Kinh tế số

Tiến tới khung pháp lý và quản lý tài sản ảo tại Việt Nam

Anh Minh 21:05 24/04/2024

Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào việc xây dựng khung pháp lý liên quan đến tài sản ảo (Virtual Asset - VA). Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan đã tiến hành nghiên cứu và phối hợp trong lĩnh vực này.

Ngày 24/4/2024, trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 2 năm thành lập và Diễn đàn thường niên “Blockchain và AI: Cuộc cách mạng tương lai”, Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA) đã tổ chức buổi tọa đàm khoa học lần thứ 4 nhằm góp ý xây dựng hoàn thiện khung pháp lý VA-VASP (Tài sản ảo - Nhà cung cấp tài sản ảo).

Tình hình xây dựng khung pháp lý và quản lý tài sản ảo trên toàn cầu

Theo báo cáo khảo sát tại 60 quốc gia theo 4 tiêu chuẩn: thuế, chống rửa tiền/chống tài trợ khủng bố (AML/CFT), bảo vệ người dùng và tiêu chuẩn VASP của Hội đồng Đại tây dương (Atlantic Council), tính tới tháng 12/2023, có 32/60 quốc gia đã chính thức hợp pháp tài sản mã hóa. Đặc biệt, 10 quốc gia trong nhóm G20 (chiếm 50% GDP toàn cầu) đều đã chính thức ban hành quy định quản lý tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP).

Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, khung pháp lý quản lý VA-VASP đã được ban hành ở đầy đủ cả 4 tiêu chuẩn kể trên. Tại Trung Quốc, thị trường tài sản mã hoá bị cấm toàn diện nhưng một nền kinh tế có sự liên quan chặt chẽ là Hồng Kông lại đang là khu vực đi đầu trong ngành bằng một khung pháp lý hoàn chỉnh và những chính sách kiểm soát chặt chẽ các VA-VASP theo quan điểm ưu tiên bảo vệ quyền lợi người dùng.

Ngoài ra, Trung Quốc có mạng blockchain quốc gia BSN với tham vọng cạnh tranh toàn cầu với các mạng chuỗi khối công khai.

wwv05723-1-.jpg
Phiên thảo luận với sự tham gia của các chuyên gia về pháp lý, tài chính và công nghệ đã góp ý và giải đáp nhiều vấn đề liên quan đến khung pháp lý VA, VASP

Có thể thấy, hiện nay, tình hình xây dựng khung pháp lý và quản lý tài sản ảo trên toàn cầu có nhiều điểm khác nhau giữa các quốc gia. Một số quốc gia đã ban hành các quy định rõ ràng về tài sản ảo, trong khi những quốc gia khác vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu hoặc chậm trễ trong việc ban hành khung pháp lý.

Việt Nam có thể rút ra nhiều kinh nghiệm và bài học từ các quốc gia đã đi trước, chẳng hạn như cách thiết lập các quy định minh bạch và hiệu quả, đảm bảo an toàn và bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mới. Phiên thảo luận tại sự kiện với sự tham gia của các chuyên gia về pháp lý, tài chính và công nghệ đã giải đáp nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề này.

Ông Phan Đức Trung, Phó Chủ tịch Thường trực VBA cho biết, việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho VA-VASP phù hợp tại thời điểm này là một bài toán khó vì các chính sách này sẽ cần sự phối hợp của nhiều ngành nghề, lĩnh vực.

Theo ông Đỗ Việt Cường, Chánh thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Thừa Thiên Huế, có nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia nhỏ có thể chưa nhận thức đầy đủ và kịp thời về tài sản ảo. Điều này dẫn đến việc họ chưa thể bắt kịp và xây dựng khung pháp lý phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Trong khi đó, các quốc gia phát triển và có trình độ quản lý nhà nước cao đã chủ động nghiên cứu và điều chỉnh nhanh chóng để thích ứng với mối quan hệ xã hội mới, mối quan hệ tài sản mới, mà theo tôi “là không thể ngăn cản được”.

“Dựa trên kiến thức và tinh thần nghiên cứu của mình, tôi nhận thấy Việt Nam đã bắt đầu tham gia vào việc xây dựng khung pháp lý liên quan đến tài sản ảo. Chính phủ và các cơ quan ban ngành liên quan đã tiến hành nghiên cứu và phối hợp trong lĩnh vực này”, ông Cường nói.

Do tính tiện lợi và mới mẻ, nhà đầu tư tài sản ảo có thể gặp nguy cơ bị lừa đảo

Tọa đàm là chương trình thứ 4 của VBA nhằm thu thập các ý kiến góp ý của cộng đồng, doanh nghiệp (DN) và đối thoại trực tiếp cùng các cơ quan quản lý nhà nước để đóng góp ý kiến vào xây dựng khung pháp lý hoàn chỉnh quản lý VA-VASP trước thời hạn tháng 5/2025 theo yêu cầu của Chính phủ.

Trên quan điểm là một đơn vị khởi nghiệp VASP, ông Lê Hoài Nam, nhà sáng lập Hold Station chia sẻ, DN này đã lên kế hoạch chuẩn bị thực thi các quy định pháp lý chặt chẽ nhất có thể sẽ được ban hành vào giữa năm sau nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và hoạt động công khai, minh bạch tại thị trường Việt Nam.

“Chúng tôi cho rằng, việc tuân thủ các nguyên tắc đóng thuế, mà cụ thể là thuế thu nhập cá nhân có thể là bước đầu tiên mà các VASP cần tuân thủ nghiêm túc”, ông Nam nhấn mạnh.

“Dưới góc nhìn của mình, tôi nhận thấy rằng hiện nay nền kinh tế Việt Nam đang được thúc đẩy bởi thế hệ 8X và 9X. Những người này lớn lên cùng với các game, trò chơi điện tử và các hoạt động liên quan đến tài sản ảo, như giao dịch vật phẩm trong game, đã tạo tiền đề cho việc sử dụng tài sản ảo trong lĩnh vực tài chính và kinh tế”, ông Nam nói.

wwv05274.png
Khách tham quan trải nghiệm các dịch vụ công nghệ tại Hội nghị

Theo nhà sáng lập Hold Station, tính ứng dụng của tài sản ảo trong lĩnh vực tài chính đã mang lại nhiều lợi ích. Tài sản ảo giúp đẩy nhanh quá trình giao dịch và mua bán, từ đó thúc đẩy lợi nhuận cho các doanh nghiệp và cá nhân. Hiện nay, xu hướng mua bán hàng hóa trên các nền tảng như TikTok, Shopee, và các kênh thương mại điện tử đang bùng nổ, tạo ra một thế hệ người giàu mới trẻ tuổi.

“Càng ngày, những người trẻ tuổi này càng sử dụng tài sản ảo nhiều hơn, điều này phản ánh một xu hướng của nền kinh tế trong tương lai và chúng ta không thể ngăn cản xu hướng này. Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước có niềm đam mê với công nghệ và luôn chào đón những điều mới mẻ. Tôi nghĩ rằng Việt Nam là một thị trường tiềm năng cho VASP, và tôi rất mong muốn được làm việc trong lĩnh vực này tại Việt Nam, có giấy phép để cung cấp dịch vụ và bảo vệ nhà đầu tư”, nhà sáng lập Hold Station nói.

Do tính tiện lợi và mới mẻ của VA, nên nhà đầu tư gặp nhiều nguy cơ bị lừa đảo, dẫn đến nhiều hệ lụy. Vì vậy, việc cung cấp dịch vụ VASP đáng tin cậy và có giấy phép sẽ giúp bảo vệ người dùng và duy trì sự an toàn trong lĩnh vực này.

Ông Đỗ Việt Cường cho rằng nếu không nghiên cứu một cách cẩn thận và nhanh chóng ban hành các quy định quản lý, thì một bộ phận người dân sẽ không được bảo vệ và một số người khác sẽ bị lợi dụng để trục lợi, hoặc phục vụ cho những mục đích gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và các lĩnh vực quan trọng khác. Vì vậy, cần có sự quan tâm và hành động kịp thời để đảm bảo an toàn và trật tự trong xã hội.

Chia sẻ về mục tiêu của VBA, ông Phan Đức Trung cho biết, trong thời gian tới VBA sẽ tích cực trao đổi với các cơ quan, bộ ngành làm cơ sở cho các hành động và tiếp cận phổ biến chính sách (các khu vực bao gồm cả khu vực tư nhân) theo Kế hoạch hành động quốc gia 2024 về phòng và chống rửa tiền.

Trong khuôn khổ chương trình, VBA đã công bố chương trình hành động hỗ trợ gọi vốn Switch Up Accelerator mùa thứ 2 cho các startup công nghệ và chia sẻ bức tranh toàn cảnh ngành blockchain Việt Nam và toàn cầu trước và sau thời điểm Bitcoin halving lần thứ 4.

Đây đồng thời là sự kiện ra mắt chính thức của Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ Nhân tạo ABAII cùng chiến lược đào tạo, phổ cập blockchain và AI cho 1 triệu lượt người đến năm 2030, trong đó bao gồm 100.000 sinh viên tại 30 trường Đại học (ĐH) trên cả nước như ĐH Ngoại thương, Học viện Ngân hàng, ĐH Bách khoa, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT), Học viện Kỹ thuật Mật mã... và chương trình ký kết, phối hợp với các công ty luật thực hiện dự án luật online nhằm hỗ trợ pháp lý cho đông đảo cộng đồng./.

Bài liên quan
  • Đưa tiền ảo, tài sản ảo vào Luật Phòng chống rửa tiền
    Việc hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, giám sát đối với các loại tài sản ảo, tiền tiền ảo nói chung và quy định pháp lý về phòng, chống rửa tiền nói riêng là yêu cầu cấp thiết, nhằm giảm thiểu rủi ro và ngăn ngừa hoạt động tội phạm.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Báo chí quốc tế viết gì về Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024?
    Sự kiện Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam năm 2024 thu hút sự chú ý trong - ngoài nước và cả nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.
  • “AI như là một chiếc gương đen”
    Bài báo "AI is the Black Mirror" của Philip Ball cung cấp một cái nhìn chi tiết về trí tuệ nhân tạo (AI) và tác động của nó đến nhận thức con người.
  • Chất lượng thông tin báo chí về kinh tế - Vai trò, yêu cầu thước đo và giải pháp cần có
    Báo chí kinh tế cần là diễn đàn thực thụ cho doanh nghiệp, không chỉ cung cấp thông tin. Thông tin cần chính xác và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong điều chỉnh chiến lược kinh doanh.
  • Những “ngọn đuốc” ở bản
    Ở Tuyên Quang, người có uy tín là những người đi đầu thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con dân tộc thiểu số (DTTS). Họ như những “ngọn đuốc” đi trước, thắp sáng, lan tỏa tinh thần trách nhiệm, nêu gương với cộng đồng. Gương mẫu, uy tín, những người có uy tín đã và đang góp sức xây dựng bản làng, thôn xóm ngày càng ấm no, giàu mạnh.
  • 5 lý do để tăng cường bảo mật mạng
    Các chương trình an ninh mạng đã phát triển đáng kể trong vài thập kỷ qua. Sự ra đời của điện toán đám mây đã phá vỡ ranh giới an ninh mạng thông thường của của các doanh nghiệp, buộc các tổ chức phải liên tục cập nhật những chiến lược phòng thủ của mình.
Đừng bỏ lỡ
Tiến tới khung pháp lý và quản lý tài sản ảo tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO