Giải pháp ngắn hạn
Đã có nhiều giải pháp được đưa ra để ngành thể thao vẫn có thể kiếm được tiền trong thời điểm vẫn diễn ra giãn cách, phong tỏa. Chẳng hạn, ở một số trận đấu thể thao ở Mỹ, ban tổ chức đã bán vé cho khán giả và đổi lại khán giả được thấy hình của mình in và cắt ra trên bìa carton và được đặt vào một vị trí thực trên khán đài, và may mắn thì có thể thấy hình ảnh của mình lướt qua trên tivi khi phát hình trận đấu.
Một sáng kiến khác là ban tổ chức kết hợp với Microsoft phát triển ứng dụng sắp xếp để khách có thể ngồi một cách ảo trên khán đài, sử dụng "Together Mode" để cùng 300 người khác cùng hò hét cổ vũ đội nhà. Nút "Tap to Cheer" trong app của ban tổ chức cũng cho phép fan ở khắp nơi cổ vũ đội mình ưa thích.
Ngoài ra, ngành thể thao Mỹ cũng đã nỗ lực làm fan thêm quan tâm, gắn bó hơn với các môn thể thao thông qua sự hợp tác nở rộ giữa các phương tiện media, giải đấu, và đội thi đấu với các công ty kinh doanh cá cược hợp pháp. Đây có thể nói là một mũi tên trúng hai đích - ngành thể thao vừa có thêm thu nhập được chia sẻ bởi các công ty cá cược, vừa có thêm nhiều fan.
Những ví dụ về trải nghiệm ảo trên là những bước khởi đầu trong ngành thể thao vốn chậm chạp chuyển mình trong cuộc chuyển đổi số (CĐS), bởi thường không có mấy dịch vụ số đi kèm cho khán giả đến xem thi đấu tại sân vận động trong mấy thập kỷ nay, ngoài những dịch vụ như vé điện tử hay đặt đồ ăn uống qua app tại chỗ ngồi ở khán đài.
Giải pháp dài hạn
Dẫu vậy, những giải pháp trên có thể chỉ là tạm thời trong lúc vẫn còn dịch và giãn cách xã hội, cấm tập trung đông người. Sau khi dịch đi qua, một bộ phận khán giả phải chuyển sang xem qua tivi, máy tính hay smartphone thì nay có thể quay trở lại sân vận động để xem trực tiếp các trận thi đấu.
Dẫu vậy, kể cả mọi thứ được bình thường hóa sau đại dịch thì ngành thể thao lại tiếp tục đối mặt với một thực tế xảy ra từ vài năm nay cho đến trước đại dịch. Đó là số lượng khán giả đến xem thi đấu đã bắt đầu giảm mạnh bởi nhiều trong số họ đã chuyển qua xem livestream. Các nền tảng xã hội như Facebook, Twitter và YouTube có công nghệ, phạm vi vươn tới khách hàng và tiền để giành quyền phát sóng cho các trận đấu và sau đó streaming ra toàn cầu dựa vào nền tảng của mình.
Do đó, cần có những giải pháp CĐS dài hạn để ngành thể thao tiếp tục kiếm tiền một cách bền vững hơn thời hậu đại dịch.
Trước tiên, với những khán giả thích xem livestream thì các nhà tổ chức thể thao cần phối hợp một cách chiến lược với các phương tiện media để qua đó nối kết trực tiếp với fan. Một cách có thể làm là nhà tổ chức phối hợp với media để thống nhất về nội dung sẽ phát trên toàn bộ các kênh, nhờ đó có thể lồng ghép các cơ hội marketing theo thời gian thực.
Để tăng thêm trải nghiệm và tính hấp dẫn xem livestream, các bên liên quan cần tích hợp các công nghệ Thực tế ảo (VR) và Thực tế tăng cường (AR) trong nội dung truyền đến cho khách hàng. Kinh nghiệm cho thấy các đơn vị phát sóng, làm chương trình nào cung cấp trải nghiệm xem choáng ngợp với VR và AR thì sẽ thêm khả năng chiếm lĩnh thị trường phát sóng thể thao.
Kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) cũng sẽ giúp tăng tính hấp dẫn cho các chương trình thể thao trực tuyến. Chẳng hạn, AI giúp chọn lựa nhanh chóng camera thích hợp trên sân vận động cho nội dung thích hợp, và điều này sẽ làm tăng mức độ hài lòng và trải nghiệm của fan.
Ban tổ chức có thể ứng dụng các app như Intel Sports True View để khán giả có thể xem trận đấu từ mọi góc độ mọi thứ như bóng, trọng tài, hay thậm chí là một cầu thủ cụ thể nào đó, với sự hỗ trợ của hàng chục camera đặt trên sân vận động.
Fan cũng có thể tương tác trực tiếp với vận động viên mình yêu thích thông qua các nền tảng media, qua đó fan có thể hiểu rõ hơn về cuộc sống, hành trình và trạng thái tình cảm của vận động viên một cách chân thực nhất mà các phương tiện media truyền thống không thể tạo ra được. Tất nhiên là các nội dung tương tác này luôn được gắn kèm quảng cáo, tạo thu nhập cho ban tổ chức.
Giải pháp dài hạn thứ hai là dựa trên thực tế fan ngày càng tương tác nhiều với media, thể hiện qua các số liệu về lượt đăng ký nghe phát thanh, xem tivi và sử dụng app. Điều này, kết hợp với thực tế là fan cũng càng ngày càng sẵn lòng chấp nhận các quảng cáo nhắm đến đối tượng cá nhân hóa như họ, sẽ tạo ra nhiều cơ hội để quảng cáo (khảo sát cho thấy các quảng cáo hướng đến đối tượng cụ thể, có mối quan tâm cụ thể sẽ có hiệu quả hơn nhiều so với quảng cáo chung đến mọi đối tượng).
Phân tích dữ liệu số cho phép hiểu rõ hơn điều gì làm fan hứng thú, tạo điều kiện cho nhà tài trợ chọn ra được loại hình quảng cáo và cách thức tiếp cận phù hợp nhất cho mỗi cá nhân fan. Các công cụ số cũng cho phép nhà tài trợ có thêm thông tin về fan, từ đó có thể chọn thời điểm, nội dung, và thông điệp chuyển tải riêng sao cho đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ ba là, trong một thế giới ngày càng bị chi phối bởi dữ liệu lớn thì các tổ chức thể thao có thể khai thác dữ liệu về fan để hiểu rõ hơn về thói quen, sở thích, và phân khúc nhân khẩu học của họ để có thêm cơ hội tăng thu nhập thông qua tiếp cận fan một cách sáng tạo, ví dụ như cộng thêm dịch vụ mới vào các chương trình bán hàng hiện tại. Họ cũng có thể sử dụng dữ liệu để cải thiện các hoạt động kinh doanh cốt lõi của mình, xây dựng và củng cố quan hệ đối tác và thậm chí là phát triển các mô hình kinh doanh hoàn toàn mới.
Nhưng có một cách kiếm tiền dễ dàng khác là bán dữ liệu người xem vô danh cho bên thứ ba, trao đổi thông tin/dữ liệu chia sẻ trong các tiện ích chia sẻ, bán dữ liệu ID của thiết bị và người dùng trên các sàn giao dịch quảng cáo (Ad Exchange)...
Hàm ý cho Việt Nam
Một điều khá may mắn cho Việt Nam là cho đến nay các trận thi đấu thể thao trong nước, nhất là bóng đá, ít bị hủy hay hoãn vì dịch so với nhiều nước trên thế giới. Vì vậy, động lực tìm cách kiếm tiền thay thế tiền bán vé và tài trợ trong các trận thi đấu có lẽ vì vậy cũng không thật sự quá lớn như những nước khác.
Nhưng tình hình sẽ có thể khác khi dịch tiếp tục kéo dài chưa biết điểm dừng. Bởi vậy, các nhà tổ chức, các bên liên quan đến kinh doanh thể thao cần phối hợp ứng dụng một số giải pháp số phù hợp mà một số trong đó được nêu bên trên. Đồng thời, cũng cần biến dịch bệnh thành một cơ hội để biến chuyển đổi số thành một xu hướng ngày càng mạnh mẽ bù đắp cho xu hướng có thể xảy ra của việc khán giả đến xem trực tiếp tại nơi thi đấu sẽ giảm đi sau đại dịch như ở nước ngoài, một phần có thể vì lý do an toàn sức khỏe.
Việc khai thác và phân tích dữ liệu người xem vô danh cũng cần được đánh giá đúng tầm quan trọng và outsourcing cho các doanh nghiệp chuyên nghiệp, nếu cần, để có được những kết quả, tư vấn và giải pháp hữu ích hướng đến tối đa hóa doanh thu và lợi nhuận.
Việc chia sẻ, trao đổi và mua bán dữ liệu và các nền tảng trao đổi, giao dịch cũng cần được xem xét để hợp pháp hóa và có chế tài pháp luật phù hợp để các ngành và doanh nghiệp trong và liên quan đến ngành thể thao có thể tối ưu hóa nguồn dữ liệu quý giá của mình.
Tương tự như vậy là các hình thức cá cược thể thao trong nước, cho đến nay phần lớn vẫn chưa được hợp pháp hóa (Nghị định 06/2017/NĐ-CP mới chỉ cho phép đặt cược đua ngựa, chó, và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế). Có thể có một số quan ngại nào đó từ phía các nhà làm luật, nhưng đã đến lúc cũng cần phải xem xét mở cửa và hợp pháp hóa ngành cá cược cho nhiều môn thể thao trong nước, một khi đã mở cửa cho cá cược cho thể thao ở nước ngoài.
Tài liệu tham khảo:
https://www.forbes.com/sites/danielnewman/2020/10/15/how-the-pandemic-is-fueling-the-digital-transformation-of-sports/?sh=58fd4bed5e22
https://www2.deloitte.com/us/en/pages/technology-media-and-telecommunications/articles/digital-transformation-and-future-changes-in-sports-industry.html\
https://www.sbibarcelona.com/newsdetails/index/378
https://www.thedigitaltransformationpeople.com/channels/strategy-and-innovation/how-to-monetize-sports-digital-transformation/