Cụ thể, nghiên cứu cho thấy 80% công ty bảo hiểm sử dụng mô hình dự đoán để phát hiện gian lận, tăng từ 55% vào năm 2018.
Trong một hạng mục mới của cuộc khảo sát năm 2021, nghiên cứu cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của phần mềm xác minh danh tính. Phân tích danh tính đang nhanh chóng trở thành công nghệ cần phải có đối với các công ty bảo hiểm trong bối cảnh các vụ lừa đảo độc hại tăng vọt đáng báo động, tăng 600% kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Gian lận bảo hiểm gây ra thiệt hại hơn 80 tỷ USD mỗi năm chỉ tính riêng ở Mỹ. Những kẻ lừa đảo đang sử dụng các âm mưu, phần mềm độc hại và thậm chí cả các câu đố, ứng dụng trắc nghiệm trên mạng xã hội để lấy cắp thông tin cá nhân nhạy cảm từ những người tiêu dùng không có sự nghi ngờ.
Dữ liệu sinh lợi sau đó được bán trên web đen (dark web) cho các mục đích bất chính, chẳng hạn như đánh cắp danh tính truyền thống hoặc tạo ID tổng hợp bằng cách sử dụng các dữ liệu hỗn hợp đã lấy được từ các cuộc tấn công. Sau đó, những kẻ lừa đảo có thể sử dụng danh tính đã đánh cắp để yêu cầu bồi thường tiền mặt hoặc thu tiền hoa hồng các công ty bảo hiểm từ việc bán các hợp đồng giả mạo.
David Hartley, Giám đốc Giải pháp Bảo hiểm tại SAS cho biết: "Những thay đổi mà chúng tôi đã nhận thấy kể từ nghiên cứu năm 2018 nhấn mạnh các công nghệ tinh vi là cần thiết để giúp ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo của những kẻ gian lận bảo hiểm".
"Những phát hiện trong nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng, ngay cả khi COVID-19 thúc đẩy tình trạng gian lận tràn lan, các công ty bảo hiểm đã và đang nhanh chóng mở rộng khả năng phân tích tiên tiến của họ để chống lại các mối đe dọa cũng đang thay đổi nhanh chóng", David Hartley chia sẻ.
Xu hướng công nghệ chống gian lận bảo hiểm
Công nghệ chống gian lận đang phát triển mạnh mẽ. Một nghiên cứu mới nhất dựa trên một cuộc khảo sát gồm 20 câu hỏi được gửi tới 100 thành viên Liên minh vào tháng 10/2021 với đa số những người khảo sát làm việc trong các công ty bảo hiểm đã xác định các công nghệ chống gian lận được sử dụng nhiều nhất của các công ty bảo hiểm.
Cụ thể, gắn cờ đỏ tự động (88%), mô hình dự đoán (80%), khả năng báo cáo (64%), báo cáo ngoại lệ (51%) và trực quan hóa dữ liệu/phân tích liên kết (51%).
Bên cạnh những công nghệ trên, các công ty bảo hiểm cũng đang đa dạng hóa các nguồn dữ liệu. Ngoài việc dựa vào dữ liệu nội bộ của riêng họ, các công ty đang chuyển sang danh sách theo dõi gian lận trong ngành (88%), hồ sơ công khai (79%), trình tổng hợp dữ liệu của bên thứ ba (55%), dữ liệu mạng xã hội (48%) và dữ liệu từ thiết bị cá nhân (15%). Đáng chú ý, việc sử dụng dữ liệu phi cấu trúc đã tăng vọt từ chỉ dưới 50% năm 2018 lên 81% vào năm 2021.
Công nghệ phân tích hình ảnh cũng đang được ưu tiên sử dụng (tăng từ 49% năm 2018 lên 81% năm 2021) để xác thực thiệt hại yêu cầu bồi thường, xác định hình ảnh bị thay đổi bởi các biện pháp kỹ thuật số và chỉ số hình ảnh được gửi trong các yêu cầu bồi thường khác.
Dave Rioux, Đồng Chủ tịch của Liên minh và Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu cho biết: "Việc nắm bắt những xu hướng công nghệ này theo thời gian cho phép chúng tôi hiểu cách các công ty bảo hiểm sử dụng công nghệ chống gian lận và hiện đang ở mức độ nào".
Ông Dave Rioux nhấn mạnh thêm, nghiên cứu này cũng cung cấp những hiểu biết quan trọng về các trường hợp sử dụng công nghệ mới nổi và những thách thức phổ biến, giúp toàn ngành Bảo hiểm nhận biết được các công nghệ nào đang tỏ ra hiệu quả nhất để chống lại các cuộc tấn công gian lận chưa từng có này.
Tội phạm vẫn đang tận dụng tối đa ưu thế các công nghệ tiên tiến trên quy mô lớn để đánh cắp thông tin cá nhân và cướp đoạt hàng tỷ USD từ các công ty bảo hiểm mỗi năm. Việc áp dụng rộng rãi hơn các công nghệ mới nổi và đầu tư sâu hơn vào khả năng chống gian lận do con người và máy móc hỗ trợ sẽ giúp xoay chuyển làn sóng gian lận tràn ngập thị trường bảo hiểm./.