Truyền thông

Ứng dụng AI trong tòa soạn báo

Nguyễn Khải 13/12/2024 14:33

Trí tuệ nhân tạo (AI) đã có những bước tiến vô cùng lớn trong khoảng 2 năm qua. Các công nghệ AI vừa mang lại cơ hội, vừa là mối đe dọa đối với ngành báo chí. Trong vài thập kỷ qua, các cơ quan báo chí trên thế giới trải qua nhiều khó khăn vì nguồn thu quảng cáo và đặt mua báo in suy giảm. Các công nghệ AI, nếu được ứng dụng và triển khai sớm để tranh thủ tối đa sức mạnh, có thể có tác động tích cực giúp các cơ quan báo chí phát triển bền vững.

Có thể khẳng định AI là một công cụ giúp giải phóng sức lao động của con người trong thời đại 4.0 tương tự như máy móc đã làm cách đây vài trăm năm với thời đại cách mạng công nghiệp. Sử dụng AI đang dần trở thành một xu hướng trong nhiều lĩnh vực của đời sống và báo chí-truyền thông cũng không phải là ngoại lệ. Dẫu vậy cũng như nhiều công cụ khác, AI cũng đòi hỏi người sử dụng có kiến thức và kỹ năng nhất định nếu muốn phát huy hết khả năng của nó. Dù AI đã và đang dần có những khả năng vượt trội, nhưng con người và đặc biệt là các nhà báo không nên “sợ hãi” và cũng không nên chối bỏ hay thần thánh hoá công nghệ này.

ai-va-bao-chi.png
Ảnh minh họa

AI hỗ trợ trong quy trình sản xuất tin tức

AI đã có mặt trong nhiều khía cạnh của quy trình báo chí, từ tự động hóa thu thập dữ liệu, hỗ trợ phân tích thông tin, đến biên tập và thậm chí sản xuất các bản tin cơ bản.

Các công nghệ như Natural Language Processing (NLP) cho phép tự động hóa quá trình viết các tin tức đơn giản như báo cáo tài chính, kết quả thể thao và dự báo thời tiết. Điều này giúp các phóng viên có thêm thời gian tập trung vào các chủ đề phức tạp hơn.

Theo Nghiên cứu sinh Vũ Đình Hoàng Anh Tuấn - ĐH Nhân Dân Trung Quốc, Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật ĐH Quốc gia Hà Nội, trước đây, nhà báo, phóng viên (PV) có thể được coi là trung tâm của quá trình sản xuất tin tức, nhưng điều này có thể thay đổi khi ChatGPT xuất hiện.

Từ khi ra mắt vào năm 2022, ChatGPT đã nhanh chóng trở thành một công cụ hàng đầu trong lĩnh vực xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Công nghệ AI có thể khiến cho phương thức sản xuất tin tức cũng bắt đầu có những sự thay đổi sâu sắc. ChatGPT không chỉ có thể tạo nội dung về các chủ đề cụ thể mà còn có khả năng lập kế hoạch lựa chọn chủ đề, viết dàn ý và giải thích chủ đề với số lượng lớn và có vẻ “rất chân thực”.

ChatGPT có khả năng tổng hợp và sản xuất nội dung một cách nhanh chóng, giúp các cơ quan báo chí truyền thông giảm thiểu thời gian từ khi thu thập thông tin đến khi phát hành tin tức. Trong bối cảnh thông tin liên tục cập nhật, khả năng này giúp báo chí cạnh tranh được với tốc độ của mạng xã hội và các nguồn tin tức trực tuyến khác.

Việc áp dụng ChatGPT vào quá trình sản xuất tin tức có thể giảm bớt chi phí lao động và tăng hiệu quả trong quản lý nội dung. AI có thể giúp tự động hóa một số quy trình làm việc, như tìm kiếm và tổng hợp thông tin, dịch thuật tin tức sang các ngôn ngữ khác, hoặc thậm chí tạo ra bản nháp đầu tiên của bài viết, giảm thiểu thời gian và công sức của con người.

Nhiều cơ quan báo chí lớn như Bloomberg và Associated Press đã sử dụng AI trong quy trình sản xuất tin tức để tiết kiệm chi phí và tăng năng suất​.

Ứng dụng AI trong cá nhân hóa nội dung

AI được nghiên cứu và đưa vào thử nghiệm, ứng dụng trong hoạt động của báo chí truyền thông ngày càng nhiều, từ việc tự động hóa quá trình sản xuất nội dung, phân phối thông tin, đến việc sử dụng thuật toán để cá nhân hóa thông tin. Không quá khi nhận định rằng AI đang thay đổi cách thức mà thông tin được tạo ra, truyền tải và tiếp nhận.

AI cũng giúp cá nhân hóa trải nghiệm người dùng thông qua các thuật toán đề xuất. Bằng cách phân tích hành vi người dùng và sử dụng dữ liệu lớn, các nền tảng tin tức có thể đề xuất các nội dung phù hợp với sở thích và mối quan tâm của người dùng. Điều này không chỉ tăng cường sự tương tác và sự hài lòng của độc giả mà còn giúp tối ưu hóa việc phân phối nội dung, đảm bảo rằng độc giả nhận được tin tức phù hợp và hấp dẫn nhất với họ.

Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều thách thức, như nguy cơ tạo ra “bong bóng thông tin” khi người dùng chỉ nhận được các nội dung trùng lặp và hạn chế sự đa dạng về quan điểm​.

Thách thức và lo ngại về tính trung thực và độ tin cậy của AI

Việc ứng dụng AI cũng gặp phải nhiều lo ngại về độ tin cậy và tính minh bạch của tin tức. Theo Reuters, người dùng bày tỏ lo ngại về khả năng AI sẽ làm tăng nguy cơ tin giả và thiên lệch trong việc sản xuất nội dung, đặc biệt là khi AI tham gia vào các chủ đề nhạy cảm như chính trị và xã hội. Ví dụ, AI có thể vô tình hoặc cố ý phát tán thông tin sai lệch, và khi công chúng không nhận ra sự khác biệt giữa tin tức do con người và máy móc tạo ra, lòng tin của họ vào báo chí có thể bị giảm sút.​

Số liệu khảo sát của Reuter cho thấy: Trên tất cả các quốc gia, hiện chỉ có một số ít cảm thấy thoải mái khi sử dụng tin tức do con người tạo ra với sự trợ giúp của AI (36%) và một tỷ lệ thậm chí còn nhỏ hơn cảm thấy thoải mái khi sử dụng tin tức chủ yếu do AI tạo ra với sự giám sát của con người (19%).

Những người có nhận thức cao hơn về AI có xu hướng cảm thấy thoải mái hơn tương đối với việc sử dụng AI trong báo chí. Mặc dù vẫn còn rất thấp, nhưng sự thoải mái khi sử dụng tin tức chủ yếu do AI tạo ra cao gấp đôi ở những người đã thấy hoặc nghe nhiều hơn về AI (26%) so với những người đã thấy ít hơn (13%). Ta cũng thấy khoảng cách tương tự với trả lời câu hỏi về sự thoải mái khi sử dụng tin tức chủ yếu do một nhà báo con người tạo ra với một số trợ giúp từ AI (45% so với 30%).

Công nghệ số và AI đang tạo ra một làn sóng thay đổi trong báo chí hiện đại. Sự chuyển đổi sang các nền tảng kỹ thuật số không chỉ làm thay đổi cách thức sản xuất và tiêu thụ tin tức mà còn đặt ra những thách thức mới về tính minh bạch, sự trung thực và độ tin cậy của nội dung.

Một số chuyên gia cũng khẳng định, hiện chưa phổ biến các công cụ kiểm chứng tính xác thực thông tin AI đưa ra. Trong khi đó, cũng không có nhiều công cụ phân biệt đâu là nội dung do con người làm, đâu là do AI tạo ra. Điều này đặt ra vấn đề quy tắc minh bạch trong báo chí và truyền thông về các sản phẩm do AI sáng tạo. Không chỉ có vậy, do chưa hoàn thiện, nhiều công cụ AI khi không hay biết về sự vật sự việc được hỏi có xu hướng bịa đặt ra kết quả sai lệch tới người dùng.

Trong tương lai, việc áp dụng AI một cách có kiểm soát, minh bạch và đảm bảo tính toàn vẹn của tin tức sẽ là những yếu tố quan trọng giúp ngành báo chí duy trì lòng tin từ công chúng. Những thành tựu của cuộc Cách mạng 4.0, nhất là trí tuệ nhân tạo, những ứng dụng của công nghệ số đang đặt ra nhiều vấn đề mới trong hoạt động của báo chí truyền thống, vừa tạo ra nhiều cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức mà báo chí truyền thống cần giải quyết để từ đó có thích ứng linh hoạt, tiếp tục phát triển./.

Bài liên quan
Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng AI trong tòa soạn báo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO