Tư duy số giúp gia tăng giá trị nguồn dữ liệu

Đỗ Minh| 29/12/2022 08:32
Theo dõi ICTVietnam trên

Việc khai thác dữ liệu và đảm bảo an toàn an ninh dữ liệu cần áp dụng theo phương thức phân loại theo các cấp độ và không nên lãng phí khi đi theo xu hướng xây dựng các Trung tâm dữ liệu riêng".

Đó là một trong số những chia sẻ của ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) tại buổi tọa đàm với chủ đề "Khai thác hiệu quả dữ liệu trong khu vực Nhà nước trên cơ sở đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân". Sự kiện do IPS thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) tổ chức ngày 28/12, thu hút được đông đảo các đơn vị khối cơ quan nhà nước, chuyên gia tham dự.

Cần nghĩ đến phương thức sử dụng nguồn dữ liệu có trả phí

Nối tiếp cho quan điểm của mình, ông Nguyễn Quang Đồng cho rằng việc đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của công dân hiện nay rất quan trọng, do đó, để làm tốt, hiệu quả vấn đề này chúng ta cần xây dựng các chính sách phân loại dữ liệu, ban hành các cơ chế khai thác dữ liệu.

"Các đối tượng là các doanh nghiệp (DN) tư nhân khi tiếp cận, khai thác dữ liệu cần tuân thủ, áp dụng đúng theo các quy định pháp luật ban hành", ông Nguyễn Quang Đồng lưu ý.

Bên cạnh đó, cần có danh mục dữ liệu ưu tiên, tránh dàn "hàng ngang" và cần phải có lộ trình ưu tiên thực hiện theo giai đoạn, thời gian ấn định để đảm bảo các dữ liệu ưu tiên được tối ưu hoá, hiệu quả khi sử dụng.

Tư duy số giúp gia tăng giá trị nguồn dữ liệu - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Đồng

Hơn nữa, khi chúng ta xây dựng nguồn dữ liệu cần hình thành hệ ý thức số, ý thức số liệu; dữ liệu cần có kiến trúc, tiêu chuẩn số để kết nối; có định chuẩn… Và tất cả điều này nếu đảm bảo được thực hiện sẽ hình thành nên hệ thống dữ liệu của ngành, lĩnh vực.

Ông Nguyễn Quang Đồng phân tích thêm, việc chúng ta xây dựng khung chuẩn dữ liệu và định chuẩn dữ liệu vẫn là chưa đủ nếu thiếu đi một tư duy số. "Tư duy số sẽ giúp các dự án CNTT, lợi ích nguồn dữ liệu số gia tăng chặt chẽ, đồng bộ và không gây ra tình trạng cục bộ, dàn trải, yếu kém về nguồn dự liệu", ông Nguyễn Quang Đồng nhấn mạnh.

Đặc biệt, chúng ta cần xây dựng danh mục dữ liệu tiềm năng đối với các lĩnh vực: Bản đồ, đất đai; du lịch; dân cư; thời tiết,; Y tế; tài nguyên. Hơn nữa, ở các lĩnh vực tiềm năng này có thể áp dụng, lựa chọn theo 02 phương cách khai thác dữ liệu: Nội bộ trong các cơ quan nhà nước hoặc theo hướng mở (sử dụng nguồn dữ liệu có trả phí).

Dữ liệu thô là nguồn "căn bản" để giúp dễ dàng chuẩn hóa dữ liệu

Ở quan điểm khác, khi nói về các vấn đề, giải pháp để khai thác tài nguyên dữ liệu khu vực công quản trị nhà nước muốn đạt hiệu quả, lợi ích cao, PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) nhấn mạnh, chúng ta cần làm rõ trách nhiệm trong việc xuất bản dữ liệu và cần phải trao quyền, năng lực, chủ động dữ liệu cho những bên, đơn vị có sử dụng, liên quan khi xây dựng, hoàn thiện, sử dụng dữ liệu. Đặc biệt, trách nhiệm này cần hướng đến đổi mới, ban hành các chính sách chuẩn, minh bạch, rõ ràng; phải có quy trình hoạt động, sử dụng dữ liệu…

Hơn nữa, khi nói đến các vấn đề dữ liệu thuộc phạm vi, quản lý khu vực công trong hệ thống các cơ quan nhà nước, chính phủ, chính là chúng ta đang nói đến lĩnh vực, phạm vi rộng, đa lĩnh vực. Nó được hợp nhất từ đa nguồn dữ liệu: Cộng đồng; cá nhân, ngành, lĩnh vực...

"Vì điều này, tựu chung nguồn dữ liệu chính phủ luôn phải có nhân tố then chốt "biểu đồ ven" - vì điều này giúp chúng ta nhìn rõ được sự tương quan khi sử lý dữ liệu, sử dụng dữ liệu, quản lý dữ liệu hiệu quả, bền vững", PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh nhấn mạnh.

Mặt khác, theo PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh, khi nói về những điều kiện, thuộc tính cơ bản cần phải có để chúng ta sử dụng, khai thác nguồn dữ liệu hiệu quả trong khu vực công quản trị nhà nước - điều cần chính là phải có nguồn "căn bản" dữ liệu thô. Khi chúng ta có nguồn dữ liệu thô, chúng ta mới chủ động phân tích thông tin, tổng hợp thông tin, xử lý thông tin ban đầu được đảm bảo có kiểm soát, chủ động để chuẩn hóa nguồn dữ liệu.

Tư duy số giúp gia tăng giá trị nguồn dữ liệu - Ảnh 2.

Mở rộng hơn cho quan điểm của mình, khi nói về vấn đề làm thế nào để tăng hiệu quả dữ liệu để thúc đẩy, phát triển chính phủ điện tử, hướng đến Chính phủ số đang mạnh mẽ ở Việt Nam hiện nay, PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh cho rằng, chúng ta cần thực hiện mạnh mẽ theo quy trình 06 bước: Áp dụng kỹ thuật số từ khi thiết kế; coi dữ liệu là trụ cột; Chính phủ như một nền tảng; đảm bảo mặc định các quy trình số công khai; định hướng người dùng; sự chủ động, làm chủ các kỹ thuật, số hoá.

Đặc biệt, khi coi dữ liệu là trụ cột cần lưu ý tập trung cho các yếu tố: Xuất bản dữ liệu theo hướng thành các bộ dữ liệu (không công bố cấu trúc dữ liệu để đảm bảo an toàn thông tin); cung cấp các bộ dữ liệu theo các tiêu chuẩn dữ liệu "5 sao"; định nghĩa danh mục theo tiêu chuẩn cấp đo lường (DCAT); quản lý tốt các thông tin được lưu trữ (metadata); cung cấp các ứng dụng mẫu cho việc sử dụng các tập dữ liệu mở.

Cụ thể, khi nói về một trong các yếu tố quan trọng nêu trên, PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh nói rõ về việc cung cấp các bộ dữ liệu theo các tiêu chuẩn dữ liệu 5 sao phải đảm bảo: Dễ dàng truy cập; khả dụng, dễ đọc với máy tính; đáp ứng các tiêu chí DCAT; có giấy phép.

"Dữ liệu phải được sẵn sàng trên web nhưng với một giấy phép mở (dữ liệu mở); dữ liệu có cấu trúc, tính chất máy tính đọc được trên các hệ điều hành máy tính; sử dụng tiêu chuẩn mở để xác định các đối tượng; liên kết các dữ liệu khác để cấp ngữ cảnh dữ liệu", PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh nhấn mạnh thêm.

Chưa dừng lại ở các quan điểm trên, cũng theo PGS. TS. Hoàng Hữu Hạnh, muốn khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên dữ liệu khu vực công quản trị nhà nước chúng ta cũng cần tham khảo, học hỏi các kinh nghiệm thành công ở một số quốc gia trên thế giới, vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam.

Đánh giá cao quan điểm chia sẻ của các chuyên gia nêu trên, đại diện lãnh đạo Đà Nẵng, đơn vị được coi là đi đầu, đạt hiệu quả trong việc khai thác dữ liệu trong khu vực công trong lĩnh vực xử lý hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) chia sẻ các kết quả đạt được của mình.

Theo đó, địa phương này từ nhiều năm trước đã yêu cầu các sở, ngành, quận huyện phải xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) và sử dụng phần mềm quản lý Nhà nước chuyên ngành (tiếp nhận hồ sơ trực tuyến; đồng bộ kết quả TTHC để hình thành CSDL kết quả TTHC)…

Đồng thời, đến nay, địa phương này đã hoàn thiện các CSDL nền dùng chung (công dân, nhân hộ khẩu, doanh nghiệp, TTHC, đất đai…). Đặc biệt, địa phương này đã sử dụng CSDL đất đai đã thay thế giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất khi làm TTHC; sử dụng CSDL nhân khẩu, công dân thay thế số hộ khẩu, CMND; sử dụng CSDL DN, hộ kinh doanh cá thể thay thế Giấy chứng nhận ĐKKD…

Để có được những kết quả này, theo đại diện Đà Nẵng, tất cả là nhờ có sự chỉ đạo, quyết tấm của các lãnh đạo, các cấp chính, ban ngành, đoàn thể và sự ủng hộ của người dân. 

"Khi thay đổi tư duy, cách làm truyền thống sang dựa trên các nền tảng số, giải pháp số nghĩa là chúng ta đang hình thành tư duy số. Nhờ tư duy số, việc cải cách TTHC trở nên hiệu quả và quan trọng lâu dài giúp chúng ta dần hình thành, sử dụng nguồn dữ liệu số phong phú, hiệu quả trong quản lý, phục vụ người dân ngày một tốt hơn, bền vững", đại diện lãnh đạo Đà Nẵng nêu quan điểm"./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Tư duy số giúp gia tăng giá trị nguồn dữ liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO