Tương lai của Internet trong kỷ nguyên thông minh sẽ như thế nào?
Từ bản thiết kế đầu tiên vào năm 1973, sau 50 năm, Internet đã trở thành một trong những hạ tầng thiết yếu, quan trọng bậc nhất của nhân loại.
Mới đây, tại hội nghị VNNIC Internet Conference 2023, ông Vinton G. Cert, người được mệnh danh là “Cha đẻ của Internet”, đã đưa ra những thông điệp về tương lai của Internet trong kỷ nguyên thông minh.
Internet phát triển rộng khắp, cần đảm bảo an toàn
Trước hết là về sự phát triển của hạ tầng Internet: ngày càng đa dạng phương thức kết nối giúp tăng khả năng truy cập Internet với tốc độ cao hơn. Có thể kể đến phương thức kết nối Internet như vệ tinh (những vệ tinh tầm thấp quanh Trái đất như Starlink, OneWeb…), cáp quang dưới biển liên kết các lục địa, bên cạnh đó là Internet di động, kết nối WiFi, 3G, 4G, 5G và sắp tới là 6G... sẽ giúp “khả năng truy cập Internet đáp ứng tới từng inch vuông trên bề mặt trái đất” với tốc độ ngày càng được cải thiện.
Việc tiếp cận Internet sẽ ngày càng phổ cập với không gian ứng dụng được mở rộng rất lớn. IPv6 đã mở đường cho kỷ nguyên mới của Internet. Thiết kế ban đầu, Internet sử dụng địa chỉ IPv4 (32 bit) và không đáp ứng được không gian địa chỉ cho sự mở rộng Internet đang diễn ra nhanh chóng với số lượng địa chỉ hạn chế.
Năm 1996, IPv6 được phát triển, với chiều dài gấp 4 lần so với IPv4, không gian được mở rộng gần như vô hạn, đủ để giải quyết vấn đề địa chỉ cho kết nối Internet trong tương lai. Tuy nhiên, hiện nay, thế giới mới có khoảng 35 - 40% mạng chạy IPv6.
Ông Vinton G. Cert nhấn mạnh, Internet cần chuyển đổi 100% sang IPv6 để tận dụng ưu việt của IPv6.
Về vấn đề này, các chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực Internet nhận định, Internet đang bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ, kết nối không chỉ người – thiết bị mà mở rộng kết nối vạn vật, đặc biệt các thiết bị thông minh.
Sự phát triển của Internet toàn cầu gắn với việc ứng dụng, triển khai IPv6. Internet đang chuyển sang giai đoạn sử dụng chủ đạo IPv6, thể hiện ở: Thứ nhất, quá trình chuyển đổi từ IPv4 sang IPv6 đang tăng tốc; Thứ hai, sự chuyển dịch từ các mạng hoạt động song song IPv4/IPv6 sang thuần IPv6; Thứ ba, IPv6 đang phát triển theo hướng IPv6+.
IPv6 sẽ đáp ứng yêu cầu khách quan của việc không ngừng mở rộng mạng trong tương lai, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số trong nhiều lĩnh vực và trở thành một hướng mới của đổi mới công nghệ số toàn cầu.
Vinton Gray Cerf (Vinton G. Cert) – người được mệnh danh là “cha đẻ của Internet” gắn với phát minh về Giao thức Điều khiển Truyền dẫn và Giao thức Internet (TCP/IP) – cơ sở cho Internet hiện tại.
Ông hiện là Phó Chủ tịch kiêm Trưởng nhóm truyền bá Internet của Google, Chủ tịch Hiệp hội máy tính Quốc tế (ACM). Năm 2022, vượt qua 970 đề cử trên toàn cầu, ông Vinton G. Cerf là 1 trong 5 nhà khoa học nhận được giải thưởng chính VinFuture 2022. Đây là một trong những giải thưởng khoa học công nghệ lớn nhất trên toàn thế giới thế giới.
Bên cạnh việc xác định tầm quan trọng của IPv6 với Internet trong tương lai, ông Vinton G. Cert nhấn mạnh vấn đề đảm bảo an toàn, bảo mật cho hạ tầng Internet; đảm bảo an toàn từ gốc thông qua các biện pháp củng cố cho sự an toàn và bảo mật của các hệ thống cơ bản, hoạt động thông tin định tuyến, hệ thống máy chủ tên miền. Đối với vấn đề định tuyến, để ngăn ngừa nguy cơ mất an toàn trong quá trình định tuyến do giả mạo vô tình hoặc cố ý, cần các biện pháp bảo mật thông tin định tuyến.
Tương tự, đối với hệ thống máy chủ tên miền, cần các tiêu chuẩn bảo mật cho hệ thống máy chủ (như DNSSEC) giúp đảm bảo việc xác thực và toàn vẹn của dữ liệu trong trong thông tin trả lời truy vấn tên miền của hệ thống DNS. Mặc dù tiêu chuẩn DNSSEC đã được triển khai sẵn sàng từ rất sớm, trên hệ thống tên miền gốc do IANA/ICANN quản lý (từ năm 2010) và trên hầu hết toàn bộ các đuôi tên miền cấp cao (TLD) do các quốc gia, tổ chức quản lý.
Tuy nhiên, theo ông Vinton, số lượng tên miền được ký DNSSEC hiện tại vẫn còn thấp, chúng ta sẽ còn nhiều việc phải làm để thúc đẩy việc ứng dụng và tham gia của tất cả các bên.
Trước nguy cơ về mất an toàn trên không gian mạng, ông Vinton G. Cert cũng nêu tầm quan trọng và yêu cầu ngày càng cao trong việc bảo mật, xác thực thông tin. Ứng dụng các biện pháp xác thực mạnh, bao gồm xác thực hai lớp sẽ giúp giải quyết vấn đề an toàn trên không gian mạng. Đồng thời, ông Vinton G. Cert khuyến cáo người sử dụng Internet cần quan tâm, nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của các biện pháp này.
Internet vượt khỏi phạm vi trái đất, kết nối các hành tinh
Nhìn về phía trước, trong bức tranh tổng thể về Internet trong tương lai, ông Vinton G. Cert đã chia sẻ thêm về dự án phát triển mở rộng Internet trên khắp hệ mặt trời, ban đầu là để hỗ trợ kết nối các tàu thám hiểm không gian có người lái và robot mà không chỉ sử dụng liên kết vô tuyến điểm tới điểm.
Những nghiên cứu đầu tiên về Internet ngoài phạm vi trái đất đã được tiến hành từ những năm 1998 và còn phải hoàn thiện do vấn đề khoảng cách giữa các hành tinh, phải mất vài phút đến vài giờ, thậm chí vài ngày để các tín hiệu truyền đi với tốc độ ánh sáng giữa các điểm đến của các hành tinh khác nhau, đến các tiểu hành tinh hoặc mặt trăng của các hành tinh khác nhau trong hệ mặt trời. Điều đó đã dẫn đến việc ra đời bộ giao thức (giao thức Bundle - Bundle Protocol suite) có xem xét đến vấn đề khoảng cách giữa các hành tinh.
Theo ông Vinton G. Cert, các giao thức mới này đã chạy trên trạm vũ trụ quốc tế trong hơn một thập kỷ, được triển khai trong các hệ thống thực tế trên sao Hỏa trong thời gian khám phá trước đây. Chúng đang được áp dụng trở lại cho các dự án quay lại mặt trăng của Mỹ hay dự án du hành vũ trụ từ các quốc gia khác.
Ngoài ra, ông Vinton G. Cert cho biết thêm, vào những năm 2030 sẽ tập trung rất nhiều vào cuộc chạy đua đến Mặt trăng, bao gồm cả sao Hỏa. Hy vọng là chúng ta sẽ thực hiện được sứ mệnh gửi con người lên sao Hỏa và có thể xa hơn nữa. Vì vậy, có rất nhiều điều mong đợi về triển khai Internet có thể kết nối giữa các hành tinh khi chúng ta du hành ngoài Trái đất./.