Triển khai quyết liệt nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số

Hoàng Linh| 30/06/2022 08:01
Theo dõi ICTVietnam trên

Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số góp phần tăng hiệu quả sử dụng cho cơ quan nhà nước (CQNN), tổ chức, doanh nghiệp (DN) và người dân.

Ngày 3/2/2022, Bộ TT&TT đã ban hành Quyết định số 392/QĐ-BTTTT về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số.

Triển khai Quyết định này, tại Hội nghị phổ biến pháp luật bưu chính và chương trình thúc đẩy phát triển, ứng dụng nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số do Bộ TT&TT tổ chức chiều ngày 29/6, bà Chu Thị Tuyết Mai, Vụ Quản lý DN - Bộ TT&TT cho biết nền tảng địa chỉ số quốc gia giải quyết các bất cập của địa chỉ hành chính; tăng hiệu quả sử dụng CQNN, tổ chức, DN và người dân; dễ dàng ứng dụng công nghệ số để tạo lập, quản lý và khai thác; tạo quy chuẩn thông tin địa chỉ số, ổn định và ít thay đổi.

Phát triển nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số nhằm thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; hình thành cơ sở dữ liệu địa chỉ số quốc gia để chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, DN khai thác, xây dựng các bản đồ số chuyên ngành phục vụ nhu cầu quản lý và phát triển kinh tế xã hội; hoàn thành chỉ tiêu về địa chỉ số trong các chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Theo Quyết định, các bên tham gia kế hoạch có các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ; các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Sở TT&TT, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) và các sở, ngành liên quan); UBND các quận/huyện, phường/xã, thị trấn/thị xã. DN tham gia Kế hoạch gồm DN phát triển nền tảng địa chỉ số: Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (BĐVN); các DN phát triển nền tảng bản đồ số; các đối tượng ứng dụng, khai thác.

Việc triển khai Kế hoạch phải được thực hiện quyết liệt; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các bên để triển khai Kế hoạch, gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ TN&MT; Các cơ quan, đơn vị thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW; DN phát triển nền tảng địa chỉ số và các DN phát triển nền tảng bản đồ số.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được xây dựng sẽ bao gồm các công việc thiết lập hệ thống hạ tầng kỹ thuật, website và ứng dụng di động (cả Android và iOS) cho nền tảng địa chỉ số; xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật nền tảng bản đồ số để tích hợp với hệ thống nền tảng địa chỉ số quốc gia; xây dựng hệ thống, công cụ, phần mềm, ứng dụng di động (mobile app) để thu thập, cập nhật, chuẩn hóa CSDL địa chỉ số và cung cấp dịch vụ nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số. 

Bên cạnh đó, các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin và bảo mật cho nền tảng và cơ sở dữ liệu địa chỉ số cũng sẽ được triển khai.

Triển khai nền tảng theo hình thức xã hội hoá

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Anh Tuấn cho biết việc triển khai nền tảng địa chỉ số gắn với bản đồ số là 1 trong 35 nền tảng số quốc gia đã được công bố. Đặc thù của nền tảng này là làm xã hội hoá. DN chi kinh phí thực hiện để một số ứng dụng chính sẽ được xử lý miễn phí cho chính quyền, người dân và DN. Một số dịch vụ gia tăng giá trị sẽ được DN khai thác.

Thứ trưởng nhấn mạnh mục tiêu chính của nền tảng là xây dựng địa chỉ số gắn với bản đồ số. Việc này Bộ TT&TT đã có những quy định chi tiết, cụ thể để giao cho các đơn vị triển khai. Công việc phải thực hiện là gắn địa chỉ số đến tận các địa chỉ đã có quy định như nhà dân, địa chỉ cơ quan, địa chỉ chính quyền và các địa chỉ khác. Tiếp theo có thể mở rộng tới các địa chỉ mới về vật lý như cột nước cứu hỏa, hệ thống cống bể… được gán địa chỉ và số hóa trên bản đồ, cũng để phục vụ công tác quản lý về địa chỉ.

Đối với địa chỉ số, BĐVN đã được Bộ TT&TT giao triển khai nhiệm vụ bằng nguồn lực của đơn vị. Sau khi có Quyết định số 392/QĐ-BTTTT thì BĐVN cùng với các tỉnh/thành phố phối hợp rà soát, hoàn thiện, làm sạch dữ liệu để đưa lên hệ thống địa chỉ của tỉnh. Như vậy, cùng với các ứng dụng khác nữa để thống nhất mỗi tỉnh/thành hoàn thiện địa chỉ của địa phương, bao gồm địa chỉ số và bản đồ số. Việc này phải triển khai xong trong năm nay. Hiện nay, đã có 33 tỉnh/thành xây dựng kế hoạch triển khai.

Thứ trưởng đề nghị Vụ Quản lý DN trao đổi với các tỉnh trong quá trình triển khai Kế hoạch có vướng mắc để cùng tháo gỡ. Quyết định 392 cũng mở rộng cho DN có khả năng cung cấp bản đồ "Make in Viet Nam" để chia sẻ dữ liệu bản đồ số và cùng DN bản đồ đó để đưa ra các ứng dụng thiết thực cho xã hội. Các ứng dụng cơ bản là miễn phí cho người dân, DN. "Đây là mục đích chính của Kế hoạch. Phải bảo đảm các ứng dụng hiệu quả, bởi triển khai bản đồ mà ứng dụng không hiệu quả thì không làm được", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các tỉnh cần ban hành kế hoạch triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia

Là đơn vị chủ trì triển khai Kế hoạch, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Quản lý DN cho biết tháng 7/2022, Bộ TT&TT sẽ có văn bản hướng dẫn các công việc liên quan. Theo đó, BĐVN cần "thần tốc" hoàn thiện ứng dụng (app) cho nền tảng địa chỉ số đưa lên kho ứng dụng App Store và Google Play để thuận tiện cho việc tải, cài đặt ứng dụng. Bưu điện cũng sớm hoàn thiện CSDL địa chỉ để sẵn sàng bàn giao cho các địa phương mã địa chỉ đến tận từng thôn, xã để thuận lợi trong việc triển khai.

Triển khai quyết liệt nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trọng Đường đề nghị các Sở TT&TT chưa xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 392 cần sớm xây dựng để trình UBND tỉnh phê duyệt

Ông Đường đề nghị các Sở TT&TT chưa xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định số 392 cần sớm xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt. Năm nay mục tiêu lớn nhất là gắn biển địa chỉ số đến nhà người dân.

Cách triển khai theo ông Đường là triển khai điểm ở một số xã nông thôn mới, có lãnh đạo xã trẻ, hăng hái với tinh thần CĐS. Mỗi tỉnh chọn 1-2 xã làm trước rồi nhân rộng. Nếu trong tỉnh có xã, huyện làm điểm tốt rồi thì mở rộng triển khai. Vụ Quản lý DN sẽ phối hợp chặt chẽ với các Sở TT&TT trong quá trình triển khai hiệu quả nhiệm vụ này./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Tăng cường hợp tác số với ASEAN và các nước đối thoại
    Từ ngày 16-17/01/2025, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông đã tham dự Hội nghị Bộ trưởng Số ASEAN lần thứ 5 (ADGMIN-5) được tổ chức tại Bangkok, Thái Lan.
  • Sáu nhóm giải pháp trọng tâm truyền thông chính sách về đa văn hóa Việt Nam
    Xây dựng và truyền thông chính sách về hình ảnh văn hóa đất nước và con người Việt Nam mang bản sắc văn hóa dân tộc và những thành tựu phát triển đất nước đến từng người dân trong nước và bạn bè quốc tế hiện nay là nhiệm vụ chiến lược.
  • Hội chợ sách xuân Ất Tỵ: Tết tri thức-sum vầy
    Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025) và đón Tết Nguyên Đán Ất Tỵ 2025, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, Ủy ban nhân dân quận Hoàn Kiếm, Ủy ban nhân dân phường Trần Hưng Đạo và Công ty Cổ phần Phát triển Giải pháp Giáo dục Vivi Education tổ chức chương trình Hội chợ sách xuân 2025 với chủ đề "Tết tri thức - sum vầy".
  • FPT hợp tác cùng Đà Nẵng đẩy mạnh phát triển lĩnh vực bán dẫn và AI
    FPT đã ký kết hợp tác cùng Sở TT&TT TP Đà Nẵng với mục tiêu đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ và nguồn lực trong ngành bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI), đưa Đà Nẵng trở thành một trong những “địa hạt” công nghệ tại Việt Nam.‏
  • Ngã rẽ nào cho TikTok?
    TikTok, mạng xã hội với 170 triệu người dùng tại Mỹ, đang đứng trước ngã rẽ đầy bất định khi hạn chót ngày 19/1 của đạo luật yêu cầu ByteDance, công ty mẹ, thoái vốn khỏi nền tảng này đang đến gần.
Đừng bỏ lỡ
Triển khai quyết liệt nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO