Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường

PV| 04/11/2022 17:10
Theo dõi ICTVietnam trên

Việt Nam là nhóm các nước có thương hiệu mạnh, tăng từ 388 tỉ USD lên 431 tỉ USD trong hai năm qua. Nước ta đã và đang trở thành điểm sáng, được giới chuyên môn trong và ngoài nước đánh giá cao trong bức tranh xây dựng và phát triển thương hiệu quốc gia, phù hợp với xu thế xây dựng kinh tế hội nhập, bền vững hiện nay.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam trị giá 431 tỷ đồng

Mỗi tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới đều có cách tiếp cận khác nhau khi xây dựng khung tiêu chí đánh giá thương hiệu quốc gia, ví dụ: Brand Finance - một hãng định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược độc lập có trụ sở tại London, Vương quốc Anh hàng năm tiến hành định giá 70.000 thương hiệu trên thế giới, khi đánh giá thương hiệu quốc gia (Nation Brand Index), họ chấm điểm theo 4 lĩnh vực chính: Thương hiệu của hàng hóa & dịch vụ quốc gia; Đầu tư (thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp ra nước ngoài); Du lịch; Nhân tài.

Công ty Future Brand - một đơn vị tư vấn thương hiệu hàng đầu khác trên thế giới với bộ chỉ số Country Brand Index sử dụng hai hệ tham chiếu: Một là, mức độ định vị hình ảnh (bao gồm: Chất lượng cuộc sống, hệ thống giá trị và tiềm năng kinh tế); hai là, mức độ trải nghiệm (bao gồm: Các giá trị về văn hóa truyền thống; du lịch và sản phẩm quốc gia).

Như vậy, điểm chung khi đánh giá về thương hiệu quốc gia của các tổ chức quốc tế là đều lấy yếu tố giá trị thương hiệu sản phẩm (hàng hóa, dịch vụ) làm căn cứ. Hàng năm, Brand Finance đều công bố báo cáo định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam và Top 50 doanh nghiệp có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam.

Theo báo cáo của Brand Finance năm 2022, về tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu quốc gia, Việt Nam tiếp tục được đánh giá là điểm sáng trong bức tranh xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới giai đoạn 2019-2022 (74%). Trong đó, năm 2019, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam mới chỉ được Brand Finance định giá là 247 tỷ USD, năm 2020 là 319 tỷ USD tăng 29,1% so với năm 2019; năm 2021 là 388 tỷ USD tăng 21,6% so với năm 2020; thì năm 2022 đã là 431 tỷ USD tăng 11,1% so với năm 2021.

Về thứ hạng, Việt Nam vẫn duy trì và tiếp tục được nâng hạng trong Top 100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Cụ thể, nếu như năm 2019, Việt Nam được xếp hạng thứ 42; năm 2020 tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33; năm 2021 duy trì vị trí thứ 33 và năm 2022 tăng hạng 1 bậc lên vị trí thứ 32.

Về tăng trưởng giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, Brand Finance đánh giá trong Top 50 thương hiệu doanh nghiệp giá trị nhất Việt Nam; có mức tăng trưởng về giá trị cũng cao là 36% (mức tăng trưởng của Singapore là 22%, ở Indonesia là 22%, Ấn Độ là 16%, Malaysia là 10%, Trung Quốc là 6%, Nhật Bản là 5% và Thái Lan là 4%). Điều này có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự đóng góp của các doanh nghiệp có sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia trong vai trò tiên phong, dẫn dắt và phát triển thương hiệu quốc gia ngay cả trong những giai đoạn nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn.

Có được kết quả tích cực này là nhờ là chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sâu sát của Chính phủ trong các hoạt động kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa, xã hội đã tạo ra uy tín cũng như vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với đó, nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, để góp phần gia tăng giá trị và vị trí của thương hiệu quốc gia trên trường quốc tế.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường - Ảnh 1.

Lễ công bố Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 8 với chủ đề "Kiến tạo tương lai".

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam "đòn bẩy" cho doanh nghiệp

Chương trình thương hiệu quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành triển khai.

Đây là chương trình xúc tiến thương mại đặc thù, dài hạn của Chính phủ nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Việc tham gia Chương trình là một quá trình để doanh nghiệp đánh giá toàn diện các hoạt động, kết quả sản xuất/kinh doanh và chiến lược xây dựng thương hiệu thông qua hệ thống tiêu chí của Chương trình; từ đó khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ và theo đuổi các giá trị cốt lõi của Chương trình, đó là Chất lượng - đổi mới, sáng tạo - năng lực tiên phong.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia với mục đích xây dựng hình ảnh Việt Nam là một quốc gia có sản phẩm hàng hóa, dịch vụ hấp dẫn, uy tín và chất lượng cao, số doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia liên tục tăng qua các năm, từ 30 doanh nghiệp năm 2008 lên 172 doanh nghiệp năm 2022.

Sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam ngày càng được khẳng định vị trí vững chắc ở thị trường trong nước và thị trường toàn cầu qua những con số ấn tượng về kim ngạch xuất khẩu, thị phần, thứ hạng trong nhiều lĩnh vực và sự coi trọng của các đối tác quốc tế. Đây cũng chính là sự khẳng định đầy sức thuyết phục về chất lượng hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Chương trình Thương hiệu quốc gia đã góp phần thúc đẩy Thương hiệu quốc gia Việt Nam thăng hạng mạnh mẽ, có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới.

Đặc biệt, 172 doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia năm 2022 có kết quả kinh doanh ấn tượng với tổng doanh thu năm 2021 khoảng 1.570 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước gần 129 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm, thu nhập cho gần 600 nghìn lao động, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trong bối cảnh nhiều cạnh tranh chiến lược, cạnh tranh kinh tế thương mại, việc giành thị trường, tài nguyên, công nghệ, thu hút đầu tư nước ngoài ngày càng quyết liệt đặt ra nhiều thách thức. Doanh nghiệp cần tập trung khai thác tốt hơn tiềm năng, thế mạnh, tận dụng lợi thế để phát triển mạnh mẽ trong thị trường nội địa và thúc đẩy xuất khẩu thông qua các biện pháp nâng cao giá trị thương hiệu, kết hợp xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.

Đảm bảo và không ngừng củng cố, nâng cao uy tín, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm thương hiệu Việt thông qua hệ thống sản xuất quản trị kinh doanh tiên tiến và hoạt động tài chính công khai, minh bạch, lành mạnh. Ngoài ra, chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng các công nghệ tiên tiến; tập trung đào tạo đội ngũ người lao động có trình độ, kỹ năng, chuyên nghiệp, chú trọng hơn nữa công tác thông tin truyền thông; bảo vệ bản quyền, giá trị thương hiệu.

Đặc biệt, tại Lễ công bố sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Sự thành công và phát triển của cộng đồng, doanh nghiệp, thương hiệu, uy tín của sản phẩm, dịch vụ là thước đo sự thành công của công tác điều hành, quản lý của Nhà nước. Chính phủ thấu hiểu, chia sẻ, lắng nghe và sẽ tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phát triển./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Thương hiệu quốc gia Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO