Truyền thông

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm - Thái Bình

Lan Nguyễn 28/07/2024 16:15

Nằm ở hữu ngạn sông Đồng Giang thuộc địa phận xã Hồng Thái (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), làng nghề chạm bạc Đồng Xâm nổi tiếng với các sản phẩm chạm khắc tinh xảo. Đến nay, nét tinh hoa của nghề Tổ đã gần 600 năm tuổi vẫn được các thế hệ sau gìn giữ và tiếp tục phát triển.

Làng nghề truyền thống lâu đời

Nếu Hà Nội nổi tiếng với làng gốm Bát Tràng hay làng kim hoàn Định Công và những làng nghề truyền thống khác thì khi nhắc đến quê lúa Thái Bình, không thể không nhắc đến làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.

Dù đã tồn tại hàng trăm năm, trải qua bao thăng trầm, nghề chạm bạc Đồng Xâm đến nay vẫn được bảo tồn và tiếp tục phát triển. Theo nhiều nguồn tư liệu, nghề chạm bạc Đồng Xâm (tên gọi cũ là Đường Thâm) đã có từ thế kỷ 15, tổ nghề Nguyễn Kim Lâu đã đem nghề kim hoàn từ châu Bảo Lạc, nước Đại Minh về truyền dạy cho người dân trong làng và lan rộng sang các làng lân cận. Nghề chạm bạc nhanh chóng phát triển và những người thợ ban đầu đã tỏa ra khắp nơi hành nghề.

Khi cụ tổ nghề mất, người dân đã lập am thờ, tạc bia đá ghi nhớ công đức của ông. Ngày nay, tại ngôi làng này vẫn tồn tại đền Đồng Xâm thờ Triệu Vũ Đế và Trình Thị Hoàng Hậu cùng ông Nguyễn Kim Lâu - vị tổ nghề chạm bạc cổ truyền của làng.

den-tho-to-nghe-nguyen-kim-lau.png
Đền thờ tổ nghề Nguyễn Kim Lâu

Buổi đầu hình thành nghề, những người thợ chỉ làm các sản phẩm đơn giản, sửa chữa đồ gia dụng bằng đồng, gò thùng chậu, chữa khóa, làm quai và vòi ấm đun nước…, về sau này mới làm đồ kim hoàn, chuyên sâu về chạm bạc. Bằng kinh nghiệm chạm khắc nhiều sản phẩm cùng với sự sáng tạo của những người thợ lành nghề, ngày càng nhiều sản phẩm đẹp, tinh xảo được tạo ra.

Thời kỳ hưng thịnh nhất, các nghệ nhân của làng mang nghề lan tỏa bốn phương, đem tinh hoa chạm khắc đến mọi miền đất nước. Vào thời nhà Nguyễn, nhiều nghệ nhân Đồng Xâm được triệu lên kinh đô để chạm trổ cung kiếm, đồ trang sức hay quà tiến cúng cho triều đình.

Thổi hồn vào từng sản phẩm

Nghề chạm bạc không phải một việc dễ dàng, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo của đôi tay, sáng tạo của bộ óc và cần sự kiên trì, tỉ mỉ trong từng động tác. Vẻ đẹp của một sản phẩm được tạo nên từ những chi tiết nhỏ bé, vì vậy, người thợ luôn tỉ mẩn, cẩn thận chạm, khắc từng hoa văn từ những công cụ thô sơ như búa, dùi, đục, đinh… Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng cần rất nhiều công đoạn, trong đó quan trọng nhất là ba công đoạn: trơn, đậu và chạm.

nguoi-tho-lang-dong-xam.png
nguoi-tho-lang-dong-xam-2.png
Người thợ tỉ mỉ trong từng nét chạm, khắc

Đối với nghề chạm bạc, chạm là công đoạn đòi hỏi sự tập trung nhiều nhất bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng đủ làm hỏng toàn bộ sản phẩm. Từ những miếng đồng thô kệch ban đầu, trải qua nhiều công đoạn cùng đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, những sản phẩm bắt mắt, lấp lánh và đẹp đến từng đường nét được tạo ra. Chính những đôi bàn tay điêu luyện của các nghệ nhân đã thổi hồn cho từng sản phẩm, đem danh tiếng của nghề chạm bạc vươn xa.

san-pham-lang-nghe-cham-bac-dong-xam.png
Một sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Hiện nay, các sản phẩm của làng chạm bạc Đồng Xâm vô cùng phong phú, chia làm 3 nhóm chính, bao gồm: Đồ thờ, đồ trang trí như lư hương, đĩa quả, chân đèn, tranh, đỉnh, vạc, mũ thờ, bình hoa, long lân quy phụng; đồ gia dụng như các loại bát, đĩa, ấm, chén và đồ trang sức như dây chuyền, nhẫn, hoa tai, lắc tay, lắc chân, vòng, trâm cài… Ngoài ra, các nghệ nhân nơi đây còn tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo theo yêu cầu của khách hàng.

Nhờ tài năng và sự sáng tạo không ngừng của những nghệ nhân, làng nghề chạm bạc truyền thống Đồng Xâm được Trung ương hội Làng nghề Việt Nam công nhận là 1 trong 12 làng nghề tiêu biểu toàn quốc.

So với nhiều nghề thống khác, nghề chạm bạc hiện vẫn còn giữ được nguyên những giá trị truyền thống, tạo ra thu nhập ổn định cho nhiều thợ lành nghề. Song, những năm gần đây, do tác động của nền kinh tế thị trường cũng như nhu cầu của người tiêu dùng, nghề chạm bạc đang đứng trước nguy cơ mai một dần.

“Thực tế xuất khẩu đã giảm nhiều, trước đây chủ yếu xuất khẩu đến Pháp và các nước châu Âu khác nhưng hiện tại chủ yếu là tiêu dùng nội địa các sản phẩm như đồ thờ, tranh…. Tiêu chuẩn hàng xuất khẩu rất cao, không phải ai cũng làm được, chỉ một số ít cơ sở có thể đáp ứng tiêu chuẩn này”, ông Triệu Đăng Khoa - Giám đốc Hợp tác xã Đồng Xâm chia sẻ.

Theo thông lệ, từ ngày 1 đến ngày 3 tháng Tư Âm lịch hàng năm, hội đền Đồng Xâm được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa. Đây cũng là dịp những sản phẩm chạm khắc độc đáo được trưng bày để người dân và du khách quốc tế chiêm ngưỡng. Bên cạnh đó, vào ngày này, cứ 3 năm một lần, người dân nơi đây tổ chức đại lễ dâng hương để tưởng nhớ công ơn của tổ nghề chạm bạc Nguyễn Kim Lâu./.

Bài liên quan
  • Phát huy giá trị làng nghề truyền thống
    Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều giá trị văn hóa của làng nghề thủ công truyền thống đang dần bị mai một. Vì vậy, việc bảo tồn các làng nghề truyền thống có vai trò rất quan trọng và cấp thiết.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • "Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ"
    Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thuỷ nhấn mạnh: Báo chí trong kỷ nguyên mới phải sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của công chúng, theo kịp sự phát triển của thời đại, công cuộc chuyển đổi số của đất nước.
  • 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam: Những truyền thống vẻ vang
    Cách đây 75 năm, ngày 21/4/1950, tại xóm Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Những người viết báo Việt Nam, nay là Hội Nhà báo Việt Nam.
  • Báo chí trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội và chuyển đổi số
    Báo chí là một trong những loại hình phương tiện truyền thông đại chúng hiện đại. Các tác phẩm, sản phẩm báo chí luôn phải mang đến công chúng những giá trị thông tin thời sự, chân thật, khách quan về các sự kiện, vấn đề diễn ra trong đời sống xã hội. Dù trong bối cảnh phát triển nào thì các loại hình báo chí vẫn đóng vai trò quan trọng là phương tiện truyền thông chủ lực, thiết yếu dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.
  • Duy trì cam kết với cổ đông, VPBank năm thứ 3 liên tiếp trả cổ tức tiền mặt
    Năm thứ 3 liên tiếp, VPBank dự kiến duy trì chính sách cổ tức tiền mặt, thể hiện năng lực tài chính vững mạnh, chiến lược tăng trưởng hợp lý và cam kết mang lại lợi ích lớn nhất cho cổ đông.
  • Cảnh báo lợi dụng hình thức "xe ôm công nghệ" để lừa đảo
    Công an thành phố Hà Nội cho biết thời gian qua, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố đã xử lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi chiếm đoạt tài sản của khách hàng do các đối tác tài xế xe công nghệ thực hiện.
Đừng bỏ lỡ
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm - Thái Bình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO