Chuyển đổi mô hình làm việc linh động
Dịch Covid -19 đã và đang tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của nền kinh tế. Cộng theo đó, thị trường lao động cũng chịu tác động mạnh mẽ. Tỷ lệ lao động thất nghiệp, mất việc làm do dịch bệnh cũng gia tăng.
Trong bối cảnh dịch bệnh, xã hội thực hiện giãn cách xã hội (cuối tháng 4/2020) vừa qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã thực hiện linh động phương thức hoạt động.
Ông Tạ Văn Thảo - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thực hiện chủ trương giãn cách xã hội và Nghị quyết của Chính phủ, công điện của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), đơn vị đã chủ động chuyển đổi mô hình làm việc linh động.
Đơn vị bố trí 70% nhân lực làm việc tại trụ sở còn 30% làm việc online tại nhà. Thêm vào đó, Bộ LĐTBXH cũng có quy định về việc lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp có thể được nộp hồ sơ online hoặc gửi qua đường bưu điện thay cho việc đến nộp trực tiếp. Điều này góp phần tạo điều kiện thuận lợi để trung tâm thực hiện mô hình làm việc linh động, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả.
"Mặc dù kết thúc thời gian giãn cách xã hội nhưng trung tâm vẫn áp dụng mô hình làm việc linh động. Việc tư vấn, tuyển dụng, giới thiệu cung - cầu vẫn được thực hiện online. Cán bộ, công nhân viên hầu hết là đoàn viên, thanh niên nên việc tiếp cận ứng dụng CNTT tương đối tốt. Hiện 15 điểm sàn của Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội đều được kết nối, ứng dụng CNTT để giao dịch" - ông Thảo chia sẻ.
Rất ít lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm vì đa phần lao động chọn phương ứng nộp hồ sơ gián tiếp.
Ứng dụng CNTT vào làm việc
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội hiện nay là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện cải cách TTHC, thực hiện làm việc dựa theo chế độ một cửa.
Theo ông Tạ Văn Thảo, hạ tầng CNTT vẫn còn hạn chế, Trung tâm cũng có đề xuất nhưng chưa được bố trí ngân sách. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng trung tâm cũng đã thử nghiệm dùng một số phần mềm online phục vụ làm việc.
Tuy nhiên, thực tế trong quá trình ứng dụng CNTT, trung tâm cũng gặp không ít khó khăn do chưa có phần mềm chuyên dụng. Đa phần phần mềm đều là miễn phí nên khi dùng với dung lượng cao dễ bị nhà phân phối ngắt tín hiệu.
Vừa qua, Trung tâm cũng đã tiến hành khảo sát việc làm tại 1.600 doanh nghiệp và phát hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp có chỉ tiêu tuyển dụng, trong đó nhu cầu tuyển dụng khoảng 1.300 chỉ tiêu lao động. Chủ yếu lao động sản xuất, kỹ thuật...
Hình thức tuyển dụng online.
Nguồn việc làm từ số liệu khảo sát này sẽ được trung tâm chắp nối để phục vụ kết nối cung - cầu việc làm. Qua đó, giới thiệu việc làm cho lao động thất nghiệp có mong muốn tìm việc làm bằng nhiều hình thức, trong đó chủ yếu là việc tuyển dụng online.
Lao động Nguyễn Thị Liên (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại đây cho biết: "Hiện nay tôi chỉ đến để đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), còn lại việc tìm kiếm việc làm tôi thường tham gia các phiên giao dịch online và cập nhật thông tin qua email của trung tâm gửi".
Việc tham gia phiên tuyển dụng online không chỉ giúp chị Liên tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại, mà còn góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường và giảm tải cả cho địa điểm giao dịch chính.
Giờ đây chỉ cần sử dụng một chiếc điện thoại thông minh hoặc một chiếc máy tính, lao động ở tại nhà vẫn có thể tham gia phiên tuyển dụng online, tìm kiếm các công việc tại cả 15 điểm sàn giao dịch của Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
"Năm 2019, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội giải quyết hơn 500.000 thủ tục cho người lao động. Việc áp dụng CNTT và giao dịch tại điểm vệ tinh các quận huyện ngoại thành giúp giảm tải tới hơn 300.000 lượt đi lại cho người lao động. Điều này không chỉ tiết kiệm tiền xăng xe, tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà còn giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường cho Hà Nội" - Ông Tạ Văn Thảo cho biết.