Triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP về phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022

PV| 03/09/2022 16:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương phải tiếp tục đổi mới, chủ động thích ứng, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn theo tinh thần chủ đề điều hành "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".


Nghị quyết 01/NQ-CP về phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022 được đưa vào thực tiễn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu gồm: tập trung ưu tiên triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội coi đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022; phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6 - 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 3.900 USD; triển khai nhất quán, nghiêm túc từ Trung ương đến địa phương quy định về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; tạo thuận lợi tối đa cho lưu thông hàng hóa, lao động trở lại sản xuất; thần tốc hơn nữa chiến dịch tiêm vaccine, nhất là nghiên cứu tiêm cho trẻ em theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, tiêm mũi thứ 3, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo mục tiêu của Chính phủ; thúc đẩy nhanh chóng chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine, thuốc điều trị trong nước.

Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ triển khai kịp thời các giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi, phát triển nhanh sản xuất, kinh doanh, khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân. Phấn đấu tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 7 - 8%. Phấn đấu tỷ lệ huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 35% GDP.

Nghị quyết đề ra một nhiệm vụ rất quan trọng là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI bình quân khoảng 4%, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền quản lý Nhà nước gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Tập trung hoàn thiện khung khổ pháp lý để quản lý thị trường tài chính, chứng khoán phát triển lành mạnh, ổn định, an toàn. Hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản, theo dõi sát tình hình để xử lý kịp thời các vấn đề "nóng" phát sinh. Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và đổi mới sáng tạo, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.

Trong Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ cũng yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đầu tư công, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu, phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp. Cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực dịch vụ quan trọng. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phấn đấu năng suất lao động tăng khoảng 5,5%.

Chính phủ phấn đấu xử lý dứt điểm, có hiệu quả 5/12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả và tiếp tục xây dựng phương án xử lý đối với 7 dự án, doanh nghiệp còn lại trong năm 2022. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước tăng cường quản lý nợ công.

Một nhiệm vụ rất quan trọng nữa được Chính phủ xác định trong năm nay là đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm, tăng cường kết nối vùng, liên vùng, khu vực, quốc tế, nhất là công trình hạ tầng giao thông quan trọng và phát triển hệ thống hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.

Chính phủ yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phấn đấu trong năm 2022 cơ bản hoàn thành phê duyệt các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh.

Nghị quyết nhấn mạnh nhiệm vụ phát triển văn hóa hài hòa và ngang tầm với phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; tiếp tục phát huy hơn nữa giá trị văn hóa, con người Việt Nam. Triển khai hiệu quả Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị văn hóa toàn quốc; Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác gia đình. Phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành động lực, sức mạnh nội sinh thúc đẩy phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, hoàn thiện và tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời chính sách giảm nghèo, chính sách hỗ trợ người lao động, giải quyết việc làm cho người lao động. Nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng và y tế cơ sở ngay trong năm 2022, phấn đấu có 9,4 bác sỹ và 29,5 giường bệnh trên 10.000 dân.

Chính phủ yêu cầu quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên; tăng cường bảo vệ môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, duy trì độ che phủ rừng tối thiểu ở mức 42%, sớm trình Quốc hội dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp đột phá, chiến lược hiện thực hóa các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Đặc biệt Nghị quyết là tăng cường công tác xây dựng Đảng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm. Tăng cường năng lực, tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, quản lý tài chính, ngân sách; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng đất đai; quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước… nhằm chấn chỉnh quản lý, phát hiện, xử lý kịp thời vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. Chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, củng cố vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội./.

Bài liên quan
  • Phát triển kinh tế số ở Đông Nam Á: Cơ hội và thách thức
    Nền kinh tế số Đông Nam Á đã tăng trưởng nhanh chóng trong những năm gần đây nhờ mức độ số hoá, thâm nhập và sử dụng Internet ngày càng gia tăng. Kể từ năm 2016, số người dùng Internet trong khu vực đã tăng gấp đôi ở 6 quốc gia lớn nhất: Singapore, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Nghị quyết 01/NQ-CP về phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO