Hiện nay, TP. Đà Nẵng đang chuẩn bị ban hành Nghị quyết về Chương trình Chuyển đổi số Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu là triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số trong tái cấu trúc quy trình, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành trong các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể; hình thành hệ sinh thái sử dụng công nghệ số, kinh tế số phát triển, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực mới; phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp để hình thành xã hội số, công dân số.
TP. Đà Nẵng hướng tới trở thành đô thị sinh thái, hiện đại, đáng sống và đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN.
Theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ ưu tiên phát triển 5 lĩnh vực, trong đó có 1 lĩnh vực gắn với triển khai chuyển đổi số, đó là phát triển công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông gắn với kinh tế số. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XXII của Thành phố cũng xã định, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, trọng tâm phát triển mạnh công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo, thành phố thông minh…
Nền công nghiệp công nghệ thông tin của Đà Nẵng đã dần hình thành, đóng góp vào 7,6% GRDP của thành phố. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, ngoài thuận lợi thì việc triển khai chuyển đối số trên địa bàn Đà Nẵng còn nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, chuyển đổi số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của TP. Đà Nẵng. Ngoài ra, đề án chuyển đổi số còn kế thừa kinh nghiệm và kết quả từ 10 năm triển khai Chính quyền đô thị và Đề án thành phố thông minh.
Như vậy, sau tỉnh Thái Nguyên lấy ngày 31/12 hàng năm là ngày Chuyển đổi số của tỉnh, Đà Nẵng là địa phương thứ 2 trên cả nước có ngày Chuyển đổi số của riêng mình.