Thừa Thiên Huế cần xây dựng chiến lược quy hoạch, khai thác và chia sẻ dữ liệu

PV| 18/08/2022 13:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Ngày 18/8, trong khuôn khổ Tuần lễ chuyển đổi số (CĐS) - Huế 2022, Tập đoàn FPT và công ty thành viên đã ký kết hai thỏa thuận hợp tác thúc đẩy CĐS tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025. Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT ký kết hợp tác đẩy mạnh CĐS ngành y tế với Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngoài ra, Tập đoàn FPT cũng đã ký kết hợp tác CĐS tổng thể toàn diện với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây cũng là địa phương thứ 22 trên toàn quốc, FPT đồng hành hợp tác đẩy mạnh CĐS trên cả ba trụ cột kinh tế số - xã hội số - chính phủ số.

Hợp tác thúc đẩy CĐS trên nhiều lĩnh vực

Theo nội dung của hai thỏa thuận hợp tác, tỉnh Thừa Thiên Huế và Tập đoàn FPT, FPT IS sẽ tập trung đẩy mạnh hợp tác trong một số lĩnh vực trọng điểm như tư vấn và triển khai các ứng dụng CĐS, phát triển hệ thống giáo dục liên cấp chất lượng cao, triển khai y tế thông minh, thương mại điện tử (TMĐT), thanh toán không dùng tiền mặt….

Trong lĩnh vực y tế thông minh, hai bên sẽ xem xét tích hợp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ (CSSK), phòng bệnh thông minh vào ứng dụng Hue-S phục vụ việc theo dõi, CSSK cho người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh lân cận, đồng thời thúc đẩy triển khai dịch vụ khám chữa bệnh thông minh bao gồm bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ; Tích hợp nền tảng AI Chatbot, AI Voicebot phục vụ người dân/người bệnh. 

FPT IS cũng sẽ triển khai hệ thống quản lý hình ảnh (PACS) dùng chung toàn mạng lưới y tế điều trị của tỉnh và xây dựng kiến trúc y tế điện tử hình thành trục tích hợp thông tin quản lý ngành y tế. Là đơn vị đồng hành cùng hơn 300 bệnh viện và 20 Sở Y tế trên toàn quốc, FPT IS tự tin sẽ cùng Sở Y tế tỉnh thúc đẩy nhanh chóng quá trình CĐS hiệu quả theo mô hình lấy người bệnh làm trung tâm.

Trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, FPT phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán dịch vụ công, dịch vụ tiện ích không dùng tiền mặt hoạt động an toàn, hiện đại, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống khác. Đồng thời, lên kế hoạch tổ chức các chương trình giúp doanh nghiệp (DN) và hộ gia đình bán sản phẩm tại Thừa Thiên Huế, đưa các sản phẩm của Thừa Thiên Huế ra toàn quốc thông qua nền tảng TMĐT Sendo.

Đồng thời, hai bên cũng sẽ phối hợp triển khai các chương trình đào tạo ngắn hạn và chuyên sâu về nâng cao nhận thức CĐS, trang bị kỹ năng số, sử dụng các sản phẩm CĐS…. cho các cấp lãnh đạo, cán bộ công chức, cán bộ viên chức, các DN/hộ kinh doanh/người dân trên địa bàn tỉnh.

Cần xây dựng chiến lược quy hoạch, xây dựng, khai thác và chia sẻ dữ liệu

Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác CĐS. Năm 2021, tỉnh Thừa Thiên Huế đứng thứ 2/63 tỉnh thành về mức độ CĐS cấp tỉnh trên cả ba trụ cột kinh tế số - xã hội số - chính phủ số. Nền tảng Hue-S sau 3 năm triển khai đã có gần 900.000 tài khoản, 17 triệu lượt truy cập, gần như đã tiếp cận được với hầu hết công dân. Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025 đạt 100% tiêu chí Chính quyền số, hơn 90% dịch vụ công đạt cấp 4, kinh tế số chiếu 15 - 20% GRDP, 100% cơ quan triển khai đám mây và có hơn 300 DN công nghệ số.

Điều phối Tọa đàm "Phát triển DN công nghệ số Tỉnh Thừa Thiên Huế và tham vấn định hướng giải pháp CĐS cho các ngành, địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế", ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA),  Tổng Giám đốc FPT cho biết, VINASA và các DN sẽ đồng hành với chính quyền tỉnh xây dựng chiến lược và thực thi CĐS hiệu quả nhất cũng như nghiên cứu, đầu tư, phát triển công nghệ số, nhân lực hỗ trợ tỉnh trong quá trình CĐS. Đặc biệt, VINASA sẽ tham vấn định hướng CĐS cho di sản văn hoá của tỉnh để tạo điều kiện phát triển kinh tế số, xã hội số….

Tại Diễn đàn "CĐS tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội" về chủ đề dữ liệu nền tảng quan trọng thúc đẩy CĐS Huế, ông Khoa nhận định không có quy hoạch chia sẻ dữ liệu sẽ dẫn đến những khó khăn lớn cho quá trình CĐS, phát triển quốc gia số. Hiện Việt Nam sở hữu 10,6 nghìn tập dữ liệu mở, bằng 10% Úc, 0,75% châu Âu.

Còn với tỉnh Thừa Thiên Huế, theo phân tích của VINASA, đây là một trong những địa phương đi đầu về chia sẻ dữ liệu của cả nước. Tuy nhiên, tỉnh vẫn chưa có chiến lược quy hoạch, dữ liệu tản mát nên chưa thể khai thác hiệu quả. Do đó, ông Khoa đưa ra đề xuất tỉnh cần xây dựng chiến lược quy hoạch, xây dựng, khai thác và chia sẻ dữ liệu, để từ đó, làm giàu, chuẩn hoá khai thác dữ liệu hiệu quả phục vụ hiệu quả cho các chương trình, hoạt động phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

FPT đồng hành cùng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển y tế thông minh - Ảnh 1.

FPT trình diễn sản phẩm FPT Camera, Foxpay để phục vụ phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), thanh toán không dùng tiền mặt.

Tại Triển lãm, FPT cũng đã trình diễn hai sản phẩm tiêu biểu thuộc nhóm các sản phẩm liên quan đến phát triển ĐTTM, thanh toán không dùng tiền mặt là FPT Camera và Foxpay. FPT Camera là giải pháp camera an ninh ứng dụng đám mây và AI đồng bộ, toàn diện duy nhất tại Việt Nam cho phép giám sát, lưu trữ, quản lý thiết bị camera, dữ liệu và người dùng trên nền tảng điện toán đám mây. Bộ giải pháp thanh toán số toàn diện Foxpay cho khách hàng là người dùng cuối, DN và chính quyền. 

Hiện Foxpay trong tiến trình tích hợp vào các nền tảng dịch vụ công, mua sắm, du lịch…. đang được người dân, DN tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng thường xuyên, tạo trải nghiệm liền mạch, thân thiện khi thanh toán. Đặc biệt, Foxpay cũng bao gồm các giải pháp thanh toán dịch vụ công, hoá đơn tiện ích và mua sắm tại cửa hàng, siêu thị... giúp các DN, hộ kinh doanh chủ động mở rộng hệ sinh thái số cho người dùng cuối./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế cần xây dựng chiến lược quy hoạch, khai thác và chia sẻ dữ liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO