Tiềm năng thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam và đề xuất chính sách thúc đẩy

Hoàng Linh| 23/03/2022 06:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo các dự báo, tiềm năng thị trường mạng di động ảo (MNVO) Việt Nam là rất lớn, nhất là trong bối cảnh phục hồi sau đại dịch.

Quy mô thị trường thế giới

MVNO là các nhà cung cấp dịch vụ di động đi thuê mạng lưới viễn thông của một hoặc nhiều nhà cung cấp dịch vụ không dây hoặc mạng di động gốc để cung cấp dịch vụ. Người dùng di động chuyển sang MVNO để tận dụng các lợi ích của dịch vụ chất lượng cao với chi phí thấp hơn.

Theo dự báo của gminsights (Global Market Insights), quy mô thị trường MVNO đã vượt 65 tỷ USD vào năm 2020 và sẵn sàng mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) trên 9% từ năm 2021 - 2027. Nhu cầu cao đối với các dịch vụ di động không dây với giá cả phải chăng sẽ thúc đẩy tăng trưởng của thị trường.

Theo một cuộc khảo sát do Ting thực hiện, vào năm 2020, hóa đơn trung bình của MNVO chưa bằng một nửa hóa đơn trung bình hàng tháng của các nhà mạng gốc/nhà mạng truyền thống. Khoảng 91% khách hàng chuyển từ một nhà mạng gốc cho biết dịch vụ hiện tại của họ ngang bằng hoặc thậm chí tốt hơn so với trước đó.

Tiềm năng thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam và đề xuất chính sách thúc đẩy - Ảnh 1.

Ảnh minh họa (Nguồn: guinea.pe)

Các mạng ảo này cung cấp các dịch vụ cạnh tranh hơn nhằm giảm chi phí mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Việc sử dụng dung lượng mạng và cơ sở hạ tầng mà không cần sở hữu nó giúp tiết kiệm chi phí đáng kể, là yếu tố chính thúc đẩy việc mở rộng thị trường.

Đại dịch COVID-19 đã cản trở sự phát triển của thị trường trong nửa đầu năm 2020 do các đợt giãn cách xã hội. Thị trường sụt giảm tạm thời do sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng cùng với sự chậm trễ trong các sáng kiến chiến lược như mua bán và sáp nhập do các nhà mạng lớn và MVNO thực hiện. Ngành công nghiệp này đã lấy lại lực kéo vào nửa cuối năm 2020 sau khi các biện pháp giãn cách được nới lỏng và tăng trưởng vào năm 2021 khi gia tăng nhu cầu về các dịch vụ viễn thông chất lượng cao từ các khu vực doanh nghiệp (DN) và học thuật để đảm bảo cho làm việc từ xa. Thời gian sử dụng máy tính toàn cầu đã tăng lên do các hạn chế đối với việc đi lại và tụ tập công cộng cùng với sự phổ biến ngày càng tăng của các dịch vụ video theo yêu cầu (VOD). Yếu tố này khuyến khích quan hệ đối tác giữa nhà mạng di động (MNO) và MVNO để đạt doanh thu lớn hơn.

Thị trường MNVO Việt Nam: cơ hội và thách thức

Hiện tại, Việt Nam có 3 giấy phép MNVO gồm Công ty CP Viễn thông Đông Dương (Indochina Telecom - iTel), MobiCard với thương hiệu Reddi, hợp tác với Massan và công ty CP viễn thông ASIM tập trung vào khách du lịch và mới bắt đầu đang bán hàng thử nghiệm.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc hệ sinh thái dịch vụ số iTel, cho biết hiện thị trường MNVO mới chỉ chiếm 2% trong tổng thuê bao di động. Như vậy, mạng di động ảo MNVO vẫn chưa phát huy hết tiềm năng.

Nhìn ra thế giới, Trung Quốc có 75 mạng di động ảo. Châu Âu có 130 mạng di động ảo, riêng Đức có 54 mạng di động ảo, trong đó thuê bao mạng di động ảo chiếm trung bình 15% - 50% tổng thuê bao di động. Theo đó, ông Dũng nhận định không gian thị trường cho mạng di động ảo Việt Nam còn rất lớn. Các MNVO sẽ tập trung vào các thị trường ngách mà các MNO không thể tiếp cận được, để phát triển và chiếm khoảng 15 - 20% thị phần (khoảng 15 - 20 triệu thuê bao) trong tổng số thuê bao di động.

Về mô hình MNVO, ông Dũng cho biết rất đa dạng, thường tập trung vào thị trường ngách như thị trường MVNO dành riêng cho DN, cho dịch vụ IoT, M2M, cho các tập khách hàng giải trí, bóng đá như Brazil đã làm. Các công ty tài chính, bảo hiểm, có nhiều tập hàng lớn có thể tham gia vào thị trường viễn thông.

Về thách thức đối với MNVO, ông Dũng nhận định có một số thách thức. Đầu tiên, khi các công ty tham gia vào thị trường thì giá dữ liệu (data) và dòng doanh thu thoại truyền thống đều có xu hướng giảm. Hai là, công ty Internet tham gia đẩy mạnh các dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông để mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho công ty.

Thách thức thứ ba là cạnh tranh. Để cạnh tranh được, các nhà mạng giờ đây phải xây một hệ sinh thái số có các dịch vụ mới. Như vậy, các công ty viễn thông giờ đây buộc phải tìm hiểu những "món mới" như mobile money, các dịch vụ tài chính số…

Thách thức tiếp theo là do sự hội tụ Internet - viễn thông buộc công ty viễn thông phải tìm hiểu về công nghệ mới để mang tính dẫn dắt, thay đổi tập khách hàng cũng như dẫn dắt mô hình kinh doanh mới là kinh doanh dữ liệu.

Kết quả bước đầu, chiến lược và đề xuất

Trong 2 năm đầu tiên ra đời, ông Dũng cho biết iTel đã có những thành tựu đầu tiên. Tháng 4/2021, iTel đạt được gần 3 triệu thuê bao, có một tập khách hàng riêng, hệ thống phân phối bán hàng và cơ sở dữ liệu (CSDL) khách hàng. Là nhà mạng trẻ, iTel tập trung vào thị trường ngách, người dùng trẻ là các học sinh, sinh viên, các khu công nghiệp và có giá cước tối ưu, hợp lý cho khách hàng.

Tiềm năng thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam và đề xuất chính sách thúc đẩy - Ảnh 2.

iTel là DN tiên phong triển khai mô hình mạng di động ảo tại Việt Nam

iTel cũng tập trung vào chiến lược marketing trực tiếp, tận dụng mô hình trực tiếp tới các thị trường ngách, tập khách hàng trọng điểm và có quan hệ win-win với nhà mạng gốc. "Đây là chìa khóa quan trọng hình thành thị trường MNVO và không trùng lặp để nhà mạng gốc hỗ trợ phát triển", ông Dũng cho hay.

Ngoài ra, ông Dũng cho biết iTel có mô hình vận hành tối ưu khi có tới 80% nhân sự tập trung vào bán hàng, kinh doanh và bộ máy vận hành nhỏ gọn, gần như không có phần back-office lớn.

Cũng theo chia sẻ của ông Dũng, "iTel cũng rất đau đầu về tính toán bài toán kinh doanh. Nếu như mà đầu tư đủ thành phần phục vụ mô hình vừa kinh doanh viễn thông truyền thống, cộng thêm xây dựng hệ sinh thái số thì đầu tư rất lớn và tính khả thi để mang lại hiệu quả".

iTel có nghiên cứu mô hình MNVO quốc tế, theo đó, hiện có xu hướng hình thành công ty nền tảng cung cấp hạ tầng nền tảng cho các MNVO được gọi là MNVE (mobile veritcal network enabler). Những công ty này đứng giữa MNVO và MNO. MNVE sẽ đầu tư sẵn hạ tầng và sẽ kết nối với MNVO gốc. MNVO gốc sau khi có giấy phép hoạt động thì có thể kết nối với MNVE và trong khoảng 4 tuần hoặc 90 ngày là đã có thể cùng hợp tác khai trương được dịch vụ.

Theo mô hình này, Singapore có 3 nhà mạng gốc và 10 nhà mạng ảo hoặc như Đức có gần 50 nhà mạng ảo vì họ ra thị trường rất nhanh. Ông Dũng đề nghị cơ quan quản lý nghiên cứu khả thi mô hình này. Bản thân iTel cũng rất mong muốn trở thành MNVE để cho MNVO mới tham gia thị trường có thể thuê lại để không phải xây dựng hạ tầng như nhà mạng gốc (telco), rất lãng phí và tốn nhiều nguồn lực, có thể tới 20 - 30 triệu USD cho mỗi MNVO.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề xuất cần làm rõ các loại hình MVNx: Định nghĩa rõ mô hình reseller, full MVNO, MVNE, MVNA… trong văn bản quy phạm pháp luật (theo cấu hình mạng phải có, không nên quy định theo lượng tiền đầu tư).

Về chính sách giá, cần có quy định cụ thể về bán buôn - bán lẻ lưu lượng giữa nhà mạng gốc (MNO, MVNO), nhà bán buôn lưu lượng (MVNA) và nhà mạng reseller MVNO để hình thành thị trường phân lớp theo chuỗi cung ứng, chuyên môn hóa theo từng công đoạn phân phối và phân khúc thị trường.

Về quan hệ MNO-MVNO, cần có quy định các ràng buộc trách nhiệm của các MNO phải tạo điều kiện cho các MVNO truy nhập mạng và công nghệ; Bổ sung điều kiện khi được phân bổ tần số thì cam kết dành 10% - 20% dung lượng cho các MVNO.

Về giấy phép cung cấp, cần có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế thiết lập mạng di động MVNO, giảm tối đa các thủ tục cấp phép. Riêng việc cấp phép cho reseller MVNO nên thực hiện cấp phép theo nhóm (class licence).

Về chế tài xử lý, cơ quan quản lý nhà nước có các quyền và các biện pháp đề can thiệp vào giải quyết các tình huống cụ thể trong suốt quá trình hợp tác giữa MNO - MVNO (ví dụ sau thời hạn 90 hoặc 120 ngày đàm phán mà hai bên vẫn không thống nhất được thì cơ quan quản lý sẽ can thiệp).

Sớm phát triển mô hình MNVx

Trước các kiến nghị của iTel, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Viễn thông - Bộ TT&TT cho biết Luật Viễn thông 2009 đã quy định trách nhiệm của các DN có hạ tầng là phải mở hạ tầng các DN khác. Sau đó, Nghị định số 25/2011/NĐ-CP được ban hành quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông đã đưa ra chính sách bắt buộc có trách nhiệm bán lưu lượng cho DN khác. Đây là nền tảng cơ sở để cho iTel đi vào được và trở thành DN MNVO.

Về đề xuất phải có giá để đàm phán giữa MNO và MNVO, ông Nhã cho biết Cục Viễn thông đã tiếp thu và đưa vào trong Dự thảo sửa đổi Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông. Đó là đưa ra một nguyên tắc để cho các DN tham chiếu khi đàm phán. Nhưng ở đây có một vấn đề là bản thân DN hiện nay chưa xây dựng giá thành dịch vụ của mình.

"Việc xây dựng giá thành hiện vô cùng khó vì trước đây dịch vụ sẽ là một dịch vụ đơn lẻ như thoại là dịch vụ toàn trình từ đầu này đến đầu kia nhưng nay quá trình thoại lại cộng thêm các dịch vụ đi kèm nên chắc chắn ra được một giá thành dịch vụ rất khó nên quá trình đàm phán gặp khó khăn".

Tiềm năng thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam và đề xuất chính sách thúc đẩy - Ảnh 3.

Ảnh minh họa (Nguồn: guinea.pe)

Một thực tế nữa, theo ông Nhã, bản thân DN khi mua sỉ có vô vàn nhiều hình thức mua. Ví dụ, lưu lượng thoại, data vào đêm hầu như không có người dùng nhưng nếu một DN nào đó mua lưu lượng giá rẻ và chỉ dùng cho một thị trường ngách như thị trường cho những người lái xe tải ban đêm, những người bán hàng ở chợ đầu mối thì rõ ràng DN có thể mua sỉ với giá rất thấp hơn giá ban ngày. Vậy giá đàm phán sẽ là bao nhiêu?

"Trong thời gian tới dự kiến khi xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi, các hướng dẫn sẽ được đưa vào để các DN có cơ sở đàm phán đưa ra một giá để các DN có thể mua bán với nhau", ông Nhã cho biết.

Về đề nghị một mô hình MNVE của iTel, ông Nhã cho biết bản chất là tạo ra MNVO để bán lại một lần nữa. "Tôi nghĩ hệ thống pháp luật hiện nay, các DN có quyền làm việc đó bởi vì do công nghệ đã đẩy đến việc mua sỉ lưu lượng và bán lại một lần nữa và cộng thêm các giá trị gia tăng nếu chúng ta xây dựng được nền tảng tốt. Với hệ thống pháp luật hiện nay thì việc đó hoàn toàn không có rào cản. iTel có thể nhanh chóng tìm hiểu công nghệ, xây dựng nền tảng để sớm phát triển mô hình MNVE"./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiềm năng thị trường mạng di động ảo tại Việt Nam và đề xuất chính sách thúc đẩy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO