Chuyển động ICT

Trung Quốc ra mắt nền tảng gọi xe thuộc sở hữu nhà nước

Hoàng Linh 17:58 21/01/2023

Nhật báo Bắc Kinh Beijing Daily vừa cho biết Trung Quốc sẽ ra mắt một nền tảng vận tải thuộc sở hữu nhà nước bao gồm các dịch vụ gọi xe và chuyến bay, khi Trung Quốc tiếp tục kiểm soát chặt chẽ lĩnh vực công nghệ của đất nước.

Nền tảng có tên gọi Qiangguo Jiaotong, dịch theo nghĩa đen là "Giao thông vận tải của quốc gia mạnh" đã hoàn thành thử nghiệm nội bộ và sẽ sớm ra mắt dịch vụ gọi xe cho công chúng.

nen-tang-goi-xe-tq.jpeg
Trung Quốc sẽ tung ra một nền tảng gọi xe thuộc sở hữu nhà nước - sau khi dỡ bỏ lệnh cấm kéo dài 18 tháng đối với Didi (Ảnh của GREG BAKER/AFP)

Nền tảng này được thiết lập bởi Xuexi Qiangguo, một nền tảng web và di động được thiết lập để phổ biến chiến lược của Trung Quốc về giao thông vận tải. Qiangguo Jiaotong hợp nhất các dịch vụ của hàng chục công ty gọi xe và dự kiến sẽ chiếm hơn 90% thị trường gọi xe.

Nền tảng này sẽ được kết nối với WeChat, Alipay và Douyin, phiên bản tiếng Trung của TikTok. WeChat được điều hành bởi Tencent Holdings, trong khi Alipay là ứng dụng thanh toán của Ant Group, nhánh tài chính tách ra từ Alibaba Group Holding.

Beijing Daily cho biết, nền tảng thuộc sở hữu nhà nước này được thiết lập để đối phó với “sự mở rộng không theo trật tự và các vấn đề về bảo mật dữ liệu” trong ngành công nghiệp gọi xe, trước tiên nền tảng sẽ cung cấp dịch vụ gọi xe cho những người dùng Xuexi Qiangguo hiện có.

Nền tảng cũng sẽ cung cấp các dịch vụ du lịch tùy chỉnh cho nhân viên của các tổ chức và doanh nghiệp nhà nước quan trọng để “tối đa hóa việc bảo vệ an ninh dữ liệu người dùng và quyền riêng tư cá nhân”.

Hiện chưa rõ liệu nền tảng này sẽ chỉ hợp nhất các ứng dụng riêng này hay liệu cũng sẽ giới thiệu các dịch vụ gọi xe của riêng mình.

Thời gian vừa qua Trung Quốc tăng cường quản lý nhà nước đối với khu vực tư nhân đang bùng nổ với các công nghệ tiên tiến. Financial Times đưa tin vào đầu tuần này rằng chính phủ Trung Quốc đang xem xét mua lại “cổ phần vàng” trong Tencent và Alibaba.

Ngày 19/1, cơ quan giám sát mạng hàng đầu của Trung Quốc đã phát động chiến dịch kéo dài một tháng để trấn áp “hành vi sai trái” trong không gian mạng trong dịp Tết Nguyên đán, bao gồm nội dung thể hiện sự giàu có, mọi người buồn bã vì các nhà máy bị đóng cửa, hoặc tin đồn quá mức về người nổi tiếng, cũng như bài viết về “mặt tối của xã hội”.

Tin tức này cũng xuất hiện chỉ hai ngày sau khi hãng gọi xe Didi Global thông báo họ đã được bật đèn xanh để đăng ký người dùng mới cho ứng dụng của mình sau 18 tháng đóng băng.

Didi, công ty trước đây kiểm soát khoảng 90% thị trường gọi xe của Trung Quốc, đã niêm yết cổ phiếu lần đầu tiên tại New York vào tháng 6/2021, bất chấp cảnh báo việc “đổ xô” niêm yết có thể giúp các cơ quan quản lý Mỹ tiếp cận dữ liệu nhạy cảm trong nước. Các nhà quản lý Trung Quốc đã mở một cuộc điều tra về Didi ngay sau khi niêm yết, rút 26 ứng dụng của nó khỏi các cửa hàng ứng dụng và chặn tất cả chúng tiếp nhận khách hàng mới.

Didi đã hủy niêm yết cổ phiếu của mình sau 11 tháng lao dốc trên thị trường chứng khoán New York vào tháng 6. Công ty cho biết đang xem xét niêm yết trên một sàn giao dịch khác, bao gồm cả ở Hồng Kông.

Sau khi hủy niêm yết, Didi cũng bị phạt 8 tỷ RMB (1,18 tỷ USD) vì vi phạm luật bảo mật dữ liệu và bảo vệ thông tin cá nhân, đồng thời được yêu cầu “chấn chỉnh” các hoạt động thu thập dữ liệu của mình.

Trong 18 tháng qua, Didi đã chứng kiến lượng khách hàng sụt giảm, nhường chỗ cho các đối thủ và thị phần trong nước, giảm từ 90% xuống dưới 70%./.

Theo Beijing Daily, Nikkei
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trung Quốc ra mắt nền tảng gọi xe thuộc sở hữu nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO