Diễn đàn

Triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành

Phạm Mạnh Hà 03/10/2023 06:20

“Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” là chủ trương quan trọng được nêu tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

Tóm tắt:
- Hiện trạng:
+ Năm 2020, 3 nhà mạng lớn Viettel, VNPT và Mobifone đã ký hợp đồng nguyên tắc về đơn giá cho thuê để sử dụng chung nhà trạm, cột anten BTS.
+ Pháp luật hiện hành cơ bản đã có các quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư công trình, doanh nghiệp (DN) viễn thông (DNVT) trong việc dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành, tuy nhiên chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định cụ thể về chỉ tiêu kỹ thuật cho việc dùng chung.
- Kiến nghị một số giải pháp triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật liên ngành:
+ Quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các vị trí BTS.
+ Khi xây dựng chính sách dùng chung trạm BTS cần thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp (xã hội hóa).
+ Xây dựng, bổ sung các quy chuẩn, chỉ tiêu kỹ thuật về hạ tầng giao thông, xây dựng trong đó có tích hợp hạ
tầng viễn thông trong quá trình thiết kế, thẩm định, thi công, nghiệm thu công trình.

Hiện nay, hạ tầng số đang từng bước đóng vai trò quan trọng trong kết cấu hạ tầng đồng bộ để phát triển kinh tế số, xã hội số (KTS-XHS); điều này tiếp tục được thể hiện trong các văn kiện, chỉ đạo của Trung ương và của Chính phủ như: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội;... chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, từng bước phát triển KTS, XHS” (Văn kiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng), “Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, gồm hạ tầng số và hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế số và xã hội số” (Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển KTS và XHS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030)...

Hiện trạng dùng chung vị trí trạm BTS (nhà trạm, cột anten)

Hiện nay, việc dùng chung hạ tầng viễn thông đã có các quy định tại Luật Viễn thông, Nghị định 25/2011/NĐ-CP, Nghị định 72/2012/NĐ-CP, Thông tư liên tịch 210/2013/TTLT-BTC-BTTT- BXD hướng dẫn cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung... Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Chỉ thị 52/CT-BTTTT năm 2019 về về tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các DNVT.

Triển khai các quy định nêu trên đến nay, trong tổng số vị trí trạm BTS toàn quốc hiện nay (khoảng 95.000 vị trí), có 26.000 vị trí được xây dựng bởi các DN xã hội hóa (towerco), 70.000 vị trí do các DN viễn thông tự xây trong đó 4.000 vị trí được các DN viễn thông tự xây và cho nhau thuê; tỷ lệ dùng chung vị trí trạm BTS toàn quốc hiện ước đạt 21% (so với mức 15% vào năm 2020).

Về phía các DNVT, trong năm 2020, 3 nhà mạng có hạ tầng mạng di động lớn là Viettel, VNPT và Mobifone đã ký hợp đồng nguyên tắc về đơn giá cho thuê để sử dụng chung nhà trạm, cột anten BTS [1]. Việc ký hợp đồng đã cơ bản tháo gỡ được các vướng mắc về cơ chế thuê, sử dụng chung vị trí trạm BTS đến nay, việc dùng chung BTS không gặp vướng mắc về cơ chế, giá thuê nữa.

Hiện trạng triển khai hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành (tòa nhà, chung cư, giao thông)

Về dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng xây dựng: Pháp luật đã có các quy định về dùng chung hạ tầng viễn thông với ngành xây dựng như Nghị định 25/2011/NĐ-CP: Chủ đầu tư xây dựng chung cư, tòa nhà, khách sạn phải thiết kế, lắp đặt hệ thống cáp viễn thông, điểm truy nhập trong tòa nhà.

Giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà được xác định trên cơ sở giá thành (khoản 1 Điều 42), Chủ đầu tư xây dựng chung cư, tòa nhà văn phòng, khách sạn, công trình xây dựng công cộng phải bố trí mặt bằng để DNVT lắp đặt cột anten trên nóc tòa nhà, lắp đặt thiết bị thu, phát sóng trong tòa nhà, trong công trình xây dựng công cộng nếu việc lắp đặt là khả thi về kỹ thuật (khoản 2 Điều 42), và tại Nghị định 72/12/NĐ-CP quy định Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý, sử dụng, khai thác công trình ngầm cho DNVT sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật để lắp đặt cáp và thiết bị viễn thông.

hinh-1_tac-dong-toi-my-quan-do-thi.png
Hình 1. Tác động tới mỹ quan đô thị, trước và sau khi chia sẻ, dùng chung hạ tầng nhà trạm BTS

Hiện nay, cơ quan nhà nước (CQNN) đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình kỹ thuật như QCVN 04:2021/BXD về Nhà chung cư, QCVN 07-8:2016/BXD... tuy nhiên chưa có yêu cầu kỹ thuật đối với hạ tầng viễn thông (mạng cáp, anten, thiết bị viễn thông) lắp trong tòa nhà, các công trình xây dựng khác.

Về dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng giao thông: Pháp luật đã có các quy định về dùng chung hạ tầng viễn thông với ngành giao thông như Nghị định 25/2011/NĐ-CP: Chủ đầu tư công trình giao thông phải bố trí mặt bằng cho DNVT xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (khoản 3 Điều 42), Phải bảo đảm nguyên tắc thúc đẩy cạnh tranh trong thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông của các DNVT trong các công trình giao thông (khoản 4 Điều 42), Cáp viễn thông được phép đi dọc đường, vỉa hè, cầu, cống và các đường giao thông.

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn quản lý, khai thác công trình giao thông cho DNVT sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật giao thông để lắp đặt cáp viễn thông (khoản 2 Điều 42), Cáp viễn thông, thiết bị viễn thông được phép lắp đặt trong công trình công cộng ngầm, công trình giao thông ngầm, công trình đầu mối kỹ thuật ngầm, phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất, công trình đường dây, cáp, đường ống kỹ thuật ngầm, hào và tuy-nen kỹ thuật (Nghị định 72/12/NĐ-CP).

Hiện nay, CQNN đã ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình kỹ thuật như QCVN 07-4:2016/BXD về các công trình hạ tầng kỹ thuật - công trình giao thông nhưng chưa có yêu cầu kỹ thuật đối với hạ tầng viễn thông (mạng cáp, anten, thiết bị viễn thông) khi lắp chung với công trình giao thông.

hinh-2_mo-hinh-towerco.png
Hình 2. Minh họa tiềm năng phát triển của mô hình towerco thông qua biểu đồ tăng trưởng của Viettel Construcstion (nguồn: DN [1])

Như vậy, pháp luật hiện hành cơ bản đã có các quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư công trình, DNVT trong việc dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành. Tuy nhiên qua chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định cụ thể về chỉ tiêu kỹ thuật khi dùng chung hạ tầng viễn thông với các hạ tầng liên ngành như tòa nhà, đường giao thông... nên có thể gây ra tình trạng thiếu hoặc không đảm bảo thống nhất về chất lượng trong khâu thiết kế, bố trí, thẩm định, phê duyệt, thi công hạ tầng viễn thông trong các hạ tầng liên ngành này.

hinh-3_tram-bts-than-thien.png
Hình 3. Trạm BTS thân thiện môi trường kết hợp điểm thông tin đa năng lắp trên hạ tầng giao thông công cộng

Kinh nghiệm quốc tế về triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật

- Luật Viễn thông Áo năm 2021 [2] có một số quy định đáng chú ý như đất công, tài sản công bắt buộc cho DNVT thuê để phát triển hạ tầng viễn thông (trừ trường hợp không khả thi), miễn phí sử dụng lòng đường, vỉa hè công cộng cho phát triển hạ tầng viễn thông, các DN phát triển hạ tầng gồm giao thông, điện, nước, viễn thông phải công bố dự án đầu tư hạ tầng mới để các DNVT đăng ký sử dụng chung cơ sở hạ tầng, chủ các toà nhà, khu đô thị, khu công nghiệp phải cho DN kết nối, sử dụng chung hạ tầng viễn thông trong toà nhà, khu đô thị, khu công nghiệp để cung cấp dịch vụ viễn thông nếu còn dung lượng.

- Trung Quốc [3]:

Từ năm 2008, Bộ Công nghiệp công nghệ thông tin Trung Quốc (MIIT) đã thống nhất với Ủy ban Quản lý và Giám sát tài sản nhà nước (SASAC) chỉ thị thúc đẩy hợp tác xây dựng, chia sẻ hạ tầng viễn thông thực hiện chính sách cùng xây dựng, cùng chia sẻ (co-building, co-sharing) để tăng cường việc dùng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông, với mục tiêu: chấm dứt tình trạng xây cột anten mới tại cùng vị trí đã có sẵn cột anten, xây dựng tuyến cột treo tại tuyến đường đã có sẵn tuyến cột, thực hiện cùng xây dựng phát triển cột viễn thông mới, tăng dần tỷ lệ cùng xây dựng và chia sẻ hạ tầng viễn thông.

Chủ sở hữu trạm BTS phải phản hồi trong vòng 10 ngày làm việc sau khi nhận được đơn đăng ký chia sẻ, nếu không thể chia sẻ thì phải có lý do cụ thể. Cấm xây dựng cột anten mới tại cùng vị trí với cột hiện có (dưới 500m tại khu vực có dân, hoặc dưới 3 km trong khu vực không có dân) và cấm xây dựng tuyến cột mới trên cùng tuyến đường với tuyến cột hiện có (khu không có dân phải đáp ứng khoảng cách trên 500m).

DNVT có kế hoạch xây trạm BTS và tuyến cột mới phải thông báo cho các DNVT khác, DN được thông báo có trách nhiệm trả lời về nhu cầu xây dựng chung trong vòng 10 ngày, nếu không có đề nghị thì bị cấm xây dựng BTS, tuyến cột mới trên tuyến đường đó trong vòng 3 năm.

Năm 2014 Chính phủ Trung Quốc thành lập Công ty China Tower Co (CTC) là điển hình trên thế giới về vai trò của chính phủ trong việc thúc đẩy thành lập một liên doanh giữa các nhà mạng, Công ty CTC được thành lập trên cơ sở chuyển giao hạ tầng của 3 nhà mạng vốn là các DN nhà nước China Mobile, China Unicom, China Telecom, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại 3 nhà mạng đều trên 70% và các nhà mạng chiếm trên 90% thị phần viễn thông tại nước này. Đến năm 2018, CTC thực hiện IPO với cơ cấu sở hữu: China Mobile 27,93%; China Unicom 20,65%; China Telecom 20,50%; China Reform 4,41%; Đại chúng khác 26,51%). Hiện CTC là TowerCos lớn nhất thế giới, với quy mô 1,9 triệu trạm; chiếm 95% thị phần nhà trạm tại Trung Quốc.

thi-phan-so-huu-tram-bts.png

Về dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng liên ngành: Nghị định về viễn thông của Trung Quốc năm 2016 [5] có một số quy định đáng học hỏi về dùng chung hạ tầng viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành: Hạ tầng viễn thông phải xây dựng cùng với việc xây dựng các đô thị. Ống cáp viễn thông trong tòa nhà, dự án xây dựng phải được thiết kế, thi công, nghiệm thu cùng với công trình; bố trí kinh phí trong tổng ngân sách dự án.

Cơ quan quy hoạch, xây dựng công trình giao thông (đường bộ, cầu, hầm, tàu điện ngầm...) phải thông báo cho cơ quan viễn thông, các DNVT để sẵn sàng khả năng triển khai hạ tầng viễn thông tại các khu vực đó (Điều 45); DNVT được triển khai cáp viễn thông, anten nhỏ, trạm BTS, thiết bị viễn thông khác tại các công trình dân dụng, theo quy định và đơn giá của chính quyền quy định (Điều 46).

thi-phan-so-huu-tram-bts.png
Hình 4. Thị phần sở hữu trạm BTS của towerco tại các khu vực trên thế giới (nguồn: Cáo bạch tài chính của China Tower Co.ltd [4])

- Arap Saudi [6] yêu cầu tòa nhà phải thiết kế đáp ứng yêu cầu cho ít nhất 3 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông.

- Hàn Quốc [7] quy định tại Luật Xây dựng về các hoạt động liên quan đến xây dựng, bao gồm cả xây dựng hạ tầng viễn thông. Theo luật này, chủ đầu tư có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quy hoạch, thiết kế và xây dựng hạ tầng viễn thông, đồng thời cũng quy định về xây dựng hạ tầng viễn thông (Regulation on the Construction of Telecommunications Infrastructure) về quy hoạch, thiết kế và xây dựng hạ tầng viễn thông.

Theo quy định này, chủ đầu tư và nhà cung cấp dịch vụ viễn thông đều có trách nhiệm tuân thủ các quy định về quy hoạch, thiết kế và xây dựng hạ tầng viễn thông; các tuyến đường cao tốc mới hiện tại đều được quy hoạch tổng thể hạ tầng ngầm. Từ đó các DN thuê lại (gồm DNVT, điện nước....); Khi thiết kế một tuyến đường đều có hạ tầng ngầm (trong đó có viễn thông). Tổng công ty đường cao tốc Hàn Quốc sở hữu và vận hành nó như cơ sở hạ tầng tư nhân và cho DNVT thuê lại cơ sở hạ tầng này.

Thái Lan [8]: Việc quản lý, quy hoạch, thiết kế và quy chuẩn hạ tầng viễn thông thụ động được điều chỉnh bởi Luật Viễn thông Thái Lan năm 2017. Theo đó đối tượng chịu trách nhiệm đầu tiên là chủ đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm đảm bảo rằng hạ tầng viễn thông được xây dựng và vận hành theo các quy chuẩn kỹ thuật được Thái Lan ban hành. Chủ đầu tư phải xác định trách nhiệm của mình trong việc thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo trì, và sửa chữa hạ tầng viễn thông thụ động.

Luật Viễn thông Thái Lan cũng quy định rõ về quy trình cấp phép và giám sát việc xây dựng, bảo trì và sửa chữa hạ tầng viễn thông thụ động. Cơ quan quản lý viễn thông tại Thái Lan là Tổng cục Viễn thông Thái Lan, có trách nhiệm quản lý và giám sát việc tuân thủ các quy chuẩn và quy định về hạ tầng viễn thông

- Nhật Bản [9]: Quy định về quy hoạch, thiết kế, quy chuẩn của hạ tầng viễn thông thụ động được thể hiện trong Luật Phát sóng và Truyền hình, theo đó các đối tượng có trách nhiệm liên quan đến hạ tầng viễn thông thụ động tại Nhật Bản bao gồm: chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện quy hoạch, xây dựng và bảo trì hạ tầng viễn thông thụ động theo đúng quy chuẩn quy định, nhà cung cấp dịch vụ có trách nhiệm cung cấp các dịch vụ viễn thông đảm bảo chất lượng và an toàn cho người sử dụng, DN làm hạ tầng có trách nhiệm xây dựng, lắp đặt, bảo trì và nâng cấp hạ tầng viễn thông thụ động theo đúng quy chuẩn quy định.

Kiến nghị một số giải pháp triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật liên ngành

- Về chia sẻ, dùng chung hạ tầng giữa các DNVT:

Để nâng cao tỷ lệ dùng chung nhà trạm, cột ăng ten để đảm bảo mỹ quan đô thị, tiết kiệm chi phí triển khai hạ tầng... cần xem xét có quy định về khoảng cách tối thiểu giữa các vị trí BTS, các trạm lắp mới không được phép nhỏ hơn khoảng cách này so với các trạm hiện hữu hoặc trạm lắp mới của DN khác.

Bên cạnh đó, hiện nay các DN xã hội hóa xây dựng trạm BTS (towerco) đang phát triển, chiếm tỷ lệ nhất định trong thị trường nhà trạm, vì vậy, các chính sách dùng chung cần thúc đẩy sự tham gia của các DN này để chung tay trong việc dùng chung hạ tầng nhà trạm BTS.

- Về đồng bộ trong việc triển khai hạ tầng viễn thông với hạ tầng liên ngành như giao thông, xây dựng: cần xem xét xây dựng, bổ sung các quy chuẩn, chỉ tiêu kỹ thuật về hạ tầng giao thông, xây dựng trong đó có tích hợp hạ tầng viễn thông trong quá trình thiết kế, thẩm định, thi công, nghiệm thu công trình.

Tài liệu tham khảo:
1. https://viettelconstruction.co...
construction-tro-thanh-towerco-so-1-viet-nam/
2. https://www.anninhthudo.vn/vnp...
ket-dung-chung-co-so-ha-tang-post453937.antd
3. https://www.bmf.gv.at/en/topic...
Postal-Services/Telecommunications-Law-and-Policy/
telecommunications-act.html
4. http://pdf.dfcfw.com/pdf/H3_AP...
5. https://www.gov.cn/gzdt/2008-1...
6. https://www.gov.cn/zhengce/202....
htm
7. https://www.cst.gov.sa/ar/Deci...
Documents/IPI-IBS-Guidelines.pdf https://www.law.go.kr/ LSW/
eng/engLsSc.do?query=TELECOMMUNICATIONS+BUSINESS+
ACT#liBgcolor1
8. https://broadcast.nbtc.go.th/d...
300000001.pdf
9. https://www.soumu.go.jp/main_s...
/laws/pdf/090204_5.pdf

(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 9 tháng 9/2023)

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
  • Chìa khóa giải quyết thách thức trong bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
    Trẻ em - đối tượng dễ bị tổn thương nhất, đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Đây không chỉ là bài toán của riêng Việt Nam mà còn là thách thức toàn cầu đòi hỏi sự chung tay hợp tác từ nhiều phía.
  • Việt Nam đang đối mặt 3 thách thức an toàn thông tin
    Các cuộc tấn công mạng hiện nay ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, đặc biệt khi có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, việc kết hợp công nghệ này với trí tuệ của con người đã giúp phát hiện và phòng, chống tấn công mạng hiệu quả hơn.
  • Bốn giải pháp trọng tâm để giải bài toán an toàn dữ liệu quốc gia
    Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương, năm 2024 đánh dấu bước tiến vượt bậc của Việt Nam trong lĩnh vực an toàn thông tin. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức cần vượt qua để đảm bảo an toàn dữ liệu quốc gia.
  • Robot Delta hữu dụng trong nhiều ngành
    Nhờ vào thiết kế độc đáo và khả năng hoạt động với tốc độ và độ chính xác cao, robot Delta là một giải pháp tối ưu trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại.
  • Cà Mau ứng dụng các phần mềm chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp
    Ngành nông nghiệp tỉnh Cà Mau đã không ngừng triển khai các giải pháp chuyển đổi số thông qua việc sử dụng các phần mềm, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ quản lý, điều hành. Trong tương lai không xa, các phần mềm này sẽ hoàn thiện và bắt kịp xu hướng công nghệ để hỗ trợ người nông dân nhiều hơn trong việc tăng gia sản xuất.
  • Chính thức ra mắt Nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin
    Nền tảng hướng tới nâng cao chất lượng và điều phối hiệu quả các hoạt động diễn tập trên toàn quốc thông qua nền tảng hỗ trợ diễn tập thực chiến an toàn thông tin.
  • Bảo vệ các hệ thống mạng trọng yếu là cấp thiết
    Song song với tiến trình chuyển đổi số, các chiến dịch tấn công mạng, gián điệp và khủng bố mạng nhằm vào hệ thống công nghệ thông tin (IT) và công nghệ vận hành (OT) trọng yếu ngày càng gia tăng, việc đảm bảo an ninh mạng trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.
  • ‏OPPO Find X8 Series sẽ chính thức lên kệ ngày 7/12‏
    Ngày 21/11, OPPO chính thức ra mắt Find X8 Series‏‏ tại Việt Nam và sẽ lên kệ ngày 7/12 tới. Đây là lần đầu tiên người dùng Việt Nam được trải nghiệm dòng flagship cao cấp nhất của OPPO cùng lúc với toàn cầu. ‏
  • Chuyển đổi số từ thực tiễn Báo Hải Dương
    Báo Hải Dương có nhiều thuận lợi khi thực hiện chuyển đổi số. Đó là Ban Biên tập có quyết tâm cao. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, nhân viên của báo nhanh nhạy với cái mới, ham học hỏi...
  • Đưa siêu ứng dụng "Công dân Thủ đô số - iHanoi" vào cuộc sống
    “Công dân Thủ đô số” - iHaNoi là kênh tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa người dân, doanh nghiệp với các cấp chính quyền thành phố Hà Nội. Qua ứng dụng này, người dân và doanh nghiệp có thể phản ánh các vấn đề đời sống, từ đó giúp chính quyền tiếp nhận và giải quyết kịp thời.
Triển khai đồng bộ hạ tầng kỹ thuật viễn thông với hạ tầng kỹ thuật liên ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO