thông minh là công cụ giao tiếp thiết yếu, nhưng chúng cũng có thể được những kẻ săn mồi sử dụng như vũ khí.

"Điện thoại của chúng ta có thể kết nối chúng ta với thế giới, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng để khai thác và kiểm soát. Điều quan trọng là chúng ta phải dạy con em mình sử dụng chúng một cách có trách nhiệm", bà nói thêm.

Theo số liệu thống kê do Ủy ban Truyền thông và Đa phương tiện Malaysia (MCMC) thu thập, hiện nay, đất nước này đang phải đối mặt với 10 vụ bắt nạt trên mạng mỗi ngày. Bộ trưởng Truyền thông Fahmi Fadzil đã chia sẻ dữ liệu này qua bài đăng trên X (trước đây là Twitter) hồi cuối tháng 10.

Bài đăng nói thêm rằng bắt nạt trên mạng chỉ là một ví dụ về các tội phạm hiện diện trên không gian trực tuyến. Các hoạt động tội phạm trực tuyến khác liên quan bao gồm lừa đảo, cờ bạc trực tuyến và dụ dỗ trẻ em.

Ông nói rằng "Dự luật An toàn Trực tuyến nhằm mục đích hạn chế các hoạt động tội phạm trên phương tiện truyền thông xã hội, không phải hạn chế quyền tự do ngôn luận" và sẽ đi kèm với các nỗ lực của chính phủ nhằm đảm bảo kết nối Internet rẻ hơn, rộng hơn và nhanh hơn.

Trách nhiệm của các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội

Theo The Sun, dự luật An toàn trực tuyến năm 2024 sẽ yêu cầu các nhà cung cấp nền tảng truyền thông xã hội phải tuân thủ ba trách nhiệm chính, cụ thể là: Đảm bảo an toàn nền tảng, bảo vệ trẻ em dưới 13 tuổi và hạn chế truy cập vào nội dung có hại.

ptj11-11102024-digital-circ_4638.jpg
Thứ trưởng Bộ Truyền thông Malaysia Teo Nie Ching. (Ảnh: The Sun)

Thứ trưởng Bộ Truyền thông Teo Nie Ching cho biết các nền tảng mạng xã hội sẽ cần phải nộp Kế hoạch An toàn Kỹ thuật số (Digital Safety Plan) hàng năm, nêu chi tiết các chiến lược và thành tựu về an toàn của họ. Malaysia đã tổ chức một cuộc họp báo về Dự luật An toàn trực tuyến 2024, nhằm mục đích quản lý các hoạt động trực tuyến, đặc biệt là trên các nền tảng như Meta, X và TikTok.

Hiện nay, các nhà lãnh đạo Malaysia đang lo ngại các vấn nạn lừa đảo, tội phạm tình dục đối với trẻ em đã chuyển sang không gian trực tuyến. Vì vậy, các nhà lãnh đạo đất nước đang nỗ lực tạo ra một môi trường trực tuyến an toàn hơn cho tất cả người dân Malaysia, trong đó đặc biệt nhắm đến những người dùng là trẻ em.

MCMC đã tiến hành các phiên họp tham vấn trong 6 tháng qua để thu thập ý kiến ​​đóng góp từ các bên liên quan, bao gồm các chuyên gia an ninh mạng, nhà phát triển công nghệ và kỹ sư máy tính.

Chính quyền rất coi trọng vấn đề an toàn trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ em và các gia đình, đồng thời cho biết thêm rằng Bộ quy tắc ứng xử dành cho phương tiện truyền thông xã hội dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào tháng tới.

Như vậy, Malaysia là quốc gia mới nhất công bố luật nhằm mục đích đặt "nghĩa vụ đảm bảo an toàn" cho các nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật số. Tại Hội nghị pháp lý quốc tế về tác hại trực tuyến (International Legal Conference on Online Harms) do Chính phủ Malaysia tổ chức hồi tháng 9 vừa qua, các đại biểu đã kêu gọi luật mới phải đặt quyền trẻ em lên hàng đầu và đưa thông lệ quốc tế tốt nhất vào thiết kế dịch vụ phù hợp với lứa tuổi.

Tại Hội nghị, tập trung vào chủ đề “Bảo vệ trẻ em trong kỷ nguyên số”, tổ chức 5Rights đã thảo luận về những thách thức mang tính hệ thống mà trẻ em phải đối mặt trên môi trường trực tuyến. Các chuyên gia cũng khám phá các giải pháp nhằm trao quyền cho thanh thiếu niên trong một thế giới ngày càng kết nối.

5Rights là một tổ chức phi chính phủ quốc tế làm việc vì trẻ em trong thế giới số tôn, tập trung thúc đẩy thay đổi để cách mạng hóa môi trường trực tuyến cho trẻ em và toàn xã hội.

Giám đốc vận động quốc tế Marie-Eve Nadeau của 5Rights đã nêu rõ lập luận rằng Malaysia cần đặt ra tiêu chuẩn cao về sự an toàn và quyền riêng tư của trẻ em trực tuyến bằng cách đưa quyền trẻ em vào trọng tâm và phù hợp với các tiêu chuẩn thực hành quốc tế tốt nhất của Bộ quy tắc thiết kế phù hợp với lứa tuổi (Age Appropriate Design Code).

“Thế giới số có thể mang đến cho trẻ em nhiều cơ hội học tập, phát triển và kết nối. Chúng ta có nhiệm vụ đảm bảo những cơ hội đó an toàn, tôn trọng quyền và phù hợp với lứa tuổi. Với Bộ luật thiết kế phù hợp với lứa tuổi, Malaysia hiện có cơ hội phát huy những nỗ lực quốc tế và duy trì tiêu chuẩn cao để đảm bảo an toàn cho mọi trẻ em ở quốc gia này”, ông Marie-Eve Nadeau nói

Ngoài ra, Malaysia cũng có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy các tiêu chuẩn quốc tế về việc thực hiện quyền trẻ em trong môi trường số, thực hiện các cam kết của mình theo Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em (UN Convention on the Rights of the Child) cũng như theo Hiệp ước kỹ thuật số toàn cầu (Global Digital Compact) mới được thông qua.

Đảm bảo an ninh mạng cho trẻ em cần được quan tâm khẩn cấp

Chủ tịch Hiệp hội người tiêu dùng mạng Malaysia (MCCA), Siraj Jalil cũng từng lưu ý rằng việc thiếu các hướng dẫn và biện pháp kiểm soát có thể khiến trẻ em tương tác với những cá nhân không quen biết trên mạng, hoặc bị nghiện thiết bị, bị ảnh hưởng bởi nhiều xu hướng khác nhau trong thế giới nội dung số, gặp phải những thông tin sai lệch và đối mặt với các mối đe dọa về an toàn như bắt nạt trên mạng và bóc lột tình dục.

“Việc đảm bảo an ninh mạng cho trẻ em cần được quan tâm khẩn cấp, bao gồm cả các chương trình giáo dục cho cha mẹ và những hoạt động giúp trẻ em hiểu rõ hơn về các mối nguy hiểm trong thế giới số. Trẻ em dễ bị tác động bởi nội dung trên mạng xã hội, điều này có thể ảnh hưởng đến lối sống và hình thành các giá trị không lành mạnh”, ông Siraj Jalil nói, đồng thời cho biết rằng theo Báo cáo “Cuộc sống trực tuyến của chúng ta” (Our Lives Online) của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) năm 2020, 91% trẻ em Malaysia từ 13 - 17 tuổi sử dụng Internet hàng ngày, trong đó 70% đã tiếp xúc với nội dung tiêu cực và hơn 40% trong số các em không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ.

"Một nghiên cứu của UNICEF Malaysia năm 2021 cũng cho thấy có 4% trẻ em từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet phải đối mặt với các mối đe dọa về lạm dụng và bóc lột tình dục trực tuyến. Thống kê này nêu bật sự cần thiết phải hướng dẫn và chỉ đạo để đảm bảo các em được bảo vệ khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của mạng Internet", Chủ tịch MCCA nói./.

Theo The Star, The Sun, 5Rights, Bernama
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thông qua dự luật An toàn trực tuyến, Malaysia muốn ngăn chặn dụ dỗ, bóc lột trẻ em
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO