Thu phí bản quyền nội dung tin tức số: kinh nghiệm của Australia

ThS. Phạm Văn Nghĩa| 31/05/2021 11:45
Theo dõi ICTVietnam trên

Australia là nước tiên phong trên thế giới tuyên chiến với các nền công nghệ lớn về phí bản quyền nội dung tin tức. Hành động của Australia rất có ý nghĩa và là phép thử nghiệm đầu tiên cho những quy định tương tự ở các quốc gia khác.

Thực trạng tiêu dùng nội dung tin tức số tại Australia

Báo cáo Tin tức kỹ thuật số (DNR) của Đại học Canberra, Australia (năm 2019 là năm thứ 5 liên tiếp) là một phần của dự án nghiên cứu, khảo sát quốc tế kéo dài nhiều năm do Viện Nghiên cứu Báo chí của Reuters và Trung tâm nghiên cứu quốc tế về nghiên cứu so sánh báo chí có trụ sở tại Đại học Oxford, phối hợp thực hiện đã đưa đưa ra bức tranh toàn cảnh về việc tiêu dùng và sử dụng tin tức tại Australia. Theo đó, Australia có dân số khoảng 25,35 triệu người, số lượng người sử dụng Internet 22,31 triệu người (chiếm 88%), số lượng người sử dụng mạng xã hội là 18 triệu người (chiếm 71%).

- Truy cập tin tức: Hơn một nửa người dân truy cập tin tức qua điện thoại di động (58%); Hơn một nửa người dân sử dụng 5 thương hiệu tin tức trở lên (54%); 25% sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm các thương hiệu tin tức và 20% sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm các câu chuyện tin tức cụ thể.

- Tiêu dùng cho tin tức và nội dung số: Tiêu dùng cho tin tức trực tuyến đạt 14%, cao hơn mức trung bình toàn cầu 13%. Đa số người Australia thích đăng ký các dịch vụ phát video trực tuyến, đạt 34%.

- Hiệu suất sử dụng tin tức: Hai phần ba người tiêu dùng tin tức tại quốc gia này (66%) đồng ý rằng các nền tảng truyền thông xã hội luôn giúp họ cập nhật tin tức.

- Niềm tin vào tin tức trực tuyến: Niềm tin vào tin tức đã giảm trên toàn cầu, bao gồm cả ở Australia. Gần một nửa số người tiêu dùng tin tức tại Australia (49%) mất lòng tin trên phương tiện truyền thông xã hội.

- Tin giả và kiểm chứng tin giả: Hầu hết người tiêu dùng tin tức trực tuyến ở Australia, 62% vẫn lo lắng về những gì là thực hoặc giả mạo trên Internet, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 55%; trong số đó có 26% những người lo ngại về tin tức giả mạo đã bắt đầu sử dụng các nguồn tin tức đáng tin cậy hơn.

- Truyền thông xã hội và tin tức: Người dùng sử dụng Facebook để đọc tin tức đã giảm kể từ 2017 (-3%). Tuy nhiên, người dùng sử dụng YouTube (+ 11%) và Instagram (+ 3%) để đọc tin tức đang gia tăng. Gần một nửa thế hệ Z (47%) và một phần ba thế hệ Y (33%) sử dụng mạng xã hội để xem nội dung tin tức là chính).

- Thị phần quảng cáo số: Facebook chiếm 28% và Google là 53%.

Bối cảnh ban hành Đạo luật Quy tắc thương lượng bắt buộc giữa các nền tảng số và hãng truyền thông tin tức, 2021

Trước sự phát triển bất cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, và căn cứ vào Điều 95H của ĐạoluậtCạnhtranhvàTiêudùng2010, BộtrưởngTài chính Australia yêu cầu Uỷ ban Cạnh tranh và Tiêu dùng (ACCC) điều tra về tác động của các nền tảng số đối với sự phát triển kinh tế số trong nước và đưa ra một số kết luật như sau:

- Có sự mất cân bằng cơ bản quyền lực đàm phán giữa các hãng tin tức của Australia với các nền tảng số. Sự mất cân bằng đã làm suy yếu khả năng và không khuyến khích các hãng tin tức của Australia sản xuất nội dung tin tức.

- Các hãng tin tức của Australia không có khả năng đàm phán đưa ra các điều khoản có lợi hơn so Facebook, Google và không có khả năng thương lượng thành công để nhận được tiền thanh toán cho nội dung tin tức xuất hiện trên các nền tảng số.

- Sự mất cân bằng về khả năng thương lượng tồn tại ở nhiều khía cạnh, cần thiết phải có sự can thiệp của chính phủ để giải quyết sự mất cân bằng vì lợi ích cộng đồng được tạo ra từ hoạt động sản xuất và phổ biến nội dung tin tức. Do vậy, báo cáo khuyến nghị: Cần xây dựng các quy tắc để điều chỉnh mối quan hệ thương mại giữa Facebook, Google và các hãng tin tức của Australia.

- Căn cứ vào khuyến nghị trên, Chính phủ đã đồng ý chủ trương xây dựng các bộ quy tắc là cần thiết, để thúc đẩy cạnh tranh, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và hỗ trợ ngành truyền thông nội địa phát triển bền vững trong thời đại kỹ thuật số. Cụ thể, Chính phủ yêu cầu ACCC làm việc với Google, Facebook và các hãng tin tức trong nước triển khai xây dựng và thực hiện một bộ quy tắc ứng xử mang tính tự nguyện.

Trong báo cáo ACCC trình Chính phủ vào tháng 4 năm 2020 kết luận; “Thương lượng tự nguyện thanh toán một khoản tiền thù lao cho nội dung tin tức rất khó khả thi”. Do vậy, ngày 20/4/2020, Chính phủ đã công bố chủ trương thực hiện một Đạo luật Quy tắc bắt buộc giữa các bên liên quan và giao ACCC xây dựng dự thảo Đạo luật Quy tắc thương lượng bắt buộc giữa các nền tảng số và hãng truyền thông tin tức, 2021. Bộ Tài chính và Bộ Hạ tầng, Giao thông, Phát triển Vùng và Truyền thông, phối hợp tham vấn. 

Nội dung chính của Đạo luật

Mục đích ban hành: Là để giải quyết sự mất cân bằng về khả năng thương lượng giữa các nền tảng số và các hãng tin tức của Australia. Quy tắc nhắm đích đến các nền tảng cung cấp nhiều loại dịch vụ như: Dịch vụ truyền thông xã hội, công cụ tìm kiếm và tổng hợp nội dung trực tuyến khác (ngụ ý sẽ áp dụng cho Facebook và Google).

Đối tượng tham gia: Việc đàm phán giữa các nền tảng số với các hãng tin tức của Australia sẽ do hai bên tự tiến hành. Tuy nhiên, khi xác định, một trong các bên liên quan không muốn ngồi vào đàm phán, Bộ trưởng tài chính có thể chỉ định công ty đó phải ngồi vào bàn đàm phán. Ngoài ra, các hãng tin tức của Australia muốn tham gia vào đàm phán, cần phải đăng ký với Cục Báo chí và Truyền thông của Australia (ACMA). Nếu có nhiều doanh nghiệp đăng ký (các nhà sản xuất nội dung nhỏ kết hợp với nhau), một đại diện sẽ được cử đứng ra đàm phán.

Nội dung chính của các quy tắc: Đưa ra 4 nhóm yêu cầu chính để hướng dẫn giao dịch giữa công ty nền tảng số và các hãng tin tức của Australia. (i) Thương lượng bắt buộc: Các công ty công nghệ lớn và các hãng tin tức của Australia được yêu cầu phải tiến hành thương lượng về mức thù lao bản quyền nội dung tin tức giữa hai bên một cách có thiện chí tốt. (ii) Trọng tài bắt buộc: Nếu các bên đám phán không đưa đến đến thỏa thuận về mức thù lao cho nội dung tin tức xuất hiện trên các nền tảng số. Hội đồng trọng tài độc lập sẽ đứng ra giải quyết (cả hai bên phải gửi đề xuất cho hội đồng trọng tài, nêu rõ một số tiền thù lao cụ thể, Hội đồng trọng tài sẽ chấp nhận một trong hai đề xuất đó dựa trên căn cứ lợi ích cộng đồng. (iii) Tiêu chuẩn tối thiểu: 

Yêu cầu các công ty công nghệ lớn phải có thông báo trước cho các doanh nghiệp tin tức của Australia về những thay đổi liên quan đến thuật toán, thông tin về việc thu thập, sử dụng dữ liệu người dùng và thông báo trước về những thay đổi ảnh hưởng đến việc xuất hiện và phổ biến nội dung tin tức. (iv) Không phân biệt đối xử: Yêu cầu các công ty công nghệ số không được gây bất lợi, ngăn chặn sự xuất hiện nội dung tin tức của các hãng tin tức của Australia trên nền tảng của mình, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tin tức tham gia hoặc không tham gia ký kết thoả thuận. Ví dụ: không hạn chế nội dung tin tức xuất hiện trên nền tảng, khi doanh nghiệp của Australia không tham gia ký kết thoả thuận.

Nếu hai bên đàm phán mà đạt được một thoả thuận, hai bên phải ký kết một biên bản thoả thuận, và phải được gửi đến ACCC càng sớm càng tốt. Nếu hai bên đàm phán không thể đạt được một thỏa thuận trong vòng 3 tháng. Hội đồng trọng tài độc lập sẽ đứng ra giải quyết và mức thù lao được áp dụng theo phán quyết của trọng tài.

Hiệu lực thi hành: Các bên liên quan phải tuân thủ thực hiện theo phán quyết của trọng tài trong vòng 30 ngày làm việc kể từ ngày quyết định được ban hành có hiệu lực. Sau đó, hai bên phải đưa ra một thỏa thuận bằng văn bản xác nhận rằng “Nền tảng số có trách nhiệm sẽ đảm bảo thanh toán số tiền thù lao theo phán quyết của trọng tài”. Nếu không thực hiện theo thỏa thuận như văn bản nêu, sẽ áp dụng mức phạt lên đến 10 triệu đô la Australia hoặc 10% doanh thu hàng năm. 

Đánh giá mức độ ảnh hưởng

- Ở cấp độ quốc gia: Quy tắc được ban hành đã giải được bài toán về sự mất cân bằng cơ bản quyền lực đàm phán giữa các hãng tin tức của Australia với các công ty công nghệ lớn (Google, Facebook) mà các biện pháp mang tính tự nguyện không đạt được kết quả. Việc ban hành các quy tắc sẽ làm tăng  động lực và khuyến khích các hãng tin tức của Australia sản xuất nội dung tin tức, giúp các hãng tin tức phát triển bền vững trong thời đại kỹ thuật số, có một nguồn thu ổn định để tái đầu tư sản xuất các nội dung tin tức tốt hơn phục vụ cộng đồng.

- Ở cấp độ quốc tế: Australia là nước tiên phong trên thế giới tuyên chiến với các nền công nghệ lớn về phí bản quyền nội dung tin tức. Hành động của Australia rất có ý nghĩa và là phép thử nghiệm đầu tiên cho những quy định tương tự ở các quốc gia khác, trong bối cảnh hoạt động báo chí ở hầu hết các quốc gia ngày càng gặp nhiều khó khăn do bị mất các nguồn thu quảng cáo vào tay các công ty công nghệ lớn.

Bài học kinh nghiệm của Australia và đề xuất cho Việt Nam

Trước xu hướng quyền lực chủ yếu tập trung vào các công ty công nghệ lớn và mối lo lắng sức mạnh xuyên biên giới có thể thảo túng thị trường số toàn cầu. Chính phủ Australia đã ban hành một đạo luật cứng rắn, đủ mạnh để siết chặt quản lý các công ty công nghệ lớn nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Thông qua trường hợp cụ thể của nước Australia, Việt Nam có thể rút ra một số bài học như sau:

- Nếu một vấn đề không thể giải quyết một cách hiệu quả cao và thoả đáng giữa các bên liên quan bằng biện pháp “mang tính tự nguyện”, thì cần phải “luật hoá” để giải quyết một cách có hệ thống trên cơ sở bình đẳng, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước.

- Việc ban hành bộ luật cứng rắn nhằm siết chặt quản lý các các công ty công nghệ xuyên biên giới mới chỉ xảy ra ở các nước lớn, thị trường lớn hoặc các nước nằm trong nhóm “Tứ giác kim cương” (Australia là 1 trong 4 tứ giác kim cương) nên Việt Nam là nước đang phát triển, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi vận dụng các quy định của thế giới.

- Cuộc chiến giữa doanh nghiệp sản xuất nội dung trong nước và các nền tảng số xuyên biên giới do Thủ tướng Australia dẫn dắt nên sức ảnh hưởng là rất lớn. Đây cũng là một lý do góp phần vào sự thành công trong trường hợp của Australia.

Từ trường hợp của nước Australia và xét bối cảnh hiện tại của Việt Nam, một số nội dung chính sách đề xuất cho Việt Nam như sau:

Bộ TT&TT trong quá trình sửa đổi nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2013 và nghị định 27/2018/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2018, xem xét bổ sung nội dung, yêu cầu các công ty công nghệ lớn (Facebook, Google) và các cơ quan báo chí, nhà sản xuất nội dung có thể tiến hành đàm phán (nếu có nhiều doanh nghiệp nhỏ muốn tham gia đàm phán, kết hợp lại và cử một đại diện đứng ra đàm phán) để đạt một thoả thuận mang tính tự nguyện về một khoản kinh phí phù hợp (phí bản quyền) cho các nội dung tin tức được lưu trữ và hiển thị trên nền tảng của các hãng công nghệ lớn.

Trường hợp, sau 1- 2 năm tới, các bên liên quan không thể đạt được thoả thuận mang tính tự nguyện. Khi đó, Việt Nam xem xét khả năng đưa ra các quy định trên mang tính bắt buộc. Điều đó, đồng nghĩa là phải luật hoá, cần phải có nghiên cứu đánh giá sâu hơn (ACCC của Australia mất khoảng 3 năm để nghiên cứu và đưa ra báo cáo cuối cùng đánh giá hoạt động kinh doanh và tác động của các nền tảng số đối với nền kinh tế trong nước) từ nhiều yếu tố như: Chứng minh doanh thu sụt giảm của các nhà sản xuất nội dung trong nước chảy vào tay các công ty công nghệ lớn, bao nhiêu % người dùng truy cập tin tức thông qua mạng xã hội, bao nhiêu % người dùng sử dụng công cụ tìm kiếm để tìm kiếm nội dung tin tức, tỷ lệ % cho ra các kết quả tìm kiếm từ các trang web truyền thông tin tức, doanh thu quảng cáo số dựa trên nội dung tin tức được thực hiện trên các nền tảng mạng xã hội, đánh giá mối quan hệ hai chiều giữa  các bên liên quan  và  nhiều yếu tố khác.

Tài liệu tham khảo:

1. Digital News Report Australia 2019 by Caroline Fisher, Sora Park, Jee Young Lee, Glen Fuller and Yoonmo Sang;

2. Digital Platforms Inquiry by Australian Competition and Consumer Commission;

3. Digital News Report Australia 2020 by Sora Park, Caroline Fisher, Jee Young Lee, Kieran McGuinness, Yoonmo Sang, Mathieu O'Neil, Michael Jensen, Kerry McCallum, Glen Fuller; 4. Treasury Laws Amendment (News Media and Digital Platforms Mandatory Bargaining Code) Bill 2020;

5. Competition and Consumer Act 2010.

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 5 tháng 5/2021)

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thu phí bản quyền nội dung tin tức số: kinh nghiệm của Australia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO