Trường đại học đầu tiên tại Việt Nam lập Khoa Trí tuệ nhân tạo
Với lợi thế 27 năm đào tạo công nghệ bậc đại học và sau đại học, việc thành lập Khoa Trí tuệ nhân tạo sẽ giúp Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu hàng đầu Việt Nam về AI.
Đúng ngày truyền thống Ngành TT&TT - 28/8/2024, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) (PTIT) đã tổ chức Lễ công bố Nghị quyết hành lập và ra mắt Khoa Trí tuệ nhân tạo (AI).
Buổi lễ có sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Thanh Lâm, Nguyễn Huy Dũng, Bùi Hoàng Phương, lãnh đạo các Vụ chức năng trực thuộc Bộ. Về phía Học viện có GS. TS Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện, PGS. TS. Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện, PGS. TS. Phạm Văn Cường, Trưởng khoa AI và lãnh đạo các khoa đào tạo, các đơn vị trực thuộc và các phòng ban chức năng thuộc Học viện.
Trong những năm gần đây, trí tuệ nhân tạo, hay AI, đã và đang trở thành một trong những công nghệ cốt lõi, tạo ra những thay đổi đột phá trong mọi lĩnh vực từ y tế, giáo dục, kinh tế đến công nghiệp và giải trí. Thế giới đang chứng kiến một cuộc cách mạng công nghệ 4.0, trong đó AI đóng vai trò như một "chìa khóa vàng" mở ra cánh cửa mới cho sự phát triển của nhân loại.
Và ở Việt Nam, dưới sự định hướng chỉ đạo của Bộ TT&TT, đặc biệt là Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Học viện Công nghệ BCVT đã quyết định thành lập Khoa AI trực thuộc Học viện trên cơ sở tối ưu các nguồn lực cho ngành đào tạo mũi nhọn này.
Tiên phong đào tạo AI là sức mạnh cạnh tranh của Học viện
Là người trực tiếp chỉ đạo thành lập khoa AI, tại buổi Lễ ra mắt khoa AI, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng các lãnh đạo Học viện, Khoa AI và các thầy cô giáo, các em sinh viên Học viện vì sự kiện quan trọng và có ý nghĩa này.
“Chúc tập thể Khoa AI gặt hái được nhiều thành công và góp phần quan trọng vào sự phát triển lĩnh vực AI của Việt Nam”.
Theo Bộ trưởng, Học viện mà muốn thay đổi thứ hạng thì phải đi đầu về cái mới, nhất là trong lĩnh vực công nghệ số (CNS). Đi đầu, tiên phong về CNS sẽ giúp cho Học viện tiến lên trong nhóm đại học (ĐH) dẫn đầu ở Việt Nam.
Học viện phải coi đây là sức mạnh cạnh tranh cốt lõi của mình. AI là công nghệ chính của các CNS, cũng là công nghệ chính của CMCN lần thứ tư. AI sẽ như điện của CMCN lần thứ hai, sẽ có mặt trong mọi mặt, mọi ngõ ngách của đời sống xã hội.
Học viện thành lập Khoa AI đầu tiên tại Việt Nam, cũng như đã thành lập ngành Fintech đầu tiên tại Việt Nam, cũng như lần đầu tiên tổ chức đào tạo ĐH online cho người công nhân, vừa đi học vừa đi làm. Và sắp tới, Học viện sẽ thành lập Viện lãnh đạo và quản lý Việt Nam, đây cũng sẽ là viện đầu tiên ở Việt Nam, tập trung nghiên cứu, giảng dạy về lãnh đạo và quản trị các tổ chức, vừa theo xu thế thời đại, vừa theo cách Việt Nam, phù hợp với thực tiễn, triết lý và văn hóa Việt Nam. Như vậy là, tinh thần đi đầu của Học viện đã dần trở thành giá trị của Học viện.
AI đang tiến hóa nhanh, sẽ còn nhiều thay đổi, bởi vậy, Bộ trưởng nhấn mạnh chương trình đào tạo cần được cập nhật liên tục. Học viện phải theo sát tình hình quốc tế, các chương trình giảng dạy về AI của các ĐH trên thế giới. Chương trình giảng dạy AI của Học viện phải sát với chương trình của các ĐH hàng đầu thế giới.
“AI là mới với tất cả các nước, Việt Nam không phải là nước theo sau, bởi vậy, không có lý do gì để Học viện theo sau”.
Học viện phải tích cực hợp tác với các doanh nghiệp (DN) AI trong nước và quốc tế. Đào tạo nhân lực AI thì phải kết hợp đào tạo ĐH, cao học, tiến sỹ và đào tạo lại. Các kỹ sư điện tử, viễn thông, CNTT, có thể reskill để trở thành kỹ sư AI, để đáp ứng nhanh nhu cầu về nhân lực AI trong ngắn hạn.
Đối với các bạn sinh viên AI của Học viện, Bộ trưởng cho rằng các sinh viên có thể tự hào, và cần phải tự hào là những sinh viên AI đầu tiên của Việt Nam. Các bạn là thế hệ tiên phong của một lĩnh vực tiên phong. “Hãy tận dụng mọi cơ hội để học hỏi. Người mở đường thì sẽ không có giới hạn, không bị giới hạn, vì chưa có định nghĩa”.
Cũng theo Bộ trưởng, AI là để phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc con người, phải đảm bảo sự minh bạch và giải thích được, có trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử, tôn trọng các giá trị đạo đức và quyền con người, bảo vệ quyền riêng tư, tiếp cận bao trùm, đảm bảo an ninh và bảo mật, kiểm soát được, quản lý dựa trên rủi ro, đổi mới có trách nhiệm và khuyến khích hợp tác quốc tế. Đó là những nguyên tắc quản lý và phát triển AI.
Theo đó, Khoa AI của Học viện và các sinh viên của Khoa phải nhận thức sâu sắc những nguyên tắc này để AI luôn phụng sự con người. Khoa AI của Học viện ra đời đúng vào ngày 28/8 - Ngày truyền thống Ngành TT&TT là để truyền đi thông điệp về kế thừa quá khứ và mở ra tương lai của mỗi thế hệ.
Bộ trưởng tin tưởng với tinh thần tiên phong của Học viện, của Lãnh đạo Học viện, với lợi thế, tiềm năng của Học viện, được sự chỉ đạo và bảo trợ của Bộ TT&TT, của Bộ trưởng Bộ TT&TT, được sự hỗ trợ của cộng đồng DN AI trong và ngoài nước, Khoa AI sẽ trở thành khoa đào tạo xuất sắc nhất cho những người xuất sắc nhất để tạo ra những giá trị xuất sắc nhất.
Nghiên cứu và phát triển những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất
Tại buổi lễ, GS. TS. Từ Minh Phương, Chủ tịch Hội đồng Học viện cho biết Khoa AI ra đời với sứ mệnh không chỉ là nơi đào tạo những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực AI, mà còn là trung tâm nghiên cứu và phát triển những giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, đáp ứng nhu cầu cấp bách của xã hội với nhu cầu nhân lực trong ngành AI liên tục tăng cao.
Với tầm nhìn phát triển Khoa AI giai đoạn 2024 - 2025, Học viện sẽ trở thành đơn vị số 1 về đào tạo AI của cả nước cả về nghiên cứu và chất lượng đào tạo; và phấn đấu trong giai đoạn từ năm 2025 - 2035 sẽ nằm trong top 400 - 450 trường ĐH hàng đầu thế giới về nghiên cứu AI.
Đồng thời, GS. TS. Từ Minh Phương cũng cho biết Học viện đẩy mạnh hoạt động của các Phòng Lab nghiên cứu chuyên sâu về AI theo hướng xuất sắc và chất lượng công bố ấn phẩm khoa học theo chuẩn mực quốc tế; mở rộng sự hợp tác với các nhóm nghiên cứu mạnh trên thế giới về AI trong khi tiếp tục hỗ trợ, hợp tác phát triển các sản phẩm AI với các tập đoàn công nghệ lớn.
Chia sẻ về chương trình đào tạo AI của Học viện, PGS. TS. Phạm Văn Cường, Trưởng khoa AI cho biết, Chương trình đào tạo ngành AI của Học viện được xây dựng theo chuẩn mực quốc tế với 2 mảng chính: Học máy và AI ứng dụng dựa trên các chương trình đào tạo tiên tiến từ các trường ĐH lớn, uy tín trên thế giới như Stanford University, Carnegie Mellon University nhằm trang bị cho sinh viên những mảng kiến thức vừa có tính chuyên sâu, hiện đại vừa mang tính thực tiễn cao đáp ứng được nhu cầu nhân lực về chuyên gia AI chất lượng cao hiện nay.
Chương trình cũng bao gồm 1 học kỳ thực tập tại DN hàng đầu về AI trong nước và nước ngoài. Sinh viên học ngành AI tại Học viện còn được dẫn dắt bởi các chuyên gia thỉnh giảng giàu kinh nghiệm đến từ các trường ĐH lớn trên thế giới như ĐH Stanford, MIT, Deakin, UC David, JAIST, KAIST v.v… và các Công ty công nghệ lớn như NVIDIA, Intel, Microsoft, Amazon, Meta, VinAI, FPT, Samsung, NAVER v.v…
“Sự ra đời của Khoa AI là một hành động cụ thể nhằm hiện thực hoá định hướng và cam kết của Học viện trong phát triển nguồn nhân lực AI. Khoa sẽ đóng vai trò đầu tàu trong việc trực tiếp đào tạo ngành AI, cũng như hỗ trợ đào tạo chuyên ngành AI cho các khoa khác trong Học viện”, PGS. TS. Phạm Văn Cường nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ của buổi Lễ, PTIT đã ký và trao các Biên bản thỏa thuận hợp tác với Công ty FPT Smart Cloud và Công ty Ericsson về nghiên cứu, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI. Theo đó, FPT hợp tác với PTIT xây dựng chương trình đào tạo AI, hỗ trợ các hạ tầng tính toán phục vụ nghiên cứu và đào tạo về AI tại PTIT. Ericsson sẽ cung cấp hệ thống Học liệu số Ericsson Educate và các cơ hội thực tập, nghiên cứu, việc làm liên quan tới ứng dụng AI./.