Tiêu chuẩn “xanh” là lợi thế giúp sản phẩm của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài

PV (ghi)| 02/07/2022 10:36
Theo dõi ICTVietnam trên

Trước bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay đã và đang tạo nên sự cạnh tranh mạnh mẽ, khốc liệt hơn bao giờ hết. Để phát triển nhanh và bền vững, các doanh nghiệp phải áp dụng các công cụ cải tiến, các hệ thống quản lý và đầu tư đổi mới khoa học công nghệ là công cụ chiến lược… Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh nhấn mạnh, tiêu chuẩn “xanh” chính là lợi thế giúp cho sản phẩm hàng hóa của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài.

Thưa ông, năng suất xanh, tiêu chuẩn xanh mang đến các giá trị trong việc cải thiện năng suất, tăng trưởng bền vững và đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Các định hướng này được phản ánh qua chiến lược cũng như các lợi ích của doanh nghiệp về lâu dài. Vậy  theo ông công tác xây dựng tiêu chuẩn là mấu chốt?

- Trong công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã tổ chức tốt công tác tiếp nhận, thẩm định, trình công bố 3973 TCVN (Tiêu chuẩn Quốc gia), khoảng 88% TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, nâng tổng số TCVN trong hệ thống TCVN hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế đạt 60% (năm 2020 là 895 TCVN); góp phần hoàn thiện hệ thống TCVN theo hướng đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ.

Nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được Tổng cục chú trọng nâng cao, đổi mới, tăng cường sự chủ động để hỗ trợ tốt hơn cho các Bộ/ngành. Công tác soạn thảo và ban hành TCVN được đẩy mạnh với tỷ lệ hơn 90% TCVN xây dựng mới hài hòa quốc tế và khu vực. Đến nay, hệ thống TCVN có khoảng 13.000 TCVN với mức độ hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả to lớn, tuy nhiên, thời gian qua, việc xây dựng các tiêu chuẩn vẫn còn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, sự tham gia của các doanh nghiệp, chủ thể của hoạt động tiêu chuẩn còn thụ động, phụ thuộc vào nhà nước xây dựng các tiêu chuẩn để áp dụng; đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nguồn lực hạn chế, trang thiết bị sản xuất, trình độ quản lý sản xuất còn chưa đáp ứng với yêu cầu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn, chưa nhận thức đầy đủ vai trò của tiêu chuẩn đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; đội ngũ chuyên gia hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn vẫn còn thiếu, số lượng chuyên gia giỏi chuyên sâu còn hạn chế, thiếu về chất và lượng…

Tiêu chuẩn “xanh” là lợi thế giúp sản phẩm của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài - Ảnh 1.

Vậy theo ông Việt Nam cần phải tập trung vào những lĩnh vực nào để xây dựng tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh?

- Đối với Việt Nam, phát triển bền vững được xác định là con đường tất yếu. Việc xây dựng các tiêu chuẩn để thích ứng với chủ trương thúc đẩy tăng trưởng xanh, bền vững là một nhu cầu cấp thiết.

Hiện nay, xu hướng của thế giới là phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường. Trong hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, Việt Nam đã xây dựng được 750 tiêu chuẩn hướng tới thúc đẩy tăng trưởng xanh như: Nhóm tiêu chuẩn về chất lượng môi trường, chất lượng không khí, chất lượng nước, quản lý chất thải; tiêu chuẩn về nông nghiệp hữu cơ ISO 11041; các nhóm tiêu chuẩn về đô thị thông minh, lưới điện thông minh phục vụ Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030…

Tới đây, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng các tiêu chuẩn mang tính chất thân thiện với môi trường, bởi tiêu chuẩn "xanh" chính là lợi thế giúp sản phẩm hàng hóa Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài. Ví dụ như rào cản với các sản phẩm có sử dụng chất gây ô nhiễm môi trường hay sản phẩm không thân thiện với môi trường.

Cần ưu tiên xây dựng các tiêu chuẩn liên quan đến nguyên, nhiên liệu mới thay thế cho nguồn nhiên liệu khoáng; năng lượng tái tạo; hiệu suất năng lượng cho các sản phẩm thiết bị sử dụng điện; tái sử dụng nước thải; tái chế chất thải; các sản phẩm có tính năng tiết kiệm nước; công nghệ thân thiện với môi trường; bao bì phân hủy sinh học…

Ngoài ra, cần xây dựng các tiêu chuẩn về ứng phó biến đổi khí hậu như tiêu chuẩn về định lượng và kiểm kê khí nhà kính cho các ngành công nghiệp, điều hòa không khí sử dụng môi chất lạnh thế hệ mới thay thế các môi chất lạnh cũ có chứa chất làm suy giảm tầng ozone…

Theo ông, doanh nghiệp cần làm gì để đáp ứng các tiêu chuẩn "xanh"trong bối cảnh hội nhập?

- Có một thực tế có thể thấy rõ thời gian vừa qua là rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã chủ động, tích cực, nhạy bén trong việc tìm kiếm, nắm bắt các yêu cầu kỹ thuật để đưa hàng hóa xuất khẩu tiếp cận với thị trường mới. Để tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam kịp thời tiếp cận với yêu cầu, quy định mới của quốc tế, Tổng cục TCĐLCL đã cung cấp và tổ chức tư vấn miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn quốc tế liên quan đến lĩnh vực trang thiết bị y tế như máy thở, máy hô hấp, khẩu trang y tế, khẩu trang kháng khuẩn, lĩnh vực về quản lý rủi ro, hệ thống quản lý chất lượng nói chung và đặc thù cho ngành y tế nói riêng trên Cổng thông tin của Tổng cục.

Ngoài ra, để doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn hội nhập, cần có sự phối hợp chặt chẽ của cơ quan Nhà nước trong việc hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tiếp cận, chứng minh một cách dễ dàng hơn, với mục tiêu chung là đưa sản phẩm hàng hóa của Việt Nam có chất lượng tốt hơn, để không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà người tiêu dùng của các nước trên thế giới cũng hài lòng.

Tiêu chuẩn “xanh” là lợi thế giúp sản phẩm của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài - Ảnh 2.

"Xu hướng của thế giới là phát triển kinh tế gắn chặt với bảo vệ môi trường".

Nhìn xa hơn nữa là các giải pháp tổng thể để phát triển nền kinh tế  xanh. Vậy để phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai, cần tập trung vào một số giải pháp già thưa ông?

- Trước hết, phải nhận thức về bảo vệ môi trường cần được nâng cao trong xã hội trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Tuyên truyền, giáo dục về môi trường là việc làm trọng yếu, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống biến đổi khí hậu... ở mỗi người dân, góp phần nâng cao tính hiệu quả của các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động mà Chính phủ đã đề ra, tiến đến nền kinh tế xanh, phát triển xanh và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương cần sớm ban hành các kế hoạch, chương trình, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ để có cơ sở tổ chức, triển khai thực hiện phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững theo đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Thứ hai, các chính sách về môi trường cần được tiến hành cải cách; hệ thống thuế tài nguyên, thuế môi trường cần được tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh và hoàn thiện... Nguy cơ, tác động của ô nhiễm môi trường và khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên cần được đánh giá đúng mức thông qua các cơ chế như thuế (đóng vai trò thiết yếu trong việc khuyến khích tiết kiệm, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên), cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái.

Thứ ba, phải đầu tư cho khoa học và công nghệ cần được tăng cường, đồng thời tiếp nhận, chuyển giao công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện Việt Nam, đẩy mạnh nghiên cứu các lĩnh vực ngành nghề phát triển kinh tế xanh như giảm thiểu phát thải carbon, phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng thân thiện với môi trường... Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ cần được đẩy mạnh, vì đây là nội dung quan trọng trong việc thiết lập các cơ sở lý luận, khoa học và thực tiễn để xây dựng cơ chế, chính sách, các giải pháp quản lý, đóng góp tích cực vào việc dự báo, phòng ngừa, cải tạo, phục hồi, xử lý ô nhiễm môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi để khuyến khích các doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường chuyển đổi sang công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao năng suất sản xuất, tiết kiệm nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn của nền kinh tế xanh.

Thứ tư, môi trường đầu tư cần được cải thiện, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài. Việc thu hút nguồn vốn nước ngoài không chỉ góp phần phát triển kinh tế xanh mà còn giúp doanh nghiệp trong nước học hỏi được kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí chặt chẽ để lựa chọn những dự án đầu tư thực sự có hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.

Xin cảm ơn ông!

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chuẩn “xanh” là lợi thế giúp sản phẩm của Việt Nam vượt qua các rào cản mới của nước ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO