Cách làm mới để phát triển hạ tầng số đi trước một bước
Hạ tầng viễn thông là hạ tầng rất quan trọng, đặc biệt hiện nay là hạ tầng số, hạ tầng của nền kinh tế.
Tóm tắt:
- Việt Nam phấn đấu có hạ tầng viễn thông hiện đại: 5 quan điểm của chiến lược phát triển hạ tầng số: Đi trước, đi nhanh, đi cùng nhóm đầu thế giới; Đồng bộ; Nhà nước mạnh, thị trường mạnh; Toàn dân, toàn diện; Việt Nam làm chủ.
- Hạ tầng số quan trọng như hạ tầng giao thông.
- Trách nhiệm của địa phương đối với xây dựng hạ tầng viễn thông: bảo vệ an toàn cho hạ tầng viễn thông; xử lý hành vi và gây cản trở hạ tầng viễn thông.
- Viễn thông đang có một sự thay đổi lớn: phát triển hạ tầng liên quan đến 5G/6G với tần số cao, băng tần rộng; trở thành hạ tầng của nền kinh tế và hạ tầng của vạn vật.
Việt Nam phấn đấu có hạ tầng viễn thông hiện đại
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm là cần đẩy mạnh xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, trong đó lấy đầu tư công dẫn dắt, kích hoạt các nguồn đầu tư xã hội và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài. Trọng tâm phát triển hạ tầng số hiện nay là thương mại hóa mạng 5G, tạo ra những thay đổi về kết nối, để hạ tầng thông tin liên lạc trở thành hạ tầng quan trọng của nền kinh tế; phát triển bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, của nền kinh tế số.
Thủ tướng cũng chỉ đạo tiến hành phủ sóng toàn diện, bao trùm tới mọi miền đất nước, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tất cả mọi người dân đều được hưởng dịch vụ viễn thông. Thủ tướng giao ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) và ngành Điện lực thực hiện nhiệm vụ này. "Điện đi tới đâu, viễn thông đi tới đó", phấn đấu ở đâu cũng có điện và ở đâu cũng có viễn thông, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Theo Bộ TT&TT, trước năm 2021, toàn quốc còn 2.418 thôn/bản chưa có sóng di động (theo số liệu báo cáo của các tỉnh tháng 10/2021). Trong giai đoạn 2021 - 2022, các doanh nghiệp (DN) đã triển khai phủ sóng được 2.164/2.418 thôn, còn lại 254 thôn. Đầu năm 2023, Bộ TT&TT tiếp tục có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, bổ sung danh sách các thôn chưa có sóng di động ngoài danh sách 2.418 thôn của giai đoạn 2021 - 2022.
Theo kết quả rà soát bổ sung của địa phương, số thôn lõm sóng phát sinh năm 2023 là 1.506 thôn. Trong đó, có 969 thôn thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (gồm 781 thôn đặc biệt khó khăn đã có điện, 188 thôn chưa có điện) và 537 thôn không thuộc khu vực đặc biệt khó khăn (gồm: 474 thôn đã có điện, 63 thôn chưa có điện).
Đối với các thôn đặc biệt khó khăn đã có điện, Bộ TT&TT đã tổng hợp danh sách để đưa vào kế hoạch đấu thầu, lựa chọn các DN cung cấp dịch vụ tại đó. Bộ TT&TT cũng sẽ đưa vào kế hoạch tổ chức đấu thầu lựa chọn DN triển khai từ nguồn quỹ dịch vụ viễn thông công ích. Đối với các thôn không thuộc khu vực khó khăn, không được hỗ trợ từ nguồn quỹ, Bộ TT&TT sẽ chỉ đạo các DN viễn thông triển khai phủ sóng bằng các nguồn lực của DN và từ các nguồn xã hội hóa trong giai đoạn 2023 - 2025.
Trong đại dịch COVID-19, vai trò của việc phủ sóng viễn thông, Internet đã trở nên quan trọng hơn bao giờ hết đối với toàn thế giới cũng như Việt Nam. Sau đại dịch, hầu hết các nước đều quan tâm đến tiếp tục phát triển hạ tầng số, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt kinh tế số.
Bộ TT&TT cũng đang dự thảo chiến lược hạ tầng số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, hạ tầng số của Việt Nam phát triển cùng nhịp với các nước phát triển trên thế giới, trở thành động lực phát triển nền kinh tế, góp phần đưa Việt Nam đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045.
Cụ thể, mục tiêu dự kiến đến năm 2025, 100% xã, phường, thôn, bản có kết nối mạng băng rộng cố định; 100% số hộ gia đình có khả năng tiếp cận cáp quang khi có nhu cầu; 90% đường truyền Internet cố định có kết nối đến cá nhân tốc độ trung bình 200 Mb/s; 90% đường truyền Internet kết nối đến cơ quan, tổ chức có tốc độ trung bình 1 Gb/s; Mạng băng rộng di động với tốc độ trung bình 70 Mb/s phủ sóng 100% dân số; 100% dân số ở độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh; 100% các khu công nghệ cao, khu CNTT tập trung, trung tâm nghiên cứu, phát triển, đổi mới sáng tạo có truy nhập Internet với tốc độ tối thiểu 1Gb/s.
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, 5 quan điểm của chiến lược phát triển hạ tầng số gồm:
1 - Đi trước, đi nhanh, đi cùng nhóm đầu thế giới: Được ưu tiên phát triển như hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng. Phát triển hạ tầng số băng rộng, phổ cập, xanh, an toàn, bền vững, mở.
2 - Đồng bộ: Phát triển hạ tầng số dùng chung, chia sẻ. Hạ tầng số được quy hoạch, triển khai song song, đồng bộ với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng chiếu sáng, hạ tầng công trình ngầm, các hạ tầng kỹ thuật khác.
3 - Nhà nước mạnh, thị trường mạnh: Nhà nước kiến tạo môi trường phát triển thuận lợi cho các DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hạ tầng số. Thị trường cung cấp sản phẩm, dịch vụ hạ tầng số phát triển nhanh, bền vững, cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh.
4 - Toàn dân, toàn diện: Xây dựng hạ tầng số toàn diện, rộng khắp mọi nơi, mọi đối tượng. Internet băng thông rộng an toàn, chất lượng kết nối đến mỗi tổ chức, mỗi người dân, mỗi hộ gia đình.
5 - Việt Nam làm chủ: Làm chủ công nghệ phát triển hạ tầng số; ưu tiên sử dụng sản phẩm, thiết bị Make in Viet Nam. Nền tảng số quốc gia do DN Việt Nam phát triển đáp ứng nhu cầu sử dụng của người Việt Nam và thế giới.
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) ngày 12/7/2023, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh năm 2023 này là năm thương mại hóa 5G và điện toán đám mây (ĐTĐM). 5G và ĐTĐM là hai thành tố quan trọng vào loại bậc nhất của hạ tầng số. Cả hai hạ tầng này sẽ được triển khai mạnh mẽ từ năm nay, để đến năm 2025, Việt Nam có hạ tầng 5G và ĐTĐM hiện đại, thuộc nhóm 50 các nước dẫn đầu.
Hạ tầng số quan trọng như hạ tầng giao thông
Theo ý kiến của các chuyên gia, hạ tầng viễn thông rất quan trọng, không khác gì hạ tầng giao thông. Do vậy, các cơ quan nhà nước, địa phương cần quan tâm, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện để thi công hạ tầng.
Câu chuyện lắp đặt các trạm thu phát di động hay nhà trạm viễn thông (BTS), là một cơ sở hạ tầng viễn thông được dùng trong truyền dẫn thông tin về các thiết bị di động và ngược lại, ở các địa phương luôn là vấn đề nóng. Lắp đặt trạm BTS ở nhà dân không phải lúc nào cũng thuận lợi vì đã có một số phản đối. Làm ở đất công cũng gặp khó. DN viễn thông cũng đã từng phản ánh là đã làm hết khả năng, nguồn lực mà vẫn không đạt được hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết đây là vấn đề tồn tại lâu nay, từ trước đến giờ. Theo Thứ trưởng, hạ tầng viễn thông là hạ tầng rất quan trọng, đặc biệt
bây giờ là hạ tầng số, là hạ tầng của nền kinh tế, không khác gì hạ tầng giao thông nhưng lại do DN viễn thông đầu tư.
“Địa phương cho đây là việc của DN nên từ trước đến nay mức độ hỗ trợ, tạo điều kiện của địa phương đối với sự phát triển hạ tầng viễn thông rất là hạn chế. Người dân có nơi ủng hộ, có nơi thì chưa. Nhiều nơi lắp đặt trạm BTS rồi lại bắt tháo gỡ đi. Vấn đề này đã tồn tại lâu, chưa được quan tâm, thể chế hóa”, Thứ trưởng chia sẻ.
Trách nhiệm của địa phương đối với xây dựng hạ tầng viễn thông
Với những hạn chế đó, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết Luật Viễn thông đang được Bộ TT&TT chủ trì sửa đổi đưa một số quy định gồm quy định UBND các cấp trong quyền hạn của mình thì phải bảo vệ an toàn cho hạ tầng viễn thông, đồng thời xử lý hành vi gây cản trở việc xây dựng hợp pháp các hạ tầng viễn thông. Các địa phương hiện nay đã xây dựng quy hoạch hạ tầng viễn thông thụ động, khi DN triển khai tại những nơi quy hoạch thì đó là hợp pháp. Vậy, chính quyền địa phương các cấp phải có trách nhiệm xử lý hành vi và gây cản trở hạ tầng hợp pháp này.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng chia sẻ trước đây hạ tầng viễn thông vẫn được xây dựng trên đất công. Tuy nhiên, quản lý và sử dụng tài sản công quy định không được làm việc này. Vừa qua, Chính phủ đã có chỉ thị, nghị quyết cho phép duy trì hiện trạng nhưng phát triển mới thì chưa được. Trong khi ở các nước, luật quy định rất rõ là các hạ tầng công, thiết yếu được ưu tiên phát triển bởi có thông suốt thông tin liên lạc thì mới phát triển được kinh tế - xã hội.
Do vậy, để giải quyết vấn đề này, Thứ trưởng cho biết Luật Viễn thông sửa đổi dự kiến cũng có quy định để điều chỉnh quy định của Luật tài sản công, đó là công trình viễn thông được ưu tiên lắp đặt trên đất công, trụ sở công để giải quyết những bất cập này.
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông - Internet, các DN viễn thông làm là chính nhưng điều đó không có nghĩa là chính quyền các địa phương không phải làm quy hoạch. “Quy hoạch hạ tầng viễn thông - Internet thì không chỉ là vấn đề dùng chung mà còn đặt ra chiến lược phát triển hạ tầng, phổ cập, chất lượng, tốc độ, phủ đến vùng sâu, xa, điều phối các nhà mạng đầu tư. Những chỗ lỗ thì một DN đầu tư rồi roaming, những chỗ có lãi thì cạnh tranh”.
Cũng theo Bộ trưởng, địa phương lập Quy hoạch rồi thì cơ quan nhà nước (CQNN) các cấp phải đứng ra hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN đầu tư. “Hạ tầng viễn thông giờ không kém quan trọng so với hạ tầng giao thông được đầu tư nhiều. Hạ tầng viễn thông giờ là hạ tầng số thì các DN đầu tư, không tốn kém nhiều nguồn lực nhà nước nhưng lại cần hỗ trợ quy hoạch, phát triển”.
Bộ trưởng phân tích rằng hạ tầng viễn thông - Internet do DN xây dựng là cho địa phương.
Hạ tầng đó mà phát triển thì kinh tế phát triển. Nếu tốc độ truy cập di động băng rộng tăng thêm 10%, thì thúc đẩy tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh đó lên 1%. Tốc độ và dữ liệu truyền đi sẽ thể hiện sự phát triển của kinh tế - đặc biệt là của kinh tế số-mà thường cao hơn 3 - 4% so với tốc độ tăng trưởng của GRDP, có nghĩa là động lực tăng trưởng phát triển của địa phương.
Tại chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) ngày 22/6/2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đã trao đổi trước Quốc hội quan điểm chung là hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu, được nhà nước ưu tiên xây dựng và được nhà nước bảo vệ. Nhà nước hỗ trợ DN viễn thông triển khai hạ tầng trên đất công, tài sản công. Nhà nước ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các DN viễn thông, sử dụng chung hạ tầng với các ngành khác, bảo đảm hiệu quả đầu tư và mỹ quan đô thị.
Đặc biệt, khi chuyển sang mạng 5G/6G, tần số cao nên phủ sóng hẹp, cần nhiều trạm phát sóng, phục vụ không chỉ con người mà còn là vạn vật, cần dung lượng lớn. Do vậy, hạ tầng sẽ tăng gấp bội, nên sẽ càng cần hơn việc chia sẻ, dùng chung hạ tầng. Luật sửa đổi quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng và UBND cấp tỉnh về quy hoạch, về tiêu chuẩn, quy chuẩn, về xử lý tranh chấp đối với hạ tầng viễn thông.
Viễn thông đang có một sự thay đổi lớn
Là một trong những DN viễn thông đầu tư xây dựng hạ tầng viễn thông, ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết khi triển khai hạ tầng viễn thông, Nhà nước phải tháo gỡ các khó khăn và cần sự ủng hộ của người dân.
Ông Tào Đức Thắng chia sẻ ở Trung Quốc rất nhiều ngã tư đường phố đều được quy hoạch một phần dành cho các trạm BTS. Trên các hệ thống đèn đường, cột điện chiếu sáng ở các ngõ phố của Trung Quốc đã được quy hoạch cho lắp đặt trạm phát sóng. Hiện nay, mạng Viettel cần 50.000 vị trí thì 80% là trạm cỡ lớn (macro), 20% là trạm nhỏ. Tới đây, nếu dùng tần số cao như 28 Ghz thì cần lắp đặt những trạm nhỏ.
Người đứng đầu Viettel đề xuất các Sở TT&TT xây dựng quy hoạch hạ tầng thụ động thì nhà mạng mong muốn tham gia vào quy hoạch để công khai minh bạch việc lắp đặt trạm BTS với người dân, để tránh đặt trạm trong nhà dân. Nếu tần số 2.100 - 2600MHz cần vào sâu trong nhà dân thì quy hoạch lắp đặt trạm ra các ngã tư, vỉa hè vừa đẹp mỹ quan mà tránh đi vào trong dân sẽ khó. Bộ TT&TT hướng dẫn các Sở TT&TT quy hoạch và sau này đi quy hoạch thì người dân ủng hộ.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ Bộ TT&TT sẽ làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về các hệ thống giao thông công cộng và cần sửa quy định để tạo điều kiện địa phương thúc đẩy sử dụng chung hạ tầng, nếu không sau này phát triển mạng 5G, 6G mà không có dùng chung hạ tầng thì không thể có mạng di động tốc độ cao.
Theo Bộ trưởng, Việt Nam đã xây dựng hạ tầng cáp đồng cố định năm 1995. Giai đoạn phát triển hạ tầng viễn thông di động lớn nhất trong khoảng từ năm 2004 - 2009. Sau đó chững lại. Bây giờ là thời điểm bắt đầu một giai đoạn mới về phát triển hạ tầng liên quan đến 5G/6G với tần số cao, băng tần rộng, nên số trạm BTS phải tăng gấp đôi mà không có sự dẫn dắt của quản lý nhà nước, không có thể chế sẽ không thể làm được. Trọng trách đó là thuộc về Bộ TT&TT cần tập trung giải quyết vì cuối năm 2023, 5G sẽ được thương mại hóa. 6G theo các dự báo thì 7 năm nữa nhưng Hàn Quốc đã tuyên bố thử ngiệm 6G trong năm 2026.
Bộ trưởng nhấn mạnh: “Viễn thông có một sự thay đổi rất lớn. Trước đây viễn thông chỉ giải đúng câu chuyện “alo” tức là thông tin liên lạc giữa người với người, là một phần rất nhỏ trong cuộc sống xã hội. Bây giờ viễn thông trở thành hạ tầng của nền kinh tế và trở thành hạ tầng của vạn vật, tức là nó liên quan đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội không chỉ con người mà vạn vật”.
(Bài đăng ấn phẩm in Tạp chí TT&TT số 8 tháng 8/2023)