Tại phiên họp, các Sở TT&TT Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh đã thông tin về việc triển khai ứng dụng Bluezone trên địa bàn. Theo đó, tại các địa phương này, việc cài đặt ứng dụng Bluezone còn đạt mức thấp.
Theo Sở TT&TT Đà Nẵng, ngày 26/7/2020, UBND TP. Đà Nẵng đã có công văn chỉ đạo triển khai cài đặt, sử dụng ứng dụng Bluezone, NCOVI. Sở TT&TT Đà Nẵng đã triển khai đồng loạt đa kênh bằng văn bản, các phương tiện truyền thông đại chúng, các địa điểm công cộng, website, màn hình công cộng, thang máy… Kết quả đến nay hầu hết CBCCVC, đoàn viên thanh niên, doanh nghiệp và các gia đình đã cài đặt Bluezone.
Giới thiệu ứng dụng đến các Sở TT&TT toàn quốc, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết: Bluezone chỉ có ý nghĩa khi có nhiều người cài đặt. Nếu F0 đó đã cài Bluezone từ trước thì việc truy vết, khoanh vùng các F1, F2 sẽ được thực hiện rất nhanh. Khi số lượng người dùng đủ lớn thì cộng đồng sẽ được bảo vệ và trong đó có cả những người không sử dụng smartphone.
Theo số liệu thống kê của Cục Tin học hoá, tính đến ngày 4/8, đã có 3.967.230 lượt cài đặt Bluezone trên cả nước. Tính từ ngày 25/7/2020, đã có hơn 3 triệu lượt cài đặt Bluezone.
Cuộc tổng diễn tập lịch sử của ngành TT&TT
Trước các báo cáo công tác triển khai Bluezone, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Triển khai Bluezone là cuộc tổng diễn tập đầu tiên trong lịch sử ngành TT&TT. Chưa bao giờ ngành TT&TT chỉ đạo viết phần mềm và triển khai nó tới hàng chục triệu người dân Việt Nam như hiện tại. Cuộc tổng diễn tập này sẽ cho thấy hiệu quả vận hành của Bộ TT&TT từ trung ương đến địa phương.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, cuộc tập dượt này sẽ mang lại rất nhiều bài học lớn. Trong thế giới thay đổi liên tục như ngày nay, các cuộc khủng hoảng phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều, những vấn đề tương tự sẽ còn xảy ra nhiều lần nữa. Cuộc tổng diễn tập này sẽ là sự chuẩn bị cần thiết cho tương lai.
Tổng chỉ huy cuộc vận động người dân sử dụng ứng dụng Bluezone là Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT). Tại từng địa phương, hạt nhân của phong trào này sẽ là các giám đốc Sở TT&TT. Đây là cơ hội để ngành TT&TT, từ Bộ TT&TT cho tới các Sở TT&TT tại các địa phương chứng minh vai trò và uy tín của mình.
Hiện thế giới có 3 công nghệ phổ biến để xác định việc tiếp xúc gần. Đó là định vị qua trạm BTS, định vị GPS và qua kết nối Bluetooth. Với việc định vị qua các nhà mạng viễn thông, độ chính xác của công nghệ này là khoảng 200 m ở những thành phố lớn. Tại khu vực nông thôn, độ chính xác chỉ còn trong khoảng 400 m.
Công nghệ định vị qua các trạm BTS đã được sử dụng trong đợt bùng phát Covid-19 vừa qua tại Đà Nẵng. Theo đó, có 800.000 người được xác định có liên quan tới các khu vực phong tỏa. Ngoài ra, khoảng 1,4 triệu người được xác định đã đến Đà Nẵng thời điểm này, sau đó tỏa đi các tỉnh.
Trong trường hợp mỗi người này tiếp xúc với 10 người khác khi về đến địa phương sẽ có khoảng 14 triệu người nằm trong vòng kiểm soát. Tuy nhiên, nếu sử dụng công nghệ xác định tiếp xúc bằng sóng Bluetooth, số lượng người bị ảnh hưởng sẽ giảm xuống rất nhiều bởi độ chính xác khi xác định tiếp xúc của công nghệ này là trong khoảng 2 mét.
"Nếu so sánh hai công nghệ với nhau, con số chênh lệch lên đến 100 lần. Khi tiến hành khoanh vùng, người ta phải tính toán dựa trên diện tích, tức bình phương của 100. Điều này cũng có nghĩa, số lượng người thực tế phải kiểm soát nếu sử dụng công nghệ tiếp xúc gần Bluetooth sẽ giảm được 10.000 lần", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phân tích.
Trong trường hợp vẫn sử dụng công nghệ cũ, năng lực xử lý sẽ phải tăng gấp 10.000 lần. Không lực lượng nào có thể đảm đương được lượng công việc khổng lồ đó. Giá trị của ứng dụng Bluezone nằm ở chỗ đó.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đến giờ phút này cả thế giới phải khẳng định không công nghệ nào xác định được việc tiếp xúc gần tốt hơn Bluetooth.
Với công nghệ thứ 3 là GPS, độ chính xác của công nghệ này trong phạm vi 10-20 mét. Tuy nhiên khi ngồi trong nhà, độ chính xác của công nghệ này sẽ bị giảm xuống. Công nghệ xác định tiếp xúc gần bằng GPS vì thế cũng không hiệu quả do đa phần người dân tiếp xúc chủ yếu ở trong nhà. Bên cạnh đó, việc sử dụng công nghệ định vị vệ tinh xâm phạm nhiều tới quyền riêng tư của người sử dụng.
So với hai công nghệ còn lại, công nghệ xác định tiếp xúc gần bằng Bluetooth tối ưu hơn và rất ít vi phạm quyền riêng tư của mọi người.
Mỗi người nhiễm bệnh sẽ hình thành nên một mạng lưới những người nhiễm bệnh và có nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chỉ cần 1 người trong mạng lưới bị phát hiện, cơ quan chức năng sẽ tìm ra chính xác tất cả những người còn lại. Công nghệ xác định tiếp xúc gần bằng Bluetooth cũng sẽ giúp chỉ ra đâu là F0 dù người được xác định đầu tiên có thể không phải là F0.
Triển khai Bluezone là nhiệm vụ trọng tâm và là cơ hội để giúp địa phương, đất nước
Cũng theo Bộ trưởng, không phải nước nào cũng có thể ứng dụng công nghệ Bluetooth vào công tác phòng chống dịch Covid-19. Để làm điều đó, chính phủ các nước cần đáp ứng 2 điều kiện. Thứ nhất là phải có 50% dân số sử dụng smartphone. Thứ hai là nước đó phải có chính quyền mạnh, dân chúng tin vào chính quyền thì họ mới cài đặt ứng dụng này.
Thực tế cho thấy nếu để người dân tự nguyện cài đặt như ứng dụng NCOVI, số người sử dụng hiện chỉ khoảng 7 triệu người. Do đó, nếu không có sự tham gia mạnh mẽ của chính quyền, tỷ lệ người sử dụng Bluezone sẽ không thể đạt được 50% dân số.
Hiện tại, các nước đáp ứng đủ điều kiện này chỉ có thể đếm được trên đầu ngón tay. Do đó, nhiều quốc gia tuy biết công cụ này hoạt động hiệu quả nhưng cũng không thể triển khai được. Đây là cơ hội lớn để đẩy lùi Covid-19 cho Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các giám đốc Sở TT&TT cần coi đây là nhiệm vụ trọng tâm và là cơ hội để giúp địa phương, đất nước. "Nếu làm được điều đó, tất cả các trường hợp nghi nhiễm đều sẽ bị phát hiện, cuộc sống vì thế sẽ trở lại bình thường".
Hiện tại, do không có công cụ, cứ mỗi người bị nhiệm phải xét nghiệm 500 người. Việc sử dụng công nghệ sẽ giúp giảm tải chi phí, thời gian và nguy cơ lây nhiễm, khiến việc xử lý dịch bệnh trở nên hiệu quả hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng yêu cầu phải thiết lập một hệ thống dashboard để các tỉnh có thể nắm được thông tin về số người đã cài đặt Bluezone tại địa phương mình. Trên hệ thống dashboard này cần chia sẻ thêm những kinh nghiệm tốt để các tỉnh có thể học hỏi lẫn nhau.
Việc chống dịch thành công thời gian qua chủ yếu là nhờ sự đóng góp của hệ thống chính quyền cơ sở. Đó là những người đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng. Do đó, giám đốc Sở TT&TT các địa phương cần tư vấn cho lãnh đạo tỉnh sử dụng hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương và hệ thống loa phường loa xã để tuyên truyền về việc cài đặt ứng dụng Bluezone.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị, tại các cơ quan, đơn vị, người bảo vệ cần được quán triệt về việc chỉ có những người đã cài đặt ứng dụng Bluezone mới được phép ra vào. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên cũng là một lực lượng để hỗ trợ nhằm nâng cao tỷ lệ cài đặt ứng dụng Bluezone.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo Cục Viễn thông và các nhà mạng nhắn tin tới các thuê bao smartphone chưa cài đặt Bluezone mỗi ngày một lần.
Trong thời gian qua, hệ thống tuyên truyền qua tin nhắn của Bộ TT&TT tới các máy di động được đánh giá hiệu quả không kém sóng truyền hình. Do vậy, theo Bộ trưởng, Cục Viễn thông cần nghiên cứu việc tuyên truyền ứng dụng Bluezone bằng cách chạy chữ trên cột sóng di động và âm báo thoại.
Mục tiêu của Bộ TT&TT là sẽ có 50 triệu người Việt Nam cài đặt ứng dụng Bluezone từ nay cho tới 10/8.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng đề nghị các giám đốc Sở TT&TT cần coi đây là công việc trọng tâm. Chỉ cần 50 triệu người Việt Nam cài đặt Bluezone, chúng ta sẽ có thể yên tâm về việc phát hiện ra người nhiễm Covid-19. Chỉ có cách làm như vậy cuộc sống mới có thể trở lại bình thường.
"Đây cũng là cơ hội để các nhà mạng và cả các mạng xã hội Việt Nam đóng góp cho sự phát triển của đất nước", Bộ trưởng yêu cầu.