Từ thiện trên mạng xã hội – Thật giả lẫn lộn

PV| 04/11/2021 21:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Lập các trang mạng xã hội, với danh nghĩa hoạt động từ thiện để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà hảo tâm là thủ đoạn mới mà Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cảnh báo người dân.

Cảnh giác với những bài đăng trên mạng xã hội kêu gọi từ thiện

Ngày 1/11/2021, Công an Hải Phòng thông tin đã khởi tố Trần Văn Mạnh (25 tuổi) về hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản" bằng hình thức kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội Facebook, gây ảnh hưởng xấy đến tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Đối tượng Mạnh đã sử dụng điện thoại cá nhân lập nhiều tài khoản Facebook, rồi tìm kiếm và sao chép các bài viết có nội dung kêu gọi từ thiện của người khác, chỉnh sửa bài viết, sau đó ghép thông tin tài khoản cá nhân của mình ở cuối bài để nhận tiền, rồi đăng lên các hội, nhóm để kêu gọi ủng hộ từ thiện. Qua đó, Mạnh đã chiếm đoạt khoảng 600 triệu đồng của hàng trăm người.

Trước đó, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Hà Nam, bắt giữ Trần Văn Lâm (23 tuổi, thường trú tại Hà Nam) để điều tra về hành vi lập fanpage Facebook kêu gọi người dân ủng hộ tiền từ thiện rồi chiếm đoạt.

Theo kết quả điều tra, từ tháng 9/2020, Lâm lập trang fanpage Facebook "Hỗ trợ trẻ em" và đăng gần 250 bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, chủ yếu là câu chuyện về các cháu nhỏ mắc bệnh nặng. Tin vào những thông tin này, hàng ngàn nhà hảo tâm gửi tổng số tiền hơn 6,6 tỉ đồng đến tài khoản ngân hàng do Lâm tạo lập, quản lý.

Đối tượng Lâm khai nhận điều hành 7 trang fanpage Facebook khác nhằm mục đích tương tự gồm: "Quỹ bảo trợ trẻ em", "Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam", "Phật tại tâm", "Chia sẻ yêu thương kết nối yêu thương", "Quan thế âm bồ tát", "Chia sẻ yêu thương", "Kết nối yêu thương"... đã bị cơ quan chức năng triệt phá.

Hãy để lòng tốt trao gửi đúng chỗ

Thủ đoạn các đối tượng thường dùng là tạo lập các trang mạng xã hội trên Facebook, sau đó đăng tải các bài viết, tạo dựng những nội dung không có thật về các hoàn cảnh đang gặp khó khăn, hoạn nạn cần được giúp đỡ; Giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được nhà nước cho phép. Sau đó, đối tượng đăng tải các bài viết, kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ; Sử dụng các bài báo viết về các hoàn cảnh khó khăn đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để dẫn nguồn trên Fanpage Facebook; Đăng kèm số tài khoản ngân hàng tiếp nhận từ thiện do các đối tượng tự tạo lập quản lý, để tiếp nhận nguồn tiền ủng hộ.

Từ thiện trên mạng xã hội – Thật giả lẫn lộn - Ảnh 1.

Nhiều đối tượng tham gia lừa đảo, chiếm đoạt tiền từ thiện trên mạng xã hội đã bị cơ quan công an bắt và khởi tố.(Ảnh minh họa)

Do rất nhiều người luôn có sự đồng cảm với những người nghèo khổ, những đứa trẻ đói khát, bệnh tật nên bọn tội phạm thường lợi dụng, chiếm đoạt số tiền từ thiện  không hề nhỏ. Theo quy định pháp luật, dùng thủ đoạn gian dối: Giả danh cơ quan tổ chức, nạn nhân, đưa ra các thông tin gian dối để có được tài sản của các nhà hảo tâm; Chiếm đoạt từ 2 triệu đồng trở lên có thể xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, nếu người nào đứng ra kêu gọi quyên góp từ thiện, họ đưa ra những thông tin gian dối là đã trao, tặng. Song thực tế, họ không thực hiện hoặc lợi dụng uy tín để nhận tiền của người khác, sau đó gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt một phần tiền hoặc toàn bộ số tiền đó, thì đây là hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại điều 175 bộ luật hình sự năm 2015, với số tiền từ 4 triệu đồng trở lên.

Không chỉ thiệt hại về tiền của, thời gian của những nhà hảo tâm, sau những vụ việc lừa đảo, niềm tin về lòng tốt trong xã hội chẳng những không được bồi đắp, mà còn mai một. Đó là một thực trạng đáng buồn, đáng lên án. 

Trên thực tế, trách nhiệm của những vụ việc này, không chỉ dành cho đối tượng lừa đảo, mà còn từ sự cả tin, thiếu kiểm chứng, xác thực từ các nhà hảo tâm. Do đó, để lòng tốt được trao gửi đúng chỗ, những người có tấm lòng thiện nguyện nên lựa chọn các quỹ, chương trình từ thiện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội, quỹ từ thiện được cơ quan có thẩm quyền cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần báo cho cơ quan công an gần nhất để kịp thời xử lý.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Từ thiện trên mạng xã hội – Thật giả lẫn lộn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO