Xu hướng phát triển của báo điện tử trong bối cảnh chuyển đổi số
Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng với một sản phẩm đồng nhất, thì nay báo điện tử đã hướng tới sự tùy chỉnh, cá nhân hóa theo nhu cầu, từ đó chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo doanh thu lớn hơn.
Báo điện tử hướng tới phân phối nội dung hiệu quả
Sau gần 30 năm ra đời và phát triển, báo điện tử Việt Nam đã thể hiện vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy ra đời sau báo in, báo nói và báo hình, nhưng báo điện tử đã phát triển nhanh chóng và có xu hướng gắn bó mật thiết với sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT).
Ứng dụng CNTT, chuyển đổi số (CĐS) giúp các cơ quan báo chí thay đổi phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung; thực hiện hiệu quả các mô hình kinh doanh báo chí để đa dạng hóa nguồn thu, không bị lệ thuộc vào doanh thu quảng cáo, từ đó phát triển nền báo chí dữ liệu, báo chí điện tử có chất lượng, bảo đảm đúng giá trị nguyên bản của báo chí.
Trao đổi về vấn đề này, ThS. Nguyễn Minh Phương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (AJC) cho biết: Công nghệ đã trang bị cho báo chí những khả năng mới, thay vì phục vụ đại bộ phận công chúng với một sản phẩm đồng nhất, thì nay báo điện tử đã hướng tới sự tùy chỉnh, cá nhân hóa theo nhu cầu, từ đó chinh phục các nhóm độc giả mới, phân phối nội dung hiệu quả hơn và tạo ra doanh thu lớn hơn.
Nhà báo Ngô Việt Anh, Phó Trưởng ban Nhân Dân điện tử, Báo Nhân Dân cho hay: Hơn 10 năm trở lại đây, công nghệ đã có sự thay đổi lớn, tác động đến hành vi người dùng Internet và xu thế phát triển của báo chí hiện đại. Nhiều độc giả lớn tuổi vẫn đang giữ thói quen đọc báo in, nhưng tương lai không xa, những người sinh ra trong thế giới số sẽ là nhóm độc giả chủ đạo. Sự phát triển của mạng xã hội (MXH) đã tạo cạnh tranh với báo chí, đồng thời cũng đẩy người dùng lên Internet để tiếp nhận thông tin nhiều hơn.
Theo Quỹ Báo chí Hàn Quốc (KPF), trong 3 năm từ năm 2020 - 2022, số lượng người tiếp nhận thông tin qua các phương tiện truyền thông truyền thống (báo in, phát thanh, truyền hình) sụt giảm mạnh, thay vào đó là tiếp nhận thông tin qua điện thoại di động. Các cơ quan truyền thông Hàn Quốc hiện nay đều phát triển các hình thức truyền thông phù hợp với phương tiện truyền thông mới, trong đó MXH (Naver, YouTube, Facebook, Kakao Talk…) được tận dụng triệt để.
Ở góc nhìn kinh tế, theo một thống kê từ From Digital, năm 2022, doanh thu quảng cáo trên nền tảng số chiếm hơn 50% và giữ mức tăng trưởng ấn tượng trong giai đoạn sau của đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đang tạo áp lực đồng thời cũng là cơ hội của các cơ quan báo chí trên môi trường số.
Các xu hướng phát triển của báo điện tử trong bối cảnh CĐS
TS. Trần Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Giáo dục đại cương và Nghiệp vụ sư phạm, AJC nhấn mạnh: Cơ hội chính của việc số hóa đối với báo điện tử nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung là khả năng tiếp cận đối tượng độc giả rộng lớn bằng cách sử dụng nền tảng trực tuyến.
Các cơ quan báo chí có thể mở rộng tầm ảnh hưởng của họ, thu hút độc giả toàn cầu và tăng doanh thu từ quảng cáo trực tuyến. Ngoài ra, họ cũng có khả năng tạo ra nội dung đa dạng và tương tác hơn, bao gồm video, hình ảnh động, podcast và các tính năng tương tác khác để thu hút độc giả và giữ họ ở lại lâu hơn…
“Bằng cách sử dụng AI và phân tích dữ liệu thông minh, các cơ quan báo chí có thể hiểu rõ hơn về sở thích của độc giả và tạo nội dung phù hợp hơn với họ. Báo chí có cơ hội tạo ra nội dung trả phí, chất lượng cao và độc đáo, mà độc giả sẵn sàng trả phí để truy cập, tạo nguồn doanh thu ổn định”, TS. Trần Thị Thu Hiền cho biết.
Từ thực tế đó, ThS. Nguyễn Minh Phương đã chỉ ra các xu hướng phát triển của báo điện tử trong bối cảnh CĐS hiện nay, cụ thể:
Công nghệ định hướng, dẫn dắt người dùng trở nên phổ biến và là xu thế chủ đạo trong bối cảnh CĐS
Thực tế, ứng dụng AI trong sản xuất, điều hướng nội dung, đáp ứng nhu cầu, sở thích của công chúng đang chiếm ưu thế trong hoạt động báo chí. Nhiều tòa báo lớn trên thế giới tận dụng AI để giúp người đọc tìm kiếm và chọn lựa tin tức phù hợp.
Các cơ quan báo chí tại Việt Nam như: VnExpress, Vietnamplus, Dân trí hay Lao Động cũng như nhiều cơ quan báo chí khác... đã áp dụng AI nhằm tiếp cận công chúng theo cách chủ động và định hướng. Công chúng được cung cấp lượng thông tin vững chắc và cần thiết thông qua việc cập nhật thường xuyên từ trang báo điện tử về các vấn đề quan tâm.
Báo điện tử có sự tổng hợp của công nghệ đa phương tiện, nghĩa là không chỉ văn bản, hình ảnh mà cả âm thanh, video và các chương trình tương tác khác. Không bị giới hạn bởi khuôn khổ, số trang, không bị phụ thuộc vào khoảng cách địa lý nên báo điện tử có khả năng truyền tải thông tin đi khắp toàn cầu với số lượng không giới hạn.
Là kênh thông tin gần gũi và dễ tiếp cận với người dân trong công tác truyền thông
Nhờ có Internet và ứng dụng CNTT mà người dân có thể thao tác, tìm kiếm thông tin trên báo điện tử một cách chủ động và không bị giới hạn về không gian và thời gian. Ở bất kỳ nơi đâu chỉ cần một chiếc máy tính, một chiếc điện thoại hay máy tính bảng có kết nối Internet là bạn đọc có thể thỏa sức tìm kiếm các thông tin trên báo điện tử ở tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội…
Gắn kết hơn với MXH
Báo điện tử lan toả thông tin dễ dàng hơn qua MXH, đồng thời cũng trở thành nguồn cung cấp thông tin khổng lồ. Trên các tờ báo điện tử hiện nay, ở mỗi bài báo đều được thiết kế để có thể chia sẻ ngay lập tức đến các MXH như Facebook, Youtube, Twitter, Zalo, Google+,… nếu người đọc nhận thấy bài báo hay, có giá trị.
Bên cạnh đó, để kết nối nhanh chóng và dễ dàng hơn với người đọc, nhiều tờ báo điện tử đã lập trang fanpage trên Facebook, MXH được nhiều người Việt Nam dùng nhất hiện nay.
Thể loại đa dạng và chuyên sâu hơn
Xu hướng chung về thể loại báo chí trong đó có báo điện tử hiện nay là đan xen, hòa quyện và chuyển hóa giữa các nhóm và các thể loại khác nhau, giữa các thể loại tường thuật, phóng sự, điều tra, phỏng vấn… đều có các yếu tố của những thể loại khác. Tuy nhiên, sự đan xen, hòa quyện này diễn ra ở một mức độ nhất định nên không làm thay đổi bản chất của từng thể loại mà tạo nên sự đa dạng, sinh động về phương diện các thể loại báo chí nói chung.
Riêng đối với báo điện tử, trong những năm gần đây, những tờ báo lớn ở Việt Nam như Thanh Niên Online, báo VietnamPlus, báo VOV, báo VietNamNet… đã bắt đầu thực hiện, phát triển những thể loại báo chí mới như “bài báo phong cách tạp chí" (e-magazine) hay “siêu tác phẩm báo chí” (megastory) và xem đây là một trong những lợi thế cạnh tranh, thu hút độc giả. Điều này cũng thể hiện được sự nhanh nhạy của báo mạng điện tử nước ta trong việc bắt kịp xu hướng phát triển của báo mạng điện tử trên thế giới.
Thông tin chuyển tải thông qua các thiết bị di động
Báo điện tử có lợi thế cung cấp thông tin, truyền tải qua các thiết bị di động. Để đáp ứng sự thay đổi trong cách thức tiếp nhận thông tin của công chúng ngày nay, báo điện tử đã tạo ra những phiên bản cho điện thoại di động (mobile) hoặc thiết kế tờ báo theo hướng hiện đại, tiện ích, có khả năng tự động tương thích với các loại thiết bị khác nhau như máy tính cá nhân, máy tính bảng, điện thoại thông minh...
Ngoài ra, giao diện bài viết được thiết kế trên báo điện tử thường dễ tìm kiếm và chia sẻ. Các bài đăng trên báo điện tử đều được thiết kế để người đọc có thể dễ dàng chia sẻ đến các MXH. Thông tin từ khi thu nhận đến khi phát hành đều được diễn ra rất nhanh chóng, với những thao tác hết sức đơn giản nên báo mạng điện tử có thể tức thời và phi định kỳ, luôn sống 24h/ngày, 7 ngày/tuần.
Báo điện tử chiếm ưu thế tuyệt đối trong việc thiết lập các diễn đàn, các cuộc giao lưu, bàn tròn, phỏng vấn trực tuyến… nhằm tăng mối quan hệ giữa toà soạn với độc giả, độc giả với nhau, tạo cơ hội cho độc giả có thể giao lưu, trao đổi với nhân vật mình quan tâm, yêu thích.
Báo điện tử có thể xem là một thư viện đúng nghĩa, người đọc không chỉ xem các tin, bài hiện tại, mà còn đọc được những tin, bài trong quá khứ...
Tuy nhiên, ThS. Nguyễn Minh Phương cũng chỉ ra những hạn chế của báo điện tử trong bối cảnh CĐS là tính chính xác của thông tin. Bên cạnh đó, công tác quản lý và định hướng thông tin trên báo điện tử chưa được chú trọng và chưa thực sự hiệu quả.
Ngoài ra, với một khối lượng thông tin khổng lồ mang nhiều màu sắc và nội dung trên các trang báo điện tử, người đọc dễ bị rơi vào một ma trận thông tin, do vấn đề quản lý và kiểm soát thông tin chưa chặt chẽ…
Để giải quyết vấn đề trên, ThS. Nguyễn Minh Phương cho rằng, cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực báo chí. Đào tạo đội ngũ phóng viên vừa hồng, vừa chuyên (vừa có nghiệp vụ, chuyên môn vừa có đạo đức) là nhu cầu cấp thiết.
“Đội ngũ nhà báo, phóng viên cần được chuẩn hóa, đặc biệt đối với những người mới vào nghề. Họ cần bảo đảm các tiêu chí như: có bằng trung cấp lý luận chính trị trở lên, có bằng đại học ngành báo chí ở những cơ sở đào tạo báo chí uy tín, có truyền thống và chuyên nghiệp”.
Đồng thời, cần có một chính sách quản lý và cơ chế hoạt động dành riêng cho báo điện tử để phù hợp với sự phát triển của đất nước cũng như xu thế của thế giới, với các tiêu chí tham khảo như: quản lý chặt chẽ về tư tưởng - chính trị, chuyên môn và kỹ thuật, cơ chế thông thoáng và rộng mở về hoạt động./.