Nâng cao năng suất chất lượng là mục tiêu sống còn
Thực tế cho thấy, muốn tồn tại và phát triển lâu dài, việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường là yếu tố then chốt của doanh nghiệp (DN). Các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; các hệ thống quản lý chất lượng, công cụ cải tiến năng suất từ Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020" đã tạo tiền đề vững chắc giúp cộng đồng DN nâng cao năng suất, chất lượng.
Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của DN Việt Nam đến năm 2020", gần 12.000 tiêu chuẩn quốc gia đã được hoàn thiện theo hướng hài hòa tiêu chuẩn quốc tế với tỷ lệ lên đến 60%. Cùng với đó, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia với 800 quy chuẩn đã trở thành công cụ quan trọng của hoạt động quản lý nhà nước.
Nhờ đó, hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng đã không ngừng được lan tỏa. Nhiều DN đã giảm thiểu lãng phí trong quá trình sản xuất; tiết kiệm chi phí về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất. Từ đó, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, từng bước khẳng định thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước.
Có thể nói, sự hỗ trợ từ Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng của Chính phủ đã giúp cộng đồng DN không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế trên thương trường.
Lấy DN làm trọng tâm
Nhiều năm qua các hỗ trợ của Chính phủ đã giúp DN tạo lập các nền tảng quan trọng cho triển khai hoạt động nâng cao năng suát chất lượng sản phẩm hàng hóa tại Việt Nam.
Thành quả quan trọng nhất đó là các DN Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ. Các chương trình cải tiến năng suất chất lượng đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong quá trình xây dựng và phát triển của DN. Nhiều hệ thống quản lý như ISO 9001, SA 8000, ISO 14000, GMP, HACCP và các công cụ cải tiến 5S, Kaizen, Lean… đã dần quen thuộc với các DN Việt Nam.
Nhằm tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ hoạt động này, Chương trình quốc gia hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu hỗ trợ DN nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến …
Mục tiêu trong giai đoạn 2021-2030, số DN được hỗ trợ các giải pháp nâng cao NSCL hàng năm tăng từ 10-15%, trong đó, số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và số giấy chứng nhận Hệ thống quản lý môi trường ISO 14001 cấp cho DN tăng ít nhất 10% so với giai đoạn 2011-2020; có ít nhất 100 DN được hướng dẫn áp dụng đồng bộ các giải pháp nâng cao NSCL, trở thành mô hình điểm để chia sẻ, nhân rộng trên toàn quốc.
Sáu yếu tố quan trọng
Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xem là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của DN. Để giúp các DN nâng cao năng suất, các chuyên gia đã chỉ ra 6 yếu tố quan trọng nhất:
Một là, quản lý thượng nguồn: Mục đích của quản lý chất lượng là đảm bảo chất lượng của sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ) khi đưa đến tay khách hàng. Vì vậy, đối tượng của quản lý chất lượng chính là chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm được tạo ra qua nhiều công đoạn nên đối tượng quản lý trực tiếp chính là tất cả các công đoạn tạo ra sản phẩm.
Hai là, trong quản lý chất lượng, suy nghĩ "dùng dữ liệu để thể hiện đồ vật" luôn được coi trọng. Vì thế, trước khi tiến hành lấy dữ liệu, DN cần làm rõ mục đích và phải lấy dữ liệu phù hợp với mục đích đã đưa ra ban đầu. Trong quản lý chất lượng có hai loại dữ liệu thường được sử dụng là dữ liệu số và dữ liệu ngôn ngữ. Do dữ liệu số thể hiện được rõ ràng cũng như khách quan hiện thực nên thường được sử dụng trong các phương pháp phân tích.
Ba là, QCD+PSME. Đây chính là 7 yếu tố chủ yếu trong công xưởng sản xuất, cũng là các yếu tố được nhiều công ty lựa chọn để quản lý. Cụ thể:
Chất lượng (Q: Quality): độ thoả mãn khách hàng, số lượng phàn nàn, tỷ lệ lỗi, tỷ lệ sửa chữa, số lượng thay đổi thiết kế sản phẩm…
Chi phí (C: Cost): Chi phí tổn thất cơ hội, tỷ lệ hoạt động của thiết bị, công làm lại, lượng tồn kho, kinh phí…
Kì hạn (D: Delivery): Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch sản xuất, tỷ lệ giao hàng đúng hạn, số lần trễ hạn, thời gian đỗi mã hàng…
Tính sản xuất (P: Productivity): năng lực sản xuất, thời gian đổi mã hàng, thời gian chạy máy…
An toàn (S: Safety): số lượng thiết bị có gắn thiết bị an toàn, quản lý vệ sinh, quản lý an toàn…
Tính kỷ luật (M: Morale): Tỷ lệ đi làm, số lượng đề án kaizen, kế hoạch đa năng hoá, kế hoạch lấy chứng chỉ nghề…
Môi trường (E: Environment): Vệ sinh công xưởng, xây dựng môi trường dễ làm việc, những yếu tố khác liên quan đến môi trường.
Bốn là, tập trung vào trọng điểm. Nếu chỉ tập trung vào những vấn đề đơn giản nhìn thấy ngay thì sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Thay vào đó, xếp những vấn đề khó nhưng có ảnh hướng lớn tới kết quả vào vị trí ưu tiên cao, rồi tiến hành giải quyết lần lượt từ trên xuống dưới.
Năm là, quản lý dựa trên sự thực. Chính là những việc xảy ra trong thực tế hay những việc đang xảy ra ở hiện tại. Trong quản lý chất lượng, suy nghĩ và phán đoán nên dựa trên sự thực, tránh những suy nghĩ cảm tính, chủ quan.
Sáu là, trực quan hoá. Điều này được định nghĩa là phương pháp biểu thị các loại thông tin một cách trực quan thông qua việc sử dụng biểu đồ hoặc đồ thị nhằm mục đích chia sẻ thông tin để sớm phát hiện cũng như giải quyết vấn đề. Trực quan hoá được kì vọng mang lại những hiệu quả như: Sớm phát hiện và giải quyết vấn đề; Công khai, chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy hoạt động kaizen một cách tự giác; Hiện thực hoá vấn đề để đưa ra phương án chống tái phát./.
Sự hỗ trợ từ Chương trình quốc gia nâng cao năng suất, chất lượng của Chính phủ đã giúp cộng đồng DN không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa; từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh và từng bước khẳng định vị thế trên thương trường.