Thực hiện nhiều hỗ trợ triển khai chữ ký số tại Sóc Trăng
Áp dụng chữ ký số (CKS) rộng rãi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, người dân, doanh nghiệp (DN) giao dịch trên môi trường điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS).
Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (NEAC) – Bộ TT&TT phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh định kỳ tổ chức Hội nghị “Tuyên truyền về chữ ký số và dịch vụ chứng thực CKS” tại các địa phương trên cả nước và ngày 28/9, Hội nghị được tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng.
Việc tổ chức hội nghị với chủ đề “Thúc đẩy, phổ cập CKS trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2023” góp phần đẩy mạnh sử dụng CKS trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (DN), đồng thời nhằm tuyên truyền cho người dân và toàn xã hội hiểu rõ hơn về lợi ích và cách thức sử dụng CKS để có thể tự tin tham gia vào nền kinh tế số, xã hội số (KTS-XHS).
Áp dụng CKS rộng rãi thuận lợi giao dịch trên môi trường điện tử, thúc đẩy CĐS
Phát biểu tại Hội nghị, bà Tô Thị Thu Hương, Giám đốc NEAC nhấn mạnh: “Nghị quyết 50/NQ-CP của Chính phủ đã giao Bộ TT&TT thúc đẩy người dân sử dụng dịch vụ CKS để thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Đây là một nhiệm vụ hết sức thiết thực và quan trọng”.
Thời đại công nghệ số 4.0, cùng với sự phát triển như vũ bão của Internet và công cuộc chuyển đổi số (CĐS) diễn ra ở khắp nơi, giao dịch điện tử (GDĐT) đã và đang phát triển mạnh mẽ trong tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội.
Theo đó, Giám đốc NEAC khẳng định: “Việc triển khai áp dụng CKS rộng rãi sẽ gia tăng sự tin tưởng của người dân, DN và các tổ chức khi thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các dịch vụ công (DVC) do Chính phủ cung cấp tới người dân, DN”.
Tại Việt Nam, hiện nay, 100% DN đã sử dụng CKS chủ yếu trong các dịch vụ như kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội… trong khi tỷ lệ người dân sử dụng CKS còn rất khiêm tốn. Cụ thể, tính đến hết tháng 8/2023, số lượng chứng thư số đang hoạt động trên toàn quốc là hơn 2,8 triệu, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có hơn 1,8 triệu chứng thư số của DN, cơ quan, tổ chức; và gần 1 triệu chứng thư số cá nhân.
Một số nguyên nhân chính dẫn đến số lượng sử dụng CKS cá nhân còn thấp được NEAC nhận định gồm: người dân, DN chưa biết lợi ích, cách thức sử dụng CKS hoặc biết nhưng vẫn còn e ngại khi sử dụng, quy định về áp dụng CKS chưa phủ rộng đến khắp các loại hình GDĐT...
Sóc Trăng đang tích cực CĐS nhằm trở thành mô hình mẫu về CĐS toàn diện, từng bước thúc đẩy tăng trưởng và cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược, góp phần đưa tỉnh trở thành một trong những địa phương trong cả nước đi đầu về CĐS ở cả ba lĩnh vực là chính quyền số, KTS, XHS.
Năm 2023 được tỉnh Sóc Trăng nói riêng và cả nước nói chung chọn là năm “bứt phá trong CĐS”, chính vì vậy, Giám đốc NEAC nhấn mạnh: “Việc tăng cường sử dụng CKS trong GDĐT, xác định tính pháp lý cho các giao dịch diễn ra trên môi trường mạng góp phần khẳng định công cuộc CĐS tại Sóc Trăng đang diễn ra mạnh mẽ, tích cực”.
CKS được triển khai, áp dụng đúng sẽ có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu (tổ chức, DN). CKS đóng vai trò quan trọng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho các tổ chức, DN và cá nhân trong việc xác định tính pháp lý khi tham gia các hoạt động, giao dịch, trên môi trường điện tử, là yếu tố quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước, là điều kiện không thể thiếu để hướng tới CĐS, chính phủ số trong tương lai.
Cán bộ, công chức, viên chức Sóc Trăng tiên phong, lan toả sử dụng CKS
Thông tin tình hình ứng dụng CKS tại tỉnh Sóc Trăng, Giám đốc Sở TT&TT Sóc Trăng Nguyễn Hữu Hạnh cho biết tỉnh đã triển khai CKS trong nội bộ các cơ quan nhà nước (CQNN) từ năm 2016 đến nay, đã cấp phát gần 5.000 CKS để phục vụ ký trên văn bản điện tử các cơ quan nhà nước.
"Căn cứ tình hình thực tế của việc ứng dụng CNTT, CĐS hiện nay các giao dịch hầu hết được thực hiện trên môi trường điện tử và tối thiểu mỗi cán bộ, mỗi người dân, cá nhân, tổ chức đều phải có CKS để xác thực thông tin cá nhân nhằm thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử", Giám đốc Nguyễn Hữu Hạnh cho hay.
Ứng dụng CKS trong quá trình CĐS là hết sức quan trọng trong tất cả các phương diện đảm bảo trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Do đó, tỉnh Sóc Trăng sẽ tăng cường đẩy mạnh ứng dụng CSK, đặc biệt là trong việc thực hiện DVC trực tuyến, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, hồ sơ bệnh án,…
Theo Sở TT&TT Sóc Trăng, trên địa bàn, tất cả công chức có nhu cầu đều đã được cấp CKS chuyên dùng. Phần lớn viên chức lãnh đạo đã được cấp CKS. Cụ thể, 4.710 CKS đã được cấp, trong đó có 3.281 chữ ký cá nhân, 858 chữ ký tổ chức, 571 chữ ký SIM di động (PKI).
Về CKS công cộng trong người dân, DN, đã có 4.584 người dân đăng ký sử dụng các CKS công cộng do VNPT, Viettel, Mobifone cung cấp; 4.159 DN, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng. Tất cả DN đều khai, nộp thuế qua mạng dùng chữ ký điện tử VNPT, Viettel, Mobifone cung cấp.
Theo Sở TT&TT Sóc Trăng, việc CĐS đang được Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sóc Trăng rất quan tâm và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trên 3 trụ cột: Chính quyền số, KTS và XHS. Trong đó việc thúc đẩy phát triển giao dịch, thương mại điện tử (TMĐT) là nền tảng cơ bản để phát triển kinh tế số. Mà giao dịch, TMĐT không thể không sử dụng CKS để xác định tính chính danh trên môi trường số.
Thông qua hội thảo, Sở TT&TT mong muốn các bên cùng chung tay thúc đẩy việc sử dụng chữ ký điện tử, trong đó đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải tiên phong trong lĩnh vực này, làm nòng cốt lan tỏa tinh thần ứng dụng CKS trong các giao dịch trực tuyến, TMĐT trên môi trường mạng trong cộng đồng dân cư, DN trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Nhiều hỗ trợ triển khai CKS của DN tại Sóc Trăng
Đại diện Câu lạc bộ CKS và GDĐT Việt Nam, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai, dịch vụ CKS và chứng thực CKS đã trở thành dịch vụ CNTT quan trọng và ngày càng phổ biến, góp phần ứng dụng CNTT và xây dựng Chính phủ, phát triển CĐS.
Về lợi ích ứng dụng CKS, CLB CKS cho biết các ngành ứng dụng CKS dẫn đầu làn sóng CĐS; Các tổ chức ứng dụng CKS dẫn đầu nền KTS; Là trụ cột tiếp cận CNTT được xếp hạng cao nhất (chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia); Dịch vụ, ứng dụng tạo ra giá trị kinh tế, lao động cho nhà nước/DN/người dân; Tạo xu hướng phát triển, mở rộng không giới hạn trên môi trường số.
Triển khai CKS cá nhân cho Sóc Trăng, đại diện VNPT SmartCA tại Sóc Trăng cho biết đơn vị này đáp ứng được nhu cầu của các DN tài chính ngân hàng cần ký nội bộ, giao dịch, hay DN thực hiện báo cáo thuế, hải quan, kho bạc, hóa đơn điện tử, BHXH….
Sóc Trăng cho biết đơn vị này sẽ miễn phí sử dụng CKS cá nhân cho toàn bộ người dân tỉnh Sóc Trăng khi sử dụng và giao dịch ký số TTHC trên các Cổng DVC; Giảm giá 20% dịch vụ hóa đơn điện tử VNPT - Invoice, dịch vụ kê khai bảo hiểm xã hội (BHXH) điện tử VNPT-BHXH; Giảm giá 20% dịch vụ CKS; Miễn phí 3 tháng sử dụng với 50 hợp đồng và 500Mb dung lượng lưu trữ cho khách hàng đăng ký sử dụng thử nghiệm dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử VNPT eContract.
VNPT cũng có chính sách giá ưu đãi dành cho giáo viên/cán bộ ngành giáo dục và bác sỹ/cán bộ ngành Y tế tại Sóc Trăng.
Cũng tại Hội nghị, đại diện Bkav cho biết đã có 2 triệu khách hàng cá nhân sử dụng dịch vụ ký số từ xa. Bkav giới thiệu hệ sinh thái các sản phẩm gồm: ký hoá đơn điện tử, ký văn bản hợp đồng điện tử; ký hồ sơ BHXH điện tử; ký chứng từ điện tử; ký tờ khai thuế điện tử./.