Ứng dụng chatbot để giảm thiểu bạo lực gia đình

Ngọc Diệp| 28/01/2022 06:19
Theo dõi ICTVietnam trên

Theo thống kê của một số tổ chức tư vấn, số lượng nạn nhân bị bạo hành, tình trạng bạo lực gia đình trong đại dịch COVID-19 có xu hướng tăng lên và nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, các công nghệ số đã được sử dụng theo những cách sáng tạo để trợ giúp các nạn nhân.

Gia tăng bạo lực gia đình mùa COVID-19 

Theo các chuyên gia xã hội học, bên cạnh những ảnh hưởng tới sản xuất, kinh doanh, dịch bệnh COVID-19 còn tác động mạnh tới mỗi gia đình. Tình trạng mất việc làm, kinh tế khó khăn hoặc những vấn đề từ ứng xử giữa cha mẹ và con… đều có thể dẫn đến bạo lực gia đình với mức tổn thương nhiều hơn so với bình thường.      

Đánh giá về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vì tác động đại dịch COVID-19 do các tổ chức Liên Hợp Quốc như UNFPA, UN Women, UNICEF thực hiện năm 2020 đã cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực. Hơn một nửa phụ nữ bị chồng/bạn tình bạo lực trong thời gian COVID-19 không chia sẻ với ai (51,8%); 27,3% báo cáo rằng có kể với anh/chị ruột, theo đó là bạn bè (24,5%) và bố mẹ đẻ (20,9%). Tỷ lệ thấp nhất là nói với lãnh đạo địa phương (4,3%), tổ hoà giải (3,6%) và lãnh đạo về tôn giáo (1,4%). Trong khi đó, các dịch vụ dành cho phụ nữ bị bạo lực còn thiếu thốn và cũng khó tiếp cận đối với phụ nữ.

Báo cáo "Tác động xã hội của đại dịch COVID-19 đối với Việt Nam và các khuyến nghị chính sách chiến lược" của Liên Hợp Quốc công bố tháng 8/2020, cho thấy dịch bệnh COVID-19 tác động toàn diện đến các khía cạnh của đời sống gia đình, từ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần, đến lao động, việc làm, thu nhập, đặc biệt là tình trạng trẻ em, trẻ vị thành niên và phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột và bạo hành cao hơn.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2021, tổng đài hỗ trợ nạn nhân bạo lực 1900 96 9680 đã tiếp nhận hơn 1.300 cuộc gọi, tăng khoảng 140% so với năm 2020, trong đó 83% các cuộc gọi liên quan đến bạo lực gia đình.

Tại Mông Cổ, nơi 58% phụ nữ đã từng bị bạo hành trong đời, thì số lượng các vụ việc này đã tăng hơn 40% vào năm 2020, khiến các dịch vụ hỗ trợ, bao gồm cả đường dây nóng khẩn cấp, đều quá tải.

Khi ngày càng có nhiều người tìm kiếm thông tin và các dịch vụ trực tuyến trong thời kỳ đại dịch, tại các khu vực thành thị và nông thôn Mông Cổ, xu hướng sử dụng Internet đã gia tăng. Đặc biệt, số người dùng Facebook tại Mông Cổ đã tăng từ 68% (tháng 1/2020) lên gần 80% (tháng 1/2021), được thúc đẩy chủ yếu bởi những người dùng có độ tuổi từ 25 - 45. Đây cũng là nhóm nhân khẩu học mà hồ sơ đường dây nóng của cảnh sát gắn thẻ là có số lượng vụ bạo lực gia đình cao nhất được báo cáo.

Một trở ngại chính trong việc tìm kiếm sự giúp đỡ đối với bạo lực gia đình là sự kỳ thị đi kèm với nó. Kết quả là các đối tượng bị tổn thương càng tự cô lập mình khỏi sự giúp đỡ. Tuy nhiên, các công cụ giao tiếp số có thể giải quyết vấn đề này và vẫn đảm bảo tính bảo mật cũng như ẩn danh.

Chatbot có thể là một giải pháp sáng tạo, tận dụng lợi thế công nghệ và cách tiếp cận trực tuyến để hỗ trợ người bị bạo lực, đảm bảo tính kịp thời và liên tục. Chúng có thể được cấu hình để cung cấp các kiến thức, thông tin xã hội và pháp luật, chỉ dẫn cơ bản để ứng phó với bạo lực. Ứng dụng có giao diện trò chuyện gần gũi như những người bạn, hỗ trợ 24/7, mang lại cơ hội tiếp cận những người có nhu cầu và trong các tình huống hạn chế về khả năng di chuyển. Chatbot hiện đang được sử dụng ở Thái Lan, Nam Phi và các nước khác.

Chatbot - phương thức mới để giải quyết bạo lực gia đình tại Mông Cổ

Ở Mông Cổ, chatbot ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) được sử dụng để hỗ trợ đàm thoại và được tích hợp sẵn các kỹ thuật học sâu. Chúng được tích hợp trong Facebook Messenger, vì vậy hiện được sử dụng phổ biến rộng rãi trong người dân.

Chatbot thường được sử dụng để hỗ trợ các dịch vụ khách hàng thông thường trên Internet, nhưng chính tính ẩn danh của nó là một tính năng quan trọng khi giúp đỡ nạn nhân bạo lực gia đình. Chatbot không đưa ra bất kỳ đánh giá cá nhân nào và không yêu cầu các cuộc trò chuyện khó chịu với người khác.

Ứng dụng chatbot để giảm thiểu bạo lực gia đình  - Ảnh 1.

Công nghệ số đang giúp đỡ các nạn nhân của bạo lực gia đình ở Mông Cổ.

Để đảm bảo tính bảo mật, các thông tin chi tiết về người dùng như tên, địa chỉ và các chi tiết nhân khẩu học khác được chatbot đặt ở chế độ ẩn danh. Mặc dù không thể truy cập dữ liệu cá nhân, nhưng module quản lý dữ liệu giúp phân tích dữ liệu người dùng tổng thể có thể cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách thông tin để phát triển các giao thức bảo vệ và phản hồi.

Chatbot có thể được lập trình để dự đoán thông tin và nhu cầu tư vấn của phụ nữ và trẻ em gái có nguy cơ bị bạo hành. Tuy nhiên, nếu không được cung cấp đủ dữ liệu liên quan và được kiểm soát về chất lượng, công cụ này cũng có thể dẫn đến sự thất vọng cho người dùng. Trong những trường hợp phản ứng khẩn cấp, lời khuyên sai thậm chí có thể làm tăng rủi ro.

Ở Mông Cổ, các chatbot được phát triển bởi một nhóm các chuyên gia về giới, pháp lý, truyền thông và công nghệ thông tin. Nhóm nghiên cứu đã xem xét dữ liệu và trò chuyện với những người sống sót sau bạo lực gia đình để cung cấp cho chatbot nội dung phong phú dưới dạng các câu hỏi thường gặp như: Những người sống sót phải chuẩn bị gì? Các lựa chọn pháp lý của họ là gì? Điều gì xảy ra với gia đình họ khi họ yêu cầu giúp đỡ?

Quá trình này đang được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ. Các chatbot nhận ra hầu hết các câu hỏi, tuy nhiên vẫn còn một số lượng nhỏ câu hỏi mà chỉ các nhân viên tư vấn trực tiếp mới giải đáp được.

Tuy nhiên, công nghệ này đã được chứng minh là một cứu cánh cho những người sống sót sau bạo lực gia đình. Một người dùng đã sử dụng chatbot để giải cứu cô ấy khỏi mối quan hệ lạm dụng kéo dài 9 năm. Chatbot đã cung cấp cho cô ấy thông tin về thời điểm nên rời đi, những gì cần mang theo và cách liên hệ với các dịch vụ tư vấn và khẩn cấp. Cô và 4 người con của mình đã đến nơi trú ẩn an toàn trong làn sóng COVID-19 bùng phát mạnh. Cô ấy đã lựa chọn chatbot bởi vì nó ẩn danh, nhưng lại dễ dàng truy cập thông qua mạng xã hội.

Trong bước tiếp theo, các chatbot ở Mông Cổ đang tích hợp tính năng nhắn tin văn bản (SMS) để tiếp cận người dân ở các vùng nông thôn và không có Internet.

Việc sử dụng các công nghệ số như chatbot đang được chứng minh là một công cụ bổ sung hiệu quả mà các quốc gia có thể sử dụng trong nỗ lực giải quyết bạo lực gia đình và tăng cường khả năng tiếp cận thông tin cũng như các dịch vụ tư vấn và trợ giúp khẩn cấp cho những đối tượng có nguy cơ bị bạo hành./.

Nổi bật Tạp chí Thông tin & Truyền thông
  • 5G và những thay đổi toàn diện trong xây dựng thành phố thông minh
    Với tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, băng thông rộng và kết nối mật độ cực lớn, 5G là hạ tầng cốt lõi hỗ trợ toàn diện cho sự đổi mới và phát triển của thành phố thông minh trên tất cả các lĩnh vực, tác động tích cực vào công tác xây dựng và quản lý thành phố, tạo ra một môi trường sống tiện nghi, bền vững và an toàn hơn bao giờ hết.
  • ĐMST mở xã hội mang lại cho 90% doanh nghiệp cơ hội tạo giá trị kinh doanh bền vững
    Theo bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện MSD, hơn 90% các doanh nghiệp cho rằng đổi mới sáng tạo (ĐMST) mở xã hội mang lại cho doanh nghiệp cơ hội tạo ra giá trị kinh doanh bền vững, tác động tích cực đến xã hội và môi trường.
  • ‏FPT đẩy mạnh phát triển giải pháp low-code tại thị trường Hàn Quốc‏
    ‏Mới đây, FPT vừa ký kết thỏa thuận hợp tác ba năm với OutSystems, chính thức trở thành đối tác phân phối và triển khai tại thị trường Hàn Quốc, đảm bảo thời gian ra mắt phần mềm của khách hàng được rút ngắn và tối ưu chi phí.
  • Người giữ bình yên nơi vùng cao
    Huyện Sơn Động là huyện vùng cao của tỉnh Bắc Giang, có tỷ lệ người dân tộc thiểu số (DTTS) cao nhất tỉnh, chiếm 56,92%, với địa hình rừng núi, giao thông đi lại khó khăn, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đa dạng chính vì vậy công tác đảm bảo an ninh trật tự ở các bản làng luôn là nhiệm vụ được các cấp ủy Đảng quan tâm. Do đó, đội ngũ già làng, trưởng bản, người uy tín luôn là đội ngũ nòng cốt góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, giữ gìn an ninh trật tự xã hội trong cộng đồng.
  • Tuyên Quang: Kiên trì phương châm “mưa dầm thấm lâu” để nâng cao kiến thức pháp luật cho đồng bào vùng DTTS&MN
    Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, góp phần giúp các kiến thức pháp luật về mọi mặt của đời sống ngày một đến gần hơn với người dân (đặc biệt là vùng đồng bào DTTS&MN).
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng chatbot để giảm thiểu bạo lực gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO