Ứng dụng AI để giải bài toán y tế bền vững

PV| 24/06/2021 11:23
Theo dõi ICTVietnam trên

Chỉ mất vài giây cho mỗi ca chụp, VinDr đã cho kết quả với độ chính xác trung bình trên 90% trong việc chẩn đoán, phát hiện và khoanh vùng đa dạng tổn thương trên phổi, gan, vú và mới đây nhất là cột sống.

Như vậy, chỉ sau 1 năm đi vào hoạt động, ứng dụng AI – VinDr của Viện VinBigdata, thuộc Tập đoàn Vingroup đã trở thành "trợ thủ" hỗ trợ đắc lực cho các bác sĩ , đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh hiện nay.

“Trợ thủ” đắc lực của đội ngũ bác sĩ

Một năm trước, đội ngũ chuyên gia nghiên cứu công nghệ ứng dụng cho y tế thông minh tại Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata (thuộc Tập đoàn Vingroup) đã công bố ra mắt VinDr - phiên bản đầu tiên của giải pháp phân tích hình ảnh y tế toàn diện ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong giai đoạn này, VinDr phát triển 4 tính năng chẩn đoán trên ảnh X-quang lồng ngực, X-quang tuyến vú, CT lồng ngực và CT gan mật. Thử nghiệm lâm sàng hai giải pháp chẩn đoán bệnh lý phổi và ung thư vú trên hình ảnh X-quang tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho thấy VinDr có ảnh hưởng tích cực lên nhận định của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh. Cụ thể, độ đồng thuận giữa các bác sĩ tăng tới 8.7% sau khi tham khảo kết quả chẩn đoán của AI.

Sau hơn 1 năm tiếp tục nghiên cứu và phát triển, VinBigdata đã tiếp tục phát triển thành công tính năng chẩn đoán X-quang cột sống, phát hiện 6 loại tổn thương phổ biến tại Việt Nam, bao gồm: gai xương; hẹp khe đĩa đệm; vật liệu phẫu thuật; hẹp lỗ tiếp hợp; trượt đốt sống và xẹp đốt sống với độ chính xác khoảng 90%.

Ứng dụng AI để giải bài toán y tế bền vững - Ảnh 1.

TS Nguyễn Quý Hà, Giám đốc trung tâm Xử lý ảnh y tế VinBigdata cho biết, hiện nay nhóm dự án đang khởi động triển khai một dự án mới là ứng dụng AI trong nội soi tiêu hóa. Giải pháp hướng đến đưa AI tích hợp với máy nội soi, khi bác sĩ di chuyển đầu dò nội soi đến đâu, máy có thể nhìn thấy những tổn thương ngay tại chỗ và đưa ra gợi ý tức thời. Đây là hướng đi mới trong chẩn đoán hình ảnh động, hứa hẹn là bước tiến cho ngành chẩn đoán hình ảnh y tế tại Việt Nam.

Theo TS Hà, cùng với 5 tính năng chẩn đoán ảnh y tế đã ra mắt, hai tính năng còn lại gồm MRI sọ não và CT sọ não dự kiến sẽ hoàn thiện và đưa vào ứng dụng cuối năm 2021.

"Các sản phẩm công nghệ đưa vào thực tế đều dựa trên những chuẩn mực cao nhất về nghiên cứu và phát triển, được đánh giá bởi chuyên gia đến từ những tạp chí và hội thảo uy tín trong lĩnh vực. Đây chính là nền tảng quan trọng để các sản phẩm đạt hiệu quả tốt nhất và tạo được lòng tin từ bác sĩ và chuyên gia y tế", TS Nguyễn Quý Hà cho biết thêm.

Ứng dụng AI để giải bài toán y tế bền vững - Ảnh 2.

Khát vọng xây dựng y tế thông minh tại Việt Nam

Chứng minh được cả tốc độ và tính chính xác nổi trội, VinDr hiện là cánh tay nối dài đắc lực của đội ngũ bác sĩ tại 11 bệnh viện, phòng khám thuộc nhiều tỉnh thành trong cả nước như Hà Nội, Phú Thọ, Hải Phòng, Lâm Đồng, Bình Định… Đồng thời, giải pháp cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc trao đổi dữ liệu chẩn đoán giữa các tuyến, hướng tới đảm bảo hệ thống y tế vận hành thông suốt trong cả nước.

Theo GSVũ Hà Văn, Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) chia sẻ. “Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một lực lượng y tế rất lớn đang tập trung cho tuyến đầu chống dịch. Tuy nhiên, tỷ lệ các trọng bệnh khác vẫn không thay đổi, làm gia tăng áp lực chưa từng có cho đội ngũ y bác sĩ. Do đó, cùng với các tính năng hỗ trợ chẩn đoán tổn thương trên phổi qua ảnh X-quang và CT lồng ngực, chúng tôi cũng đẩy nhanh việc phát triển, thử nghiệm và triển khai ứng dụng AI phát hiện các bệnh lý về gan, vú, cột sống. Không chỉ ứng phó cấp bách trong đại dịch, chúng tôi kỳ vọng giải quyết những bài toán dài hạn cho ngành y tế Việt Nam”.

Được sự đầu tư bài bản của Tập đoàn Vingroup, với mục tiêu xây dựng hệ thống y tế thông minh, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và cải thiện sức khỏe cho người Việt trong tương lai, VinBigdata không chỉ tập trung phát triển giải pháp VinDr, mà còn nỗ lực hoàn thiện và chia sẻ dữ liệu, công cụ y tế.

Chỉ trong nửa đầu năm 2021, VinBigdata đã tiên phong chia sẻ bộ dữ liệu 18.000 ảnh X-quang lồng ngực đã được dán nhãn, thông qua việc tổ chức cuộc thi toàn cầu về ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh. Bên cạnh đó, VinDr Lab (phần mềm mã nguồn mở đầu tiên cho phép quản lý, phân công dán nhãn cho các bộ dữ liệu y tế quy mô lớn) cũng được VinBigdata ra mắt trên nền tảng Github (một dịch vụ cung cấp kho lưu trữ mã nguồn). Hiện VinDr Lab đã hỗ trợ tính năng dán nhãn cho ảnh X-quang. Các tính năng cho ảnh chụp cắt lớp và cộng hưởng từ đang được phát triển, dự kiến cũng sẽ được chia sẻ trong tương lai gần.

Bên cạnh đó, dự án đã và đang triển khai việc mở cổng chia sẻ dữ liệu ảnh y tế cho cộng đồng thông qua đường dẫn: https://lab.vindr.ai với ba nhóm dữ liệu đầu tiên bao gồm X-quang lồng ngực, X-quang cột sống và cung xương sườn.

Người truy cập có thể xem các hình ảnh đã dán nhãn từ các bộ dữ liệu, từ đó có thể kiểm chứng được chất lượng hình ảnh cũng như độ tin cậy của bộ nhãn dữ liệu. Đồng thời nền tảng VinDr Lab cũng cho phép người dùng gửi yêu cầu tạo tài khoản để tải lên dữ liệu hình ảnh y tế, trực tiếp thử nghiệm các tính năng dán nhãn và quản lý dữ liệu. Người dùng cũng có thể đóng góp phản hồi nâng cao chất lượng phần mềm. Bước đi mới này nhằm hướng tới mục tiêu quy chuẩn hóa việc chia sẻ dữ liệu và lan tỏa giá trị cho cộng đồng nghiên cứu lĩnh vực Xử lý ảnh y tế nói riêng và cộng đồng khoa học nói chung.

Trung tâm Xử lý ảnh Y tế (Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigdata – Tập đoàn Vingroup) đã dành nhiều giải thưởng quốc tế uy tín trong thời gian qua như: đứng đầu cuộc thi phát hiện bất thường trên ảnh nội soi EndoCV - hội thảo ISBI, Top 3 cuộc thi phát hiện chứng tắc mạch phổi trên ảnh CT do Hiệp hội điện quang Bắc Mỹ (RSNA) tổ chức, đứng số 1 cuộc thi CheXpert chẩn đoán 13 mặt bệnh và dấu hiệu trên X-quang phổi do đại học Stanford tổ chức.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng AI để giải bài toán y tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO