Truyền thông

Truyền thông chính sách từ sớm, từ xa

Ngọc Linh 26/11/2023 10:37

Để nâng cao chất lượng chính sách, tạo đồng thuận xã hội thì việc quan trọng là truyền thông chính sách từ sớm, từ xa. Tức là truyền thông từ khi dự thảo chính sách, huy động nguồn lực xã hội tham gia vào quá trình xây dựng dự thảo.

Hội thảo “Giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật” do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 31/5/2023.

Thời gian qua, việc lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp về xây dựng chính sách và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức đăng tải trên cổng/trang thông tin điện tử của bộ, ngành, địa phương.

Cách làm này đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Một số văn bản quy phạm pháp luật dù thực hiện xong quy trình xây dựng dự thảo nhưng ngay sau khi ban hành đã xuất hiện ý kiến trái chiều từ cộng đồng xã hội.

Sau khi Quyết định số 407/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407) của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, hạn chế trên đã bước đầu được cải thiện.

Nhiều bộ, ngành, địa phương đã có những hành động cụ thể để hoạt động truyền thông chính sách được thực hiện từ sớm, từ xa. Từ đó, tạo đồng thuận trong xã hội, xây dựng ý thức tôn trọng, tuân theo pháp luật của người dân và doanh nghiệp.

Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, Bộ Tư pháp đã quán triệt, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Đề án 407. Kết quả cho thấy, hầu hết các bộ, ngành, địa phương quan tâm, ban hành kế hoạch thực hiện hoặc lồng ghép trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của đơn vị mình.

Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Đào Ngọc Chuyền, với số lượng hội viên gần 17.000 người, đội ngũ luật sư đã và đang truyền thông trên các phương tiện thông tin, truyền thông của liên đoàn và các đoàn luật sư.

Các hình thức như hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo... cũng đã giúp các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về chính sách, văn bản pháp luật, từ đó đồng thuận và có ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương đánh giá, việc triển khai Đề án 407 phù hợp với chủ trương "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” và yêu cầu đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

Đây là khâu đầu tiên của quá trình tổ chức thi hành, đưa pháp luật vào cuộc sống, trong đó bảo đảm gắn kết chặt chẽ với công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật.

Để triển khai Đề án 407 hiệu quả hơn, theo Sở Tư pháp Hà Nội, cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn cụ thể về cách thức tiếp nhận việc góp ý, thông tin phản hồi đối với cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng chính sách; đồng thời, quy định truyền thông dự thảo chính sách là một khâu bắt buộc trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Ảnh minh hoạ.

Theo ông Phan Hồng Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), hoạt động truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, có tính chất hỗ trợ, giúp công tác xây dựng pháp luật đạt hiệu quả, góp phần tạo đồng thuận trong xã hội.

Đề án 407 xác định việc huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận; phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các cá nhân, tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia, cũng như khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức các hoạt động truyền thông về dự thảo chính sách theo quy định.

Qua 1 năm thực thực hiện Đề án 407, theo ông Phan Hồng Nguyên, mặc dù các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách được tổ chức với hình thức khá đa dạng cũng như huy động nguồn lực tham gia, bước đầu đạt một số kết quả quan trọng, tích cực, tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế.

Cụ thể, hiện nay có thực tế là hầu hết các cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người, kinh phí để có thể triển khai hiệu quả nhiệm vụ truyền thông dự thảo chính sách. Việc huy động, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Đoàn Luật sư, các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia, hỗ trợ chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ.

“Để hoạt động truyền thông dự thảo chính sách có hiệu quả, lan tỏa sâu rộng đến được với đông đảo các tầng lớp nhân dân, yêu cầu đặt ra là cần thu hút, huy động được các lực lượng trong xã hội tham gia, đồng hành cùng với các cơ quan chủ trì soạn thảo và hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động truyền thông dự thảo chính sách”, ông Phan Hồng Nguyên cho biết.

Đồng tình với điều này, luật sư Nguyễn Duy Lãm (nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp) cho rằng, để huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách cần có 2 yếu tố là tổ chức nhân sự và nguồn lực ngân sách. Kinh phí cơ bản vẫn là ngân sách Nhà nước, bên cạnh đó, huy động nguồn từ các tổ chức quốc tế và cá nhân trong nước.

Về giải pháp huy động các nguồn lực, theo luật sư Lãm, cần phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật các cấp chỉ đạo các giải pháp cụ thể, phù hợp để phát huy vai trò, trách nhiệm xã hội của các tổ chức hành nghề về pháp luật, đội ngũ nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, chuyên gia tham gia thực hiện truyền thông về dự thảo chính sách, trong đó có việc huy động nguồn kinh phí.

Luật sư cũng nhấn mạnh vai trò của cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Theo đó, các cơ quan này phải chủ động giao cơ quan trực thuộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, trong đó có cơ quan truyền thông, hiệp hội...

Tóm lại, theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), cần tăng cường hơn nữa nhận thức vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Nếu cơ quan chủ trì soạn thảo không xác định được vai trò của mình, không thực sự lắng nghe, không thực sự tạo ra các kênh, cơ chế đủ rộng, đủ chiều sâu trong tiếp nhận các ý kiến phản hồi của các bên liên quan thì hoạch định chính sách và truyền thông chính sách sẽ không hiệu quả. Và chính sách đó khi được ban hành sẽ khó mang hơi thở cuộc sống.

Đồng thời ông Quốc cũng cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa Bộ Tư pháp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông dự thảo chính sách để bảo đảm chất lượng, hiệu quả.

Để có thể đưa thông tin truyền thông chính sách pháp luật một cách chủ động, cần tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thông tấn báo chí bởi truyền thông chính sách là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp.

Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc truyền thông chính sách. Có như vậy, hoạt động truyền thông chính sách, pháp luật mới thực sự hiệu quả, kịp thời...

Theo một cán bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Bộ VHTTDL đã được lập kế hoạch năm từ sớm, thực hiện có chất lượng, hiệu quả các nhiệm vụ được giao năm 2023.

Về hình thức, phương thức phổ biến giáo dục pháp luật, năm 2023, Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo tổ chức truyền thông từ sớm, từ xa các dự thảo chính sách, pháp luật về văn hóa, gia đình, thể thao, du lịch có tác động lớn đến xã hội, tổ chức các hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, đối thoại trực tiếp, lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, tổ chức, cá nhân liên quan đến các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Ngành./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông chính sách từ sớm, từ xa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO