Ứng dụng AI trong quản trị và số hóa dữ liệu

Bảo Thoa| 03/12/2021 08:54
Theo dõi ICTVietnam trên

Với sự phát triển của công nghệ, quá trình số hóa chính phủ đã trở nên dễ dàng hơn. Nhưng số lượng dữ liệu phi cấu trúc mà các cơ quan nắm giữ vẫn là một rào cản lớn trong việc quản lý và sử dụng dữ liệu hiệu quả. Trí tuệ nhân tạo (AI) có thể là câu trả lời cho bài toán này.

Bất chấp nhiều năm đầu tư vào các giải pháp lưu trữ và phân tích tốt hơn, nhiều tổ chức, đặc biệt là các chính phủ, vẫn gặp khó khăn trong khâu sử dụng dữ liệu. Thông thường, các tổ chức có rất nhiều “dữ liệu tối” - dữ liệu chưa được khám phá, chưa sử dụng hết hoặc chưa được khai thác. Ngay cả khi các tổ chức này đã hoàn toàn chấp nhận số hóa, chẳng hạn như chuyển đổi tất cả các biểu mẫu từ giấy tờ sang điện tử, một trong những thách thức đối với các cơ quan chính phủ là phần lớn dữ liệu có giá trị của họ bị mắc kẹt trong các tài liệu, như hợp đồng, hóa đơn, chính sách và họ không có cách nào lấy những dữ liệu này ra và sử dụng hiệu quả.

Thực tế, từ lâu các cơ quan chính phủ đã phải tìm nhiều cách nhằm sử dụng các dữ liệu phi cấu trúc. Thông thường, các đơn vị giải quyết vấn đề này bằng hai cách, và cả hai cách đó đều có những thiếu sót nghiêm trọng.

Một tùy chọn là trích xuất thủ công dữ liệu từ các tài liệu điện tử truyền thống, chẳng hạn như PDF, tệp Word hoặc tài liệu HTML. Đối với dữ liệu có cấu trúc, chẳng hạn như số tiền nợ trên hóa đơn, việc này có thể đơn giản và tự động. Nhưng đối với dữ liệu phi cấu trúc, câu chuyện phức tạp hơn. 

Ví dụ, một hóa đơn có thể bao gồm mô tả về các dịch vụ được cung cấp. Để xử lý thông tin này, người quản lý dự án phải xem xét và xác minh xem các dịch vụ có phù hợp với công việc theo hợp đồng đã được phê duyệt hay không và mô tả công việc được thực hiện. Điều này có thể liên quan đến việc xem xét nhiều tài liệu khác, tất cả đều liên quan đến dữ liệu phi cấu trúc và có thể cần đến các kỹ năng chuyên môn của các nhân viên chính phủ chuyên trách, chẳng hạn như luật sư hoặc quan chức mua sắm.

Tùy chọn thứ hai là sử dụng tài liệu có cấu trúc - tài liệu điện tử trong đó các phần tử khác nhau của tài liệu có gắn nhãn. Phương pháp phổ biến nhất sẽ là sử dụng một tiêu chuẩn như XML. Trong XML, người tạo tài liệu có thể sử dụng lược đồ xác định các phần tử trong tài liệu, kiểu dữ liệu của các phần tử đó và bất kỳ giá trị mặc định hoặc thuộc tính nào của các phần tử dữ liệu đó. 

Thật không may, nhiều kỹ sư phần mềm nhận thấy, việc tạo ra các tài liệu có cấu trúc “nói dễ hơn làm”. Quá trình này có thể mất thời gian và mang tính kỹ thuật, và các thay đổi đối với lược đồ phải được giám sát và xác nhận chặt chẽ, nếu không, mọi thứ đều vô nghĩa.

Tuy nhiên, AI đang tạo ra một lựa chọn mới cho các tổ chức để có thể sử dụng dữ liệu tốt hơn. Sử dụng xử lý ngôn ngữ tự nhiên, học sâu và các phương pháp khác, AI có thể giúp nhận dạng và phân loại dữ liệu trong tài liệu, sau đó đánh dấu dữ liệu đó để tạo tài liệu có cấu trúc. Ví dụ, NASA và Quỹ Khoa học Quốc gia đã hợp tác với công ty khởi nghiệp AI Docugami để khám phá cách sử dụng công nghệ tự động quét, cấu trúc và phân loại tài liệu.

Một lần nữa, thách thức không chỉ là trích xuất dữ liệu từ tài liệu mà còn lấy dữ liệu và siêu dữ liệu từ chúng để tạo ra ý nghĩa sao cho thông tin có thể được hiểu theo ngữ cảnh. Sử dụng AI có thể giúp giải quyết vấn đề này. 

Người sáng lập Docugami lưu ý rằng giải pháp ứng dụng AI tập trung vào việc hiểu không chỉ “dữ liệu lớn” mà còn cả “dữ liệu nhỏ”. Ví dụ, nếu các nhà phân tích đang tìm kiếm hàng nghìn tài liệu y tế phi cấu trúc có từ “penicillin”, họ có thể phân biệt giữa những trường hợp thuốc được liệt kê liên quan đến dị ứng và những trường hợp được liệt kê dưới dạng kê đơn. Đối với các cơ quan chính phủ, điều này cũng mở ra những khả năng mới vì nhiều dữ liệu ngữ nghĩa hơn có thể giúp một cơ quan không chỉ quản lý tốt hơn nhiều loại tài liệu, chẳng hạn như hóa đơn, hợp đồng và đề xuất, mà cuối cùng còn sử dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề, bằng cách sử dụng dữ liệu.

Không những thế, tận dụng các khả năng của AI trong quản trị có thể giúp đưa ra các chính sách tốt hơn và dự đoán các thách thức sớm hơn. Nhằm ứng dụng AI vào chính phủ số, mới đây, đơn vị quản lý điện tử quốc gia (NeGD) thuộc Bộ Điện tử và CNTT (MeitY) của Ấn Độ, đã tổ chức một cuộc đối thoại AI, để thảo luận về tầm quan trọng của quản trị dữ liệu dựa trên AI. 

Phiên thảo luận đã có sự tham gia của các diễn giả đến từ các nền tảng khác nhau, mang lại những thông tin hữu ích cho các quan chức chính phủ, những người đam mê AI, các học viên AI, thanh niên và những người muốn hiểu các khía cạnh triển khai của AI. Sự kiện cho thấy sự quan tâm của chính phủ Ấn Độ đối với việc ứng dụng AI trong quản trị dữ liệu. Các tham luận viên nổi tiếng đã nói về tầm quan trọng của việc sử dụng đúng dữ liệu và cách các chính phủ trên thế giới đã sử dụng AI để đưa ra các chính sách thận trọng.

Trang GovTech cho rằng các cơ quan chính phủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm trước mắt để số hóa hoàn toàn, trước khi những công nghệ mới này mang lại giá trị đáng kể đối với họ. Nhưng những công cụ này cho thấy tiềm năng của các công nghệ dẫn đầu và những khả năng mới khi AI tiếp tục thâm nhập vào chính phủ./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng AI trong quản trị và số hóa dữ liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO