Chuyển đổi số

Trung tâm dữ liệu và chiến lược cơ sở hạ tầng CNTT là chìa khóa cho chuyển đổi số

Minh Vân 04/04/2024 10:18

Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) luôn là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Nếu các doanh nghiệp (DN) muốn hoàn toàn triển khai chiến lược chuyển đổi số (CĐS), tính vật lý của dữ liệu nên được đặt lên hàng đầu.

Trung tâm dữ liệu (TTDL), trái tim của nhu cầu tính toán khổng lồ của thế giới, thường bị bỏ qua. Tuy nhiên, chúng chính là những anh hùng thầm lặng của thế giới số chúng ta. Khi mạng 5G, metaverse, điện toán đám mây (ĐTĐM), Internet of Things (IoT) và làm việc từ xa ngày càng gắn kết với xã hội, sự không đồng bộ với cơ sở hạ tầng vật lý thực tế cần thiết để phục vụ các ứng dụng này ngày càng gia tăng.

Khi các doanh nghiệp (DN) chuyển đổi và trở nên dựa trên dữ liệu nhiều hơn, nhu cầu về cơ sở hạ tầng CNTT sẽ tăng lên, yêu cầu về TTDL cũng sẽ thay đổi. Do đó, tạo ra thách thức trong việc cung cấp cơ sở hạ tầng CNTT để đáp ứng những nhu cầu cả về mặt dung lượng và khả năng kết nối. Các tập đoàn có thể có chiến lược chuyển đổi số (CĐS), tuy nhiên, lại ít có chiến lược TTDL. Điều này cần phải được thay đổi nếu họ muốn duy trì vị thế cạnh tranh.

411-202404031523301.jpg
Nguồn: Raconteur

Patrick Lastennet, Giám đốc DN tại Digital Realty, nhà cung cấp toàn cầu các giải pháp TTDL trung lập với đám mây và nhà mạng, chia sẻ không gian và kết nối cho biết: "Mọi DN đều là một DN số và khi họ tung ra những sáng tạo mới, các ứng dụng hoặc sản phẩm mới mà họ muốn mở rộng quy mô và công nghiệp hóa, thì họ sẽ gặp phải những nút thắt về hiệu suất và chi phí nếu không thực sự suy nghĩ về cơ sở hạ tầng dữ liệu. Các tập đoàn phải đặt câu hỏi về kiến trúc cơ bản trước tiên".

Ông cũng chia sẻ thêm: "Điều thay đổi hiện nay là sức mạnh tính toán phải chuyển hướng tới nơi dữ liệu được tạo ra chứ không phải theo hướng ngược lại. Đó là bởi vì khối lượng dữ liệu quá lớn và đang tăng trưởng với tốc độ như vậy, nên nó cần được xử lý càng gần nơi xuất phát càng tốt".

Dữ liệu không thể bị bỏ qua

Thuật ngữ "độ hấp dẫn dữ liệu" (data gravity) ngày càng được sử dụng để mô tả khái niệm này. Dữ liệu có lực hấp dẫn lớn nhất ở nơi nó có khối lượng lớn nhất. Điều này thường xảy ra ở những nơi con người tập trung trong văn phòng và nhà ở, nơi họ tiêu thụ, đồng thời tạo ra hoạt động kinh doanh, như các thành phố lớn.

Vì vậy, vị trí nơi dữ liệu được xử lý rất quan trọng. Điều này có nghĩa là vị trí của các TTDL và kết nối của chúng cũng là yếu tố then chốt. Các DN sẽ không thể CĐS thành công nếu họ không xử lý dữ liệu đúng nơi, đúng thời điểm, đặc biệt là khi dựa vào dữ liệu nhiều hơn và ưu tiên kỹ thuật số, tự động hóa các quy trình và kết nối với nhiều dữ liệu hơn từ chuỗi cung ứng và hệ sinh thái kinh doanh của họ.

Ông Patrick Lastennet, cho biết: “Các giám đốc CNTT (CIO) và những người ra quyết định cần suy nghĩ kỹ về nơi mà phần lớn dữ liệu của họ được tạo ra, lượng dữ liệu sẽ được tạo ra trong hiện tại và tương lai, và nơi cần xử lý và lưu trữ dữ liệu đó. Nhiều DN đang ở giai đoạn khởi đầu hành trình CĐS. Điều quan trọng là cuộc trò chuyện này phải diễn ra ngay bây giờ".

Lo ngại về chi phí cho cơ sở hạ tầng dữ liệu

Quản lý chi phí cũng là một vấn đề lớn. ĐTĐM có thể cung cấp nhiều sức mạnh tính toán hơn và một không gian sáng tạo hơn cho các đội ngũ phát triển hoạt động, nhưng nó có thể tốn kém hơn. Tuy nhiên, không phải mọi khối lượng công việc CNTT đều cần hoạt động trong không gian này. Cần cân bằng hợp lý giữa hai bên.

Ông Lastennet bày tỏ: "Hiện nay, chúng ta đang trong một môi trường kinh tế rất bất ổn, với nhiều điều bất chắc, đó là lý do tại sao chi phí của TTDL là điều đáng cân nhắc. Các DN bắt đầu nhìn nhận vấn đề này với một góc nhìn chi tiết hơn. CNTT cần các TTDL truyền thống để vận hành hàng ngày của tổ chức, nhưng cũng cần năng lực đám mây để cung cấp các ứng dụng mới và CĐS. Một cách tiếp cận kiến trúc lấy dữ liệu làm trọng tâm là rất quan trọng, cách tiếp cận này được xây dựng xung quanh luồng dữ liệu và hiểu rõ chi phí và hiệu suất gắn với từng khối lượng công việc, cũng như liệu nó có thể hoạt động trong đám mây hay ngoài đám mây".

Việc lập bản đồ dữ liệu là hành động DN xác định trước nhu cầu dữ liệu, cách thức và địa điểm lưu trữ, cũng như dự báo dấu chân dữ liệu trong tương lai. Sau đó, các DN có thể tiến hành hợp lý hóa TTDL, trong đó họ sắp xếp và điều chỉnh các tài nguyên và mạng CNTT để đáp ứng nhu cầu cả về mặt vận hành và chiến lược.

Để có được hiệu suất tốt nhất với chi phí hợp lý, các DN cần đặt câu hỏi về cách cung cấp cơ sở hạ tầng dữ liệu vật lý cơ bản. Hiện tại, nhiều công ty đa quốc gia và DN lớn đang tái cơ cấu cách thức kinh doanh trên toàn cầu, bao gồm di dời sản xuất gần hơn, đa dạng hóa dây chuyền sản xuất hoặc thay đổi tuyến đường logistics và chuỗi cung ứng sau COVID-19.

Các DN cũng đang chuyển dịch đến những nơi có nguồn năng lượng xanh hơn. Quy định pháp luật ngày càng chi phối vị trí dữ liệu. DN hiện nay ưu tiên vận hành các TTDL trong phạm vi quyền hạn có sự ổn định địa chính trị và kinh tế, cũng như trách nhiệm giải trình. Tất cả những vấn đề này đều có ảnh hưởng lớn đến cơ sở hạ tầng CNTT và luồng dữ liệu.

Ông Lastennet cho biết: "Nếu nhìn xa hơn trong khoảng 5, 10 hoặc 15 năm tới, nhiều điều sẽ thay đổi về nơi dữ liệu của bạn sẽ được tạo ra và cách nền tảng dữ liệu toàn cầu của bạn nên được cấu hình. Không DN nào có thể để điều này tùy thuộc vào may rủi".

CĐS cần phản ánh thực tế dữ liệu

Séamus Dunne, Giám đốc điều hành của Digital Realty, tại Vương quốc Anh và Ireland trao đổi vấn đề CĐS trong kinh doanh đang đòi hỏi nhiều hơn từ dữ liệu và kiến trúc CNTT.

CĐS đang thúc đẩy sự thay đổi như thế nào?

DN ngày càng số hóa và lấy dữ liệu làm trọng tâm, điều này có nghĩa là cơ sở hạ tầng CNTT đang chuyển thành nguồn tạo ra doanh thu. Do đó, đòi hỏi đối với CIO là vô cùng phức tạp. CNTT phải ngày càng hiệu quả hơn vì nó đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh doanh. CNTT cũng cần có sự linh hoạt và bền bỉ, triển khai khối lượng công việc hàng ngày và các ứng dụng mới ở quy mô lớn. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng.

Ngày càng nhiều đám mây được sử dụng để thúc đẩy các ứng dụng mới, vì nó cung cấp sức mạnh mà DN cần. Tuy nhiên, khi chi phí của các giải pháp đám mây bắt đầu gây ra sự tốn kém, một số công ty đã đưa khối lượng công việc trở lại các TTDL tại chỗ. Đó là lý do tại sao cách tiếp cận CNTT kết hợp những ưu điểm của đám mây với khả năng dữ liệu tại chỗ truyền thống đang được triển khai ngày càng nhiều.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này đòi hỏi khả năng mạng đáng kể, vì dữ liệu phải di chuyển dễ dàng giữa các khối công việc. Kiến trúc của nó cũng phức tạp hơn, đó là lý do tại sao khi chúng tôi xây dựng các TTDL lưu trữ hợp tác mới, chúng tôi bắt đầu với khả năng mạng liên quan đến vô số nhà cung cấp viễn thông, cáp ngầm và Internet. Một trung tâm kết nối hiện nay là rất quan trọng để triển khai CNTT lai.

Chiến lược nào phù hợp với DN?

Nếu DN muốn tận dụng tối đa những đặc điểm cốt lõi của CĐS, bao gồm phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo (AI) và học máy, cũng như giải quyết vấn đề an toàn thông tin mạng, họ cần nghiêm túc xem xét lại cách cấu hình cơ sở hạ tầng CNTT của mình. Nhiều CIO biết họ cần đạt được gì về mặt chiến lược, nhưng họ chỉ đơn giản không biết cách triển khai tốt nhất.

DN hiện nay cần hợp tác với một hệ sinh thái các đối tác để giải quyết vấn đề này. "Đó là lý do tại sao chúng tôi ngày càng trở thành cầu nối cho các DN, giúp họ giải quyết các vấn đề và phát triển các giải pháp tiết kiệm chi phí. Chúng tôi thấy nhiều DN tìm đến chúng tôi, họ biết rằng việc sở hữu một TTDL riêng trong tầng hầm văn phòng không phải là tương lai. Nó không phải là câu trả lời từ góc độ bền vững. Họ muốn chuyển nó lên đám mây, nhưng đó cũng không phải là giải pháp toàn diện. Họ không thể chỉ đơn giản di chuyển cơ sở hạ tầng CNTT của mình sang một TTDL đồng đặt với mạng lưới qua đêm. Đây là lúc các DN cần những đối tác đáng tin cậy để thực hiện thay đổi".

Lời khuyên cho DN đang thực hiện CĐS

CĐS không phải là một đích đến mà là một quá trình kéo dài nhiều năm, cần liên tục thích nghi và thay đổi. DN cần có sự linh hoạt để có thể điều chỉnh chiến lược trong suốt hành trình. Ngày nay, cách tốt nhất để thực hiện là triển khai cơ sở hạ tầng CNTT có tốc độ kết nối cao với TTDL máy chủ. Việc này cho phép các DN di chuyển linh hoạt giữa đám mây công cộng, các TTDL tại chỗ ở nhiều thành phố khác nhau trên toàn cầu.Hoàn thiện cơ sở hạ tầng CNTT là yếu tố sống còn trong quá trình CĐS của DN. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ không dễ dàng đối với các CIO khi thực hiện độc lập về mặt hiệu quả chi phí.

"Tại Digital Realty, chúng tôi cũng đang nỗ lực trên hành trình xây dựng năng lực, tính linh hoạt và không ngừng phát triển để đồng hành cùng DN. Do đó, việc lựa chọn các đối tác trong hệ sinh thái đang nỗ lực cải thiện là điều cần thiết cho DN trong quá trình chuyển đổi của mình".

Những vấn đề DN đang gặp phải khi thực hiện CĐS

Một trong những thách thức lớn nhất liên quan đến CĐS là thực hiện Net-Zero và giảm thiểu phát thải carbon. Khách hàng ngày càng quan tâm đến các nhà cung cấp có cam kết và hành động cụ thể về phát triển bền vững. Nhà cung cấp dịch vụ TTDL cần có chiến lược phát triển bền vững mạnh mẽ với những kết quả thực tế.

Digital Realty thực hiện điều này thông qua các hợp đồng mua điện tái tạo (PPA) để cung cấp năng lượng cho các TTDL, đồng thời cải thiện hiệu quả sử dụng điện. Nếu TTDL được vận hành riêng tại chỗ sẽ không hiệu quả do không thể tận dụng đủ công suất của nó. Thay vào đó, TTDL máy chủ hoạt động tốt hơn vì chúng được cấu hình tối ưu cho nhiều khách hàng./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm dữ liệu và chiến lược cơ sở hạ tầng CNTT là chìa khóa cho chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO