Chuyển đổi số

Trung tâm dữ liệu Việt Nam chuyển dịch xanh, bền vững trong kỷ nguyên AI

Ngọc Diệp 05/09/2024 18:00

Các trung tâm dữ liệu (TTDL) liên tục được mở rộng, dẫn tới những lo ngại về tác động môi trường. Vì thế, xu hướng chung hiện nay là xây dựng các TTDL xanh, bền vững đạt chuẩn quốc tế, từ đó thúc đẩy hạ tầng số, cung cấp nhiều dịch vụ số cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Một số xu hướng và đặc điểm chính của TTDL trong tương lai

Các công nghệ tiên tiến và giải pháp đột phá được cho là chìa khóa giúp chúng ta tiến gần hơn đến mục tiêu phát triển bền vững. Công nghệ có thể hỗ trợ việc kiểm soát carbon, chống biến đổi khí hậu cũng như xử lý các vấn đề về xã hội, quản trị.

Tuy nhiên, chính công nghệ, đặc biệt là các TTDL cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, quản trị. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các TTDL mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ các hệ thống, các công ty, các chu trình phát triển công nghệ hay kinh tế số trong tương lai. Do đó, khi triển khai các TTDL mới cần đi kèm với kế hoạch phát triển bền vững.

Một xu hướng khác ảnh hưởng đến sự phát triển của TTDL đó là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI). Hiện, AI đang được ứng dụng trong mọi ngóc ngách của cuộc sống. Mỗi lần hỏi ChatGPT hoặc sử dụng ứng dụng AI thì nó đều tương tác và truy vấn dữ liệu tại TTDL để xử lý. Đây là yếu tố thúc đẩy và động lực tăng trưởng cho hệ thống TTDL cũng như các dịch vụ ICT trong thời gian tới.

Và chính sự phát triển bùng nổ của AI đã kéo theo nhiều bài toán về điện năng, hiệu năng, mật độ công suất và cả các thách thức về làm mát. Nếu như trước đây và ở Việt Nam bây giờ công suất mỗi rack chỉ tầm 10kW thì với sự xuất hiện AI, công suất mỗi rack có thể lên tới 20, 30, 40, thậm chí 100kW.

img_20240905_200000.jpg
Ông Nguyễn Đình Tuấn: TTDL trong tương lai đầu tiên phải là TTDL xanh

Câu hỏi đặt ra là các TTDL hiện đại và bền vững trong tương lai sẽ như thế nào? Theo chia sẻ của ông Nguyễn Đình Tuấn, Trưởng phòng kỹ thuật Viettel IDC, tại phiên hội thảo quốc tế về TTDL Việt Nam trong khuôn khổ Triển lãm quốc tế Electric & Power Vietnam và HVACR Vietnam năm 2024, TTDL trong tương lai đầu tiên phải là TTDL xanh: sử dụng hiệu quả năng lượng và có mức tiêu thụ điện cho thiết bị CNTT (PUE) thấp; sử dụng các hệ thống công nghệ carbon thấp, năng lượng tái tạo và từng bước phát triển kết nối trong một hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng. Mặt khác, TTDL phải tuân theo các tiêu chuẩn từ bước thiết kế, triển khai, vận hành, đảm bảo an toàn thông tin và các tiêu chuẩn về xanh, phát triển bền vững.

TTDL mới của Viettel được khai trương tại Hòa Lạc hồi tháng 4 vừa qua chính là TTDL tiên phong hiện thực hóa các tiêu chuẩn xanh này. Tại đây, tòa nhà có thiết kế “tổ ong” để tối ưu luồng gió, cách nhiệt, đảm bảo tối ưu hiệu quả làm mát. Đồng thời, tòa nhà sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường. Hệ thống hạ tầng trong TTDL được thiết kế, đầu tư và triển khai sử dụng các thiết bị, công nghệ mới nhất có hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng nhất hiện nay.

TTDL Viettel Hoà Lạc còn sử dụng hệ thống giải nhiệt ly tâm đệm từ, là hệ thống làm mát giải nhiệt nước tiên tiến nhất hiện có trên thị trường dành cho các TTDL. Công nghệ này có hiệu suất làm mát cao hơn các hệ thống làm mát truyền thống hoặc các hệ thống giải nhiệt công nghệ cũ khác khoảng 40%, giúp cho các TTDL sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn, thân thiện hơn với môi trường.

Đồng thời, việc ứng dụng AI trong hệ thống giám sát, quản lý chung của cả TTDL (hệ thống BMS) - thực hiện giám sát, điều chỉnh tự động hoạt động vận hành của TTDL từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tính ổn định, an toàn của hệ thống, đồng thời cũng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, hiệu quả làm mát cho toàn bộ cơ sở.

Quản lý năng lượng hiệu quả trong các TTDL xanh

Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, để các TTDL sử dụng hiệu quả năng lượng thì cần phát triển các module mà ở một số khu vực có mật độ công suất thay đổi có thể điều chỉnh tự động các hệ thống làm mát để tối ưu cho từng khu vực, từ đó giúp tiết kiệm 5 - 10% điện năng tiêu thụ cho hệ thống làm mát trong các TTDL. Đây là yếu tố bắt buộc cần triển khai trong tương lai khi mức tiêu thụ điện năng trong TTDL tăng lên.

"Chỉ cần tiết kiệm 1 - 2% mức điện năng tiệu thụ là có thể giảm phát thải carbon trong TTDL rất nhiều", ông Tuấn cho biết.

img_20240905_195954.jpg
Khách tham quan trải nghiệm công nghệ thực tế ảo, tham quan và tìm hiểu về TTDL Viettel ở Hòa Lạc

Ngoài ra, còn một điểm nữa khá mới và đang chỉ phổ biến ở nước ngoài, ở Việt Nam hiện chưa có, tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đình Tuấn, vòng trong 3 năm tới, nó sẽ gần như trở thành yêu cầu bắt buộc cho các TTDL là hệ thống BMS phải báo cáo được các thông số cơ bản. Các thông số này là các thông số giám sát về hiệu quả và tác động đến môi trường của TTDL. Hiện tại, Bộ TT&TT đang được giao xây dựng, ban hành quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn của TTDL cho Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Tuấn cho biết hiện tại khách hàng ở Việt Nam chưa yêu cầu nhưng một số khách hàng quốc tế đã yêu cầu Viettel IDC báo cáo định kỳ hàng năm và gửi trong phần báo cáo bền vững. Bởi khi DN cam kết sử dụng năng lượng tái tạo và phát thải ròng bằng 0 thì không những họ phải kiểm soát việc trực tiếp phát thải bao nhiêu mà còn kiểm soát trong chuỗi cung ứng, hệ sinh thái các đối tác của họ.

Do đó, khi thuê dịch vụ TTDL của Viettel IDC thì họ yêu cầu Viettel cung cấp thông tin năm nay tiêu thụ bao nhiêu điện, phát thải bao nhiêu khí thải carbon để họ có đối ứng và mua tín chỉ, phát năng lượng tái tạo ở nơi khác bù lại đúng phần mà TTDL tiêu dùng, khi đó họ mới được xác nhận phát thải ròng bằng 0.

Trao đổi về giải pháp để tối ưu và giảm tối đa phần tổn hao năng lượng, ông Tuấn cho biết tổn hao năng lượng trên phần truyền tải là rất lớn. Do đó, khi mức tiêu thụ điện năng cao người ta đẩy dần phần chuyển điện cao thế và trung thế vào sát gần TTDL hơn. Hiện nay, một số TTDL lớn trên thế giới đã sử dụng các hệ thống phân phối điện trung thế và cao thế cho TTDL chứ không dùng hạ thế, điện áp thấp như bây giờ trong TTDL.

Thứ hai là kết nối microgrid và đa nguồn cung cấp điện năng cho TTDL, kết nối vào thành hệ sinh thái kinh tế tuần hoàn, sử dụng tái tạo tất cả các nguồn năng lượng, nguồn nhiệt dư thừa của TTDL để có thể tận dụng tối đa, hạn chế tối thiểu phát thải dư thừa, lãng phí trong TTDL.

Chia sẻ thêm về TTDL xanh mà Viettel IDC mới khai trương, đại diện Viettel IDC cho biết đây là TTDL Viettel đã tổ chức chuẩn hoá cũng như thiết kế theo xu hướng TTDL xanh ngay từ bước lập kế hoạch và triển khai xây dựng. Thiết kế TTDL của Viettel đảm bảo hiệu quả sử dụng năng lượng được tối ưu PUE cam kết dưới 1,5, khi hoạt động ở mức công suất tối ưu có thể đạt PUE 1,4 hoặc 1,45. Đồng bộ với phương án thiết kế khi triển khai kế hoạch, lựa chọn công nghệ, trang thiết bị trong TTDL, Viettel quan tâm và triển khai các hệ thống có hiệu suất rất cao như hệ thống điện, chiller (hệ thống làm mát)...

Điểm đặc biệt là TTDL này triển khai ngay các giải pháp liên quan tới hệ thống giám sát, điều khiển chiller để giám sát, phân tích dữ liệu, từ đó đưa ra các hoạt động sử dụng tối ưu năng lượng trong TTDL. Đây chính là các giải pháp hiện tại mà TTDL Viettel đã triển khai để sử dụng hiệu quả năng lượng.

Viettel cũng cam kết đồng hành với chiến lược, mục tiêu Net Zero của chính phủ, và sẽ triển khai các giải pháp năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh tại TTDL và chuyển dịch sang sử dụng 30% năng lượng tái tạo vào năm 2030./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Trung tâm dữ liệu Việt Nam chuyển dịch xanh, bền vững trong kỷ nguyên AI
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO