Tiết kiệm lớn nguồn lực nhờ mô hình xã hội hoá thủ tục hành chính

Hoàng Linh| 22/04/2022 21:09
Theo dõi ICTVietnam trên

Bưu điện Việt Nam (BĐVN) đã đồng hành triển khai hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tại các địa phương, định hình một phương thức làm việc mới, thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), mang lại sự hài lòng cao nhất cho các cá nhân, tổ chức.

Đây là khẳng định của các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg, thúc đẩy chuyển giao một phần công việc cho doanh nghiệp (DN) bưu chính công ích (BCCI) (Đề án 468) do Bộ TT&TT tổ chức ngày 23/4. Đại diện 63 Sở TT&TT đã tham dự Hội nghị.

Hơn 12 triệu hồ sơ được nộp và trả kết quả TTHC qua bưu điện

Thông tin về việc thực hiện nhiệm vụ được giao, ông Chu Quang Hào, Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN cho biết trước Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC giao cho DN BCCI là BĐVN thực hiện một hoặc toàn bộ việc tại bộ phận một cửa, ngày 19/10/2016, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg về việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI.

Tiết kiệm lớn nguồn lực nhờ mô hình xã hội hoá thủ tục hành chính - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Tổng công ty BĐVN Chu Quang Hào: bình quân hàng năm có hơn 12 triệu hồ sơ được nộp và trả kết quả TTHC qua dịch vụ BCCI của BĐVN

Quyết định 45/2016/QĐ-TTg đã giao cho BĐVN thực hiện nhận và trả kết quả TTHC qua các điểm phục vụ của BĐVN. Tính tới thời điểm hiện nay, bình quân hàng năm có hơn 12 triệu hồ sơ được nộp và trả kết quả TTHC qua dịch vụ BCCI của BĐVN. "Đây là một con số không hề nhỏ và là sự chuẩn bị có lộ trình để tiến tới triển khai Quyết định số 468/QĐ-TTg", Tổng Giám đốc Chu Quang Hào nhấn mạnh.

Về cơ sở thực tiễn, Tổng giám đốc Chu Quang Hào cho biết BĐVN là DN nhà nước được giao quản lý mạng lưới bưu chính công cộng và cung cấp mạng lưới bưu chính đến xã. Hiện nay, hơn 90% cơ sở bưu điện được đầu tư khang trang từ cấp tỉnh, huyện, xã để đảm bảo phục vụ BCCI và hành chính công. Riêng tuyến xã có hơn 9000 điểm bưu điện - Văn hoá xã (BĐ-VHX). Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về giao phủ 100% xã có điểm phục vụ và đến tháng 11/2021, BĐVN đã hoàn thành. Trong số 9000 điểm BĐVHX thì đã có 2000 điểm được nâng cấp một cách toàn diện để đáp ứng cấp quản lý và đủ điều kiện để triển khai dịch vụ hành chính công.

Theo lộ trình và thực hiện Quyết định số 45/2016/QĐ-TTg, ông Chu Quang Hào cũng cho biết BĐVN đã đạt các kết quả rõ nét về số lượng tiếp nhận và chuyển trả. BĐVN không để xảy ra sai sót lớn về việc tiếp nhận và chuyển trả TTHC công.

Bên cạnh đó, ưu điểm của mô hình là thực hiện tiếp nhận, chuyển trả kết quả TTHC qua bưu điện là phi địa lý hành chính, tiếp nhận TTHC được cả 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã) và chấp nhận chéo địa bàn (tỉnh, huyện, xã/phường) và BĐVN có lợi thế về điều hành, quyết toán hoàn thành và quyết toán chéo rất thuận lợi.

Việc nộp trực tuyến, chuyển trả TTHC qua dịch vụ BCCI tại địa chỉ, tạo thuận lợi, giúp người dân không phải đến bộ phận một cửa, đồng thời đáp ứng được yêu cầu CĐS do chính phủ chỉ đạo. BĐVN cũng đã xây dựng quy trình 11 bước được chuẩn hoá và ông khai minh bạch này để người dân, Văn phòng UBND các cấp giám sát kiểm tra thực hiện quy trình, cũng như các công đoạn, đặc biệt thời gian và trách nhiệm liên quan để thấy rõ tính minh bạch trong thực hiện về tiếp nhận, chuyển trả kết quả TTHC.

Tổng giám đốc Chu Quang Hào nhấn mạnh: "BĐVN đã xác định đây là nhiệm vụ sống còn nên tổng số chi phí chi trả cho BĐVN chắc chắn thấp hơn rất nhiều so với các chi phí tại các bộ phận một vì BĐVN chuẩn hoá các quy trình cũng như tiết kiệm nguồn nhân lực, nhất là hiện nay một số sở ngành có số hồ sơ TTHC ít có thể kết hợp giảm thiểu tiết kiệm chi phí nhất".

Theo thống kê tại các điểm bưu điện đã triển khai thí điểm thực hiện tiếp nhận, chuyển trả TTHC qua bưu điện theo Quyết định số 468/QĐ-TTg thời gian qua thì ở cấp tỉnh tiết kiệm được 35%, cấp huyện - xã tiết kiệm được 25 - 30% chi phí so với việc triển khai hiện nay.

Nhiều lợi thế chuyển trả TTHC qua DN BCCI, thúc đẩy CĐS

Cũng tại Hội nghị, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC - Văn phòng chính phủ (VPCP), cho biết triển khai mô hình tiếp nhận, chuyển trả TTHC qua DN BCCI, việc tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, nâng cao hiệu quả, năng suất hoạt động của bộ phận một cửa; đổi mới chỉ đạo, điều hành, giám sát, đánh giá bằng dữ liệu, theo thời gian thực.

Tiết kiệm lớn nguồn lực nhờ mô hình xã hội hoá thủ tục hành chính - Ảnh 2.

Ông Ngô Hải Phan: triển khai mô hình tiếp nhận, chuyển trả TTHC qua DN BCCI đổi mới chỉ đạo, điều hành, giám sát, đánh giá bằng dữ liệu, theo thời gian thực.

Đồng thời người dân, DN được định danh số thống nhất trên môi trường điện tử trong các hoạt động giao tiếp với cơ quan nhà nước (CQNN) trên cơ sở mã số định danh của cá nhân, DN; chỉ phải cung cấp thông tin, dữ liệu một lần cho CQNN; được tiếp nhận, giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở.

Bên cạnh đó, người dân, DN cũng được được tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC theo nhiều phương thức phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng thực hiện; không phải thực hiện các thủ tục kiểm tra, xác nhận hoặc cung cấp lại hồ sơ, giấy tờ, thông tin, kết quả giải quyết đã được số hóa; được trả và công nhận tính pháp lý của kết quả giải quyết TTHC ký số trong tất cả các giao dịch với CQNN; được giám sát, đánh giá trực tuyến quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC của các CQNN.

Đối với CQNN, sẽ gắn số hóa, xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) là trách nhiệm của cán bộ công chức viên chức (CBCCVC) trong tiếp nhận, giải quyết TTHC; bộ phận một cửa các cấp là điểm đầu vào và là nơi sử dụng kết quả số hóa để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, tạo dịch vụ số phục vụ giải quyết TTHC; được kết nối, tích hợp, liên thông điện tử với các cơ quan xử lý, các CSDL quốc gia, hệ thống thông tin, CSDL chuyên ngành, Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia (DVCQG) phục vụ giải quyết TTHC. 

Đồng thời, tạo các nền tảng dùng chung đáp ứng yêu cầu, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí; tạo cơ chế chủ động sáng tạo, tham mưu, áp dụng mô hình, giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng phục vụ; thực hiện đánh giá chất lượng giải quyết TTHC, cung cấp DVC dựa trên dữ liệu theo thời gian thực.

Tiết kiệm lớn nguồn lực nhờ mô hình xã hội hoá thủ tục hành chính - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn: tinh thần chung của Chính phủ là xã hội hoá những việc DN có thể làm được, giúp hoạt động nhà nước, các cấp chính quyền có hiệu quả hơn để tập trung chăm lo cho nhân dân

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết trước đây nhiều thủ tục phải mang văn bản giấy ra chứng minh khi làm TTHC. Sau này, người dân và DN đi ra nộp hồ sơ giải quyết TTHC có thể lưu trữ hồ sơ trên hệ thống, đảm bảo rút ngắn TTHC, đem lại lợi ích lớn cho người dân, xã hội và DN về thời gian và nguồn lực. Ví dụ, người dân ở xã ra điểm cung cấp TTHC phi địa giới có thể nộp hồ sơ TTHC cấp huyện, tỉnh, trung ương, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí, phương tiện giao thông hạn chế, giúp môi trường trong lành hơn. Trước đây cấp tỉnh, mỗi sở phải cử người ra tiếp nhận và trả kết quả TTHC.

Việc triển khai tiếp nhận, chuyển trả TTHC qua DN BCCI, theo Thứ trưởng, sẽ giảm biên chế, chi phí đi kèm như đầu tư cơ sở vật chất cấp tỉnh, huyện nhờ xã hội hóa. "Tinh thần chung của Chính phủ là xã hội hoá những việc DN có thể làm được, giúp hoạt động nhà nước, các cấp chính quyền có hiệu quả hơn để tập trung chăm lo cho nhân dân. Triển khai tiếp nhận, chuyển trả TTHC qua dịch vụ BCCI cũng đổi mới cách thức phục vụ người dân, đảm bảo các quy định an toàn giấy tờ văn bản, rút ngắn thời gian, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân, DN".

Hiệu quả từ địa phương

Triển khai thực hiện Đề án 468, nhiều địa phương thực hiện thí điểm đã đạt được những kết quả rõ rệt. Theo Sở TT&TT Gia Lai, từ tháng 5/2019, tỉnh Gia Lai bắt đầu triển khai thí điểm chuyển giao một số nhiệm vụ, dịch vụ hành chính công trên địa bàn tỉnh sang bưu điện thực hiện. Qua gần 03 năm triển khai thí điểm, Bưu điện tỉnh Gia Lai đã đầu tư nhà làm việc, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và nhân sự để thực hiện Đề án tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, 17/17 bộ phận một cửa cấp huyện; 14/220 bộ phận một cửa cấp xã.

Qua thời gian triển khai thực hiện Đề án thí điểm, đại diện Sở TT&TT  khẳng định: bưu điện tỉnh đã thực hiện tốt được 03 nhiệm vụ chính bao gồm: bố trí bộ phận một cửa tại nhà làm việc của bưu điện; tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC, kết hợp dịch vụ BCCI.

Việc Bưu điện tỉnh thực hiện tốt các nhiệm vụ nêu trên đã phát huy một số hiệu quả, cụ thể như các đơn vị, địa phương trong vùng Đề án, chỉ phải trả một khoản chi phí hợp lý hằng năm khi sử dụng nguồn lực (cơ sở vật chất, con người) do Bưu điện tỉnh đầu tư; không phải bố trí người trực, làm việc trực tiếp tại bộ phận một cửa;góp phần xây dựng mô hình tiến nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC theo hướng thân thiện, hiệu quả và phục vụ; tăng tỷ lệ sử dụng dịch vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ BCCI, góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

Bộ phận một cửa sau khi chuyển giao đặt ở vị trí thuận lợi; cơ sở vật chất, nơi làm việc khang trang; trang thiết bị đầy đủ, hiện đại; bưu điện đảm nhận vai trò đầu mối giao tiếp với người dân, theo hướng DN cung cấp dịch vụ cũng tạo tâm lý của người dân khi đi thực hiện TTHC thoải mái, tiết kiệm thời gian, chi phí, qua đó sẽ nâng cao sự hài lòng của người dân khi thực hiện TTHC.

Mạng bưu chính công cộng do Nhà nước đầu tư được khai thác hiệu quả, hiện thực hoá chủ trương xã hội hoá các DVC của Đảng và Nhà nước, lấy mục tiêu phục vụ người dân, DN tại cộng đồng làm ưu tiên. Đồng thời, nhân viên bưu điện cũng tích cực tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các DVC trực tuyến, qua đó cũng góp phần thay đổi tâm lý, thói quen thực hiện các TTHC qua môi trường mạng, nâng cao tỷ lệ hồ sơ được giải quyết qua DVC trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Trong khi đó, Sở TT&TT Hà Tĩnh cho biết sau hơn 2 năm thực hiện, với 8/13 địa phương cấp huyện, 9 Sở cấp tỉnh tham gia thí điểm, việc triển khai đã đạt được một số kết quả được các cấp, ngành đánh giá cao.

Về thí điểm chuyển giao nhân lực, đã rút được 9 công chức cấp Sở cử ra làm làm nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thuộc bộ TTHC của đơn vị thí điểm tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh thay thế bằng 3 nhân viên bưu điện. Tại mỗi địa phương cấp huyện 2 nhân viên bưu điện thay thế cho toàn bộ công chức cấp huyện cử ra làm nhiệm vụ hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC thuộc bộ TTHC do UBND cấp huyện cung cấp (không tính TTHC của các ngành dọc).

Về thí điểm chuyển giao cơ sở vật chất, Bưu điện tỉnh xây dựng trụ sở, đầu tư trang thiết bị cho Trung tâm hành chính công cấp huyện; bộ phận một cửa cấp xã để chuyển giao cho huyện/xã tham gia thí điểm. Đến nay, đã chuyển giao thành công đưa Trung tâm Hành chính công huyện Cẩm Xuyên, bộ phận một cửa xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh) ra trụ sở do bưu điện đầu tư, đảm bảo thuận lợi, rộng rãi, khang trang và thuận tiện. Thời gian tới sẽ chuyển giao trụ sở Trung tâm hành chính công tại huyện Lộc Hà và thị xã Hồng Lĩnh.

Chia sẻ về hiệu quả mang lại, đại diện Sở TT&TT Hà Tĩnh nhấn mạnh: "Nhà nước tiết kiệm được nhiều nhân lực trong thời điểm tinh giản biên chế hiện nay. Công việc được gom lại và hiệu quả cao hơn, khi nhân viên bưu điện sẽ tham gia hướng dẫn hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC cho nhiều đơn vị, thay vì trước đây mỗi lĩnh vực cần 01 công chức tham gia".

Ngoài ra, đối với việc thí điểm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nhà nước tiết kiệm được quỹ đất, nguồn lực đầu tư cho Trung tâm hành chính công cấp huyện/bộ phận một cửa cấp xã khi để DN đứng ra đầu tư trên đất của DN và nhà nước sử dụng lại./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiết kiệm lớn nguồn lực nhờ mô hình xã hội hoá thủ tục hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO