Tích hợp AI, iHanoi nâng cao hiệu quả giải quyết phản ánh, kiến nghị của người dân
Đi vào vận hành chính thức từ ngày 28/6/2024, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) là một bước tiến quan trọng trong quá trình chuyển đổi số, góp phần xây dựng Hà Nội trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện với người dân và doanh nghiệp.
Tăng cường kết nối giữa chính quyền, người dân, DN
Ứng dụng iHanoi là kênh tương tác số kết nối giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp (DN) mới được UBND thành phố Hà Nội khai trương và chính thức đưa vào sử dụng trong tháng 6 vừa qua.
Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) diễn ra mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, với quan điểm: “Người dân và DN là trung tâm của chuyển đổi số (CĐS); lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và DN vào hoạt động của cơ quan nhà nước”, TP. Hà Nội đã xây dựng và triển khai ứng dụng iHanoi nhằm tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.
iHanoi hướng tới minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và DN, giúp họ trực tiếp thụ hưởng những thành quả từ Đề án 06 Chính phủ. Ứng dụng đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", từ đó nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền, cung cấp tiện ích cho người dân và tiếp nhận các sáng kiến đóng góp xây dựng phát triển Thủ đô.
Về an toàn thông tin (ATTT), iHanoi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp độ 4, được giám sát 24/7 để bảo đảm an ninh an toàn cho hệ thống và dữ liệu của thành phố.
Ứng dụng iHanoi cung cấp 4 nhóm tiện ích và 7 chức năng chính: Phản ánh hiện trường (cho phép người dân và DN gửi kiến nghị về các lĩnh vực đời sống); Phản ánh về thủ tục hành chính (TTHC) (hỗ trợ người dân và DN phản ánh khó khăn khi giải quyết TTHC); Đăng ký lịch tiếp công dân (cho phép đăng ký lịch tiếp công dân trực tuyến); Tiện ích đô thị thông minh (cung cấp thông tin về văn hóa, giáo dục, y tế, quy hoạch, môi trường); Truyền thông, tin tức (cảnh báo giao thông, tội phạm, thiên tai và cung cấp tin tức); Sáng kiến, góp ý (hiển thị ý tưởng, sáng kiến từ người dân về nhiều lĩnh vực); Hanoi Chat (hỗ trợ giao tiếp trực tuyến giữa người dân, DN và chính quyền).
Những tiện ích thông minh liên quan đến mọi mặt đời sống từ giao thông, y tế, giáo dục, môi trường, đất đai, nông nghiệp… trên ứng dụng iHanoi được kỳ vọng sẽ mang đến cho người dân và chính quyền thành phố những lợi ích to lớn.
Đến ngày 10/9, ứng dụng iHanoi đã tiếp nhận 7.800 phản ánh, kiến nghị, trong đó đã xử lý 5.825 đạt trên 74%, đang xử lý 19% và chỉ có 69 kiến nghị xử lý quá hạn chiếm 0,02%. Tính đến nay, đã có gần 1 triệu người dân, DN và 100% công chức, viên chức thuộc Thành phố tạo tài khoản trên iHanoi. Tổng số lượt truy cập iHanoi đạt trên 8 triệu lượt; đã tích hợp 2,5 triệu sổ sức khỏe điện tử từ hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố lên iHanoi phục vụ người dân tra cứu… Đã có 468 sáng kiến xây dựng Thủ đô.
“Ứng dụng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng mạng, với 62,1% người dùng đánh giá "hài lòng và chấp nhận" về chất lượng giải quyết phản ánh, kiến nghị của chính quyền”, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải cho biết.
Siêu ứng dụng với hàng loạt tiện ích thiết thực
iHaNoi là sản phẩm do Tổng Công ty Giải pháp DN Viettel (Viettel Solutions), một thành viên thuộc Tập đoàn Viettel, phát triển. Ra đời với sứ mệnh thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân và DN thông qua tương tác số, iHanoi đã và đang cho thấy hiệu quả thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân và DN trên địa bàn.
So các ứng dụng công dân số (C-Thái Nguyên, Yên Bái S,...) mà Viettel Solutions đã triển khai trước đó, ứng dụng iHanoi có 3 điểm khác biệt nổi bật.
Thứ nhất, iHanoi tập trung xây dựng luồng xử lý và hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp phân loại, giúp cơ quan chính quyền thuận tiện hơn trong quá trình tiếp nhận, xử lý ý kiến của người dân, từ đó giúp chất lượng và thời gian phản hồi xử lý tốt hơn.
Thứ hai, iHanoi hướng tới mô hình siêu ứng dụng (super app), là cổng tích hợp và giao diện duy nhất giúp cung cấp giao diện, cổng tích hợp duy nhất cho toàn bộ người dân, DN và khả năng kết nối với các ứng dụng của bên thứ 3 nhằm cung cấp các tiện ích (thanh toán không dùng tiền mặt, thu phí đỗ xe, tra cứu phạt nguội, tra cứu thông tin quy hoạch, hồ sơ sức khoẻ điện tử...)
Cuối cùng, iHanoi được thiết kế theo hướng thân thiện người dùng và đảm bảo hiệu năng tốt trên cơ sở kiến trúc micro services, ATTT theo cấp độ phù hợp với quy mô và tính chất của Hà Nội.
Xác định sứ mệnh đồng hành cùng Chính phủ trong công cuộc CĐS, trong đó trọng tâm là nhiệm vụ Đề án 06, ngay từ những ngày đầu Đề án được thông qua, Viettel Solutions đã chủ động nghiên cứu bám sát lộ trình, tham mưu và đề xuất những giải pháp CĐS phù hợp phù hợp với đặc điểm của cư dân, kinh tế, xã hội, phục vụ đời sống của người dân, công tác lãnh đạo thành phố Hà Nội.
Hành trình phát triển iHanoi cũng có những dấu ấn mạnh mẽ của các kỹ sư Viettel Solutions. TP. Hà Nội, với đặc điểm là trung tâm chính trị - hành chính, văn hóa quốc gia, một siêu đô thị với hơn 10 triệu dân nên các bài toán công nghệ đặt ra cho Thủ đô được xác định là quy mô lớn và có độ phức tạp cao.
Cụ thể, những khó khăn, thách thức về công nghệ đó là dữ liệu vừa thiếu vừa thừa, khối lượng dữ liệu khổng lồ cần xử lý, dữ liệu các nơi chưa được chuẩn hóa; trong khi các nền tảng và phần mềm chuyên ngành của các đơn vị chưa được hoàn thiện do yếu tố lịch sử, do đó cần xây dựng hoàn thiện, song song với việc iHanoi trực tiếp phát triển các phân hệ để tiếp nhận và xử lý dữ liệu.
Bên cạnh đó, về mặt giải pháp, iHanoi kết hợp các giải pháp của nhiều đơn vị Bộ, ngành Trung ương triển khai theo ngành dọc xuống thành phố nên để tích hợp qua nền tảng cần tuân thủ các quy định, quy chế và điều kiện về ATTT, hạ tầng (ví dụ kết nối VNeID, hồ sơ sức khoẻ điện tử, VOV...)
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của iHanoi để người dân hiểu và đồng thuận sử dụng. Để ứng dụng ngày càng hiệu quả, mang lại nhiều giá trị, lợi ích thiết thực thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.
Một là tiếp tục chuẩn hóa, bổ sung, làm giàu các dữ liệu có ích cho người dân như: dữ liệu di tích, dữ liệu văn hóa, dịch vụ ăn uống.
Hai là bổ sung và hoàn thiện các tiện ích, dịch vụ cung cấp cho người dân như: Sổ liên lạc điện tử, thông tin tuyển sinh đầu cấp…; Thanh toán điện tử học phí, tiền điện, tiền vệ sinh môi trường…; Đặt chỗ và thu phí đỗ xe; Đăng ký và tiếp công dân trực tuyến; Cung cấp bổ sung các tiện ích giải trí phục vụ đời sống văn hóa của người dân.
Ba là cung cấp kho lưu trữ cá nhân được bảo mật, giúp người dân dễ dàng lưu trữ và truy cập, tái sử dụng các thông tin như hồ sơ điện tử, tài liệu, dữ liệu cá nhân.
Bốn là tăng cường kết nối người dân thông qua phát huy vai trò của các tổ cộng đồng, tổ công tác CĐS trực tiếp và thông qua thành lập các tổ, nhóm mạng xã hội trên iHanoi (Hanoi Chat) giữa người dân và các tổ công tác trên.
Năm là ứng dụng các công nghệ hiện đại giúp cung cấp dịch vụ nhanh chóng, thuận tiện hơn như: Cung cấp dịch vụ hỗ trợ và cung cấp thông tin tự động qua AI (chatbot); Cung cấp tổng đài thông minh phục vụ tiếp nhận phản ánh/góp ý qua kênh tương tác trực tuyến; Ứng dụng AI giúp phân luồng và điều phối xử lý công việc tự động;…/.