Chuyển đổi số

Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế: Tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam

Ngọc Diệp 13/09/2024 06:15

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang là xu hướng nổi bật trong mọi lĩnh vực toàn cầu và lĩnh vực y tế cũng không ngoại lệ.

Nhờ sức mạnh to lớn của công nghệ AI, rất nhiều ứng dụng AI trong y tế đã ra đời, mở ra những cánh cửa mới cho sự phát triển của các phương pháp chẩn đoán và điều trị cá nhân hóa, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh và giảm tải gánh nặng cho các bệnh viện.

Tại Hội thảo "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong Y tế: Tiềm năng và cơ hội”, các diễn giả đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ về bức tranh tiềm năng cũng như cơ hội, thách thức, để cùng nhau xây dựng những bước tiến mới trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào y tế, thúc đẩy sự đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

phauthuat.jpeg
Ảnh minh hoạ (Nguồn: baochinhphu.vn).

Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế: Bước đột phá trong chăm sóc sức khoẻ

Chia sẻ tại hội thảo diễn ra chiều ngày 11/9, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Thư ký Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Bất cứ ai trong chúng ta không thể tránh khỏi việc phải đến bệnh viện ít nhất một lần trong đời. Chính vì thế, khi phát triển công nghệ nói chung và ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế, chúng tôi không chỉ đứng từ góc độ của người làm công nghệ mà còn đặt mình vào vị trí của những người trực tiếp thụ hưởng. Điều này càng thúc đẩy chúng tôi mong đợi những thành tựu và giải pháp mới, giúp cải thiện trải nghiệm y tế và sức khỏe cộng đồng".

Sự hiện diện của AI đang mở ra những tiềm năng chưa từng có trong lĩnh vực y tế. AI đang thay đổi cách chúng ta chẩn đoán và điều trị bệnh, mang lại trải nghiệm y tế nhanh chóng, chính xác và toàn diện hơn.

Theo bà Hồ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Khối công nghệ Y tế, TMA Innovation, các ứng dụng AI phổ biến trong lĩnh vực y tế hiện nay đó là: Tự động hóa hoạt động bệnh viện và dịch vụ y tế; quản lý hồ sơ bệnh án (phân tích, dự báo); tầm soát ung thư từ kết quả xét nghiệm; OCR - nhận dạng tài liệu (đơn thuốc, xét nghiệm, hóa đơn...); hỗ trợ chẩn đoán (chẩn đoán hình ảnh, triệu chứng) và trợ lý sức khỏe ảo nhằm hỗ trợ bệnh nhân.

52f4206a9cc93b9762d8.jpg
Bà Hồ Thị Hoàng Yến trình bày về xu hướng công nghệ AI trong bức tranh y tế thông minh toàn cầu.

Đặc biệt, trong lĩnh vực chẩn đoán ung thư, AI đã mang lại những lợi ích vượt trội. Cụ thể, AI nâng cao độ chính xác do có khả năng phân tích hàng triệu dữ liệu chỉ trong thời gian ngắn, giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh mà con người có thể bỏ qua.

AI có tốc độ phân tích nhanh, giúp rút ngắn đáng kể thời gian đánh giá các mẫu bệnh phẩm, thúc đẩy quá trình chẩn đoán nhanh chóng, cho phép bắt đầu điều trị sớm hơn. Mặt khác, nhờ AI, các bác sĩ có thể xác định phương pháp điều trị tối ưu nhất cho từng bệnh nhân dựa trên đặc điểm di truyền và phân tử của khối u, đem lại hy vọng mới trong cuộc chiến chống lại ung thư.

Chia sẻ thêm về xu hướng ứng dụng AI trong ngành y tế thế giới, bà Hồ Thị Hoàng Yến cho biết AI được nghiên cứu ứng dụng trong: Nghiên cứu/thử nghiệm thuốc, nghiên cứu y khoa; cá nhân hóa chăm sóc sức khỏe; robot y học và tư vấn sức khỏe/trợ lý cho bác sĩ.

Việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế ngày một sâu rộng, hứa hẹn mang lại những kết quả tích cực trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là ở các khu vực khó tiếp cận như nông thôn hay vùng sâu vùng xa của các nước đang và phát triển. Điều này không chỉ giải quyết vấn đề khan hiếm bác sĩ mà còn thúc đẩy sự đổi mới trong ngành y tế.

Cơ hội và thách thức khi ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam

Tại Việt Nam, một số bệnh viện đã bắt đầu triển khai các hệ thống AI để hỗ trợ chẩn đoán ung thư như hệ thống phân tích hình ảnh y tế tự động để phát hiện và đánh giá các khối u, giúp các bác sĩ có thêm dữ liệu chính xác để đưa ra quyết định điều trị.

Bên cạnh đó, các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam như Ðại học Bách khoa Hà Nội, Ðại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cũng đang tích cực nghiên cứu và phát triển các ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh y tế, nhất là trong lĩnh vực ung thư…

Theo bà Hồ Thị Hoàng Yến, những cơ hội cho việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam đó là Việt Nam có nguồn lực CNTT lớn với chi phí thấp. Mặt khác, Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển mình, số hóa. Đây là thời điểm rất tốt để xây dựng AI từ đầu.

Bên cạnh đó là nhu cầu ứng dụng công nghệ để giảm chi phí và tăng hiệu quả dịch vụ y tế. Cuối cùng là các ứng dụng AI của nước ngoài vào Việt Nam chưa áp dụng ngay được, cần thử nghiệm lại trước khi áp dụng rộng rãi. Chính vì vậy, ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế đang được xem là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế và nâng cao sức khỏe của cộng đồng.

3c7e53e0ef43481d1152.jpg
Ban tổ chức và các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo.

Tuy nhiên, thực tế việc ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế còn gặp nhiều thách thức. Các rào cản bao gồm thiếu dữ liệu (nhiều dữ liệu chưa số hóa, thiếu chuẩn, chưa có dữ liệu tập trung...), hạ tầng CNTT chưa hoàn thiện, chưa có nhiều giải pháp AI cho ngành y tế tại Việt Nam, chỉ mới áp dụng các giải pháp cơ bản (OCR, camera thông minh, chẩn đoàn hình ảnh...). Ngoài ra, việc chấp nhận công nghệ mới trong cộng đồng y tế còn chậm do thiếu hành lang pháp lý rõ ràng và đào tạo cần thiết cho các bác sĩ.

Theo Giám đốc Khối công nghệ Y tế của TMA Innovation, trong bối cảnh cách mạng công nghệ số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, việc áp dụng các công nghệ mới như AI vào lĩnh vực y tế không chỉ là xu hướng mà rất cần thiết để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, tăng cường tiện ích và tiếp cận dịch vụ y tế, giảm chi phí y tế.

Ðể thúc đẩy ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế, bà Hồ Thị Hoàng Yến cho rằng cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như: Gắn chương trình AI vào Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Gắn chiến lược dữ liệu với chiến lược AI và đẩy mạnh ứng dụng cục bộ (các phần đã được số hóa, có dữ liệu)./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • Cần chính sách khuyến khích, ưu đãi vượt trội phát triển công nghiệp công nghệ số
    Trong phiên thảo luận về dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sáng 30/11, nhiều đại biểu cho rằng, để công nghiệp công nghệ số phát triển, cần có những cơ chế khuyến khích, ưu đãi có tính vượt trội, có trọng tâm, trọng điểm - vừa phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, đảm bảo tính khả thi - vừa thực sự góp phần tạo sự đột phá so với công nghệ thông tin.
  • Đưa món phở trứ danh bước vào thế giới của thời đại số
    Phở Hà Nội - món ăn quen thuộc của nhiều người, vinh dự nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nay đã được ứng dụng công nghệ số, đem lại trải nghiệm thú vị cho người dân trong khuôn khổ Chương trình "Phở số Hà Thành 2024".
  • Masan 2024: Tích cực với mảng cốt lõi tiêu dùng bán lẻ
    Năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam, mặc dù được đánh giá tốc độ phục hồi không quá nhanh nhưng thị trường tiêu dùng bán lẻ đã bước đầu có những tín hiệu khả quan và dự báo có tiềm năng bứt phá hơn trong thời gian tới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp luôn đứng trước những thử thách buộc phải có nhiều chiến lược, sản phẩm để có thể giữ đà tăng trưởng tiêu dùng, nâng cao chất lượng và thu hút người tiêu dùng. Trong đó, Tập đoàn Masan nổi bật với những chiến lược và mục tiêu kinh doanh đặt người tiêu dùng làm trọng tâm.
  • Cao Bằng: Tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng
    Vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành Văn bản số 3251/UBND-VX về việc tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng và bảo vệ bí mật nhà nước trên không gian mạng.
  • An Giang tối ưu hóa quy trình sản xuất nông nghiệp nhờ chuyển đổi số mạnh mẽ
    Trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, tỉnh An Giang đã tiên phong trong việc áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng AI trong lĩnh vực y tế: Tiềm năng và cơ hội cho Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO