Thúc đẩy kinh tế số, Trung Quốc sẽ biến dữ liệu thành tài sản quốc gia

Bảo Bình| 18/06/2021 07:30
Theo dõi ICTVietnam trên

Dữ liệu ngày càng được coi là một đơn vị tiền tệ mà nền kinh tế toàn cầu sẽ dựa vào. Trung Quốc xem dữ liệu quý giá ngang bằng với đất đai, lao động, vốn và công nghệ về tiềm năng đóng góp vào GDP.

Trung Quốc, vùng đất của những con số khổng lồ, từ dân cư đến kinh tế, sẽ còn thâu tóm và kiểm soát nhiều nguồn tài nguyên quý giá khác. Lần này, nguồn tài nguyên quý giá mà Trung Quốc muốn nắm giữ không chỉ là lực lượng lao động khổng lồ, những trữ lượng đất hiếm và năng lực sản xuất, mà lần này, cái Trung Quốc muốn nắm giữ và kiểm soát là dữ liệu - hàng zettabyte dữ liệu!

Hãng tin CNBC từng cho biết theo báo cáo mới, Trung Quốc sẽ tạo ra nhiều dữ liệu hơn Mỹ vào năm 2025 khi nước này đẩy mạnh các công nghệ mới như IoT (Internet of Things). Nghiên cứu của tập đoàn IDC và công ty lưu trữ dữ liệu Seagate cho thấy dữ liệu được tạo ra và sao chép ở Trung Quốc sẽ vượt xa mức trung bình toàn cầu 3% mỗi năm. Trong năm 2018, Trung Quốc đã tạo ra khoảng 7,6 zettabyte dữ liệu và con số đó sẽ tăng lên 48,6ZB vào năm 2025. Một zettabyte xấp xỉ 1000 tỷ gigabyte.

Tất cả điều này rất quan trọng bởi vì thông tin, dữ liệu ngày càng được coi là một đơn vị tiền tệ mà nền kinh tế toàn cầu dựa vào.

Các công ty sẽ phải chia sẻ dữ liệu với chính phủ

Theo thông tin trên trang Protocol, chẳng bao lâu nữa, chính quyền trung ương của Trung Quốc có thể dựa vào các công ty tư nhân, bao gồm các công ty công nghệ khổng lồ của nước này và cả các công ty đa quốc gia nước ngoài, để có được nguồn dữ liệu khổng lồ đó. Nghĩa là, các công ty, cả trong và ngoài nước, sẽ chia sẻ nhiều dữ liệu của họ hơn cho chính phủ.

Thúc đẩy kinh tế số, Trung Quốc sẽ biến dữ liệu thành tài sản quốc gia - Ảnh 1.

Chính phủ trung ương Trung Quốc coi dữ liệu là một phương tiện sản xuất. Ảnh: Zhijian Lyu / Unsplash


Trong các tài liệu chính sách gần đây, bao gồm cả Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc, được công bố hồi tháng 3/2021, các nhà chức trách trung ương đã chỉ định dữ liệu là một trong số ít "các yếu tố sản xuất" - nguồn lực quốc gia tạo thành xương sống của nền kinh tế đất nước. Tính đến tháng 4, dữ liệu đã được coi là quý giá ngang bằng với đất đai, lao động, vốn và công nghệ về tiềm năng tạo ra GDP. Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này, một sáng kiến do Bắc Kinh dẫn đầu sẽ yêu cầu các công ty tư nhân và các cơ quan chính phủ mua bán và trao đổi dữ liệu với nhau.

Mục tiêu - được nêu trong Kế hoạch 5 năm mới - là tạo ra quản trị kỹ thuật số và biến mọi thứ từ nhà máy đến thành phố trở nên "thông minh". Chẳng hạn, người ta có thể hình dung nguyên liệu thô được vận chuyển và phân bổ tự động bằng các phương tiện tự hành thuộc sở hữu tư nhân, những phương tiện này được kết nối với dữ liệu bản đồ của chính phủ và các thiết bị IoT giám sát nguồn cung cấp tại các cơ sở sản xuất thông minh.

Kế hoạch kinh doanh dữ liệu của Trung Quốc đã chứng kiến sự xuất hiện của một loạt các nền tảng trực tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu, cũng như các quy định mới liên quan đến tiêu chuẩn kỹ thuật, phân loại dữ liệu trong một số ngành nhất định, quyền sở hữu dữ liệu và định giá.

Kinh tế số Trung Quốc ngày càng tăng trưởng mạnh

Sự thay đổi này một phần là nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực kỹ thuật số của Trung Quốc, vốn đang ngày càng góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, cũng như nỗ lực vượt xa sự đổi mới và thiết lập tiêu chuẩn của Mỹ và Châu Âu. Theo Học viện CNTT và Truyền thông Trung Quốc, nền kinh tế kỹ thuật số của Trung Quốc đã tăng trưởng 9,7% vào năm 2020 bất chấp đại dịch, gấp vài lần tốc độ tăng trưởng GDP chung của Trung Quốc. Nó chiếm 39% tổng GDP của năm ngoái và dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm, chiếm hơn một nửa nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2025.

Theo Kendra Schaefer, người đứng đầu chính sách công nghệ tại Trivium China, một công ty phân tích, việc thúc đẩy sử dụng dữ liệu nhằm thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc là động lực bao trùm cho một số thay đổi lớn đang diễn ra trong không gian số của Trung Quốc.

Một ví dụ cho sự phát triển này: Chính quyền Trung ương áp Alibaba vì lý do chống độc quyền. Theo một số nhà quan sát trong ngành, đàn áp Alibaba là vì đang ngày càng mệt mỏi với việc gã khổng lồ thương mại điện tử từ chối chia sẻ hàng loạt dữ liệu người tiêu dùng khổng lồ của mình với các cơ quan quản lý. Các công ty lớn của nước ngoài như Tesla và Apple đã chú ý đến và đang bản địa hóa lưu trữ dữ liệu để đáp ứng các quy tắc thắt chặt về bảo mật dữ liệu.

Cụ thể, vừa qua, Apple đã triển khai lưu trữ dữ liệu của khách hàng Trung Quốc trong các máy chủ do một dịch vụ đám mây thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc quản lý. Động thái của Apple gây ra tranh cãi ở phương Tây trong những năm qua. Một cuộc điều tra gần đây của New York Times cho thấy thiết lập này có thể giúp Bắc Kinh dễ dàng truy cập vào dữ liệu người dùng của Apple ở Trung Quốc, nhưng Apple cho biết họ “không bao giờ xâm phạm đến bảo mật” của khách hàng hoặc dữ liệu của họ.

Tesla, một trong số ít công ty công nghệ nặng ký của Mỹ đang có nguồn doanh thu đáng kể tại Trung Quốc, cũng đang vạch ra kế hoạch dữ liệu tương tự. Nhà sản xuất ô tô điện cho biết họ đã thành lập một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để thực hiện "nội địa hóa lưu trữ dữ liệu", và có kế hoạch bổ sung thêm nhiều cơ sở dữ liệu (CSDL) trong tương lai. Công ty đã thông báo điều này qua tài khoản của mình trên nền tảng tiểu blog Weibo, một nền tảng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc. Tất cả dữ liệu do xe Tesla bán ở Trung Quốc đại lục sẽ được lưu giữ trong nước.

Thúc đẩy kinh tế số, Trung Quốc sẽ biến dữ liệu thành tài sản quốc gia - Ảnh 2.

Nhà sản xuất ô tô điện Tesla cho biết họ đã thành lập một trung tâm dữ liệu ở Trung Quốc để thực hiện "nội địa hóa lưu trữ dữ liệu", và có kế hoạch bổ sung thêm nhiều cơ sở dữ liệu trong tương lai. Ảnh: Tech Crunch

Tesla đang hành động để đáp ứng các yêu cầu mới của chính phủ Trung Quốc, những chính sách đang được soạn thảo nhằm điều chỉnh cách các nhà sản xuất ô tô tích hợp camera và cảm biến thu thập và sử dụng dữ liệu. Một trong những yêu cầu nêu rõ rằng “dữ liệu cá nhân hoặc dữ liệu quan trọng phải được lưu trữ trong lãnh thổ Trung Quốc.

"Dữ liệu quan trọng" được tạo ra bởi các phương tiện theo định nghĩa của cơ quan quản lý Internet Trung Quốc bao gồm điều kiện giao thông trong các cơ quan quân sự và chính phủ; khảo sát và lập bản đồ dữ liệu vượt quá những gì chính phủ quy định; tình trạng lưới sạc điện; thông tin khuôn mặt, giọng nói và biển số xe; và bất kỳ dữ liệu nào được coi là ảnh hưởng đến an ninh quốc gia hoặc lợi ích công cộng.

Không rõ chính quyền Trung Quốc có mức độ truy cập dữ liệu nào đối với khách hàng Trung Quốc của Tesla. Trong trường hợp của Apple, nhà sản xuất điện thoại cho biết họ kiểm soát các phím bảo vệ dữ liệu của người dùng Trung Quốc.

Biến dữ liệu thành tài nguyên kinh tế

"Đó là một bước đi khổng lồ", Schaefer nói trong một hội thảo chính sách trực tuyến vào tháng trước. "Khái niệm về dữ liệu là tài nguyên quốc gia đang xuất hiện trong hầu hết các cuộc trò chuyện của các nhà hoạch định chính sách khi họ đang thảo luận về dữ liệu trên diện rộng”.

Để đối phó với nỗ lực biến dữ liệu thành tài nguyên kinh tế của Trung Quốc, khoảng một chục cái gọi là "nền tảng trao đổi dữ liệu" đã mọc lên trên khắp đất nước, bao gồm ở Bắc Kinh, Thượng Hải và Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây ở miền Bắc Trung Quốc.

Nhiều nền tảng trao đổi dữ liệu được sự hỗ trợ từ chính quyền thành phố hoặc tỉnh và các bộ. Thậm chí, các nền tảng trao đổi dữ liệu còn được thành lập với sự giúp đỡ của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông nhà nước hoặc các tập đoàn tư nhân như Baidu và các công ty con của Wanda Group và JD.com.

Các nền tảng này hiện đang giao dịch dữ liệu về đăng ký kinh doanh và sở hữu trí tuệ, hồ sơ thuế doanh nghiệp (DN) và tín dụng xã hội, địa điểm phòng khám tiêm chủng COVID-19, điểm lấy nước, hồ sơ tư pháp hoặc phạt giao thông, đầu tư nước ngoài, hình ảnh đào tạo AI và mẫu âm thanh của người Trung Quốc, người nước ngoài và thậm chí cả trẻ em - một số dữ liệu được liệt kê là "thu thập từ điện thoại thông minh". Các nền tảng cũng cung cấp các dịch vụ dữ liệu như tìm kiếm ID Trung Quốc hoặc kết nối mạng của điện thoại.

Phản ứng của các DN 

Các nguồn tin nói với Protocol rằng trong một số trường hợp, những người ủng hộ các nền tảng này đã tiếp cận các DN, bao gồm cả các công ty đa quốc gia và phòng thương mại nước ngoài. Họ nói rằng cho đến nay, phản ứng từ cả các DN Trung Quốc và DN nước ngoài đều rất trầm lắng. Gần như tất cả dữ liệu đang được giao dịch cho đến nay đều đến từ các cơ quan chính phủ, không phải các công ty tư nhân. Các DN Trung Quốc đều từ chối bình luận hoặc không phản hồi khi được hỏi về vấn đề chia sẻ dữ liệu.

Hiện nay, Trung Quốc cũng đang xây dựng các chính sách quản lý dữ liệu, bao gồm Luật An ninh mạng năm 2017 cũng như Luật Bảo mật dữ liệu vừa hoàn thiện và Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân sắp ra mắt. Các công ty gần như ở vào tình thế không chắc chắn về những gì sẽ xảy ra trong tương lai. 

Một số nhà phê bình nói rằng những luật này cho phép các nhà chức trách Trung Quốc có đủ quyền hạn để xem xét dữ liệu của một công ty, mặc dù điều này đôi khi chống lại các hoạt động kinh doanh đa quốc gia thông thường. Hơn nữa, các quy định sau khi đã có hiệu lực vẫn có thể được sửa đổi, khiến các công ty đau đầu trong vấn đề tuân thủ luật pháp.

Các DN Mỹ đã gửi phản hồi liên quan đến Luật Bảo mật dữ liệu và Luật Bảo vệ Thông tin Cá nhân, tuy nhiên hầu như đã bị “bỏ qua” dù Trung Quốc có triển khai “trưng cầu dân ý”.

Thúc đẩy kinh tế số, Trung Quốc sẽ biến dữ liệu thành tài sản quốc gia - Ảnh 3.

Dữ liệu mà các DN tư nhân tạo ra hoặc xử lý có thể trở thành tài sản của chính phủ. Ảnh: CNBC

Tại Trung Quốc, các quy định thường được thực thi ngay cả khi chúng đang được phát triển, và đây chính là một trường hợp. Điều này thúc đẩy các công ty châu Âu thực hiện cách tiếp cận thận trọng hơn nhiều đối với cách họ xử lý dữ liệu. Các DN nước ngoài được cho là đã miễn cưỡng hoặc không muốn tham gia vào quá trình thí điểm trao đổi dữ liệu.

Dữ liệu mà các DN tư nhân tạo ra hoặc xử lý có thể trở thành tài sản của chính phủ. 

"Có thể có những dữ liệu nhạy cảm hoặc bí mật thương mại", Camille Boullenois, một nhà tư vấn tập trung vào an ninh mạng tại Sinolytics, công ty phân tích Trung Quốc có trụ sở tại châu Âu, cho biết. "Đó có thể là điều đáng sợ đối với các công ty".

Theo Techcrunch, chính sách về dữ liệu người dùng của Trung Quốc đã trở thành một vấn đề “tế nhị” đối với các công ty công nghệ nước ngoài hoạt động tại nước này. 

Trở lại với trường hợp của hãng xe điện số 1 thế giới Tesla, sau khi gặp một số scandal tại Trung Quốc gần đây, công ty Mỹ rõ ràng mong muốn nhận được sự sủng ái của chính phủ tại thị trường lớn thứ hai của mình. Mới đây, Tesla đã xuất hiện tại một hội nghị chuyên đề cùng với Baidu, Alibaba, các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức tư vấn để thảo luận về chính sách phương tiện mới do cơ quan giám sát an ninh mạng của quốc gia này đề xuất./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy kinh tế số, Trung Quốc sẽ biến dữ liệu thành tài sản quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO