Truyền thông

Truyền thông về chuyển đổi số báo chí trên báo điện tử Việt Nam hiện nay

Trường Thanh 23:07 27/01/2024

Truyền thông về chuyển đổi số (CĐS) và CĐS báo chí là một nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan báo chí. Qua truyền thông, giúp các cơ quan báo chí nhận thức sâu sắc về lợi ích, tính tất yếu của việc CĐS báo chí, từ đó thúc đẩy các cơ quan báo chí thực hiện CĐS.

Truyền thông về CĐS là nhiệm vụ quan trọng của cơ quan báo chí

CĐS là con đường tất yếu của các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, trong đó có các cơ quan báo chí. Việc CĐS báo chí mang đến nhiều lợi thế cho cơ quan báo chí như tăng khả năng tiếp cận, tương tác, khả năng tham gia báo chí của công chúng, nâng cao chất lượng nội dung, giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả công việc và tạo ra các mô hình kinh doanh mới cho kinh tế báo chí.

Tuy nhiên, CĐS vẫn còn là vấn đề không dễ với nhiều cơ quan báo chí. Vì vậy, cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về CĐS báo chí hiện nay để các cơ quan báo chí thấy được lợi ích của việc này.

TS. Vũ Thị Kim Hoa, Trường Đại học (ĐH) Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: Lâu nay, việc truyền thông về CĐS và CĐS báo chí trên các phương tiện thông tin đại chúng đã được đề cập, bàn thảo. Đây chính là khởi nguồn cho quá trình CĐS báo chí.

“Truyền thông về CĐS và CĐS báo chí là nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan báo chí. Qua truyền thông, giúp các cơ quan báo chí nhận thức sâu sắc về lợi ích, tính tất yếu của việc CĐS báo chí, từ đó thúc đẩy các cơ quan báo chí thực hiện CĐS”, TS. Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Các báo đã phản ánh sâu rộng về CĐS báo chí

TS. Vũ Thị Kim Hoa đã tiến hành khảo sát 3 báo điện tử lớn về các bài viết chủ đề CĐS báo chí: báo Nhân Dân điện tử, báo Hà Nội mới và báo điện tử Tiền Phong trong thời gian từ năm 2020 đến tháng 10/2023. Theo đó, báo Nhân Dân điện tử đăng 82 bài về chủ đề CĐS báo chí; báo Hà Nội mới đăng 23 bài; báo Tiền phong điện tử đăng 27 bài.

82 bài báo về CĐS báo chí được đăng trên báo Nhân Dân điện tử tập trung phản ánh những thông tin mà Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam hỗ trợ hoạt động CĐS của các cơ quan báo chí như việc công bố 3 nền tảng hỗ trợ CĐS cho các cơ quan báo chí, bao gồm: Nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; Nền tảng phân tích thông tin dư luận trên mạng xã hội (MXH); Nền tảng phòng, chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí.

Ngoài ra, báo Nhân Dân liên tục đăng tải những thông tin về việc phối hợp hiệu quả giữa các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý và các cơ quan báo chí qua các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo về CĐS báo chí.

Những thành công về CĐS của các cơ quan báo chí cũng được báo Nhân Dân chú trọng đăng tải như bài: “Chiến lược của Báo Nhân Dân để phát triển thành cơ quan báo chí đa phương tiện chủ lực”, ngày 9/3/2022; “VietnamPlus hợp tác Insider thúc đẩy CĐS trong báo chí”, ngày 6/11/2023... cùng nhiều bài viết khác.

TS. Vũ Thị Kim Hoa cho biết, qua khảo sát 82 tác phẩm báo chí về đề tài CĐS báo chí trên báo Nhân Dân điện tử, thấy rằng báo Nhân Dân điện tử đã rất chú trọng đến công tác truyền thông về CĐS báo chí. Không chỉ đưa hàng loạt tin bài về các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, báo Nhân Dân còn trích đăng cả những tham luận có giá trị cao, có những đóng góp thiết thực cho việc CĐS của các cơ quan báo chí...

Báo Hà Nội mới cũng có 23 bài về CĐS báo chí được đăng tải. Không tổ chức thành các hoạt động và các tuyến bài chuyên về CĐS báo chí nhưng các thông tin về CĐS báo chí được Báo Hà Nội mới chú trọng và đăng tải bám sát vào tính thời sự của các sự kiện như: “The Guardian - một hình mẫu điển hình”, ngày 4/11/2023; “Báo Kinh tế & Đô thị kỷ niệm 10 năm thành lập báo điện tử, ra mắt hệ sinh thái số”, ngày 13/1/2023; “Đánh giá, đo lường mức độ CĐS báo chí”, ngày 3/6/2023...

screenshot-36-.png

Báo Hà Nội mới còn đăng tải các ý kiến, xu hướng tất yếu cũng như quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo như: Chủ trương, chính sách về CĐS báo chí thông qua các văn bản chỉ đạo từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, từ Bộ TT&TT và từ các cơ quan báo chí địa phương, tiêu biểu phải kể đến các bài: “Cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong CĐS báo chí”, ngày 14/10/2022; “Đẩy mạnh CĐS trong báo chí để tiếp cận công chúng nhanh hơn”, ngày 11/6/2022...

“Những bài báo đăng trên Báo Hà Nội mới có thể trực tiếp đề cập vấn đề CĐS báo chí hiện nay, có thể bàn về một nội dung trong quá trình CĐS báo chí những tất cả đều thể hiện quan điểm thống nhất về CĐS báo chí tại Việt Nam hiện nay: Đó là hướng đi tất yếu của các cơ quan báo chí trước sự lựa chọn tồn tại và phát triển hay dừng “cuộc chơi” rất khốc liệt này”, TS. Vũ Thị Kim Hoa cho hay.

Báo điện tử Tiền Phong cũng chú trọng đến những thông tin về CĐS báo chí khi đăng 27 bài báo về chủ đề này. Là tờ báo cho đoàn viên thanh niên, Báo điện tử Tiền Phong đã kết hợp được cả hai yếu tố: giới trẻ và CĐS báo chí: “Báo Đoàn hãy gọi tên những việc vĩ đại của đất nước và hướng thanh niên vào đó” đăng tải nguyên văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Lễ trao Giải thưởng Báo chí toàn quốc viết về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi năm 2021, trong đó có đề cập quy hoạch báo chí, mô hình làm báo, chiến lược CĐS báo chí...

screenshot-37-.png

Báo Tiền Phong đã bám sát tình hình thời sự trong việc đưa thông tin về các sự kiện liên quan đến CĐS báo chí. Báo chú trọng đến việc đưa thông tin chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành chỉ đạo về CĐS báo chí như: “Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, báo chí cần thể hiện tính cách mạng, đi đầu trong những vấn đề lớn của đất nước”, ngày 21/6/2022; “Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh cho rằng, báo chí không còn con đường nào khác là phải CĐS”, ngày 22/6/2022...

“Qua các bài đăng trên các báo: Nhân Dân điện tử, Hà Nội mới, Tiền Phong điện tử, có thể thấy rằng, các báo đã chú trọng đến thông tin CĐS báo chí và đã bám sát tình hình thực tế, đã phối hợp tổ chức các hoạt động nghiên cứu trao đổi để tìm ra các giải pháp tốt nhất cho vấn đề CĐS báo chí hiện nay”, TS. Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh.

Đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về CĐS báo chí

Để truyền thông tốt về CĐS báo chí trong tình hình mới, TS. Vũ Thị Kim Hoa đề nghị, các cơ quan báo chí không chỉ phản ánh thực tế mà cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về CĐS báo chí hiện nay.

Các cơ quan báo chí cần phối hợp với các cơ quan, ban, ngành tổ chức các diễn đàn kết nối giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những nhà hoạch định chính sách, những nhà nghiên cứu báo chí với các cơ quan báo chí nhằm tìm ra con đường khắc phục những trở ngại về CĐS, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ quan trọng được Đảng và Nhà nước giao phó.

Để hoàn thành nhiệm vụ này cần sự chỉ đạo sát sao hơn nữa của các cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức những hoạt động truyền thông hiệu quả về CĐS báo chí trên cơ sở phối hợp với các cơ quan báo chí, tạo diễn đàn mạnh mẽ thúc đẩy toàn xã hội tham gia vào hoạt động này. Từ đó, tạo nên một hệ sinh thái báo chí số đáp ứng nhu cầu của công chúng và thực hiện tốt nhiệm vụ thông tin truyền thông của các cơ quan báo chí./.

Bài liên quan
  • Xu hướng phát triển của báo điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số
    Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng với một sản phẩm đồng nhất, thì nay báo điện tử đã hướng tới sự tùy chỉnh, cá nhân hóa theo nhu cầu, từ đó chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo doanh thu lớn hơn.
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Truyền thông về chuyển đổi số báo chí trên báo điện tử Việt Nam hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO