Tổng xuất nhập khẩu tháng 3/2024 tăng 35,6%
Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, Tổng xuất nhập khẩu tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% (Tương ứng tăng 17,1 tỷ USD) so với tháng trước.
Xuất khẩu trong tháng 3/2024 ước đạt 34,01 tỷ USD, tăng 37,8% (tương ứng tăng 9,32 tỷ USD) so với tháng trước, nhập khẩu tháng 3/2024 ước đạt 31,08 tỷ USD, tăng 33,4% (tương ứng tăng 7,78 tỷ USD) so với tháng trước.
Tổng xuất nhập khẩu tháng 3/2024 ước đạt 65,09 tỷ USD, tăng 35,6% (tương ứng tăng 17,1 tỷ USD) so với tháng trước. Như vậy, cán cân thương mại tháng 3/2024 ước tính xuất siêu 2,93 tỷ USD.
Lũy kế trong 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu ước đạt 93,06 tỷ USD, tăng 17% (Tương ứng tăng 13,51 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu ước đạt 84,98 tỷ USD, tăng 13,9% (Tương ứng tăng 10,35 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Tổng xuất nhập khẩu lũy kế trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% (Tương ứng tăng 23,86 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, cán cân thương mại trong trong 3 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD.
Về tình hình thu ngân sách nhà nước (NSNN): Số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ ngày 01/3 đến 31/3/2024 đạt 31.935 tỷ đồng, tăng 3,9% so với tháng trước. Lũy kế từ ngày 01/01/2024 đến ngày 31/3/2024 số thu NSNN đạt 88.354 tỷ đồng, đạt 26,3% dự toán được giao, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp, nhất là dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, tiền chất qua biên giới diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động của các băng nhóm, đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia lợi dụng chủ trương ưu đãi, thu hút đầu tư, hoạt động thương mại tìm cách thành lập doanh nghiệp ở Việt Nam để vận chuyển phương tiện, thiết bị, nguyên liệu, thuê kho bãi… phục vụ hoạt động sản xuất, vận chuyển trái phép ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam và tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ, biến Việt Nam trở thành điểm trung chuyển mới. Bên cạnh đó, tiền chất nhập khẩu cũng tiềm ẩn nguy cơ bị lợi dụng, sử dụng điều chế, sản xuất trái phép ma túy.
Trước tình hình trên, Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa và triển khai các kế hoạch, chương trình công tác trọng tâm, trọng điểm ở từng địa bàn, nhằm cảnh báo, hướng dẫn địa phương về công tác kiểm soát chống buôn lậu trong địa bàn kiểm soát hải quan và quán triệt trong toàn Ngành việc thực hiện một số công việc về xử phạt vi phạm hành chính trong việc xác định dấu hiệu vi phạm và áp dụng văn bản QPPL trong việc xử phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và giải pháp nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hiệu quả của công tác xử phạt VPHC. Tham mưu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị về công tác phòng, chống ma túy qua tuyến hàng không giữa hai lực lượng Hải quan và Công an; Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông 5 và kế hoạch triển khai Chiến dịch Con rồng Mê Kông 6.
Kết quả bắt giữ và xử lý vi phạm: Trong quý I/2024, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý: 3.483 vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 5.816,4 tỷ đồng. Cơ quan Hải quan đã khởi tố 04 vụ, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 30 vụ. Số tiền thu nộp NSNN 116,3 tỷ đồng.
Về công tác đấu tranh phòng, chống ma tuý: Trong quý I/2024, ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng Công an, Bộ đội Biên Phòng, Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ: 92 vụ/87đối tượng, trong đó cơ quan Hải quan chủ trì 37 vụ/16 đối tượng. Tang vật thu được gồm: 17,43kg cần sa; 21,4 kg heroin; 43,12 kg ketamin và 900 viên ketamine (dạng viên); 188,6 kg ma tuý tổng hợp và 03 viên ma tuý tổng hợp (dạng viên); 4,62gram và 220 viên ma tuý khác.